Trong
dịp về dự Lễ Chạp tại quê ngoại vừa qua, khi bà con tập trung về dự lễ Chạp ,
trong lúc chờ đợi một vài người bà con có hỏi tôi về một số câu chuyện về lịch
sử vùng này; qua trao đổi có một người anh bà con bên ngoại đã có lời trách cứ
khá nhẹ nhàng, là: “Tôi viết về xứ Huế khá nhiều nhưng chưa thấy viết về quê
ngoại, phải chăng là thiếu tình cảm với vùng quê nghèo này…”. Tôi đã xin lỗi
người anh và hứa sẽ viết về quê mẹ. Tuy tư liệu về vùng quê này tôi cũng có kha
khá, nhất là tư liệu lịch sử … nhưng chọn chủ đề nào để viết cũng là rất khó.
Và bài viết nên đăng trên các báo chính thống hay các trang mạng xã hội với tôi
tuy cũng không có gì khó khăn cả, nhưng đây là một vấn đề khá tế nhị. Nhưng
căng nhất hiện nay là không có thời gian.
Tuy
nhiên bấy lâu nay tôi vốn được bà con bên ngoại khen là một đứa cháu ngoan; vì
mâm nào cũng có tôi (tức là nhà ngoại có bất cứ việc gì đều có mặt tôi), nên
không thể làm bà con phật lòng được. Nay tranh thủ giữa những giờ nghĩ viết nên
bài tự sự ngắn này, nhằm giới thiệu với mọi người về một vùng đất anh hùng –
làng Viễn Trình quê ngoại của tôi !
Quê nội của tôi và quê ngoại –
nơi mẹ tôi sinh ra và lớn lên cách
nhau một con sông Rào, với chiều dài đôi bờ là khoảng 02km; sách vở gọi là đầm Hà Trung thuộc hệ thống
đầm phá Tam giang – Cầu Hai, nhưng với chúng tôi thuở ấu thơ khi hàng ngày lội
xuống đây mò cua (ghẹ) bắt ốc thì chúng tôi chỉ gọi đơn giản là sông Rào. Đây
là một vựa tôm cá nước lợ tự nhiên rất lớn mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân quê
tôi, nhưng nó cũng vô tình ngăn cách tình cảm, ngăn cách hai thái cực của hai
ngôi làng thân thương này của chúng tôi. Quê nội (xã vinh Xuân) là một vùng quê ven biển khá
thanh bình, ít bị tác động của chiến tranh; nhưng trái lại quê ngoại (xã Phú Đa) lại là một
khu căn cứ địa cách mạng nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên trong hai cuộc kháng
chiến vừa qua.
Bản đồ hành chính huyện Phú Vang
Quê ngoại của tôi là thôn Viễn
Trình (thường gọi là làng Viễn Trình), thuộc xã Phú Đa, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Trước năm
1975 đây là một vùng quê nghèo đầy cát trắng, đây là vùng tranh chấp của hai
bên, hay thường gọi là vùng đất “ban ngày
quốc gia, ban đêm cộng sản”, thường xuyên nổ ra những trận đánh của hai
bên. Trong giai đoạn 1966 – 1975 làng quê vắng lặng, bị chiến tranh tàn phá đến
tận cùng; đa số người dân phải từ bỏ quê hương vào các tỉnh phía Nam lập nghiệp.
Làng xóm chỉ còn lại những người già sinh sống nhưng cũng đều bị lùa vào sống
trong những ấp chiến lược. Vào những năm 1973 – 1975 khi về thăm quê ngoại, thì
trước mắt tôi là một vùng cát trắng tới lóa mắt và vào buổi trưa nếu không mang
giày dép thì ta có thể bị phỏng chân khi dẫm lên cát trắng.
Ảnh vệ tinh khu vực thị trấn Phú Đa
Tuy
nhiên làng Viễn Trình là một ngôi làng có truyền thống đấu tranh cách mạng khá nổi
tiếng trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống Pháp và chống Mỹ của quân dân
tỉnh Thừa Thiên – Huế, hầu hết người dân trong làng đều tham gia hai cuộc kháng
chiến này. Cùng với các làng khác trong xã Phú Đa đã được
Nhà nước Việt Nam tuyên dương 02 lần danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân,
trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.
Sau năm 1975, vùng quê cát trắng này đã có
nhiều thay đổi, người dân lưu lạc khắp nơi đã trở về quê sinh sống, làng xóm đã
hồi sinh. Thôn Viễn Trình ngày nay, hợp với các thôn Hoà Đa Đông, Hoà Đa Tây, Trường Lưu, Đức Thái, Thanh
Lam và Lương Viện hình thành nên xã Phú Đa. Ngay sau khi huyện Phú Vang
được tái lập khi tách ra từ huyện Hương Phú, xã Phú đa được chọn làm trung tâm
hành chánh của huyện Phú Vang mới. Ngày 30 tháng 5 năm 2011, thị trấn Phú Đa được thành lập
trên cơ sở toàn bộ 2,966 ha diện tích tự nhiên và 11.988 người dân của xã Phú
Đa.
Thị trấn Phú Đa nằm ở Trung tâm huyện lỵ
Phú Vang, giữa đầm Hà
Trung và con sông Đại Giang (một chi lưu của sông Hương), cách thành phố Huế 20 km, cách quốc
lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và sân bay quốc tế Phú Bài chỉ hơn 5 km.
So
với các làng chung quanh, làng Viễn Trình được thành lập khá sớm, theo sách Địa Chí tỉnh TT- Huế cho biết làng được thành lập từ những năm đầu thế kỷ 16. Tuy
nhiên theo những nghiên cứu của tôi thì đây là
ngôi làng được thành lập từ cuộc nhập cư của
những cư dân vùng Châu Hoan, châu Ái (tức Thanh Hóa, Nghệ An ngày nay) vào Thuận
Hóa từ thời Lê – Mạc (1428-1558). Chính xác là ngôi làng
được lập nên vào thời nhà Mạc (1527-1592).
Cũng xin được điểm lại một chút về lịch sử vùng
Thuận Hóa trong giai đoạn hình
thành nên ngôi làng này :
Từ năm 1306 trở về trước Xứ Thuận
Hóa vốn là Châu Ô và Châu Rí của nước Champa (Chiêm thành), sau cuộc ra đi của Công Chúa Trần Huyền Trân về làm
dâu Champa, vùng đất này được trở về Đại Việt như là một món quà cưới của Vua
Chế Mân nước Champa – Đó là cội nguồn của xứ
Thuận Hóa, mà lúc mới trở về Đại Việt được đặt tên là Châu thuận và Châu
Hóa, tới thời nội thuộc nhà Minh được gom lại thành xứ Thuận Hóa. Xứ Thuận Hóa
là vùng đất trải dài từ tỉnh Quảng Bình cho tới huyện Điện bàn tỉnh Quảng Nam
ngày nay .
Sau khi trở về Đại Việt năm
1306, triều đình nhà Trần đã cử Quan
binh vào trấn giữ đồng thời di dân Đại Việt vào khai hoang vùng đất mới, nhân
cơ hội này cư dân vùng đồng bằng Bắc bộ, vùng trấn Sơn Nam và vùng Thanh – Nghệ
đã lũ lượt kéo nhau vào khai hoang xây dựng quê mới, thành lập nên những làng
mới, hình thành nên những dòng họ mới. Sự kiện này đã đánh dấu điểm bắt đầu của
công cuộc mở mang bờ cỏi về phương Nam kéo dài mấy trăm năm về sau của dân tộc
ta .
Riêng vùng Thuận Hóa, có bốn
cuộc nhập cư lớn. Từ năm 1306 cho tới cuộc chiến tranh cuối cùng giữa Chúa
Trịnh và Chúa Nguyễn năm 1672, các cuộc di dân lúc này chủ yếu là các cuộc di
dân từ bắc vào nam. Sau năm 1672, đất nước tạm thời bị chia cắt làm hai lấy
sông Gianh làm giới tuyến, các cuộc di dân bị gián đoạn hơn 100 năm cho
tới khi Vua Quang Trung – Nguyễn Huệ
đánh tan quân Trịnh thống nhất đất nước năm 1786, các cuộc di dân mới có thể
được tiếp tục. Thời kỳ này chứng kiến một hiện tượng là có những cuộc nhập cư
ngược từ phía Nam vào Thuận Hóa (Phú Xuân),
họ là những người theo đoàn quân của Nguyễn Huệ và Nguyễn Phúc Ánh đến đóng
quân ở Kinh Đô Phú Xuân , đã ở lại định cư lập nghiệp ở đây.
Các cuộc nhập cư
lớn vào Thuận Hóa qua các thời kỳ gồm :
- Cuộc nhập cư
thời Trần – Hồ (1307-1428)
- Cuộc nhập cư
thời Lê – Mạc (1428-1558)
- Cuộc nhập cư
thời Trịnh – Nguyễn (1558-1786)
- Cuộc nhập cư
thời Tây Sơn – Nguyễn (1786-1945)
Vì chủ đề của
bài viết là chỉ nhằm giới thiệu về một ngôi làng - làng Viễn Trình nên xin phép
là không mở rộng chủ đề ra được, chỉ xin được bàn về công cuộc nhập cư của cư
dân phía Bắc vào Thuận Hóa thời Lê – Mạc (1428-1558) và sự hình thành của ngôi
làng này.
Theo sử cũ cho biết, công cuộc Nam tiến
của người Việt lúc đầu cũng không được thuận lợi cho lắm. Vì sau khi Công chúa Huyền
Trân qua làm dâu nước Chiêm Thảnh chưa tròn 02 năm thì vua Chế Mân chết; theo
tục lệ của nước Chiêm các bà vợ vua phải chết theo chồng. Vua Trần Anh Tông thương
em đã sai quân đội vào tận kinh thành Đồ Bàn phục kích chờ sẵn nhằm cướp lại em
gái. Khi công chúa Huyền Trân sắp bị đưa lên giàng thiêu trên bãi biển thì quân
Đại Việt bất ngờ xông tới cướp công chúa khỏi tay người Chiêm Thành, cứu công
chúa thoát khỏi cái chết và đưa ra thuyền vượt biển đem về lại Đại Việt. Sau sự
kiện này, quân Chiêm Thành lấy cớ đòi lại Châu Thuận và Châu Hóa, đã liên tục
tấn công Thuận Hóa chiến tranh xảy ra liên miên. Đỉnh điểm là năm 1377 Vua Trần Duệ Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chiêm Thành, trong một
cuộc tiến quân đánh chiếm thành Đồ Bàn, Vua Trần Duệ Tông vì mắc mưu trá hàng
của địch đã tử trận tại kinh đô Đồ Bàn, quân Đại Việt đại bại. Quân Chiêm
Thành đã phản công tiến chiếm lại Châu
Thuận, Châu Hóa chiếm luôn Châu Hoan, châu Ái (tức là toàn bộ vùng Thanh - Nghệ
- Tỉnh và Bình - Trị - Thiên của Việt Nam hiện nay) suốt 12 năm đồng thời xua đuổi hầu hết người Việt khỏi khu vực này.
Quân Chămpa thậm
chí đã nhiều lần tấn công cướp phá thành Thăng Long, cho đến tháng Giêng năm
Canh Ngọ ( 1390 ) - Vua Chiêm Thành là Chế Bồng Nga bị quân Đại Việt bắn chết
trong khi tấn công thành Thăng Long quân Chiêm Thành bại trận mới rút khỏi vùng
đất này. Thành quả xây dựng gần 100 năm của cư dân vùng Thuận Hóa lại phải bắt
đầu lại từ con số không.
Cho mãi tới cuối thế kỷ 14 cư dân vùng Thuận Hóa mới bắt đầu
đông dần lên, nhà Trần đã lập tại vùng đất Hóa Châu 7 huyện mới : Trà Kệ, Lợi
Bồng, Sa lệnh, Tư Dung, Bồ Đài, Bồ Lãng và Thế Vinhvới khoảng 40 làng (ấp,
thôn, trại, sách)
Nhưng không lâu sau đó nhà Trần suy vong
(năm 1400), nhà Hồ lên thay, nhưng nhà Hồ tồn tại quá ngắn ngủi (1400 – 1407).
Vì mất lòng dân - cuộc kháng chiến chống quân Minh của Nhà Hồ bị thất bại, năm
1407 cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim lăng; nước ta bị giặc Minh chiếm đóng
trong hơn 20 năm. Trong thời gian Đại Việt bị quân Minh đô hộ, lợi dụng việc
này quân Chiêm Thành đã tiến chiếm lại vùng Thuận Hóa và 2 châu Chiêm
Động, Cổ Luỹ (Quảng Nam, Quảng Ngãi).
Cho đến năm Mậu Thân(1428), cuộc khởi
nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước mới trở lại thời
tự chủ.
Sau chiến thắng giặc Minh (1428), Vua
Lê Thái Tổ đã cử quan quân vào lấy lại Thuận Hóa và cử các trọng thần vào trấn
thủ, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường di dân, khai hoang phục hóa,
thành lập các làng xã mới. Nhưng tình hình Thuận Hóa không ổn định, quân Chiêm
Thành nhiều lần tấn công châu Hóa. Sau khi nhà Hậu Lê tiếp quản Thuận Hóa, quân
Chiêm Thành đã liên tục quấy nhiễu khiến cho cư dân vùng này không thể an cư
được. Nhất là sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (1434), quân Chiêm Thành lại nhiều
lần vượt đèo Hải Vân tấn công châu Hóa. Năm 1446 vua Lê Nhân Tông cử đại quân
chủ động tấn công quân Chiêm Thành, đẩy lui
quân Chiêm ra khỏi xứ Thuận Hóa giữ yên bờ cõi.
Năm 1469, quân Chiêm Thành lại khởi sự
chiến dịch quấy phá Hóa Châu, tháng 9/1470, vua Chiêm Thành là Bàn Trà Toàn đã
huy động 10 vạn quân và voi ngựa tiến đánh châu Hóa. Cuối năm đó vua Lê Thánh
Tông ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Sau nhiều trận giao tranh, quân Chiêm
tan vỡ, vua Lê Thánh Tông đã đưa quân đánh vào tận kinh đô Bồ Đàn, chiếm kinh
đô của Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Bàn Trà Toàn đem theo về Đại Việt.
Sau chiến thắng Đồ Bàn - năm 1471 của
quân dân Đại Việt, chiến dịch bình định phương Nam dưới quyền Tiết chế của vua
Lê Thánh Tông thắng lợi hoàn toàn. Đã chấm dứt mối đe dọa xâm lấn Hóa Châu của
người Chăm pa, cương giới nước Đại Việt đã vào tận tận đèo Cù Mông phía Nam
tỉnh Bình Định ngày nay, vùng đất Thuận Hóa
không còn là vùng đất biên cương nữa .
Chỉ sau chiến thắng lịch sử này(1471),
nhân dân vùng Thuận Hóa - mới thực sự được hưởng thanh bình, ổn định liên tục
trong nhiều năm sau. Nhân dân vùng này, có được một khoản thời gian hơn 50 năm
thanh bình đã ra sức khôi phục và tái thiết quê hương, khôi phục lại các làng
xóm bị tàn phá, nhân dân lưu tán do chiến tranh. Hưởng ứng chủ trương di dân, nhân dân các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trấn Sơn Nam và các
Châu Hoan, Ái (tức là Thanh Hoá và Nghệ An ngày nay) cùng một số quan quân Nam
chinh trở về đã đem gia đình và bà con vào khai khẩn đất hoang, hàng loạt các
làng - xã đã được thành lập vào thời gian này trên vùng đất này.
Đây là giai đoạn khởi thủy chính thức
của các làng – xã cổ nhất, các tộc Họ lâu đời nhất tại Hóa Châu (Thừa Thiên –
Huế ngày nay). Trước thời điểm này (cụ thể là trước năm 1446), tại Hóa Châu
không thể có một làng – xã nào được định danh và có được địa bàn cư trú cụ thể
cả.
Nhân dân vùng Thuận Hóa thoát khỏi nạn chiến
tranh đã dần đi đến ổn định và bắt đầu giai đoạn phát triển, quá trình
di dân từ phía Bắc vào Thuận Hóa được tiếp tục. Hàng loạt các ngôi làng mới
được thành lập trong dịp này, như : Duy sơn, Tân chu, Nghi giang, Diêm trường,
Phụng chánh, Cự lại, Kế chủng (Kế sung), Thái dương, Hòa duân, Hà cùng (An
dương), Triều sơn, Thanh cần, La Khê, Bao vinh, Đức bưu, Dương Xuân, Phổ Lại,
Đại Lộc , Kế Môn, Phò Trạch, Hương Triền (Thanh Hương), Đàm bổng(Ưu Điềm) ….
Năm Bính Tuất (1466) Vua Lê Thánh Tông tổ chức
cải cách hành chánh tổ chức đặt 13 đạo Thừa Tuyên trong cả nước, xứ Thuận Hóa
được gọi là Thừa Tuyên Thuận Hóa, gồm có hai phủ là Phủ Tân Bình và Phủ Triệu
Phong. Ba huyện Kim trà, Đan Điền và Tư Vinh nằm trong phủ Triệu Phong là toàn
bộ diện tích tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay.
Cuối thời nhà
Lê (1527), miền Bắc lại lâm vào giai đoạn bất ổn, triều đình bị phân chia bè
phái, tranh chấp nhau, khiến cho xã hội loạn lạc, sản xuất đình đốn vì chiến
tranh liên miên. Trái lại vùng Thuận Hóa lại bình yên, nên nhân dân ở đồng bằng
Bắc Bộ và Thanh Nghệ đã dắt díu nhau di cư vào Thuận Hóa mục đích là tìm nơi
yên ổn để làm ăn sinh sống , xây dựng quê mới. Đây là
đợt di cư tự phát nhưng rất đông đảo.
Lại nói một chút về địa giới thành chánh
và việc tách nhập của ngôi làng Viễn Trình và xã Phú Đa từ khi được thành lập
cho tới nay. Theo đó từ tháng
sáu năm Bính Tuất, Quang Thuận thứ 7(1466) nhà Hậu Lê (Lê Sơ) bắt đầu cải tổ hành chánh,
vua Lê Thánh Tông đổi Lộ thành Phủ, đổi Trấn thành Châu. Lúc
này xứ Thuận Hoá gồm 02 Phủ, 07 Huyện và 04 Châu, trong đó Phủ Triệu Phong gồm có
05 Huyện là: Hải Lăng, Vũ Xương, Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh.
Ba
huyện Kim Trà (Hương Trà), huyện Đan Điền (Quảng
Điền) và huyện Phú Vinh (Phú Vang) thuộc Phủ Triệu Phong là toàn
bộ vùng đất địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên - Huế ngày nay.
Vào
những thập kỷ nữa đầu thế kỷ 16, dân cư vùng Hóa Châu (tức tỉnh Thừa Thiên) còn
thưa thớt, cấp hành chánh cấp tổng chưa có, trong danh sách các làng thuộc
huyện Kim Trà lúc ấy đã thấy có tên làng Viễn Trình và làng Lương Viện; huyện
Phú Vinh có làng Hà Đá (tức Hòa Đa Đông và Hòa Đa Tây) là 03 ngôi làng duy nhất
của thị trấn Phú Đa được thành lập trước năm 1555 và có tên trong sử sách trước
mốc thời gian này.
Để kiểm tra lại tư liệu này, tôi đã tìm đọc tác phẩm Châu
ô cận lục (Hán
tự: 烏州近錄, có nghĩa
là "ghi chép về Ô Châu gần đây") do học
giả Dương Văn An (楊文安) (1514 –1591) viết từ
năm 1553, sửa chữa và ấn hành vào năm 1555, dưới triều vua Mạc Tuyên Tông.
Đây là một cuốn sách Địa lý (chí) viết về một dãi đất từ Quãng Bình đến Bắc
Quãng Nam vào nửa đầu thế kỷ XVI dưới thời Lê – Mạc, rất chi tiết và cụ thể.
Đây là cuốn địa phương chí
quan trọng đầu tiên viết về vùng đất Thuận Hóa của nước Việt chúng ta ở thế kỷ
XVI. Đây là một tác phẩm khoa học có giá trị văn học lớn. Tuy biết rằng trước
đó trong cuốn sách Dư địa chí (Hán tự : 輿地誌) (1435), Nguyễn Trãi đã có viết về vùng đất Thuận Hóa khá chi tiết. Đây đồng thời cũng chính là tác phẩm "điạ lý học lịch sử" đầu tiên của
Việt Nam; nhưng xét về mặt địa phương chí và
lịch sử vùng Thuận Hóa thì tác phẩm "Ô Châu Cận Lục" mới chính là cuốn sách quý giá nhất. Nó có giá trị cực kỳ lớn lao
với tất cả các nhà nghiên cứu sử cũng như mọi từng lớp cư dân xứ Thuận Hóa từ xưa đến nay.
Theo tự sự của chính tác giả
trong lời bạt của cuốn sách thì ông viết hoàn chỉnh cuốn sách Châu ô cận lục
vào niên hiệu Cảnh Lịch thời nhà Mạc - ngày rằm tháng sáu năm Ất Mão (1555).
Khi đang giữ chức Đô cấp sự Trung lại Khoa, tước Sùng Nham Bá, trong lúc đang
về cư tang ở quê nhà.
Theo
tác giả thì nhân dịp về cư tang ở quê nhà lúc ông 40 tuổi (năm 1553), trong ba
năm rảnh rỗi ấy đã được dùng vào việc "đọc khắp các loại sách",
ông đã gặp được hai bản chép tay của hai nho sinh đồng hương viết về hình thế
sông núi, sản vật, phong tục tập quán và các nhân vật nổi tiếng ở hai phủ Tân
Bình và Triệu Phong. Ông liền khảo cứu thêm và bổ sung cũng như lược bớt những
chỗ rườm rà và đặt tên mới là Ô Châu Cận Lục, thành một tác phẩm địa phương chí
hoàn chỉnh. Công trình của ông hoàn tất
vào năm 1555 và giá trị lịch sử của nó đã được khẳng định qua hàng trăm năm sau
, đến cho cả ngày nay.
Công trình địa phương chí nầy
gồm sáu quyển :
- Quyển một, giới thiệu mô tả núi sông xứ Thuận Hóa
- Quyển hai, nói về sản vật xứ Thuận Hóa: thổ sản, lâm sản, hải sản, hoa
trái chim muông, cầm thú.
- Quyển ba, có tên là : Bản đồ, liệt kê danh
mục các phủ huyện, châu, xã , làng xứ Thuận hóa, và bàn về phong hóa xứ
Thuận Hóa. Đây là quyển quan trọng nhất.
- Quyển bốn, nói về thành thị xứ Thuận Hóa, liệt kê, mô tả thành,
chợ, trạm, bến bờ.
- Quyển năm, giới thiệu, mô tả các thắng cảnh, chùa tháp, đền miếu xứ
Thuận Hóa.
- Quyển sáu, bàn về chế độ quan chức xứ
Thuận Hóa và ghi chép tiểu sử của 102 nhân vật quê ở Thuận hóa từ đầu thế kỷ XV
đến giữa thế kỷ XVI : những người đỗ đạt cao, quan văn, quan võ, những người
trung nghĩa, tiết hạnh… tất cả được miêu tả rất chi tiết và có địa chỉ cụ thể.
Qua nghiên cứu từ quyển 3 và quyển 4 của
tác phẩm Ô châu Cận Lục cho thấy làng Viễn Trình đã được liệt kê trong
cuốn sách này, cùng với làng Viễn Trình là làng Lương Viện và làng Hòa Đa là 03
ngôi làng duy nhất thuộc thị trấn Phú Đa ngày nay được liệt kê trong cuốn sách
Địa chí này ngay từ năm 1555.
Lúc này (năm 1555) làng có cái tên là
làng Viễn Trình, thuộc huyện Kim Trà (Hương Trà), phủ Triệu Phong, trấn Thuận Hóa.
Vẫn thuộc quyền cai quản của triều đình nhà Mạc.
Cũng
xin lưu ý với quý độc giả là tuy trước năm 1540 Nguyễn Kim đã khôi phục lại nhà
Hậu Lê (gọi là Lê Trung hưng) tại nước Ai Lao. Sau khi chiêu tập được một số các
cựu thần trung thành với nhà Lê tại nước Ai Lao, năm Canh tý (1540) ông đã kéo
quân từ Ai Lao về chiếm thành Nghệ An từ tay nhà Mạc, năm Nhân Dần (1542) chiếm
lại thành Tây Đô (Thanh hóa). Biến vùng Thanh - Nghệ thành một căn cứ địa của
các cựu thần nhà Lê trong công cuộc phục hồi lại nhà Hậu Lê sau này. Nhưng vùng
đất từ Hà Tĩnh vào Nam vẫn do quan quân nhà Mạc cai quản, mà tác giả của Ô Châu Cận Lục - Dương Văn An vẫn là một trung thần của nhà Mạc.
Mãi tới sau năm 1558, vùng châu Hóa mới
bị Nguyễn Hoàng chiếm lại từ tay quan quân nhà Mạc. Kể từ khi vào Nam
trấn thủ vùng đất này, Nguyễn
Hoàng đã cùng con cháu các đời Chúa Nguyễn xây
dựng Thuận Hóa và vùng đất phía Nam thành một vương quốc Nguyễn riêng ở
xứ Đàng
Trong; độc lập và tách biệt hoàn toàn với
xứ Đàng Ngoài của vua Lê – Chúa Trịnh.
Năm 1571 nhằm ổn định lại hành chánh ông
đã đổi tên một số huyện, riêng huyện Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh được đổi
thành Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vinh (sau đọc trại thành Phú Vang)
Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã cắt huyện
Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng
Nam. Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII- XVIII) chỉ còn là vùng
đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân.
Theo ghi chép trong sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn, xứ Thuận Hóa giai đọan trước năm 1776, gồm: 2 phủ
là Triệu Phong và Quảng Bình, được phân thành 8 huyện và 1 châu.
Phủ Triệu Phong, gồm có 5 huyện :
1/ Huyện Hương
Trà (nay thuộc Thừa thiên – Huế), gồm 9 tổng:
- An Ninh - Phú Xuân - Vĩnh Xương - Phù Trạch - An Hòa - Vĩ Dạ - Kim Long - An
Vân
- Kế Thực (hay Kế Mỹ).
Trong
đó tổng Kế Thực gồm có 12 xã (làng), 1 thôn , 9 phường: các xã Kế Thực, Bình Trị, Thái Dương Thượng, Thái
Dương Hạ, Hòa Duân, Quảng Xuyên, Lương Viện, An Dương, Kế Đăng(Kế võ), Cự Lại, Ba Lăng, Viễn Trình ; thôn Hoa
Lộc ; các phường : Hà Thanh, Mai Lộc, Đường Dã, Tân Xa,
Hoa Dương, Hà Hồng, Hoa Diên, Khánh Mỹ, Diêm Tụ.
Như vậy tên các làng thuộc xã Phú Đa hiện
nay như Viễn Trình, Lương Viện vào giai đoạn trước năm 1776 là thuộc Tổng Kế Mỹ,
huyện Hương Trà như Sách Phủ Biên Tạp
Lục của Lê Quý Đôn đã ghi chép.
Huyện Hương Trà trước có tên là Kim Trà.
Phủ chúa Nguyễn, thời Nguyễn Phúc Lan được dời từ Ái Tử về xã Kim
Long tổng Kim Long huyện Hương Trà. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời đến
xã Phú Xuân, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà.
2/ Huyện Phú Vang (nay thuộc Thừa Thiên-Huế),
gồm 6 tổng: Mậu Tài, Dương Nỗ, Đường Pha, Dã Lê, Sư lỗ, Diêm Trường.
3/ Huyện Quảng Điền (nay thuộc Thừa
Thiên-Huế), gồm 8 tổng: Hoa Lang, Phù Lê, Yên
Thành,
Hạ Lang, Đông Lâm, Phúc An, Phú Ninh, Phú Ốc.
4/ Huyện Hải Lăng (nay thuộc Quảng Trị),
gồm 5 tổng: Hoa La, An Thư, An Dã, Câu Hoan, An Khang.
5/ Huyện Đăng Xương (nay thuộc Quảng Trị), gồm
5 tổng: An Phúc, An Lưu, An Cư, An Đôn.
Theo sách Lịch triều hiến chương
loại chí của Phan Huy Chú,
vào đầu thời nhà Nguyễn, Thuận Hóa vẫn gồm 2 phủ Triệu Phong và Quảng Bình,
nhưng có mở rộng địa giới hành chánh về phía Tây hơn so với thời chúa Nguyễn .
1/ Phủ Triệu Phong, gồm 5 huyện nhưng có
thêm 2 châu: các huyện Quảng Điền (Đan Điền), Hương Trà (Kim Trà), Phú Vang
(Phú Vinh), Hải Lăng, Đăng Xương (Vũ Xương); 2 châu Thuận Bình và Sa Bôi .
2/
Phủ Quảng Bình gồm 2 huyện và 2 châu: huyện Khang Lộc, huyện Lệ Thủy,
châu Minh Linh (Vĩnh Linh), châu Bố Chính (Nam Bố Chính – hay Bố chính Nội
tức Bố Trạch ngày nay), Bắc Bố Chính (Bố Chính Ngoại
tức Quảng Trạch ngày nay), mở rộng hơn ra bắc sông Gianh so
với thời chúa Nguyễn.
Ngày 03 tháng 5 năm Tân Dậu (15/06/1801)
Nguyễn Ánh chiếm lại Phú Xuân, tới tháng 8 ông lấy 3 huyện Quảng Điền, Hương
Trà, Phú Vinh đặt làm dinh Quảng Đức. Tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (đầu năm 1823),
đổi dinh Quãng Đức làm phủ Thừa Thiên. Tháng chạp năm Giáp Ngọ (Minh Mệnh thứ
15 - đầu năm 1835), đặt thêm 3 huyện ở Thừa Thiên là : Phong Điền, Hương Thũy,
Phú Lộc (chia tách ra từ 3 huyện cũ là Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vinh) ; phủ
Thừa Thiên lúc này có 6 huyện.
Trước thời nhà Nguyễn (1802), những ngôi
làng nằm dọc theo hai bên bờ sông Hương và vùng đầm phá phía Nam tỉnh đều thuộc
huyện Kim Trà (Hương Trà). Nhưng sau khi nhà Nguyễn thành lập thêm 03 huyện mới,
các ngôi làng thuộc vùng đầm phá phía Nam thuộc tổng Diêm Trường được cắt giao
cho huyện Phú Lộc mới. Phần các làng còn lại nằm dọc hai bên bờ đầm phá kéo dài
từ làng Diêm Tụ - Hà Thanh trở lên làng Thái Dương (Thuận An) thuộc tổng Kế Mỹ (trong
đó có làng Viễn Trình và Lương Viện) được cắt giao về cho huyện Phú Vinh (tức
Phú Vang) từ sau năm 1802. Và làng Viễn Trình thuộc về huyện Phú
Vang từ đó.
Huyện Phú Vinh (Phú Vang) mới chỉ còn có 6 tổng: Quảng Xuyên, Sư Lỗ, Kế Mỹ, Mậu
Tài, Dương Nổ và Ngọc Anh. Các làng Hoà Đa Đông, Hoà Đa Tây, Trường Lưu, Đức
Thái, Thanh Lam – thuộc tổng Sư Lỗ; các làng Viễn Trình, Lương Viện thuộc tổng
Quảng Xuyên dưới thời nhà Nguyễn.
Dưới thời chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, ngày
17/05/1958, chính quyền VNCH ra Nghị định
số 214 – HC/PC/NĐ ấn định các đơn vị Hành chánh mới của
tỉnh Thừa Thiên gồm 9 Quận : Phong Điền, Quảng điền, Hương Trà, Hương Thũy, Phú
Vang, Phú Lộc, Vinh Lộc, Hương Điền, Nam Hòa, và 3 tổng Nguồn Bửu, Nguồn Rả, Nguồn
Bồ.
Năm 1962, nhằm sắp xếp lại
các cấp hành chánh; chính quyền Việt Nam Cộng Hòa loại bỏ
cấp Tổng, gom nhiều thôn, xã, phường cũ có diện tích nhỏ và dân số
ít lại thành
một xã mới (các xã, phường lớn vẫn duy trì). Các
xã, phường cũ này được gọi theo đơn vị hành chánh mới là thôn (hoặc ấp).
Ngày
31-7-1962: Chính quyền Sài Gòn ra Nghị định số 805-NV, thành lập cơ sở phái
viên hành chánh Phú Thứ, trụ sở đặt tại xã Vinh Thái,
quận Phú Vang. Đến ngày 14-4-1965, lại ban hành Nghị định số 599-NV cải biến cơ sở phái viên
hành chánh Phú Thứ thành quận Phú Thứ, gồm 7 xã: Phú Hồ, Phú Xuân, Phú Đa, Phú Lương, Vinh Phú, Vinh
Thái và Vinh Hà. Quận lỵ của quận Phú Thứ đặt tại làng Hòa Đa (xã Phú Đa), quận Phú Thứ tồn tại cho tới sau năm 1975 mới bị giải
thể.
Về
phía chính quyền cách mạng, kể từ sau cách mạng tháng Tám năm 1945 đến nay, các
thôn (làng) của xã Phú Đa liên tục thay đổi tên gọi và tách ghép nhiều lần để
phù hợp với yêu cầu lịch sử. Năm 1946, xã Phú Đa được tách làm 2 xã Phú Thứ
(gồm thôn
Đức Thái, Lương Viện, Viễn Trình) và xã Phú Thuận (gồm thôn Vĩnh Lưu, Hoà Đông,
Hoà Tây, Nam Châu). Sau đó, 2 xã Phú Thứ và Phú Thuận hợp thành xã Phú Thạnh
với 7 thôn. Năm 1955, để phù hợp với cuộc kháng chiến chống Mỹ, xã Phú Thạnh
đổi thành Phú Đa cho đến ngày nay.
Thay lời kết:
Như trên tôi đã trình bày, tại khu vực xứ Thuận Hóa (tức là vùng đất từ phía Nam Sông Gianh, nay thuộc tỉnh Quảng Bình cho tới huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay); khi muốn tìm kiếm về nguồn gốc của các ngôi làng trong giai đoạn 1302 - 1802, thì ngoài nguồn sử liệu của chính những người dân trong các ngôi làng đấy đang lưu giữ được cung cấp. Các nhà nghiên cứu sử còn phải dựa vào rất nhiều nguồn tư liệu và thông tin khác nhau nhằm xác lập nên một sự kiện. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác của sử liệu và hệ thống hóa lại các sự kiện họ đều phải dựa vào 03 cuốn chính sử sau :
Cho nên, trong những bài viết và những công trình nghiên cứu về lịch sử xứ Thuận Hóa (hay tỉnh TT- Huế) của mình, khi muốn bảo đảm tính chính xác tôi thường phải căn cứ vào 03 nguồn sử liệu trên đây. Kể cả bài viết ngắn về lai lịch ngôi làng ngôi làng Viễn Trình này !
Theo đó, ngoài yếu tố văn hóa lịch sử là một ngôi làng cổ với gần 500 năm tuổi. Làng Viễn Trình nói riêng và xã Phú Đa nói chung là một xã vùng đồng bằng. Ngôi làng tuy được bao bọc bởi hệ thống đầm phá và con sông Đại Giang, nhưng lại có hệ thống đường bộ dọc ngang khá hoàn chỉnh; nó được xem như là trung tâm của vùng đồng bằng phía Nam của tỉnh TT- Huế. Hơn nữa nó chỉ cách thành phố Huế khoảng 20 km về phía Đông Nam, cách quốc lộ 1A, cách đường sắt Bắc - Nam, cách cảng hàng không quốc tế Phú Bài chỉ khoảng 5km. Cho nên từ xưa vùng đất này đã có một vị trí chiến lược khá quan trọng về quân sự và chính trị ở phía Nam của tỉnh qua các thời kỳ lịch sử. Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua xã Phú Đa đã là một căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh TT - Huế.
Với truyền thống yêu nước, ngay từ những ngày đầu khai thiên lập địa trên mảnh đất này, nhân dân làng Viễn Trình nói riêng và xã Phú Đa nói chung đã cùng với nhân dân Thuận Hoá đóng góp nhiều sức người sức người và sức của cho công cuộc bảo vệ đất nước.
Như trên tôi đã trình bày, tại khu vực xứ Thuận Hóa (tức là vùng đất từ phía Nam Sông Gianh, nay thuộc tỉnh Quảng Bình cho tới huyện Điện Bàn tỉnh Quảng Nam ngày nay); khi muốn tìm kiếm về nguồn gốc của các ngôi làng trong giai đoạn 1302 - 1802, thì ngoài nguồn sử liệu của chính những người dân trong các ngôi làng đấy đang lưu giữ được cung cấp. Các nhà nghiên cứu sử còn phải dựa vào rất nhiều nguồn tư liệu và thông tin khác nhau nhằm xác lập nên một sự kiện. Tuy nhiên, để bảo đảm tính chính xác của sử liệu và hệ thống hóa lại các sự kiện họ đều phải dựa vào 03 cuốn chính sử sau :
- Dư
địa chí, của Nguyễn Trãi, viết vào năm 1435, thời nhà Hậu Lê (Lê sơ).
- Ô Châu Cận Lục, của Dương Văn An, viết năm 1555, thời nhà Mạc.
- Phủ biên tạp lục, của Lê Quý Đôn, viết năm 1776, thời nhà Lê - Trịnh.
Ba cuốn chính sử này là 03 cuốn Dư Địa Chí chính thống của các nhà nước phong kiến thời ấy phát hành như một tài liệu chính thức của nhà nước. Trong 03 cuốn sách này thì ngoài những ghi chép tổng quát và toàn cảnh về những sự kiện lịch sử, văn hóa và địa lý xảy ra trong vùng. Các tác giả cũng đã liệt kê danh sách tất cả các ngôi làng trong từng thời kỳ, có ghi chép khá đầy đủ về lai lịch các ngôi làng trong từng tổng, từng huyện của xứ Thuận hóa. Sách ghi chép chi tiết năm thành lập, số nhân khẩu, số diện tích ruộng đất, số suất đinh của từng làng. Thậm chí ghi chép các sự kiện văn hóa lịch sử lớn xảy ra trong làng, việc tranh chấp kiện tụng trong làng, một vài nhân vật nổi tiếng, đặc sản nổi bật của làng ... . Ngoài ra 03 cuốn sách này được viết và phát hành ra tương ứng với 03 giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển nổi bật nhất của vùng đất này.
Bất cứ nhà nghiên cứu sử nào khi muốn nghiên cứu về vùng đất này đều phải lấy tư liệu từ 03 cuốn sách này làm nòng cốt cho công trình nghiên cứu của mình. Tuy biết rằng sau khi nhà Nguyễn được thành lập (1802), sau đó Quốc sử quán triều Nguyễn ra đời (1825) đã hệ thống hóa lại lịch sử đất nước trong tất cả các thời kỳ một cách chi tiết, khoa học và đã viết thành hàng ngàn cuốn sách sử ký lưu lại cho tới nay. Nhưng khi viết về lịch sử xứ Thuận Hóa giai đoạn 1302 -1802, Quốc sử quán triều Nguyễn cũng phải căn cứ vào 03 cuốn sách "Lịch sử - Địa chí" nói trên đây. Vì đây mới là những cuốn sách "Địa chí" ghi chép từ thực tế lịch sử trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể !- Ô Châu Cận Lục, của Dương Văn An, viết năm 1555, thời nhà Mạc.
