Huế là “đất lành” sao “chim không đậu” ?

Chùa Linh Mụ - Huế

    Bài viết sau đây tuy đã được ấp ủ khá lâu trong đầu tôi, nhưng trong chuyến về thăm quê vừa qua (29/11/2014), mới có dịp thực hiện trọn vẹn. Dù khá bận rộn nhưng tôi vẫn cố tranh thủ gặp một số bạn hữu thuở học trò, ngồi uống với nhau một ly cà phê bên dòng sông nổi tiếng của quê hương. Hỏi thăm nhau về công danh sự nghiệp, về vợ con, về nổi cực nhọc của kẻ tha phương cầu thực nơi xứ người. Khi tôi háo hức và tiếc nuối kể rằng kỳ Festival Huế vừa rồi bận quá không về tham dự được, qua truyền hình thấy kỳ Festival Huế vừa qua hoành tráng quá, dân Huế tham gia đông đảo. Nhưng chỉ một câu nói của anh bạn văn nghe sao mà cay đắng quá : “.... những lễ hội to lớn ,những buổi yến tiệc cung đình kia phần lớn là dành cho khách du lịch chứ dân Huế làm chi có tiền mà tham gia, bà con mãi lo chạy gạo có thời gian mô mà đi coi,… Huế mình vẫn còn thấy những cụ già oằn lưng trên những chiếc xích lô,…”. Và câu chuyện của chúng tôi vô tình chỉ còn duy nhất một chủ đề - xứ Huế quê mình sao vẫn còn nghèo ? Xin gửi đến bà con những suy nghỉ của một người con xứ Huế đang ly hương :
   Vào ngày 12-11-2014, Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế tổ chức một cuộc hội thảo “ Thừa Thiên – Huế - đất học và tài năng”. Theo PGS.TS Đỗ Bang – chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thừa Thiên – Huế -  “nền học vấn của vùng đất này đã hình thành từ thời kỳ chúa Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635). Khi nhà Nguyễn chọn Huế làm kinh đô của nước Việt thì nơi đây bắt đầu trở thành vùng đất hội tụ nhân tài cả nước. Từ năm 1945 đến nay, Huế không còn là kinh đô, nhưng vẫn là một trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo lớn của cả nước, vẫn nổi tiếng là vùng đất học. Tuy nhiên vị thế của vùng đất học này đã bị tụt hậu rất xa so với các vùng miền khác trong cả nước.”
    Theo các đại biểu dự hội thảo thì do nhiều nguyên nhân : Không còn vị thế của kinh đô, truyền thống hiếu học ở Huế nặng tính khoa cử, nền sản xuất xã hội của địa phương kém phát triển nên thiếu đất “dụng võ” cho sinh viên mới ra trường. Các chính sách khuyến học, khuyến tài chưa đủ giữ chân thầy tài, thu hút trò giỏi. Học sinh giỏi của Huế khi theo học đại học ở các trung tâm đại học lớn như tp Hồ chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng hoặc nước ngoài nhưng quay về chỉ là số ít.
     Hội thảo đề xuất nhiều giải pháp, trong đó nhấn mạnh sự đổi mới toàn diện chính sách đào tạo và trọng dụng nhân tài, đảm bảo về thu nhập , cơ hội thăng tiến và môi trường làm việc . Huế phải chủ động xây dựng các thiết chế vùng và quốc gia như: trung tâm khoa học xã hội và nhân văn, các phân viện nghiên cứu toán, vật lý, hóa, đông y…tóm lại có nghĩa là Cần thay đổi triệt để chính sách kinh tế và xã hội .
     Tuy là một cuộc hội thảo do một tổ chức văn hóa - xã hội đứng ra tổ chức, nhưng lần đầu tiên một câu hỏi đụng chạm tới mọi khía cạnh trong đời sống kinh tế - xã hội của mọi người dân xứ Huế được thẳng thắn nêu ra trong đề dẫn của cuộc hội thảo này là: - Huế là “đất lành” sao “chim đậu không yên” ?
   Theo tôi câu hỏi này có hai vế của một vấn đề ? Đó là “chim đậu không yên”, hay “chim không đậu” ?
   Vế thứ nhất: Huế là đất lành, là đất học, là nơi đào tạo nhân tài, tạo nên những cánh chim bằng - đây là điều mà bất cứ ai cũng không thể phủ nhận.
