Bàn cúng đất
Vùng
đất Thừa Thiên ngày nay xưa vốn là châu Ô, châu Lý(Rí) của Vương quốc Champa .
Năm 1306, hai nước Đại Việt và Champa bắt đầu kết thân với nhau. Câu chuyện bắt
đầu khi Vua Trần Nhân Tông hứa gã công chúa Huyền Trân cho vua nước Chiêm
Thành. Vua nước Chiêm là Chế Mân đã đồng ý với mối giao hảo này, ông đã lấy hai
châu Ô – Lý làm món quà sính lễ khi rước công chúa Huyền Trân về làm dâu đất
Chiêm Thành. Sau khi tiếp nhận hai châu Ô – Lý về với Đại Việt nhà Trần đã đổi
tên châu Ô thành châu Thuận và châu Rí thành châu Hóa bắt đầu công cuộc di dân vùng
trấn Sơn Nam và hai châu Hoan – Ái (tức vùng Thanh – Nghệ - Tĩnh ngày nay) vào
đây sinh sống. Những khu dân cư mới được hình thành, những xóm làng mới
được lập nên và xứ Thuận Hóa - Huế quê
tôi, đã hình thành từ đó.
Trong
những ngày đầu lập nghiệp trên vùng đất mới, cư dân Đại Việt được Thổ thần đất
đai (Thổ địa) và những cư dân bản địa, đặc biệt linh hồn những cư dân Chămpa
giúp đỡ, phù hộ. Để bày tỏ lòng tri ân, cư dân xưa bèn cúng chư vị thần linh
nên tục cúng đất xuất hiện từ đó. Cúng đất hay còn gọi là lễ “Kỳ an Thổ thần”
với quan niệm của người Việt xưa “Đất có thổ công, sông có hà bá”.
Đến nay, trải qua bảy trăm năm, tục lệ cúng đất vẫn còn
được duy trì trên vùng đất văn hóa này. Về hình thức, một mâm cúng đất ở Huế
được bố trí ở 3 bàn thượng, trung, hạ (bàn hội đồng). Ở bàn thượng chỉ có một
con gà trống luộc, gồm huyết và lòng rắc muối hạt một con dao bằng tre, cùng
một dĩa xôi trắng, phụ năm sáu chén chè; bàn trung gồm một con gà mái luộc đầy
đủ lòng và huyết cũng rắc muối hạt đặt dao tre, một dĩa xôi trắng và một số
chén chè. Tại bàn cúng này còn có 3 con cua bể, 3 quả trứng và 3 miếng thịt heo
luộc đều có rắc muối sống. Ở bàn hạ, còn gọi là bàn hội đồng, bố trí một mâm cơm
đầy đủ các thức ăn song phải có một dĩa rau tập tàng luộc (có thể thay bằng rau
khoai) với nước mắm nêm, một gắp cá nướng, loại cá nhỏ và một khay khoai sắn
luộc, một khay gạo sống muối sống, hột nổ ngũ sắc, đường đen, một nồi cháo
trắng.
Tất cả 3 bàn này
đều có hoa quả, bát hương, cây đèn, ly nước, ly rượu, dĩa cau trầu. Ngoài ra
còn có các loại vàng mã (đồ giấy), ở bàn thượng là một chiếc ngai có tàng, trên
đặt mũ phương phát, một đôi hia, và một chiếc áo vẽ rồng có đai đeo. Ở bàn
trung gồm trang phục của bà thổ, bà hỏa là 2 chiếc nón quai thao, 2 chiếc quần,
2 chiếc áo vẽ hình chim phụng, hai chiếc đãy cau trầu và hai chiếc quạt, năm bộ
chủ Ngung Man Nương, gồm 5 chiếc nón chóp nhọn và 5 bộ áo quần, năm bộ Ngũ
phương gồm 5 chiếc mũ, 5 đôi giày, 5 chiếc áo nhỏ, thập nhị Long Trạch gồm 12
chiếc áo đen. Ở bàn hạ, hội đồng, chỉ bày áo binh.
