LỄ KỶ NIỆM 210 NĂM QUỐC HIỆU VIỆT NAM


                                  Cửa Ngọ Môn tại kinh thành Huế - biểu tượng của nhà Nguyễn                                                      
Ngày 19 - 01- 2014, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và hội đồng trị sự Nguyễn Phúc tộc tổ chức lễ giỗ lần thứ 195 của vua Gia Long (1763 – 1820) và kỷ niệm 210 năm quốc hiệu Việt Nam. Buổi lễ được tổ chức trang trọng tại Thế Tổ miếu – Hoàng thành Huế , lãnh đạo tỉnh Thừa thiên – Huế, nhiều nhân sĩ , trí thức cùng đông đảo bà con dòng họ Nguyễn Phúc đã đến dự. Tại lễ kỷ niệm này Tiến sĩ Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế - trong lời phát biểu của mình ông cho rằng : “ … dưới thời của Vua Gia Long , lãnh thổ của nước Việt Nam rộng lớn nhất, trải dài từ biên giới Trung Hoa đến vịnh Thái Lan, gồm cả quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Đặc biệt dưới thời Gia Long, quốc hiệu Việt Nam lần đầu tiên được chính thức sử dụng vào năm 1804 …” ông cho rằng “ Tên nước Việt Nam đã có từ thời Lê và thời các chúa Nguyễn, song đến thời Gia Long – năm 1804, vị Vua này đã đặt quốc hiệu Việt Nam, có nghĩa đã 210 năm cái tên Việt Nam được đặt và xác lập chính thức !”.

Trên đây là toàn văn một mẩu tin ngắn tôi tình cờ đọc được trên báo Tuổi trẻ số ra ngày Thứ hai , 20 -1-2014 ( số 20/2014 (7489) ). Theo dòng thời sự thì đây là một mẩu tin ngắn bình thường như bao mẩu tin khác, nó cũng có thể là lạc lõng giữa hàng vạn mẩu tin trên hàng ngàn tờ báo hình và báo giấy khác nhau đang lưu hành trên đất nước này. Nhưng với rất nhiều người thì đây là một tin mừng, nó có thể là một sự đổi thay trong nhận thức của nhiều thế hệ trước đây, là sự công nhận bước đầu của một sự thật lịch sử và trả lại sự công bằng cho lịch sử; nhằm đáp lại sự trông chờ mấy mươi năm của quãng đại quần chúng - nhất là những người yêu lịch sử nước Việt .

Tôi chỉ là một kẻ hậu sinh, khi tôi sinh ra (1960) thì chế độ quân chủ chỉ còn là một dĩ vãng, tôi chỉ biết “chế độ phong kiến lạc hậu” qua những trang sách của tuổi học trò và những thành quách, đền đài cung điện đổ nát ở quê tôi. Tôi cũng được nghe những truyền thống văn hóa của quê hương - nơi xưa kia là chốn Kinh Kỳ, qua lời kể của cha và lời ru ngọt ngào của mẹ vào những buổi trưa hè. Xứ Huế quê tôi với những làn điệu Nam Ai - Nam Bình, những câu ca Huế đã đi vào lòng những người con xứ Huế đang tha hương. Lớn lên một chút tôi cũng như mọi người dân xứ Huế cũng phải sống trong bom rơi đạn rớt, với những tan hoang của làng xóm và một phần không nhỏ người dân của xứ Huế buộc phải tha hương.
Sau khi hòa bình lập lại tôi vẫn đang còn là một cậu học sinh cấp III, tôi vẫn hàng ngày cắp sách tới trường, vẫn phải nghe thầy cô lên án "chế độ phong kiến lạc hậu” và sự " thối nát, bán nước” của triều Nguyễn. Trong đầu óc ngây thơ của một đứa học trò tôi nghỉ rằng các Chúa Nguyễn và các Vua nhà Nguyễn phải mang một trọng tội gì đó ghê gớm lắm với dân tộc với đất nước mới bị lên án như vậy ? 
Trong các môn học dưới mái trường phổ thông, môn mà tôi thích nhất là môn Lịch sử, tôi có thể đọc ngấu nghiến mọi cuốn sách, các bài viết, các mẩu tin viết về sử ở mọi lúc mọi nơi và cuối cùng cũng đã tích lũy được một số kiến thức về lịch sử dân tộc và lịch sử một số nước. Tôi cũng có được may mắn là được học sử qua những người thầy của hai chính thể khác nhau, qua họ tôi cũng tiếp thu được cách đánh giá lịch sử khác nhau theo quan điểm của chính thể mà họ đang được trả lương. Qua thời gian tôi cũng nhận biết được phần nào sự thật của lịch sử. Tôi cũng đã đọc và nghiên cứu khá nhiều sách, các công trình nghiên cứu, các luận văn của các sử gia nước ngoài với nhiều chính kiến khác nhau, viết về lịch sử cận đại Việt Nam và công cuộc mở mang bờ cỏi về phía Nam của ông cha ta vào thế kỷ XVII - XVIII. Nhưng tôi chỉ là một người viết báo-viết văn bình thường, không màng thế sự, không phán xét ai, không buộc mọi người phải làm theo ý mình và không làm gì ảnh hưởng đến hòa bình của thế giới này.

Như chúng ta đã biết, nhà Nguyễn bắt đầu dựng nghiệp ở đất phương Nam từ vị Chúa đầu tiên là Chúa Tiên – tức Nguyễn Hoàng. Sau khi cha ông là Nguyễn Kim mất, ông từ bỏ trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay), xin vua Lê vào trấn thủ vùng Thuận Hóa lần đầu - chỉ với mục đích duy nhất là tránh sự truy sát của người anh rể Trịnh Kiểm - năm 1558, khi ông chỉ mới 34 tuổi. Lần thứ ba cũng là lần cuối ông vào Thuận Hóa là vào năm 1600 - khi ông đã 76 tuổi - là một cuộc chạy trốn thực sự nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Trịnh Tùng ; thì cương thổ của nước Việt chúng ta chỉ mới giới hạn là từ đèo Cù Mông thuộc ranh giới hai tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay trở ra phía Bắc. Ông và các đời Chúa Nguyễn cũng như các đời Vua Nguyễn tiếp theo đã mở mang bờ cõi cho đến tận Hà tiên ngày nay.

Lãnh thổ nước Việt hoàn chỉnh như ngày nay với những vựa lúa thẳng cánh cò bay ở Nam bộ từ đâu mà có ? Sài gòn hoa lệ " hòn ngọc viễn đông" nơi đóng góp 1/3 GDP của Việt Nam hiện nay, duyên hải Nam Trung bộ với những thành phố du lịch nổi tiếng Nha Trang , Phan Thiết ...Vùng Tây Nguyên với những cánh rừng cà phê bạt ngàn, đông Nam bộ với những đồn điền cao su thẳng tắp với một màu xanh ngắt - chắc không phải từ trên trời rơi xuống ? Xin thưa rằng - nếu không có triều Nguyễn thì nó mãi mãi là những vùng đất của các nước láng giềng Chăm Pa, Chân Lạp. Tôi cũng biết công lao này không phải của một mình của các Vua Chúa Nhà Nguyễn mà là máu xương của hàng ngàn hàng vạn người dân nước Việt đã đổ ra để có được lãnh thổ nước Việt hoàn chỉnh như ngày hôm nay. Nhưng công đầu là của những người đứng đầu đất nước dưới thời Quân Chủ lúc ấy.

Sự thật lịch sử này đã được GS . Trần Quốc Vượng khẳng định từ năm 1987 trên một bài viết được đăng trên tạp chí Sông Hương số 25 – 06/ 1987 (Giáo sư là một trong Tứ trụ của sử học Việt Nam đương đại : Lâm , Lê, Tấn, Vượng ) , rằng : “ Có thời Nguyễn, chúng ta mới có một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay...” . Góp phần nhận thức về vai trò lịch sử của nhà Nguyễn (1802 – 1945), GS. Trần Thanh Đạm - Báo Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh số 41 ngày 30 tháng 10 năm 2008 , trích: - " Nhiều tư liệu đã có hoặc mới phát hiện đã chứng minh rằng trong nửa thế kỷ XIX, đối với đất nước Việt Nam, nhà Nguyễn đã làm được không ít việc, và nhiều việc có thể được gọi là những thành tựu. Ví dụ: đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, dù rằng việc này được khởi đầu từ phong trào Tây Sơn song việc thống nhất đang còn dở dang, thậm chí cuối thời Tây Sơn cũng đang có nguy cơ phân liệt. Chính Nguyễn Ánh đã hoàn thành công việc dở dang này, hoàn thành sự nghiệp thống nhất, kết thúc tình trạng đất nước chia hai, quy giang sơn về một mối.”

Về nguyên nhân mất nước có những ý kiến khác nhau về trách nhiệm của các vua nhà Nguyễn đối với việc Việt Nam mất vào tay người Pháp :

- Có nhiều ý kiến “ với xu hướng quy trách nhiệm hoàn toàn cho các vua Nguyễn đối với việc mất nước rằng Nguyễn Ánh đã "cõng rắn cắn gà nhà" và Tự Đức "bán rẻ đất nước" cho thực dân ".

- Về phía Pháp, sử gia Gosselin nói rằng “các hoàng đế An Nam phải chịu trách nhiệm về sự đổ vỡ và xuống dốc của đất nước họ. Dân xứ này, quan lại, binh lính xứng đáng có được những người cầm đầu có giá trị hơn thế. Chính quyền họ đã mù quáng vì không dự liệu, không chuẩn bị gì hết.”

- Nhưng chính các nhà sử học đương đại nhận định rằng “ Việt Nam mất vào tay thực dân Pháp là một tất yếu lịch sử, hoặc ít ra cũng do trình độ dân trí Việt Nam quá thấp kém so với người Pháp " ( Phạm Văn Sơn - Việt Sử tân biên). Hoặc " Kết cục của triều Nguyễn có thể gọi là sự đầu hàng để mất nước. Nhưng đừng quá lời coi đó là sự bán nước vì không thể không nói đến gần 20 năm phản kháng chống xâm lược không chỉ của dân chúng mà cả triều đình. Những cuộc chiến đấu dũng mãnh của quan quân triều đình cùng nhân dân trên cửa biển Sơn Trà, trên thành Điện Hải, của quân dân Nam Bộ trên chiến lũy Kỳ Hoà, trên cổng thành Cửa Bắc Hà Nội với cái chết anh hùng của hai vị Tổng đốc thành Hà Nội là Nguyễn Tri Phương và Hoàng Diệu là bằng chứng...”(Dương Trung Quốc).
Giáo Sư. Phan Huy Lê – Chủ tịch hội khoa học lịch sử, đánh giá : “ Kết luận trước đây cho rằng Tự Đức bạc nhược đầu hàng, phản bội dân tộc là chưa thỏa đáng, chưa khách quan. Ông và triều Nguyễn đã tìm mọi cách bảo vệ đất nước và cũng là bảo vệ vương triều đến cùng, nhưng do năng lực và nhãn quan chính trị nên không đề ra được đối sách đúng để giành thắng lợi trước một thế lực xâm lược hoàn toàn mới, mà lịch sử trước đây chưa để lại kinh nghiệm.Trong cả khu vực Đông Nam Á và Đông Á, tất cả các quốc gia đều mất nước, hoặc thành thuộc địa, hoặc thành nửa thuộc địa. Chỉ riêng Nhật Bản và Thái Lan giữ được độc lập... Nhật Bản thời Minh Trị thực hiện cuộc cải cách lớn, nhưng tình hình kinh tế xã hội của Nhật có khác các nước phương Đông, bắt đầu từ thế kỷ XVII khi đóng cửa với bên ngoài nhưng bên trong phát triển kinh tế rất mạnh, tạo lập những tiền đề cho cuộc cải cách. Thái Lan thì có cách ứng xử rất khôn ngoan, tận dụng được vị thế vùng đệm nằm giữa 2 thế lực đế quốc rất mạnh, Anh ở phía Ấn Độ, Pháp ở phía Đông Dương, lợi dụng được mâu thuẫn và cạnh tranh gay gắt này để duy trì thế độc lập tương đối..." .

- Trong cuộc hội thảo quốc gia năm 2008 về "Chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong lịch sử Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX ”, Giáo sư Phan Huy Lê cho rằng " sự phê phán, lên án đến mức độ gần như phủ định mọi thành tựu của thời kỳ các chúa Nguyễn và triều Nguyễn trước đây là quá bất công, thiếu khách quan, nhất là khi đưa vào nội dung Sách giáo khoa phổ thông để phổ cập trong lớp trẻ và xã hội... các nhà sử học dĩ nhiên có trách nhiệm của mình trong vận dụng phương pháp luận sử học chưa được khách quan, trung thực.” 
Hiện nay, theo giáo sư Phan Huy Lê, "cần thiết phải khẳng định công lao của các chúa Nguyễn và vương triều Nguyễn trong việc mở mang bờ cõi, thống nhất đất nước, phát triển giáo dục, văn hóa. Những gì được coi là “tội” của các vua chúa Nguyễn cũng phải được xem xét lại cho thật công bằng ”.

- GS. Trần Quốc Vượng trong bài viết nói trên ngay từ năm 1987 đã cho rằng “ Tôi không thích nhà làm sử cứ theo ý chủ quan của mình, và từ chỗ đứng của thời đại mình mà chửi tràn chửi lấp toàn bộ nhà Nguyễn cho sướng miệng và ra vẻ có lập trường. Có thời nhà Nguyễn chúng ta mới có một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày nay ”. Tôi cũng đồng ý với nhà thơ Nguyễn Duy khi anh cho rằng :" Cho đến bây giờ, nhiều người biết rằng nhà Nguyễn có công lớn đối với nước nhà, nhưng không hiểu tại sao và từ lúc nào, lại bị biến dạng, bị hạ thấp một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hoá." .
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, " ở giai đoạn cao trào của việc " đả thực bài phong ", khi ông được trung ương phân công chỉ đạo việc biên soạn bộ sách lịch sử do Ủy ban Khoa học Xã hội chủ trì - đả phá quyết liệt các chúa Nguyễn và triều Nguyễn, ông cũng đã nhắc nhở những người tham gia biên soạn bộ sử ấy rằng, rồi “đến lúc nào đó ” phải đánh giá lại chính những quan điểm của bộ sử này về các chúa Nguyễn và triều Nguyễn " .

Đọc đến đây chắc quý vị cũng như tôi sẽ thắc mắc , tại sao các nhà sử học lại phải méo mó lịch sử và phải đợi " đến lúc nào đó" để đánh giá lại chính quan điểm của chính bộ sử mà mình tham gia biên soạn. Thì ngay sau đây tôi xin phép được trích dẫn ý kiến của chính các nhà sử học đó :

- Theo nhà sử học Dương Trung Quốc thì bởi " Bối cảnh chính trị của cuộc cách mạng “phản đế - phản phong” cùng lập trường đấu tranh giai cấp và cải tạo xã hội chủ nghĩa , đã kéo dài sự đánh giá một sắc màu tiêu cực về nhà Nguyễn...". Ông cũng cho rằng " Sử học là một khoa học, nhưng nó cũng không thể không mang màu sắc chính trị." và " Trong nhận thức ấy, xin đừng trách nền sử học một thời đã từng lên án nhà Nguyễn với những đánh giá mà ngày nay ta thấy thiếu sự công bằng."

- Giáo sư Phan Huy Lê cũng cho rằng " sau Cách mạng tháng Tám - 1945 cho đến 1975, trong thời kỳ chiến tranh, công việc nghiên cứu nói chung có bị hạn chế, số lượng công trình nghiên cứu không nhiều. Và cơ bản nhất là đã xuất hiện một khuynh hướng phê phán gay gắt các chúa Nguyễn, đặc biệt là vương triều Nguyễn: chia cắt đất nước, cầu viện ngoại bang, đầu hàng thực dân xâm lược... Thời kỳ nhà Nguyễn bị đánh giá là thời kỳ chuyên chế phản động nhất trong lịch sử phong kiến Việt Nam.

Khuynh hướng đó gần như trở thành quan điểm chính thống trong biên soạn sách giáo khoa đại học và phổ thông." và giai đoạn này " là thời kỳ mà nền sử học Mácxít đang hình thành nên sự ấu trĩ, giáo điều, công thức buổi đầu là không tránh khỏi. Không chỉ nhà Nguyễn mà nhà Mạc, nhà Hồ cũng chịu cái nhìn thiếu khách quan, công bằng tương tự...".

Và cũng chính vì sự " ấu trĩ, giáo điều" một thời, như sự nhìn nhận trên đây của vị Giáo sư Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam mà Hoàng thành Huế và các khu lăng tẩm của các triều Vua Nguyễn ở Huế. Sau một thời gian dài là nạn nhân của bom đạn chiến tranh, của thiên tai lũ lụt, tiếp tục là nạn nhân của nhân tai và bị bỏ phế thành phế tích hàng chục năm sau ngày đất nước thống nhất ? Những người dân xứ Huế ngậm ngùi đứng nhìn những thành quách, những khu lăng tẩm kỳ vĩ, những lầu đài cung điện vang bóng một thời trở thành những đống đổ nát ! 
Chỉ đến khi ánh sáng của đổi mới soi rọi trên vùng đất cố đô, thì những thắng tích, những thành tựu của tổ tiên hàng trăm năm về trước mới được tôn vinh và được phục hồi, thế hệ chúng ta phải mò mẩn tìm lại những tinh hoa của tổ tiên sau thời gian dài bị gián đoạn. Và cũng chỉ là những gì còn lại trong đống phế tích mà thế giới đã phải kính phục gọi nó là kỳ quan của thế giới . 

Vào ngày 11 tháng 12 năm 1993 tổ chức UNESCO đã công nhận Quần thể di tích cố đô Huế là Di sản Văn Hóa thế giới - đây là một sự ghi nhận xứng đáng của thế giới cho công lao của Triều Nguyễn. Không lâu sau đó Nhã nhạc cung đình Huế đã được UNESCO công nhận là " Kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại " , vào năm 2003. Theo đánh giá của UNESCO, "trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, chỉ có Nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia". Cố đô đã lấy lại được một phần sắc khí của một thời rực rỡ, làm ấm lòng những người con xứ Huế đang tha hương .

Hiện nay mỗi khi về với Huế, khi quan sát thấy hàng triệu du khách đến tham quan Huế mỗi năm, thấy họ say sưa với những điệu hò câu ca trên sông Hương, thấy tao nhân mặc khách với đủ các màu da đang thơ thẩn trong Hoàng thành, thấy các đôi trai gái người nước ngoài nằm nghỉ trưa trong bãi cỏ ở Đại Nội, thấy các đoàn nghệ thuật và du khách khắp thế giới chen chúc nhau trong mỗi kỳ Festival Huế, những người dân xứ Huế chúng tôi cảm thấy tự hào. Xin được nói một lời tri ân với các bậc tiền nhân đã tạo ra vùng đất này (cũng như toàn bộ vùng đất phía Nam của đất nước), đã xây dựng và bảo vệ nó mãi mãi trong lòng nước Việt mến yêu .

Tuy nhiên, rất đáng tiếc là cho mãi tới năm 2007, một nhà sử học nổi tiếng người Họ Đinh (xin không nêu tên vì ông vừa mới mất ) trong một cuốn sách mới xuất bản của mình, cuốn Đại cương Lịch sử Việt Nam tập II , vẫn cố bảo vệ quan điểm một thời của mình, quan điểm mà như Giáo Sư Phan Huy Lê gọi là sự " ấu trĩ , giáo điều". Ông vẫn cho rằng nhà Nguyễn "là 1 nhà nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối, tập trung cao độ với 1 chế độ chính trị lạc hậu, phản động" , "Mọi chính sách chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội triều Nguyễn ban hành đều nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ đặc quyền đặc lợi cho tập đoàn phong kiến nhà Nguyễn" . Các biện pháp mộ dân đưa đến những vùng đất mới ở phía Nam để xây dựng nên những xóm làng, hay khuyến khích nhân dân khai hoang lập ấp trên những vùng đất mới của Triều Nguyễn - ông cho rằng là đều "xuất phát từ lợi ích của giai cấp thống trị ". Ông vẫn đao to búa lớn bảo vệ quan điểm một thời của mình ngay giữa thế kỷ XXI - thế kỷ của hội nhập, rằng : " Để duy trì chế độ xã hội thối nát nhằm bảo vệ đặc quyền đặc lợi, phong kiến nhà Nguyễn ra sức củng cố trật tự bằng mọi cách." , "Đối nội, chúng ra sức đàn áp khủng bố các phong trào của quần chúng " và " Đối ngoại, chúng ra sức đẩy mạnh thủ đoạn “ xâm lược” đối với các nước láng giềng như Cao Miên, Lào làm cho quân lực bị tổn thất, tài chính quốc gia và tài lực nhân dân bị khánh kiệt...Với những chính sách phản động nói trên, nước Việt Nam đã suy yếu về mọi mặt và trở thành miếng mồi ngon đối với các nước tư bản phương Tây ."

Bà con Họ Đinh xứ Huế nghĩ gì khi đọc những dòng trích dẫn trên đây của sử gia này ? Riêng đối với tôi, tôi cũng đã đọc và nghiên cứu khá nhiều cuốn chính sử của các nước, một số công trình nghiên cứu về sử, nhiều bài báo và một số luận văn Tiến sĩ về Lịch sử của các tác giả nước ngoài; kể cả đông, tây , kim , cổ . Thậm chí tìm đọc nhiều từ điển của Việt Nam và của một số nước, kể cả Bách khoa toàn thư (Wikipedia) trên Internet. Nhưng không tìm thấy ở đâu mà “một người dân của một nước” dám gọi những Vị Vua của một triều đại quân chủ của nước mình - khi các vị Vua này đã đổ biết bao công sức của Triều đại mình cùng với xương máu của muôn dân để mở mang bờ cõi đất nước; để tìm thêm không gian sống cho dân tộc mình - từ một tiểu quốc nhỏ bé trở thành một nước có diện tích trung bình như hiện nay là những “ KẺ XÂM LƯỢC ” nước khác cả ?

Tôi mong rằng khi mỗi một ai đó – nếu muốn “phán xét tổ tiên” hãy thử đặt mình vào vị thế, không gian và thời gian mà người bị mình phán xét đã sống. Bởi với vị thế và góc nhìn của một con người đang sống ở thế kỷ XXI (với chăn ấm, gối êm); mà tự cho mình cái quyền phán xét sự đúng - sai của một quá trình chinh chiến gian khổ, với không biết bao nhiêu xương máu đã đổ ra, giành giật từng tất đất để lập nước và giữ nước của tổ tiên; xuyên suốt hàng mấy trăm năm về trước với những ngôn từ nặng nề như trên là một điều phi lý ? 

Thuở còn đi học, những người thầy đã dạy tôi rằng : “Đừng nên phán xét lịch sử theo quan điểm chủ quan của cá nhân mình”. Vì “ lịch sử tùy thuộc vào góc nhìn ”. Nhưng tiếc rằng chính họ đã làm ngược lại ?
Nhưng những gì tôi cần trình bày trên đây, các sử gia đương đại đã nói nhiều và đã nói trước tôi nhiều năm. Riêng tôi do kiến thức còn hạn hẹp nên với chỉ vài dòng phân tích ngắn ngủi trên chỉ mong góp thêm một tiếng nói về một sự thật lịch sử đang dần được sáng tỏ. Nhưng với một triều đại có thời gian tồn tại hơn 300 năm (1600 - 1945) và với nhiều chính kiến khác nhau, nhiều cách đánh giá khác nhau - về các Chúa Nguyễn và triều Nguyễn trong lịch sử dân tộc - thì kiến thức của mình quả là quá nhỏ bé .
Xin cám ơn Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế và các cấp chính quyền của tỉnh Thừa thiên – Huế đã tổ chức một buổi lễ đầy ý nghĩa, buổi lễ đã ghi nhận phần nào công lao của các bật tiền nhân đã mở cõi về phương Nam tìm thêm không gian sống cho dân tộc Việt và ghi nhớ người đã đặt quốc hiệu Việt Nam . Đồng thời khẳng định đạo lý " Ăn quả nhớ kẻ trồng cây", " Uống nước nhớ nguồn" của người Việt Nam .

Về khía cạnh văn hóa một vùng miền, như đã nói ở trên triều Nguyễn đã để lại cho dân tộc một cố đô Huế thơ mộng , một vùng văn hóa đặc sắc với bốn di sản thế giới . Và để trả lại việc " ... bị biến dạng, bị hạ thấp một cách oan sai về thang bậc giá trị lịch sử và văn hoá " của miền đất các Di Sản Văn Hóa này như một số học giả phát biểu trên đây.
Trong buổi làm việc về "Bảo tồn Văn hóa và di sản Huế ", giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia (UNESCO Việt Nam ) ngày 08 - 05 - 2007 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế, đã thống nhất kết luận : - " Huế là một phức hợp các giá trị văn hóa , phức hợp các giá trị đô thị di sản, là đỉnh cao của văn hóa đô thị Việt Nam, xứng đáng là đại diện duy nhất, tiêu biểu nhất cho nền Văn hóa - Văn hiến Việt Nam thông qua hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể trên nền tảng xã hội mà Huế đang lưu giữ và tiếp tục phát triển ...". Kết luận này sau đó đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua .

Xin được mượn lời của một nhà sử học để kết thúc bài viết này “ Thì vẫn còn đó một xứ Huế với những thanh tú của sông Hương núi Ngự, những nét thanh lịch của phong cách sống ăn mặc ở, đi lại của con người thượng kinh, những giai điệu độc đáo sâu lắng, tinh tế của giọng hò điệu hát trên sông Hương... làm đối tượng cho văn học Việt Nam. Thì vẫn còn đó một xứ Huế với những tổng thể di tích kiến trúc cung đình, tôn giáo, lăng mộ, dân gian... Không đâu đầy đủ hơn và tập trung hơn, điển hình cho chúng ta cảmnhận và phân tích về VẺ ĐẸP VIỆT NAM thế kỷ XIX về một NỀN NGHỆ THUẬT VÀ MỸ THUẬT THỜI NGUYỄN CỦA VIỆT NAM.” (GS.Trần Quốc Vượng ) .

Đinh Khắc Thiện 
 20/01/2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...