- Phủ biên tạp lục, của Lê Quý Đôn, viết năm 1776, thời nhà Lê - Trịnh.
Ba cuốn chính sử này là 03 cuốn Dư Địa Chí chính thống của các nhà nước phong kiến thời ấy phát hành như một tài liệu chính thức của nhà nước. Trong 03 cuốn sách này thì ngoài những ghi chép tổng quát và toàn cảnh về những sự kiện lịch sử, văn hóa và địa lý xảy ra trong vùng. Các tác giả cũng đã liệt kê danh sách tất cả các ngôi làng trong từng thời kỳ, có ghi chép khá đầy đủ về lai lịch các ngôi làng trong từng tổng, từng huyện của xứ Thuận hóa. Sách ghi chép chi tiết năm thành lập, số nhân khẩu, số diện tích ruộng đất, số suất đinh của từng làng. Thậm chí ghi chép các sự kiện văn hóa lịch sử lớn xảy ra trong làng, việc tranh chấp kiện tụng trong làng, một vài nhân vật nổi tiếng, đặc sản nổi bật của làng ... . Ngoài ra 03 cuốn sách này được viết và phát hành ra tương ứng với 03 giai đoạn lịch sử hình thành và phát triển nổi bật nhất của vùng đất này.
Cho nên, trong những bài viết và những công trình nghiên cứu về lịch sử xứ Thuận Hóa (hay tỉnh TT- Huế) của mình, khi muốn bảo đảm tính chính xác tôi thường phải căn cứ vào 03 nguồn sử liệu trên đây. Kể cả bài viết ngắn về lai lịch ngôi làng ngôi làng Viễn Trình này !
Theo đó, ngoài yếu tố văn hóa lịch sử là một ngôi làng cổ với gần 500 năm tuổi. Làng Viễn Trình nói riêng và xã Phú Đa nói chung là một xã vùng đồng bằng. Ngôi làng tuy được bao bọc bởi hệ thống đầm phá và con sông Đại Giang, nhưng lại có hệ thống đường bộ dọc ngang khá hoàn chỉnh; nó được xem như là trung tâm của vùng đồng bằng phía Nam của tỉnh TT- Huế. Hơn nữa nó chỉ cách thành phố Huế khoảng 20 km về phía Đông Nam, cách quốc lộ 1A, cách đường sắt Bắc - Nam, cách cảng hàng không quốc tế Phú Bài chỉ khoảng 5km. Cho nên từ xưa vùng đất này đã có một vị trí chiến lược khá quan trọng về quân sự và chính trị ở phía Nam của tỉnh qua các thời kỳ lịch sử. Trong hai cuộc kháng chiến vừa qua xã Phú Đa đã là một căn cứ địa cách mạng quan trọng của tỉnh TT - Huế.
Với truyền thống yêu nước, ngay từ những ngày đầu khai thiên lập địa trên mảnh đất này, nhân dân làng Viễn Trình nói riêng và xã Phú Đa nói chung đã cùng với nhân dân Thuận Hoá đóng góp nhiều sức người sức người và sức của cho công cuộc bảo vệ đất nước.
Trong cuộc kháng
chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây thường xảy ra những trận đánh của hai bên và nhân dân xã Phú Đa đã giành được nhiều
thắng lợi, nhất là chiến thắng trận Thanh Lam Bồ (vào năm 1951) đã thể hiện sự
lớn mạnh của quân và dân địa phương. Với những thành tích đã đạt được, Đảng bộ
và nhân dân Phú Đa được huyện tặng cờ luân lưu và được tỉnh Đội Thừa Thiên khen
thưởng về thành tích xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân.
Có thể nói Phú Đa trước đây là vùng căn cứ cách mạng nổi tiếng của
huyện, của tỉnh. Đây là nơi cơ quan Huyện uỷ Phú Vang làm việc, trụ sở chỉ đạo
cách mạng phía Nam của tỉnh, của thành uỷ
Huế trong suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là hậu phương kháng
chiến, là một trong những cơ sở hậu cần của bộ đội, là địa bàn hành lang, là
trạm liên lạc của 3 vùng chiến lược.
Ngày nay, thị trấn Phú Đa là trung tâm của
vùng đồng bằng phía Nam của tỉnh, một đầu mối giao thông quan trọng; được quy
hoạch thành một khu thị tứ, một khu đô thị mới. Thị trấn có diện tích 2.966 ha
và gần 13 ngàn nhân khẩu; là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hoá
của huyện Phú Vang. Nơi đây đã có một khu công nghiệp Phú Thứ, có trung tâm
nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Nơi được đầu tư để phát triển dịch vụ, đào tạo
nghề và các ngành kinh tế hỗ trợ phát triển biển và đầm phá của huyện Phú Vang.
Hy vọng rằng với quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và
nhân dân thị trấn Phú Đa; mai này vùng đất đầy truyền thống cách mạng này sẽ
vượt qua đói nghèo vươn lên ngang tầm với các trung tâm hành chánh khác trong
tỉnh. Người dân Viễn Trình - Phú Đa sẽ làm giàu được trên chính quê hương mình ./.
ĐKT
17.10.2017
Một số hình ảnh về Lễ Chạp tại Chi Phái họ Đặng ngày 9/10/2017 vừa qua .
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét