ĐỊA CHÍ VĂN HÓA LÀNG MỸ LỢI !


Đình làng Mỹ Lợi , đã hơn 400 năm tuổi - di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia

     Người dân xứ Huế không mấy ai là không biết ngôi làng Mỹ Lợi, ngôi làng nay thuộc huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên quê tôi. Cũng có nhiều nguyên do, nhưng thế hệ chúng tôi trước năm 1975 khi ra đường hoặc tới các khu chợ tại Huế thường bắt gặp nhiều chị em phụ nữ người làng này đi thành đoàn có khi hàng chục người gánh những đôi quang gánh đầy cây trái nhất là trầu cau khá nặng chạy thoăn thoát tới buôn bán. Có một điều khá lạ là trên môi họ luôn luôn ngậm một điếu thuốc lá quấn khá to, họ đang gánh nặng nhưng vẫn vừa đi vừa hút và vừa trò chuyện cười đùa khá lớn. Một đặc điểm nữa là họ có một giọng nói khá đặc biệt, pha giữa giọng xứ Quảng và giọng xứ Huế, nên chúng tôi không phải ai cũng hiểu họ đang nói gì ?
     Do đây là một ngôi làng biển, nhưng nghề biển không phải là nghề mưu sinh chính của người dân làng Mỹ Lợi và do ruộng đất khá ít và là vùng đất cát nên các loại cây trồng năng suất rất thấp. Dân làng đã phải chuyển một số diện tích đất ruộng qua làm vườn, trồng một số cây có giá trị cao như cây ăn trái, thuốc lá và nhất là cây cau. Trầu cau làng Mỹ Lợi nổi tiếng thơm ngon một thời. Tuy nhiên do đất chật người đông, với mật độ và số lượng dân số khá lớn; nên việc mưu sinh tại làng khá khó khăn. Một bộ phận người dân phải chuyển qua kế mưu sinh khác. Đàn ông thì đi thuê ruộng các làng lân cận để canh tác, hoặc đi cày thuê gặt mướn khắp vùng; đàn bà phải tần tảo lặn lội khắp nơi để buôn bán. Âu cũng là bất đắc dĩ phải tìm kế mưu sinh của những kiếp người vốn sinh ra ở một vùng đất khốn khó nơi mà người ta gọi bằng hai tiếng “quê hương” nên không thể từ bỏ được !
     Gọi Mỹ Lợi là làng hay xã đều chính xác – đây là ngôi làng mà lệ xưa gọi là “nhất làng – nhất xã”; vì theo tiếng Việt ta gọi là làng nhưng trong các văn bản xưa gọi là xã (theo tiếng Hán – Việt). Xưa gọi là làng Mỹ Lợi nay là xã Vinh Mỹ, gồm có 5 thôn ( kêu theo thứ tự 1,2…5).
      Đây là ngôi làng văn hóa có khá nhiều cái nhất về lịch sử tại xứ Huế hiện nay. Tộc họ Đinh Khắc của tôi có một chi họ Đinh tại đây gồm 55 hộ, nên tôi thường được mời về tham dự các lễ kỵ hay chạp tại đây. Bà con coi tôi như là một người thân lâu ngày về thăm; họ sẵn sàng đáp ứng cái thói tò mò tìm hiểu của tôi một cách khá vui vẻ. Qua một số sách và bài viết của tôi về ngôi làng được bà con khen là hiểu làng Mỹ Lợi như chính dân làng Mỹ Lợi. Qua đó tôi cũng được làm quen khá nhiều nhân sĩ trí thức là người làng Mỹ Lợi, một vài vị hiện là những bạn viết của tôi.
       Tôi đã được các vị tặng cho một cuốn “Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi”, với yêu cầu là mong tôi góp ý cho họ. Cuốn Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi dày 300 trang khổ 14×21 , bắt đầu viết năm 1998, xuất bản năm 2000, do Đảng Ủy, Ủy Ban Nhân Dân, Ủy Ban Mặt Trận xã Vinh Mỹ, Ban Nghi lễ làng Mỹ Lợi, Bảo Tàng Văn hóa Dân Gian Huế chủ trì,
 - Lê Văn Thuyên chủ biên.
 - Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết biên soạn….
Sách được nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản (1999) và Hội Văn Học Dân Gian Việt Nam trao giải thưởng.
Nội dung chính của cuốn sách chia làm ba phần lớn:
- Phần thứ nhất: Khái quát về địa lý, có hai chương tên gọi là “địa ly tự nhiên” và “địa lý kinh tế”
- Phần thứ hai: hình hành và phát triển, có ba chương với tên “ Thời kỳ thành lập” (chương I), “Quá trình xây dựng” (chươngII), “ Đấu tranh giải phóng” (chươngIII) có các mục lớn mục nhỏ với những tên gọi: “Nhìn từ cội nguồn Thuận Hóa”, “Thuận Hóa những chặng đường lịch sử, “ Buổi bình minh của phường Mỹ Toàn”, “Một thời kỳ lịch sử bi tráng”…
- Phần thứ ba: Đời sống văn hóa, có ba chương với tên gọi: “Cơ cấu tổ chức”. “Tín ngưỡng tôn giáo”. “Phong tục- giáo dục”.
       Đây là một cuốn sách khá đẹp, được in ấn công phu, thiết kế trang trí và được biên tập khá tốt; nhưng về phần nội dung thì có một số vấn đề đáng bàn. Hình như nội dung sách có một khõang cách giữa thực tế và những điều được các tác giả viết ra. Tôi cũng dễ dàng cảm nhận những tác giả là những người nơi khác đến chứ không phải là người địa phương và sách xuất bản là một lý do hoàn toàn khác chứ không phải là phục vụ người dân của làng và giới thiệu ngôi làng với thế giới bên ngoài như vị chủ biên nói ?
       Do đó phần nội dung đã bị các vị nhân sĩ, trí thức và nhà văn hóa của làng không đồng tình. Một số vị là những nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa đã phản ứng một cách khá gay gắt, thậm chí họ cho rằng một vài chương “viết như viết tiểu thuyết” - không đúng sự thật. Họ cho biết họ là những người có kiến thức về làng, là những người lớn tuổi là con dân của làng nhưng hòan toàn không được hỏi ý kiến hay yêu cầu tham gia hoặc góp ý gì về cuốn sách này khi nó đang còn bản thảo. Chỉ khi ra sách thì mời họ tới tặng và yêu cầu góp ý, đã thành sách thì góp ý gì nữa – mọi thứ đã được quyết định !
     Trong những người phản ứng gay gắt nhất có nhà văn – nghiên cứu văn hóa Chu Sơn, ông vốn là một người dân của làng Mỹ Lợi. Ở Huế rất nhiều người biết tới ông – chúng ta hãy cùng nghe ông nói về việc này :

      -  Nhà văn Toan Ánh trong cuốn “Làng xóm Việt Nam”, có viết về Mỹ Lợi với tình cảm nồng nàn. Hai sự kiện đặc biệt ở làng quê xa xôi hẻo lánh này làm ông thích thú là trò chơi bài chòi trong ba ngày Tết và cái mà ông gọi là “chợ người âm”. Trò chơi bài chòi thì có thật còn “chợ người âm’’ thì không. Do đâu Toan Ánh sáng tác ra cái chợ thơ mộng đó? Chắc là nhà văn này chưa đến Mỹ Lợi bao giờ, ông chỉ nghe ai đó kể về những buổi chợ đông vào lúc chiều tối để tránh máy bay giặc Pháp thời kháng chiến (1949 – 1952).