Thời gian tiến hành lễ cúng đất là tháng hai và tháng tám
âm lịch. Người tiến hành lễ cúng là gia chủ (hộ gia đình). Người được cúng là
các vị thần thành hoàng, ngũ phương, ngũ hành, thần đất, thần nhà, thần tiên sư
các nghề, thần vườn, thần quản lục súc, thần che chở của cải, thần phúc đức,
chủ đất, kho đất, thần cây gỗ, thần đường sá, thần cai quản các loại ma, núi
đồi đầm phá, thần bảo vệ đất, cha đất, con đất, cháu đất, cửa ngõ, chúa quỷ
miệng lửa và lực sĩ mặt cháy.
Đặc biệt trong lễ cúng này, chủ nhà thành tâm kính mời
linh hồn cô đơn các ma Chàm, ma Chợ, ma Mọi, ma Rợ, vì ốm đau đói khát mà chết;
ma Lồi ma Lạc có tước vị mà không có tên, có tên mà không có tước vị cùng đến
dự. Ngoài ra, bao giờ chủ nhà cũng lấy bẹ chuối làm thành một chiếc túi đựng
thức ăn, áo binh, giấy vàng bạc, treo ở cổng nhà gọi là Xà Lẹc, dành cho những
“người” qua đường.
Đối chiếu với tục lệ cúng đất ở phương Nam, chúng ta thấy
có những điểm tương đồng rất đáng được quan tâm, trước hết là thức cúng trong
lễ cúng đất Nam Bộ (cũng kèm với lễ cúng việc lề của từng dòng họ): “Mâm thứ nhất
đặt trên một cái bàn thấp gồm cá nướng trui, cháo ám; đó là mâm cúng việc lề.
Mâm thứ nhì đặt trên miếng ván lót trệt trên mặt đất, liền sát với mâm thứ
nhất, gồm có con gà quay, bánh tráng nhúng nước, bánh tráng nướng và rau sống
là mâm cúng thổ chủ, vợ chồng chủ Ngu ”
Trên mâm cúng vợ
chồng chủ đất (chủ Ngung) ở vùng Nam Trung Bộ (Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận…)
có cá khô nướng, dĩa rau luộc, cháo, mắm nêm, gà luộc nguyên con, bộ tam sên
(ba con cua hoặc tôm, một cái trứng và một miếng thịt ba rọi đều luộc chín),
xôi chè, gạo muối, đặc biệt có chiếc ghe bằng bẹ chuối, một cây cung và 5 mũi
tên… Một điểm đáng lưu ý nữa là tục cúng chủ Ngu (Ngung) ở Nam Trung Bộ giới
hạn quyền năng trong phạm vi đất vườn (thổ cư, thổ trạch), dù trong văn tự dùng
chữ tá thổ, mãi thổ hay khao thổ cũng chỉ nói đến đất vườn, không đề cập đến
ruộng. Trong khi ở Nam Bộ nội dung tín ngưỡng cúng đất lại bao gồm luôn cả
ruộng và vườn .
Điều đáng lưu ý ở đây là mặc dù có nhiều nét dị bản nhưng
từ Thuận Hóa trở về Nam nơi đâu cũng có con gà cúng thần, đây chính
là dấu ấn câu chuyện “sự tích gà gáy sáng” trong truyện cổ
Tục lệ cúng đất không có yếu tố mê tín dị đoan, mà thể
hiện tấm lòng “uống nước nhớ nguồn”, tri ân, biết ơn tổ tiên vì vậy cần bảo tồn
nếp sinh hoạt văn hóa dân gian này của Huế.
Xứ Huế quê tôi có
câu ca dao “Mẹ già lút cút lui cui; mua gà cúng đất, đất xui mẹ giàu”.
Nghe sao mà thân
thương quá ./.
ĐKT
10.2.2009
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét