PHẬT HOÀNG TRẦN NHÂN TÔNG .


Tượng thờ Phật Hoàng và những lời di huấn của người

“Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi!” .

Đó là câu nói nổi tiếng của Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông - khi nạn mua quan bán tước phình to dưới triều Vua con Trần Anh Tông.

Đây là vị vua sau này trở thành Phật Hoàng và người sáng lập nên một Thiền phái của đạo Phật của VN chúng ta, đó là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Vua Trần Nhân Tông (1278-1293), đã hai lần lãnh đạo quân dân nhà Trần đánh bại quân xâm lược Nguyên - Mông vào năm 1285 và năm 1287. Sau khi sạch bóng quân thù, đất nước trở lại thái bình nhưng đầy rẫy đau thương, mất mát. Bởi vậy, Trần Nhân Tông rất coi trọng việc đem lại cuộc sống thái bình, an cư lạc nghiệp cho nhân dân. Ở ngôi một thời gian (1278-1293) ngài truyền ngôi cho con là Vua Trần Anh Tông, để lên làm Thái thượng hoàng (1293-1308).
Nhưng sau đó triều Trần lâm vào khủng hoảng trầm trọng. Tuy đất nước thái bình nhưng sức dân dần suy kiệt. Cũng có thể có nhiều nguyên do khác nữa nhưng có một nguyên do chính đó là đội ngũ quan lại ngày càng “phình to”. Đất nước vừa trải qua hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, nền kinh tế quốc gia bị tàn phá, ruộng đồng hoang hóa, nhân dân đói khổ. Nhưng sau cuộc chiến Vua lại phong thưởng cho hàng loạt công thần và những người có công những chức tước mới, lập nên hàng loạt các chức quan mới. Để nuôi bộ máy quan quyền to lớn này, triều Trần ngày càng tăng cường bóc lột sức dân, khiến cho lòng người oán hận. Dù lúc này toàn dân Đại Việt là một khối thống nhất; hừng hực “hào khí Đông A” sau ba cuộc chiến tranh chống Mông - Nguyên thắng lợi.

Tương truyền rằng, trong khi bàn về việc triều chính dân sinh, thấy Trần Anh Tông thăng quan tước cho hàng trăm người, Trần Nhân Tông lúc đó là Thái thượng hoàng tức giận đến mức vất cái danh sách dài dằng dặc ấy ra giữa sân rồng và nói như thét lên bằng tiếng thét xé lòng: “Đất nước bé bằng bàn tay, quan nhiều như thế, dân làm sao sống nổi?”.
Thái học sinh Nguyễn Phi Khanh, người sống gần gũi với nhân dân, đại diện cho tiếng nói của xã hội lúc bấy giờ đã cảm thán viết:

“Ruộng lúa ngàn dặm đỏ như cháy
Đồng quê than vãn trông vào đâu
Lưới chài quan lại còn vơ vét
Máu thịt nhân dân cạn nữa rồi”.

Tình hình đó khiến các nước phía Nam không thần phục nữa bắt đầu nổi lên chống lại Đại Việt. Quân Chămpa lúc này đang hùng mạnh lên, nhân Đại Việt suy yếu đã đem quân vượt biển đánh ra nhiều lần. Đặc biệt giặc đã ba lần đánh thẳng vào kinh thành Thăng Long. Vua tôi nhà Trần phải bỏ chạy. Giặc vào kinh thành đã thẳng tay tàn sát nhân dân, cướp bóc của cải và tàn phá kinh thành trước sự bất lực của Vua tôi nhà Trần. Đó là vào các năm 1371, 1376 và 1378
Từ đời vua Trần Dụ Tông (1341-1369) về sau, triều đại nhà Trần bắt đầu lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng. Các vị vua Trần bất tài vô tướng, hèn kém, chỉ lo ăn chơi, không nghĩ gì đến giang sơn, xã tắc. Như vua Dụ Tông có tật nghiện rượu, mê đàn hát, xa xỉ, làm cung điện nguy nga và tường vách trạm trổ, lãng phí tiền của đất nước và công sức của nhân dân không sao kể xiết.
Bậc làm vua đã như vậy, quý tộc và quan lại cũng không khá hơn. Một bộ phận a dua, xu nịnh, chia bè kéo cánh, tranh giành quyền lợi, chèn ép bóc lột nhân dân tận xương tủy; bộ phận khác chán nản, bạc nhược, chỉ cầu yên phận. Vua quan nhà Trần không lo cho đê điều khiến đê sông Hồng bị vỡ 9 lần, lũ lụt, mất mùa, đói kém diễn ra thường xuyên. Khởi nghĩa nông dân, nô tì bùng phát càng khiến cho xã hội Đại Việt thêm rối loạn. Chỉ sau đó ít lâu (năm 1400) nhà Trần mất ngôi cũng là đương nhiên thôi !

Tuy sau đó quyền lực được chuyển giao cho nhà Hồ (1400-1407), nhưng lòng dân đã mất. Người dân không còn tin vào giới cầm quyền nữa, nên khi quân Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ đã không huy động được sức dân, không huy động được sức mạnh tổng hợp của cả một dân tộc vào cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Cuối cùng thất bại, cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim Lăng, nước ta bị nhà Minh đô hộ (1407 - 1428).

Nhưng nhà Hồ cũng không có gì là bất ngờ khi thua trận. Vì cuối năm 1405, khi nhận thấy nhà Minh lộ rõ ý đồ xâm lược nước ta, Hồ Quý Ly cho triệu tập một cuộc hội nghị đặc biệt để bàn kế chống quân Minh. Khi được hỏi, Hồ Nguyên Trừng đã nói rằng:

“Thần không ngại đánh, chỉ sợ lòng dân không theo mà thôi.”
Hồ Quý Ly nghe thế liền ban thưởng cho ông một cái hộp trầu bằng vàng. Câu nói nổi tiếng này đã trả lời cho tất cả ?
Cũng vào thời Trần, vị anh hùng dân tộc đức Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn cũng có một câu nói nổi tiếng, là “khoan thư sức dân làm kế sâu rễ, bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. 
Nhưng ngày nay mấy ai hiểu được câu này ?

Thuở ấu thơ, chúng ta được được dạy rằng : học sử để học hỏi những kinh nghiệm dựng nước và giữ nước của cha ông; từ những kinh nghiệm và bài học lịch sử đó áp dụng cho công cuộc xây dựng và giữ nước ngày nay.
Nhưng ngày nay cũng chẳng mấy ai nhớ được bài học lịch sử này ?

ĐKT(丁刻善)
17.06.2017
(P/S: Nhân sáng chủ nhật rảnh rỗi – nên có mấy lời lộng ngôn nếu có gì không phải mong chư vị thông cảm bỏ qua cho?)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...