Những năm cuối thập niên 1950, lúc bây giờ còn là cậu học trò trung học đệ nhất cấp (cấp hai bây giờ) tôi khá xúc động khi đọc thấy sách báo về quê làng mình. Nhưng cũng từ ấy cái chợ người âm của Toan Ánh đã nhen nhúm trong trí nhỏ dại, quê mùa của tôi mối hoài nghi về một trong những giá trị thiêng liêng mà gia đình, làng xóm, trường học đã nhen nhúm cho tôi nhiều năm: sách báo.
Cách đây hai năm, nhân một chuyến về quê, nghe nói là làng xã đang chuẩn bị cho in một cuốn sách viết về Mỹ Lợi, bản thảo đã xong và đã được sao làm nhiều bản gởi đi nhiều nơi để xin góp ý. Cũng nghe nói chỗ ông Hoàng Trọng Biên (trưởng họ Đoàn, phụ trách ban nghi lễ làng) có một bản. Tôi tìm đến, ông Biên đã dẫn tôi đi một đoạn đường hơn 2km trong chiều tà để lấy tập bản thảo. Khi chia tay, ông Biên căn dặn: Anh nhớ đọc kỹ và góp ý. Tôi hứa. Nhưng rồi lời hứa ấy tôi chỉ thực hiện được một nửa: đọc kỷ, còn nửa kia thì không. Tại sao vậy? Tập bản thảo dù đã được dàn dựng, tô điểm công phu nhưng lại chứa nhiều điểm mà theo tôi cần nghiên cứu lại không thể góp ý vài lần điện thoại hay thư từ.
Tháng tư vừa rồi (năm 2000) về Huế, tình cờ gặp ông Lê văn Thuyên, người đứng chủ biên cuốn sách. Hỏi. Ông Thuyên tặng tôi một tập.
Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi dày 300 trang khổ 14×21 in trên giấy tốt, bìa trang trọng. Phần chữ in ở bìa và sáu bảy trang trong đã khiến tôi yên lòng: Đảng Ủy, Ủy Ban Nhân Dân, Ủy Ban Mặt Trận xã Vinh Mỹ, Ban Nghi lễ làng Mỹ Lợi, Bảo Tàng Văn hóa Dân Gian Huế chủ trì, Lê Văn Thuyên chủ biên. Lê Nguyễn Lưu, Huỳnh Đình Kết biên soạn… với sự đóng góp trí lực, vật lực của tất cả các họ tộc, các hội đồng hương trên khắp mọi miền đất nước (“Lời thưa”, Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi tr 8) Cuốn sách được nhà xuất bản Thuận Hóa xuất bản (1999) và Hội Văn Học Dân Gian Việt Nam trao giải thưởng, với nhiều bản đồ (4), biểu đồ (5), ảnh tư liệu (30), ảnh minh họa (#108), thư tịch (>25), và phụ lục (2). Thiết nghĩ một cuốn sách viết về một làng quê nghèo khó, xa xôi mà được chuẩn bị công phu như vậy quả là tâm huyết. Thế là tôi tiếp cận Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi với một thái dộ háo hức và trân trọng. Nhưng rồi cái thuở ban đầu ấy chẳng mấy chốc vơi đi và tan biến. Cái còn lại trong tôi là sự kinh ngạc và thất vọng.
Tại sao vậy? 
Với tư cách là một người Mỹ Lợi, chứ không phải là một người làm công tác phê bình, tôi xin trình bày một số ý kiến sơ bộ như sau:
Về đề cương (mục lục): Ngoài “lời thưa” ở trang 7- 8, “lời mở đầu” từ trang 9 đến trang 14, “tổng kết” từ trang 270 đến 273 và “phụ lục” ở các trang từ 274 đến 292, nội dung chính của cuốn sách chia làm ba phần lớn:
— Phần thứ nhất: Khái quát về địa lý, có hai chương tên gọi là “địa ly tự nhiên” và “địa lý kinh tế”
— Phần thứ hai: hình hành và phát triển, có ba chương với tên “ Thời kỳ thành lập” (chương I), “Quá trình xây dựng” (chươngII), “ Đấu tranh giải phóng” (chươngIII) có các mục lớn mục nhỏ với những tên gọi: “Nhìn từ cội nguồn Thuận Hóa”, “Thuận Hóa những chặng đường lịch sử, “ Buổi bình minh của phường Mỹ Toàn”, “Một thời kỳ lịch sử bi tráng”…từ cách dùng chữ cho đến sự sắp xếp các chương mục đều khá mông lung, mơ hồ và bất cập làm cho người đọc khó mà nắm bắt được từng giai đoạn, từng thời kỳ người Mỹ Toàn rồi Mỹ Lợi làm ăn, sinh sống và chiến đấu như thế nào, đã xây dựng và phát triển ra sao. Người đọc cần có một đề cương với từ ngữ và sự sắp xếp các chương mục đơn giản, dễ hiểu mà đầy đủ hơn. Chẳng hạn;
_  Khái quát về thời kỳ khai phá thành lập làng (tên gọi, địa giới…)
— Mỹ Lợi qua các thời kỳ lịch sử: Thời kỳ các Chúa Nguyễn. Thời kỳ Tây Sơn. Thời Kỳ nhà Nguyễn và thực dân Pháp xâm lược. Thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ. Thời kỳ độc lập, thống nhất và chủ nghĩa xã hội.
— Phần thứ ba: Đời sống văn hóa, có ba chương với tên gọi: “Cơ cấu tổ chức”. “Tín ngưỡng tôn giáo”. “Phong tục- giáo dục”. Chương I của phần này nặng tính chất hành chính, ít tính chất văn hóa, nếu cần thiết phải có thì nên tách thành một phần riêng. Ở mục 3 chương II tên gọi “Cơ sở tôn giáo” cũng có vẻ mơ hồ, nên tìm một từ khác xác đáng hơn.
Mấy ý trên chỉ có sau khi đọc lướt, chưa hẳn chúng tôi nhất trí khung sườn này.

Ở chương I, về phần diện tích, các tác giả viết: “Diện tích tự nhiên hiện nay gồm 8.961.400m2 (896,14ha) tính tròn là 9km2, chiếm 10% đồng bằng tỉnh Thừa Thiên Huế (tổng diện tích là 5.000,2km2, trong đó đồng bằng chiếm 900km2)” (trang 18). 9 không thể là 10% của 900 được. Nếu in sai sao không có đính chính? Mà không thể đổ lỗi cho in ấn được vì trong bản thảo cũng in như vậy!
Mục sông ngòi các tác giả đã mô tả: “Ở dải sinh thái giữa chỉ có một cái khe nhỏ chạy dọc từ đầu đến cuối làng, chỉ dùng để tưới vườn, không thể làm đường giao thông” (trang 20- 21).