    Nhưng khi Huế không còn là đất đế đô, không còn được sự nuôi dưỡng bằng tiềm lực của cả nước, thì Huế chỉ còn là thành phố của những bậc thức giả, ngồi âm mộng sầu bi lụy. Huế của những anh học trò nghèo, mỗi buổi sáng nhịn đói cắp sách đến trường co ro trong cái lạnh của mưa dầm xứ Huế. Tôi là người đã trải qua giai đoạn khốn khó này của quê hương xứ Huế trong những ngày còn bom rơi đạn rớt, cho đến khi đất nước hòa bình thống nhất.
   Những tưởng khi đất nước thanh bình thì cuộc sống của người dân quê tôi đở khốn khó hơn, nhưng không – với những chính sách ấu trĩ, những cuộc sửa sai kéo dài, người dân quê tôi lại phải ăn khoai sắn sống qua ngày. Làng trên xóm dưới thỉnh thoảng có những cái chết đột ngột vì say sắn (ai không biết say sắn là gì cứ gọi điện tôi sẽ miêu tả kỷ cho ?). Khi không còn gì để ăn lần lượt bà con xóm giềng, họ hàng thân tộc lũ lượt kéo nhau đi tìm đất sống (hay còn gọi là đi kinh tế mới). Đây là những điều rất thật và rất gần, như mới xảy ra hôm qua thôi. Hậu quả là hiện ở Huế có nhiều ngôi làng vắng ngắt chỉ còn toàn người già sống giữ nhà, người còn sức lao động đã tha phương cầu thực ở xứ người hết.
    Nhưng tại sao cho đến nay họ vẫn chưa trở về ? Đơn giản là “ về thì lấy gì mà sống ”. Đây là một sự thật nữa, nhưng hình như không ai thấy ? Người ta mãi tranh luận với nhau về kinh tế vĩ mô và vi mô trên những diễn đàn to lớn nên quên thực tại này chăng ?
    Ở trên vùng đất mà cái ăn còn chưa lo được, thì xin thưa rằng với những kế hoạch trên giấy là xa vời quá. Đúng ra sau chiến tranh, lãnh đạo tỉnh trong các thời kỳ phải tìm ra cho được một kế sách nhanh nhất vượt qua đói nghèo. Làm sao cho nhân dân nhanh chóng hết đói, sau đó mới tính tới những thứ có thể gọi là xa xỉ hơn như văn học nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, vĩ mô - vi mô v.v…người xưa dạy rằng “ có thực mới vật được đạo”. Nhưng qua theo dõi nhiều năm, với tư cách là một người con xứ Huế xa quê – tôi thấy hầu như các thế hệ lãnh đạo của tỉnh chưa làm được điều này, các vấn đề vĩ mô và tầm nhìn xa về phía trước cũng là một vấn đề đáng suy ngẫm ?
   Sau gần 40 năm hòa bình, với cái nền học vấn của một chốn kinh đô, với đầy đủ cơ sở vật chất của một đô thị thủ phủ của một đất nước - thì Huế ngày nay không có phát triển gì đáng kể. Tôi không phủ nhận là tỉnh nhà cũng có một số kết quả trong công tác thủy lợi, xây dựng đường sá, cơ sở vật chất, điện đường trường trạm cho nhân dân…, nhưng cái quan trọng nhất thì chưa làm được – đó là chưa tạo ra được cái cần câu cơm cho người dân .
    Qua theo dõi và nghiên cứu kỹ những nghị quyết phát triển kinh tế xã hội của đảng bộ và UBND tỉnh, chúng tôi thấy lãnh đạo tỉnh vẫn đang loay hoay tìm hướng đi đúng cho tỉnh nhà. Nhưng hình như vẫn chưa tìm ra, vì cho đến nay tỉnh Thừa Thiên – Huế vẫn là một trong những tỉnh nghèo, với tổng thu ngân sách năm 2014 (ước đạt) 4.755 tỉ đồng – trong khi tổng chi của tỉnh năm 2014 là 6.900 tỉ đồng. Ngân sách trung ương phải hổ trợ tới 2.300 tỉ đồng để nuôi bộ máy và duy trì sự phát triển cho tỉnh Thừa Thiên – Huế. Có nghĩa là cho đến nay sau gần 40 năm hòa bình người dân tỉnh Thừa Thiên - Huế vẫn chưa nuôi được mình, mà một phần phải nhờ vào sự nuôi nấng bảo bọc của nhân dân cả nước.
    Sự việc không có gì là bí mật cả, những con số tôi nêu trên đây là trích từ Nghị định số 261/QĐ – UBND ngày11/2/2014 của UBND tỉnh Thừa Thiên – Huế - Về việc công bố Công khai số liệu dự toán Ngân sách năm 2014 . 
    Tôi có đọc ở đâu đó rằng: “ …Muốn đánh giá về kinh tế - xã hội của một địa phương nào đó, thì hãy nhìn vào nồi cơm của người dân ở đó, hoặc nhìn vào việc mua bán của người dân trong chợ, cuộc sống và sinh hoạt trong mỗi làng xóm . Chứ đừng nhìn vào những câu khẩu hiệu treo trong công sở của địa phương đó…”.
   Là người đã đi dọc chiều dài đất nước - biết nhìn và biết so sánh, tôi thấy :
   - So với nhiều tỉnh thành khác trong cả nước, nhất là với nhiều tỉnh thành có xuất phát điểm rất thấp - Huế tụt hậu khá xa. Cụ thể điển hình nhất là thành phố Đà Nẳng bên cạnh. Năm 1974 khi tôi đến đây, thị xã này chỉ là một căn cứ quân sự lúc nhúc binh lính, thậm chí tỉnh lỵ của tỉnh Quảng Nam lúc này cũng đóng ở Hội An. Năm 1977 khi tôi quay lại thì thành phố này là một mớ hổn độn, không đường sá, hoang tàn , toàn là những mái nhà tôn… Tôi cũng có một số quan hệ công việc và quan hệ gia đình với một số bà con ở thành phố này nên cũng thường xuyên đến đây. Nhưng chỉ vài tháng không đến là đã nhận không ra, hình như thành phố này đổi khác từng ngày. Và với xuất phát điểm như vậy nhưng những vị lãnh đạo nơi đây đã biết cách biến Đà Nẳng từ một thị xã nhỏ bé năm 1977- nay trở thành một thành phố trực thuộc trung ương năng động nhất Việt Nam, đặt biệt là họ đã tự nuôi được mình và thường xuyên đóng góp hàng ngàn tỷ đồng cho ngân sách trung ương hàng năm. Với những chính sách chiêu hiền đãi sĩ khá đặc biệt, họ đã quy tụ được nhiều nhân tài khắp cả nước đến đây lập nghiệp và cùng nhân dân Quãng Nam biến đổi vùng đất này từ không đến có. Và nay họ đã có được tất cả mọi cơ ngơi từ cơ cấu nhân sự cho đến cơ sở vật chất của một thành phố lớn nhất miền Trung - họ đã xây dựng được mọi thứ trong vòng hơn 30 năm - việc mà người dân xứ Huế phải hơn 200 năm mới làm được ?
  Vừa qua, Huế vinh dự được nhận giải thưởng Thành phố bền vững môi trường ASEAN, lễ trao giải được tổ chức tại Thủ đô Viêng Chăn (Lào), giải thưởng được tổ chức 3 năm một lần, đây là lần thứ 3 giải được tổ chức. Huế là thành phố duy nhất của Việt Nam đoạt giải, đây là một trong 10 thành phố của ASEAN đoạt giải lần này. Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Huế - Lê Quang Dũng, “giải thưởng vừa là niềm tự hào, song cũng đầy trách nhiệm không chỉ cho người dân Huế”. Nhưng Huế không phải là thành phố đầu tiên và duy nhất cho đến nay của Việt Nam nhận được giải này mà là Đà Nẵng mới là thành phố đầu tiên của Việt Nam nhận giải này. Cho đến nay cũng chỉ mới có 2 thành phố của Việt Nam đoạt giải thưởng này. Đây là một giải thưởng rất khó đạt được, ngay cả thành phố Đà Lạt ngàn hoa cũng chỉ mới được ASEAN đưa vào dạng tiềm năng. Nhưng tại thành phố cảng và công nghiệp Đà Nẵng, người dân Đà Nẵng đã giành được giải thưởng này từ rất lâu rồi .
  Tại sao chúng ta không học tập cách làm của những người bà con láng giềng này mà phải đi tìm học bên Tây bên Tàu làm gì cho tốn tiền tàu xe của nhân dân.
  Thời kỳ mở cửa và hội nhập đã diễn ra nhiều năm, tiếp xúc với thế giới mới ngộ ra một điều là chúng ta đang bị co trong vòng luẩn quẩn, không tìm ra lối thoát trong khi thế giới ào ào tiến lên. Phải do tác động mạnh của cuộc khủng hoảng Đông Âu tới mình nên bắt buộc phải một phần nào đó chấp nhận cách làm ăn mới, nhưng những cái gọi là mới của mình thì là cái cũ của thế giới từ nhiều năm trước, mà cái ví dụ điển hình nhất đó là có sự tư hữu. Tư hữu của thế giới mình không chấp nhận, nhưng con người có quyền tư hữu từ hàng ngàn năm về trước. Nhiều thập kỷ đất nước vẩn trong vòng  luẩn quẩn trong khi thế giới đang tiến lên bởi mình không chấp nhận dân làm giàu. Cái sự được quyền làm giàu của mọi người dân trên thế giới nó đơn giản, nhưng ở ta nó khó khăn là vậy ?
   Khi bắt buộc phải công nhận, phải chấp nhận tư hữu ở một mức độ nào đó, thì như chúng ta đều thấy kết quả tức thì và người dân bắt đầu làm ăn được và kết quả nhản tiền là người Việt Nam chúng ta hết đói và xuất khẩu được hàng triệu tấn gạo mỗi năm. Cuộc cách mạng này do dân và cuộc cải cách này cũng hãy là vì dân.
   Trong buổi tiếp xúc cử tri Q.4 của tổ đại biểu Quốc hội đơn vị số 1(TP. HCM), ngày 2/12/2014. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có một câu phát biểu rất đáng suy ngẫm - “…chúng tôi sẳn sàng lắng nghe những ý kiến hết sức cay đắng của bà con cô bác” (Theo Tuổi trẻ số 328/2014 (7797) , thứ tư – 3/12/2014).

Lời kết :
Theo tôi không phải là chim đậu không yên mà là chim không đậu . Với không gian tĩnh lặng và thanh bình đầy chất thơ của xứ Huế không phải là “nhân tài” không muốn đậu lại. Người dân xứ Huế vốn hiền hòa mến khách, cũng không phải là họ không biết trọng nhân tài, Huế rất quý trọng nhân tài nữa là đằng khác. Nhưng vẫn không giữ được nhân tài vì nhân tài phải cần không gian rộng để vẩy vùng và phát huy tài năng của mình nhưng không gian của Huế quá chật hẹp – “không có đất dụng võ”, đây là một thực tế mà đã nhiều năm không mấy người thấy được ?
   Ngoài ra nhân tài không nhận được những đãi ngộ xứng đáng cũng là một trong những lý do khiến nhân tài bỏ đi. Rất đơn giản vì ngày nay con người ta không thể ôm những lý tưởng, những triết lý viễn vông nào đó và ăn cơm độn để sống – trong khi thiên hạ xung quanh với xe hơi – nhà lầu, vợ con đài cát cao sang. Triết lý yêu nước ngày nay cũng không bắt buộc mọi nhân tài phải sống tại quê hương mới cống hiến cho đất nước, vì nếu vậy chúng ta làm sao có được một Đặng Thái Sơn hoặc một Ngô Bảo Châu …
Người ta bảo đất Thừa Thiên này vừa là vườn ươm vừa là bệ phóng nhân tài, cũng có nghĩa nơi đây vừa là địa điểm đào tạo, rèn luyện con người vừa là môi trường thiên nhiên hun đúc bồi dưỡng tư chất cho tuổi thanh niên, lập nghiệp để rồi sau đó đàn chim rời tổ bay xa.
Loài chim di phải bay đi tìm nơi di trú, chúng bay đi tìm nơi có khí hậu ôn hòa để tồn tại nhưng không bao giờ quên nơi nó đã sinh ra.
Vâng, những người con của Huế cảm thấy khó lòng rời xa bàn thờ tổ tiên hoặc cõi nhà vườn của mình. Và một khi xa xứ, họ bắt đầu nảy nở trong tâm thức kẻ ly hương một loại tình cảm mới: tình cảm hoài hương, nó thâm sâu như tình con với mẹ. Xin đừng xem đó là một thứ tình cảm ủy mị, nhi nữ thường tình. Nó vừa giúp con người không quên nguyên quán của mình, vừa thôi thúc con người sống chẳng phải cho bản thân, mà cho một vận hội chung.
   ĐKT
24.12.2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Vì sao người quân tử không tranh cãi với kẻ tiểu nhân?

Không tranh cãi với kẻ tiểu nhân Khổng Tử có một cậu học trò rất thích tranh luận. Một hôm, người học trò này đến thăm Khổng Tử t...