Xin thưa tổ tiên chúng tôi từ xa xưa khi thiết lập con khe này chẳng có mục đích tưới vườn, hoặc làm đường giao thông gì cả. Đến ngày nay, người Mỹ Lợi chúng tôi cũng chưa hề lấy nước ở đây để tưới vườn, Khe đối với chúng tôi trước sau gì cũng là kênh thoát nước chính của hệ thống thủy lợi Ao – Khe – Sông có một không hai ở miền Trung, ở miền Bắc, mà nếu thiếu nó sẽ không bao giờ có một nền kinh tế vườn Mỹ Lợi.
“…Có một con kênh hẹp chạy từ đầm La Hồng thông với đầm Cầu Hai” (trang 21), người đọc hiểu câu này như sau: Bên này là đầm La Hồng, bên kia là đầm Cầu Hai, con kênh là thông lộ. Hiện thực không phải như vậy. Đầm La Hồng chỉ tồn tại trước khi dân Mỹ Toàn, Nghi Giang, Đơn Chế, Diêm Trường, Phụng Chánh trưng khai ruộng đất ra các phía liên hệ, và đầm La Hồng đã biến mất từ hai trăm năm trước. Tên đầm La Hồng chỉ tồn tại trong văn khố triều đình Huế, trong các hòm tư liệu hán nôm, các gia phả của các họ tộc thuộc các xã Vinh Mỹ, Vinh Hưng, Vinh Giang. Dấu vết còn lại làm cho các bậc lão làng ở khu vực này nhớ lại đầm La Hồng là con kênh nhỏ chảy qua cánh đồng lúa thuộc ba xã trên.
‘… Ngày trước thuyền bè và ghe bầu theo bến khe đến giữa làng; một hướng từ thôn Một vào đến cầu kho thôn Hai và neo đậu ở hồ Sen thôn Ba (gần từ đường họ Trần); một hướng từ thôn Năm ghe bầu vào neo đậu tận xóm Bàu” (tr 21)
Ghe bầu là loại ghe lớn, trọng tải gấp ba bốn năm lần các loại ghe thuyền vận tải thông thường thời bây giờ. Loại ghe này không thể đi lại được trong lòng con khe rộng từ 1- 3m, sâu từ 2- 3m, thỉnh thoảng có những cây cầu bắt ngang, quanh năm, chỉ trừ những lúc mưa lũ, khe chẳng bảo giờ có nước sâu quá 0,5m. Xóm Bàu là một phần của thôn Năm, có một cái khe rộng từ 1 – 2m, sâu 0,5m dẫn nước mưa lũ từ Bàu ra sông (bến đò). Khoảng cách từ bến đò đến xóm Bàu chừng 300m. Ghe Bầu làm sao đi được trên khe này? Ghe bầu cũng không thể đi từ thôn Năm vào xóm Bàu (xóm Bàu là môt phần của thôn Năm)
+ Mục 3 Chương I Phần I cũng na ná như các mục 1 và 2, cũng chắp vá một số kiến giải kiểu như vậy. Các kiến giải này có thể dùng để viết địa chí cho bất kỳ làng ven biển từ An Bằng, Thuận An đến Quảng Trị, Quảng Bình. Ở Mỹ Lợi không có các “cồn cát di động kích thước khổng lồ… cảnh quan luôn thay đổi”? (tr 19)
“Bên trong một chút… là “cồn cát già”, “cồn cát cổ”… chỉ có trồng dương liễu hay bạch đàn” (tr 21 – 22)
Xin thưa rằng trước đây (từ 1960 về trước) cái mà Địa Dư Chí Văn Hóa làng Mỹ Lợi gọi là vùng cát ven biển này là một dải sinh thái vô cùng quan trọng (người Mỹ Lợi gọi là rú) chạy dọc theo bờ biển gần 4km, rộng từ 500 đến 1000m. Dải sinh thái này bị phá là một thiệt hại vô cùng lớn đối với Mỹ Lợi
“ Vùng cát nhiễm mặn: Ở dọc đầm La Hồng (thôn Năm)” (tr 22). Xin thưa ở thôn Năm không có vùng cát nhiễm mặn nào ở dọc đầm La Hồng cả. Lãnh thổ thôn Năm gồm có hai phần: Phần đất làm vườn và thổ cư. Phần này được khai phá ven triền đồi, không nhiễm mặn. Phần ruộng trưng khai từ đầm La Hồng (chứ không phải dọc đầm La Hồng) nhiễm mặn, đã được rửa mặn từ mấy trăm năm trước. Viết như thế này nếu người đọc không phải là dân Mỹ Lợi sẽ đi tìm đầm La Hồng – một đầm La Hồng chỉ có trong tư liệu cổ!
Nói về khoai mài ở Mỹ Lợi các tác giả viết: “…Nhưng ngày xưa rất nhiều, mọc chằng chịt trong các lùm cây bui cỏ” (tr 23). Xin thưa khoai mài có thân leo mọc trong các lùm cây nhỏ chứ không hề mọc trong các bui cỏ.
“…nhân dân thu hoạch nộp vào phủ Chúa trong các dịp tế lễ giỗ chạp nơi đình miếu để được miễn phu phen thuế má suốt mấy thế kỷ XVII, XVIII…” (tr 23)
Câu này chứa đựng 3 điểm sai:
—1/ Dùng chữ sai: Chữ thu hoạch ở đây không chính xác, nên tìm một từ khác như “đào bới” chẳng hạn.
—2/ Khoai mài chỉ tìm được vào một thời điểm nào đó nhất định trong năm (đầu mùa mưa lụt) thời điểm ấy lá bắt đầu tàn, củ phát triển chất lượng cao tốt nhất. Những thời điểm khác củ khoai mài hoặc còn non, hoặc thoái hóa, chất lượng xấu, thối, không thể dâng nộp vào phủ Chúa vào các dịp tế lễ, giỗ chạp quanh năm được, Vì vậy mà tổ tiên chúng tôi mỗi khi bị thúc bách bởi phủ huyện phải đi thu mùa thêm khoai mài của các địa phương khác để nộp cho đủ “chỉ tiêu” và kịp “thời lệnh” trên giao.
“Tuy nhiên dù nặng hay nhẹ, nhân dân phường Mỹ Toàn cũng khỏi phải lo, vì họ may mắn được miễn nhiều sưu dịch; bù lại họ phải cung cấp cho phủ chúa một loại sản vật tự nhiên địa phương, chỉ mất công đào bới, thu hoạch… có sẳn vô vàng trong rừng bụi” (tr 72)
—3/ Vấn đề khoai mài và thuế má có phải như lời hứa của phủ Chúa và nhận định của các tác giả Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi (“ để được miễn phu phen thuế má suốt mấy thế kỷ XVII, XVIII” “ Còn những thuế má, sai dịch đều được miễn hết” ) không?
Xin thưa là không.
Do đâu mà người đọc dám khẳng định chắc chắn như vậy? Chỉ cần đọc kỹ các tư liệu do các tác giả sưu tầm, dịch và cho in ở sách này: Năm tờ thị gởi đi từ phủ Chúa và dân Mỹ Toàn nhận được vào các năm 1688, 1713, 1742, và 1766 và các tờ đơn kêu của dân Mỹ Toàn gởi lên phủ Chúa vào các năm 1721, 1747. Thời điểm gởi đi của các tờ thị và các tờ đơn đan chen nhau không gợi ý cho các tác giả điều gì chăng? Sao lại vôi kết luận như vậy?
Theo thiển ý của chúng tôi thì:
1/ Khoai mài là một sản vật tự nhiên, đào bới lâu ngày cũng hết chứ chẳng phải “có sẵn vô vàn” như các tác giả nói. Do vậy mà việc dâng nộp lên phủ Chúa đối với dân Mỹ Toàn ngày một khó khăn. Năm nhiều, năm ít, năm có, năm không (do mất mùa).
2/ Việc miễn thuế, sưu dịch cho dân Mỹ Toàn để đổi lấy khoai mài cũng được thực hiện thất thường chứ không nghiêm túc suốt mấy thế kỷ XVII. XVIII như sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi khẳng định.
3/ Mấy đời Chúa cuối cùng từng bước một đi vào con đường sa đọa, đối nghịch với nhân dân. Dân ấp Mỹ Toàn nói riêng, dân Thuận Quảng nói chung ngày một nghèo đói, cơ cực do thiên tai dịch họa và do cả bọn cướp ngày.
Sau khoai mài, sản vật thứ hai đề cập là Nhông Cát.
Các tác giả Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi dành 20 dòng để viết về con nhông cát. Ba dòng đầu là con nhông cát chung chung ở bất cứ làng nào ven biển của cả nước. 15 dòng tiếp theo là các kiến giải, các thuật ngữ lấy ra từ một báo cáo khoa học của tác giả Ngô Đắc Chứng trong đó có một câu làm người đọc phân vân là có phải của Ngô Đắc Chứng hay không?
“… Nhông con tăng trưởng trung bình đạt 13,5mm chiều dài thân và 6,49gam về trọng lượng…(tr 23)
Xin hỏi các nhà nghiên cứu là các chỉ số tăng trưởng đó xảy ra trong thời lượng nào?
Người Mỹ Lợi chúng tôi nghĩ rằng: Địa Chí Văn Hóa một đơn vị dân cư nhỏ như một làng, một huyện thì sách vở, tư liệu nên được dùng như là phương tiện đối chứng với kết quả điều tra, khảo sát, phát hiện hơn là những từ ngữ, những đoạn trích dẫn khô chết thay thế cho công việc nghiên cứu. Thí dụ khi viết về con nhông cát ở Mỹ Lợi thì ngoài vài nét phát họa khái quát ra nhất thiết phải là con “mồn” ở làng quê này chứ không phải là con nhông cát trong sách báo của các nhà chuyên môn, các sinh viên đại học, hay là con xôn, ( hay con gì đó nữa) ở bất cứ địa phương nào. Chẳng hạn ở Mỹ Toàn rồi Mỹ Lợi chúng tôi, con ‘mồn” trong chừng mực nào đó có một vị trí trong đời sống của người nghèo và lũ trẻ chúng tôi. Người nghèo bắt “mồn” xâu thành từng chục con đem ra chợ bán lấy tiền đong gạo. Những gia đình quanh năm lấy khoai sắn làm lương thực chính thì mấy ô gạo (trước khi dùng lon sữa bò, người Mỹ Lợi dùng ô để đong gạo hay các thứ đậu… Ô bằng gỗ giống cái đọi (bát) lớn hơn lon) đối với họ là hạnh phúc biết dường nào? Còn lũ trẻ chúng tôi với các dụng cụ tự kiếm, hò hét, đuổi bắt rồi hí hửng làm thịt “mồông”, băm với vài lá chanh, lá phật thủ, vài củ ném, tí muối hoặc nước mắm, viên thành nhiều miếng, đem nướng trên lửa hồng. Thịt ‘mồn’ vốn đã ngon, bữa chén thịt “mồn” nơi xó rú, góc lùm hay đụn rơm đối với thế hệ các trẻ em Mỹ Lợi thiếu thịt kinh niên chắc chắn ăn đứt bất cứ một bữa tiệc thịnh soạn đầy cao lương mỹ vị nào. Chúng tôi, người Mỹ Lợi , “tha phương cầu thực” nhớ làng quê đau đáu đôi khi cũng vì những kỷ niệm hồng hoang ấy.
Vấn đề quặng Titan và cát thủy tinh: Sách Địa Chí trang 22, hai dòng cuối: “… Tuy vậy, họ cũng đã và đang thừa hưởng một số thổ sản gồm các loại do giới tự nhiên cung cấp”. Bốn loại thổ sản mà sách Địa Chí nói đến là khoai mài và nhông cát thì chúng tôi đã đề cập ở trên, còn cát thủy tinh và quặng Titan thì như thế nào?
Các tác giả viết về Titan 12 dòng. Hai phần ba của 12 dòng là những từ, những ký hiệu khó hiểu đối với người đọc đa phần có trình độ từ phổ thông trở xuống như chúng tôi: Tuổi Holoxen muộn QIV3, thành phần khoáng vật Inmenit (FeOTiO2), Ziricon (ZnSiO4), Rutin (TiO2), Monazit; thành phần hóa học…). Chỉ có một câu mà người Mỹ Lợi chúng tôi chia sẻ cùng tác giả là: “…Chúng tôi chưa biết đích xác trữ lượng quặng Titan ở bờ biển Mỹ Lợi hiện đang khai thác sơ sài, thủ công (tr24). Nhưng dân Mỹ Lợi chúng tôi lại rất bất bằng khi các nhà nghiên cứu khẳng định rằng chúng tôi đã và đang thừa hưởng “ thổ sản Titan, trong khi đó “ông nhà nước” đưa người máy móc đến tự tung tự tác chẳng thèm quan tâm tới ý kiến, nguyện vọng vầ quyền lợi của địa phương.
Sự khai thác quặng Titan trên vùng động biển – triền cát cao nằm giữa bãi biển và rú đã không có kế hoạch toàn diện, gây nên tác động xấu đối với cảnh quan và môi trường nơi đây. Mong các nhà chuyên môn và công ty khai thác nghiên cứu điều chỉnh.
Chúng tôi cũng xin nói thêm vài khái niệm về rú, lùm bụi và vai trò của nó trong đời sống các thế hệ cộng đồng dân cư này:
Liền sau ngày giải phóng, chính quyền huyện Phú Lộc, xã Vinh Mỹ và bà con làng Mỹ Lợi chúng tôi đã nhanh chóng trồng mới vùng cây chắn gió dọc bờ biển. Việc làm đúng đắn và kịp thời này đã ngăn chặn phần nào tác hại của gió cát với cảnh quan môi trường sống vốn đã xấu đi nhiều từ sau khi dãy rú tự nhiên và lùm bụi ở đây bị chặt phá. Vùng cây chắn gió này so với rú tự nhiên mà ông cha chúng tôi đã gìn giữ từ bao đời cách nhau một trời một vực về giá trị mọi mặt của nó. Động biển, rồi rú, rồi khe Long, khe Hiếu, rồi đập Trung Quân, rồi lùm bụi, khe ao từ mấy trăm năm là bối cảnh là điểm tựa, là tài nguyên mà thiếu nó đã không có một Mỹ Lợi gây chú ý cho nhiều người. Trước khi rú bị tàn phá, động biển ổn định và cao hơn bây giờ. Cây rú lấn sát biển. Động biển, rú là bức tường thành tự nhiên, kiên cố ngăn chặn hữu hiệu bảo tố, gió thổi cát bay. Cây rú không to như cây rừng nhưng cũng khá nhiều chủng loại, xum xuê, xanh tốt, cung cấp chất đốt và phân bón (lá khô và cả lá tươi khi được khai thác hợp lí). Cây rú còn có vai trò đièu hòa không khí, giữ độ ẩm, ngăn nước tràn, làm hang ổ cho nhiều chủng loại chim, thú nhỏ và côn trùng. Ở lùm, cây cao to hơn có cây cao 10 – 15m, thân to hơn xoác tay, gỗ không tốt lắm nhưng có thể làm vật liệu xây dựng. Vai trò cây rú của làng vô cùng quan trọng đối với nghề làm vườn ở Mỹ lợi. Trước đây những khu vườn nổi tiếng năng suất cao, trái cây ngon đều được che chắn bởi những bờ và lùm cây xanh tốt này.
Điểm cao mà sau này người Mỹ Lợi gọi là Dinh Ông, con khe nhỏ uốn lượn chạy theo hướng đông – tây, từ đầu, tổ tiên chúng tôi gọi là Khe Long – đã nhanh chóng trở thành một khu vực thiêng liêng. Nơi tập trung các miếu thờ Thần và thờ ông Cá Ông – thay thế cho đồn biên phòng và xóm dân cư. Vốn là dân chài nhưng tổ tiên chúng tôi đã không cư trú sát biển cho tiện việc làm ăn sinh sống như những người láng giềng An Bằng, mà dứt khoát dời khu cư trú vào phía trong dọc theo hai triền đồi chạy nép bờ La Hồng. Sự chọn lựa này là nhân tố, là động lực quyết định đúng đắn cho sự tồn tại và phát triển lâu dài và định hình cho một bản sắc Mỹ Lợi.
Vai trò của động biển, của rú, khe, lùm bụi đối với người Mỹ Lợi chúng tôi chẳng khác gì Hoành Sơn, rừng núi, sông suối đối với Việt Nam. Suốt hơn 350 năm đầu mặc dầu đất đai chật hẹp, lại sớm bạc màu, nhân khẩu tăng, cuộc sống ngày một khó khăn, từng lúc, từng bộ phận bà con chúng tôi phải đi tìm đất sống ở phương xa chứ chẳng hề phá hoại môi trường sinh thái quý báu mà cha ông mà cha ông gìn giữ bao đời. Nhữmg năm giặc Pháp đóng đồn ở Mỹ Lợi (1946 – 1947 rồi 1953 – 1954) rồi những năm chính quyền Ngô Đình Diệm thi hành chính sách “tố cọng, diệt cọng”. rú lùm của chúng tôi bị triệt hạ đào bới để “diệt tận gốc, trốc tận rễ” các mầm mống nhân tố yêu nước và cách mạng. Từ đó hình khe thế rú bị sang bằng, vườn tược bắt đầu suy thoái, mô mã trên những mô cát phía biển bị bay khuyết và ọc nước. Mỹ Lợi chúng tôi từng bước đi vào thời kỳ gian nan (suy tàn).
+ Mở đầu Phần nhất chương II: Địa lí kinh tế, sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi viết:
“Cho đến nay, Mỹ Lợi vốn là một làng nông nghiệp trên cơ sở “kinh tế vườn” (tr28). Ở các trang 22, 29, 30. 71 cũng thấy viết như vậy: ‘Từ xưa đến nay Mỹ Lợi chủ yếu sống bằng kinh tế vườn”.
“Từ xưa” là từ lúc nào, có phải từ hơn 400 năm trước hay không ? “Đến nay” là thời điểm nào? Có phải là vài năm cuối của thế kỷ XX hay là năm 1999 – năm xuất bản Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi?
Trước khi thảo luận vấn đề này, chúng tôi có vài ý kiến sau:
1/ Nghề làm vườn ở Mỹ Lợi mới chỉ bắt đầu từ nửa sau thế kỷ XIX ( gần 300 năm sau khi thành lập làng) và cũng gần hai ba trăm năm sau cái thời điểm ‘Từ xưa” mà sách Địa Chí đã nêu.
2/ Nghề làm vườn ở Mỹ Lợi bắt đầu suy thoái từ những năm cuối thập niên 50 của thế kỷ XX. Đến nay thì nghề làm vườn thực sự bế tắc ở làng quê nổi tiếng một thời này.
3/ Trong những năm phát triển rực rỡ nhất (khoảng từ 1900 – 1950) nghề làm vườn cũng chưa phải là nền tảng của kinh tế Mỹ Lợi. Với 64, 42 ha thì dù có thắng lợi đến đâu (mùa màng + thị trường) nghề làm vườn cũng không phải là nghề chủ yếu duy nhất để làm giàu của một cộng đồng có dân số từ 3000 đến 9000 người theo từng thời điểm.
Xin được bàn luận thêm để sáng tỏ vấn đề
Vấn đề cái ăn (lúa gạo, các thứ củ, đậu) cái mặc ( bông, dâu tằm và vải) đã thôi thúc những thế hệ Mỹ Lợi đầu tiên vạch và thực hiện kế hoạch: Hai mũi giáp công là nghề biển và nghề nông. Vùng trũng từ đầu đến cuối làng rồi sau này vùng sườn đồi phía Tây, cộng thêm một phần khai trưng từ đầm La Hồng là ruộng lúa, là đất trồng hoa màu, bông, gai, dâu. Hướng đi đúng đắn này kéo dài 200 năm. Đến khi thành lập chợ (giữa thế kỷ XVII), kinh tế Mỹ Lợi có thêm một nhân tố mới: Thương mại. Đối với Mỹ Lợi thương mại chưa bao giờ là một mũi như hai mũi chủ đạo là nông nghiệp và ngư nghiệp. Tuy nhiên cái nghề lúc đầu không được coi trọng ở Mỹ Lợi này là nhân tố kích thích cho kinh tế nói riêng và xã hội nói chung phát triển. Vai trò của chợ và các bến sông có vị trí tích cực cho sự phát triển này. Cùng với sự xuất hiện của quân đội rồi chính quyền Tây Sơn (1786 – 1801) tiếp theo là sự trở lại của đoàn quân Nguyễn Ánh, sự xây dựng vương triều nhà Nguyễn (1802), hoạt động thương mại ở làng Mỹ Lợi như là một luồng gió mới lay động cuộc sống bình lặng của làng quê này. Với những câu chuyện lạ lẫm, những sự kiện hấp dẫn từ các cảng Hội An, Qui Nhơn, Gia Định và nhất là triều đình Huế dồn dập được kể sau những buổi họp chợ, hoặc sau những chuyến đi dài trên sông nước, và nhất là những cuộc hàn huyên thăm viếng của của những bà con trở về từ những miền đất lạ. Thuận Hóa manh nha một nền kinh tế đô thị từ đầu thế kỷ XVII, tiến tới một bước nữa từ thời Tây Sơn và phát triển rầm rộ từ triều Gia Long trở về sau. Lúa gạo, trước đây là vấn đề nan giải của cư dân của các làng ở ven biển như Mỹ Lợi. Nhưng khi hòa bình trở lại, đất nước thống nhất, các cựu chiến binh về làng, các kiến thức kỷ thuật mới về nông nghiệp như thủy lợi, giống cây trồng được du nhập, sự giao lưu giữa các miền phát triển, nỗi ám ảnh về cái đói được giải tỏa. ‘Nhất Đồng Nai, nhì hai Huyện” hoặc “Hết gạo có Đồng Nai…”. Ngày trước người Mỹ Lợi vừa thiếu tiền vừa thiếu gạo. Ngày nay có tiền là có gạo. Mà đâu phải chỉ có gạo, cuộc sống đã mở ra, người dân,ngoài lương thực, còn cần nhiều thứ khác nữa chứ!
Vậy người Mỹ Toàn làm gì có tiền mua các thứ ấy? Để trả lời câu hỏi hóc búa này Người Mỹ Lợi bấy giờ đã có một chọn lựa táo bạo: Hai mũi giáp công cũng được vận đụng linh động, ứng biến kịp thời trước tình hình mới:
1/ Đẩy mạnh nghề biển, phát triển sự chế biến hải sản nhầm cung cấp các mặt hàng như cá tươi, cá khô. Mắm, nước mắm, ruốc cho các làng ven núi và nhất là cho các chợ đang phát triển rầm rộ ở kinh đô.
2/ Chuyển ruộng làm vườn, không phải chuyển hết mà chỉ chuyển những ruộng quanh khu vực cư trú ( phần trũng giữa làng rồi ven sườn đồi phía Tây) Do đời sống nhân dân các huyện quanh kinh thành ngày một khá lên, do bộ máy nhà nước ngày một lớn, nhu cầu của thị trường gia tăng dữ dội. Những thứ “ăn chơi” những thứ dùng trong lễ lạc (cúng tế, giỗ chạp, cưới xin, ma chay) là những nhu cầu được đáp ứng. Những trầu cau, cam quýt, chuối, thơm, mãng cầu sản xuất từ vườn. Người Mỹ Lợi chuyển một phần ruộng thành vườn trong tình hình như thế.
Nhưng thời điểm nào người Mỹ Lợi bắt đầu làm một chuyển đổi quan trọng như là bước ngoặc ấy?. Trả lời câu hỏi bằng môt tháng năm cụ thể nào đó thì khó. Đây là công việc của các nhà nghiên cứu. Còn chúng tôi qua lời kể của hai thế hệ, ông rồi cha, chúng ta biết rằng cây cau kinh tế ở làng Mỹ Lợi có mặt chưa quá ba đời. Đời cây cau từ 30 – 40 năm. Do vậy việc làm vườn (trồng cau) ở Mỹ Lợi chỉ bắt đầu hơn trăm năm về trước. Đọc Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi chúng tôi thấy có những địa bạ 1669 (Cảnh Trị). 1731 (Vĩnh Khánh), 1814 (Gia Long), mãi đến đến tờ khai nộp thuế ngày 29 tháng 10 năm đầu Thiệu Trị (1841) chưa đề cập đến đất vườn. Hai chỉ dẫn trên cho phép chúng tôi khẳng định rằng: Việc làm vườn ở Mỹ Lợi chỉ bắt đầu ở nửa sau thế kỷ XIX cũng có thể từ vài thập niên cuối cùng của thế kỷ này. Chậm hơn so với thời điểm “Từ đầu” của các tác giả Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi đến gần 300 năm.
Xin trở lại Phần Nhất Chương II – Địa lý kinh tế. Mở đầu chương này là nhận định có tính “tập truyền” nên chúng tôi phải đề cập dài dòng ở trên. Tiếp theo là một bản thống kê nặng tính máy móc, hành chính, thư lai của chính quyền Thừa Thiên – Huế năm 1973. Theo bản thống kê này ở Mỹ Lợi 70% dân Mỹ Lợi sống bằng nông nghiệp, 20% thương nghiệp, 10% bách nghệ. Các tác giả chứng tỏ vai trò nghiên cứu của mình nên ngoài việc lấy bản thống kê trên làm nền, họ còn phụ diễn thêm: “Cho đến nay, Mỹ Lợi vẫn là một làng nông nghiệp trên cơ sở kinh tế vườn, các ngành nghề khác chỉ có tính cách hổ trợ” (tr 28). Trước hết viết về kinh tế vườn, các tác giả nhắc qua một việc làm mà họ cho là không quan trọng, chẳng nuôi sống được ai… “trồng lúa nước”.Chúng ta xem các tác giả viết gì về nghề này?
Mở đầu tiết mục “Trồng lúa nước”, Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi viết: “ Nói đến nông nghiệp, dù sao thì cũng không thể không nói đến nghề trồng lúa nước” (tr 28). Thế là những chữ, những dòng tiếp theo, các tác giả cho chúng ta biết về: — triết lý trọng nông chuộng thực của người Việt Nam, về tình hình ruộng đất ít ỏi, về thiên nhiên khắc nghiệt ở Mỹ Lợi, về các yêu cầu kỷ thuật của nghề nông (nói chung) về diện tích các loại ruộng đất (nói chung) ở Mỹ Lợi, về vụ tranh kiện ruộng ven đầm La Hồng, về chủ trương giảm chợ ra đồng của xã năm 1975. Cuối cùng các tác giả kết luận: “nghề trồng lúa nước ở Mỹ Lợi “chẳng nuôi sống được ai’ (tr 29). “ Vì vậy từ xưa, nhân dân Mỹ Lợi sống nhờ kinh tế vườn bằng cả đời chịu khó, chống chọi với thiên nhiên” (tr29). Thế là chúng ta, người đọc chẳng biết được gì về cái nghề trồng lúa nước ở Mỹ Lợi: Diện tích, kỷ thuật, phương tiện canh tác, sản lượng qua các thời kỳ. Đến trang sau, trong tiết mục: “kinh tế vườn” người đọc mới tìm thấy một câu như thế này “ Hiện nay theo số lượng thống kê ở xã thì diện tích ruộng được 87,35ha, đất màu 42,01ha (trong đó đậu phung 30ha) và đất vườn 64,42ha, sản lượng lúa 174,7 tấn (năng suất 20 tạ/ha, tức quá thấp)” (tr 30).
Để biết đại khái thế nào là “nghề trồng lúa nước” ở Mỹ Lợi, chúng tôi thấy cần phải dài dòng thêm một chút: khi những cư dân đầu tiên của Mỹ Lợi quyết định dời khu vực cư trú ban đầu gần Dinh Ông, cạnh Khe Long, cận biển vào vùng trũng phía trong (khu vực chính của làng bây giờ) rồi sau đó là dãy triền đồi phía Tây chạy dọc theo đầm La Hồng (một phần thôn Hai, xóm Đình và toàn bộ thôn Năm ngày nay) là các ngài có chủ ý chiến lược (nói có vẻ to tát một chút) biến khu vực này làm khu vực cư trú và đất ruộng để chủ động cái ăn, cái mặc. Lúc bây giờ tổ tiên chúng tôi trồng gì trên vùng đất này? Xin thưa là làm ruộng hai vụ, một vụ ở các thửa đất thấp (đất ướt), trồng các cây hoa màu phụ như khoai sắn, môn, các thứ đậu và đặc biệt là trồng bông để lấy sợi ở đất lở, và đất khô. Tiếp theo là trưng khai một phần dầm La Hồng, mở rộng diện tích lúa nước. Như vậy, suốt ba trăm năm, từ khi thành lập làng đến khi chuyển một phần đất ruộng thành đất vườn, nghề trồng lúa nước ở Mỹ Lợi có vai trò đặc biệt quan trọng chứ không phải “ chẳng nuôi được ai” như sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi viết.
Còn một câu hỏi liên quan đến vấn đề này là sau khi một phần diện tích ruộng chuyển thành vườn, vai trò của nghề “trồng lúa nước” có giảm sút không? Xin thưa: — Cũng không.Người Mỹ Lợi không chỉ làm ruộng trên lãnh thổ làng mình, mà còn làm ruộng ở các làng kế cận như Diêm trường, Phụng Chánh, Nghi Giang, Đơn Chế, Nam Trường, Mỹ Á, Hà Úc, Phường Tây, Hà Trung, Hà Trữ, Cầu Hai, Đá bạc, Nong, Truồi, Phú Bài qua các hình thức sau:
— Cày, cuốc, cấy, gặt thuê lấy lúa hoặc lấy tiền công. Câu ca dao:– “Rồi mùa tót ra rơm khô – bạn về quê bạn biết mô mà tìm”, phản ảnh tình cảm vấn vương giữa người làm thuê (trong đó có dân cày Mỹ Lợi) với những cô gái các làng nhiều ruộng.
— Canh phá các vùng đất trống ở Phường Tây, Hà Úc, Đá Bạc làm ruộng, sau đó di dân đến.
— Mua ruộng của các chủ ruộng ở làng trên. Các gia đình phát đạt như xã Nguyện (thôn Một), xã Hương Pháp (thôn Tư) đều có ruộng ở ngoài làng. Ở Mỹ Lợi trước 1975 có vài ba chục nhà như thế và hàng trăm nhà khác cũng có với khối lượng ít hơn. Chúng tôi chưa có con số cụ thể về diện tích ruộng do người Mỹ Lợi sở hữu ở ngoài làng. Điều chắc chắn là con số này khá lớn, lớn hơn nhiều lần con số diện tích lúa nước ở Mỹ Lợi mà sách Địa Chí văn Hóa Làng Mỹ Lợi đưa ra. Đáng nói hơn nữa là số lúa thu hoach được hàng năm từ số ruộng này cũng khá lớn và đa phần là ruộng hai vụ.
Trước khi rời ruộng lên vườn, xin chú ý hai điều:
1/ Đầm La Hồng mà sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi nhắc đi nhắc lại bảy tám lần chỉ tồn tại trong tư liệu Hán Nôm, thực tế nó đã được trưng khai và trở thành đất ruộng của các làng kế cận như Mỹ Lợi, Nghi Giang, Diêm Trường, Phụng Chánh ít ra gần vài trăm năm trước. Vụ kiện giữa Mỹ Lợi – Nghi Giang kéo dài nhiều năm, kết thúc bằng phán quyết cuối cùng của triều đình Minh Mệnh năm 1837 chỉ là hợp thức hóa quyền sử dụng đất chứ việc trưng khai thực sự đã diễn ra trước đó hàng mấy chục năm. Có nghĩa là thịt da xương cốt của đầm La Hồng đã được phân chia từ lâu lắm rồi, chứ đâu còn một đầm La Hồng để sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi nhắc đi nhắc lại nào là “ tiếp giáp đầm La Hồng” (tr 19), “ Đầm La Hồng lại ngập nước mùa mưa, ruộng ven bờ không thể gieo cấy được” (tr 21), “Một kênh hẹp chạy từ đầm La Hồng” (tr 21), “dọc bờ đầm La Hồng” (tr101), “quay mặt ra đầm La Hồng” (tr175), “hướng ra đầm La Hồng” (tr212)…làm cho người đọc nghĩ là còn có một đầm La Hồng đang tồn tại như đầm Cầu Hai?
2/ Diện tích tranh kiện giữa Mỹ Lợi – Nghi giang trước sau chỉ hơn 21 mẫu cổ, nếu tính sào là 250m2 như sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi quy định ở trang 30 thì tương đương hơn 5ha chứ đâu phải toàn bộ diện tích ruộng nước Mỹ Lợi hiện có (gần 85ha): “Dải ruộng hẹp đầm La Hồng, ông cha xưa phải kiên trì tranh tụng mới có”. Mà đâu chỉ phải tranh tụng mới có, trước đó phải khai phá, cải tạo khó nhọc nữa chứ? Mà yếu tố này mới thật sự quan trọng.
+ “Kinh tế vườn”: Vấn đề thời điểm khởi đầu của vườn Mỹ Lợi, chúng tôi đã giải trình ở trên. Các tác giả dành cho “kinh tế vườn” hai trang rưởi, từ trang 30 đến trang 32. Trong hai trang rưởi này, chứa đựng không ít điểm sai căn bản:
1/ Trang 30 dòng 5 và 6 các tác giả viết: “So với trước kia thì ruộng tăng nhiều nhưng số hộ nông dân sống bằng kinh tế vươn vẫn chiếm khoảnh 60% – 70%” (tr30) . Ở dòng trên cùng trang 30 sách Địa Chí cho biết diện tích vườn là 64,42ha. Ở trang 155 của sách này có các con số sau đây: Năm 1973 Mỹ Lợi có 8.601 khẩu (thống kê của sách Địa phương chí tỉnh Thừa Thiên năm 1973). Năm 1995 Mỹ Lộ có6.238 khẩu (thống kê của xã 1995). Chúng ta thử làm mấy con tính xem những số liệu trên có giá trị khoa học như thế nào? Lấy 65% thay cho 60% hay 7o% , 65% của của 8.601 = 5.590. 65% của 6.238 = 4.407. Như thế theo Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi năm 1973 ở Mỹ Lợi bình quân 86 khẩu sống trên một ha vườn, năm 1995 con số có vẻ khả quan hơn: 1ha vườn cho 63 người.
Từ cổ chí kim, từ đông qua tây, chưa bao giờ một ha đất cát mà nuôi sống được chừng ấy con người.
Cũng từ các số liệu trên, chúng ta thử làm mấy con tính nữa:
Giả thử mỗi ha vườn ở Mỹ Lợi năm 2000 kết quả thu hoạch tính bằng tiền là 10.000.000 đồng vị chi 1m2 thu được 1.000 đồng. Như vậy bình quân năm 2000 mỗi nhân khẩu trong hộ làm vườn ở Mỹ Lợi có thu nhập #160.000 đồng, vị chi bình quân mỗi tháng 13.500 đồng. Trong khi đó nhà nước đánh giá 90.000 đồng/1tháng/1khẩu là thiếu; 60.000 đồng/1tháng/1khẩu là đói . Nếu thực tế là vậy sao không thấy sách Địa Chí báo động về tình hình đói kém ở Mỹ Lợi?
Xin nói thêm là con số 10 triệu/ha là lạc quan, thực tế vườn tược ở Mỹ Lợi hiện tại bi đát hơn nhiều. Vườn của các gia đình lớn trước đây đa phần bị bỏ hoang, một số hộ khác làm vườn cho có màu xanh là chủ yếu, số hộ còn lại còn sức lao động thì kết quả thu nhập từ vườn chỉ ăn được vài ba tháng trong năm (chủ yếu lấy công làm làm lợi – công rẻ mạt).
Với chỉ 64, 62ha vườn, 42,01ha đất khô, 87,35ha ruộng cho cả hơn 1.200 hộ với sáu bảy ngàn dân mà làm sao trang trại hóa cái gì được? 
Trong trường hợp gọi ý của các tác giả Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi được thực hiện thì từng ấy đất đai, ruộng vườn tối đa có vài ba chục nông trang được xây dựng, lấy chỗ đâu cho hàng ngàn hộ còn lại cư trú và làm ăn? 
Thêm một bước nữa, giả dụ hàng ngàn hộ còn lại đó bỏ làng ra đi để ruộng đất lại cho vài ba chục hộ làm kinh tế trang trại thì những trang trại này sẽ làm ăn ra sao, trồng cây gì, nuôi con gì trên vùng đất hẻo lánh và nhiễm bệnh này?
Cũng trang 30, câu thứ ba, trong tiết mục “kinh tế vườn”, Sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi viết: “ Nền kinh tế này ở qui mô gia đình, chưa có hình thức nông trang, nhà nào cũng có một khu vườn với diện tích từ hai đến năm sào (500m2 đến 1.250m2)”. Xin thưa: Nông trang hay nông trại cũng là kinh tế gia đình thôi, bởi chúng là sở hữu tư nhân. Hay là các tác giả muốn gợi ý nông dân Mỹ Lợi nên chuyển qui mô làm ăn từ nhỏ như hiện nay (từ hai đến năm sào = 500m2 - 1.250m2) sang qui mô lớn hơn: năm, mười, hàng trăm hàng ngàn ha chẳng hạn? 
Còn một thắc mắc nữa là: Đơn vị sào nào mà bằng 250m2 như nói ở trên? 
Xưa nay ở Mỹ Lợi dân chúng chỉ biết các đơn vị đo đạc vườn ruộng thông thường sau đây: Sào Bắc bộ khoảng 360m2, sào Trung bộ khoảng 497m2, sào Tây hay sào Nam bộ bằng 1000m2. Đơn vị thông dụng ở Mỹ Lợi trước 1954 là sào Trung bộ.
Cũng trang 30, câu thứ tư mục “Kinh tế vườn,” sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi ghi: “Việc trồng cây ăn quả trong vườn, thường gieo trồng một lần, tập trung công sức đầu tư ban đầu rồi thu hoạch lâu dài”.
Xin thưa vườn Mỹ Lợi mà tập trung công sức đầu tư ban đầu thì chỉ có đói dài dài chứ có hoa trái đâu mà thu hoạch.
Câu thứ năm, cũng trang 30 mục “Kinh tế vườn” sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi ghi: “Hàng năm, vào đầu mùa nắng, người làm vườn làm sạch cỏ, vun đất bón phân…”
Xin thưa: Những vườn làm có lứa (đầu mùa nắng) là vườn đã suy thoái, thiếu người chăm bón. Ở Mỹ lợi những khu vườn bình thường (vườn có người chăm bón) gần như không bao giờ làm cỏ. Làm sao có cỏ được khi thường xuyên trên trên mặt vồng được phủ một lớp dày rơm rạ, bổi rác, lá khô? Nếu có cây nào ló lên ở xó xỉnh nào đó thì người chủ vườn đã nhặt bất cứ lúc nào y thấy được.
Vườn Mỹ Lợi không vun gốc: bón phân như kiểu sách Địa chí văn Hóa Làng Mỹ Lợi ghi mà trái lại .
 Xin được mô tả như sau: Trước khi bón phân, người làm vườn cào đất và rác ra khỏi gốc, dày mỏng, rộng hẹp tùy theo từng loại cây, rải phân đều quanh gốc (khu vực đã cào) lấy đất và rác (đã cào và dồn lại) rải đều trên phân, tiếp theo là phủ một lớp dày và đều khắp vồng băng bổi, lá khô, rác, hoặc rơm rạ. Việc bón phân diễn ra vào tháng giêng, tháng hai. Có nhiều vườn còn có một đợt chăm bón phụ vào tháng năm, tháng sáu, hay tháng mười một. Vai trò của bổi, lá khô, rác hoặc rơm rạ là để giữ độ ẩm, tăng cường thức ăn cho cây, chống cỏ, chống xói lở. Ở Mỹ Lợi vườn phải tưới thường xuyên như sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi ghi là vườn được lập trên đất lở hoặc trên đất khô (do dân số tăng, đất vườn không tăng) nhiều gia đình phải lập vườn trên những thửa đất cao hơn (đất lở, đất khô) hoặc những vườn đã bị cát lấn, do lùm bụi bị chặt phá, ao khe không được vét.
Ở Mỹ Lợi, những khu vườn xum suê, tươi tốt, trái cây ngon năng xuất cao thường ít khi được tưới. Những năm hạn hán kéo dài mới tưới vài ba đợt mỗi tháng/năm vào các tháng 5,6,7.
Trang 30 câu tiếp theo, sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi ghi: “Vườn Mỹ Lợi không phải là loại hình chuyên canh mà là xen canh, trồng nhiều loại cây trên cùng một diện tích”. Cũng trang 30, sách Địa Chí văn Hóa Làng Mỹ Lợi ghi: “nhà nào trồng cau thường độc canh, hay ít ra cũng dành riêng một diện tích lớn”.
Cứ như ý các tác giả thì cùng một lúc Ở Mỹ Lợi tồn tại hai loại vườn: Vườn cây trái thì xen canh, vườn cau thì độc canh. Hoàn toàn không phải như vậy. Để giúp các tác giả Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi có được các hiểu biết căn bản về vườn tược ở Mỹ Lợi, lâm thời chúng tôi xin tóm lược mô hình vườn ở Mỹ Lợi theo hai thời kỳ: Thời kỳ thịnh vượng và thời kỳ suy thoái.
+ Thời kỳ thịnh vượng từ 1955 trở về trước; Vườn được trồng chen canh và nhiều tầng. Cây cau, cây trầu là chủ đạo, cây cam, cây quýt, cây chuối, cây mãng cầu cây thơm là thứ yếu. Cau ở tầng trên, trầu, cam, quýt, chuối, mãng cầu ở tầng giữa, tầng dưới là thơm (dứa), hoàng tính, rau, cây lá uống và ở chân ao là môn. Một khu vườn ở Mỹ Lợi thường được che chắn bởi lùm bui ở phía sau, phía trước là bờ khe, hai bên hoặc là bờ đường, hoặc là vườn nhà kế cận. Ao bao quanh vườn, ao chia vườn làm nhiều lô nhỏ gọi là vồng. Mỗi vồng rộng chừng 3m, ao rộng chừng 0,6m. Vồng và ao bao giờ cũng chạy dọc theo hướng nước chảy. Ao dùng để thoát nước. Cau trên mỗi vồng được trồng thành hai hàng (mép) thẳng tắp, gốc cách ao 0,5m, cây nọ cách cây kia theo hàng ngang trên 2m, theo hàng dọc từ 2,5m đến 3m. Trầu trồng dưới gốc và leo lên cây cau. Cam, quýt trồng giữa vồng cách quảng hai ô cau một cây. Mãng cầu, chuối trồng giữa hai cây cau theo hàng dọc ở những ô không có cam, quýt. Các cây ở vồng này được trồng so le với vồng kia theo nguyên tắc là một cây có tán cao (lớn) bên cạnh một cây thấp (nhỏ) sao cho các cây xen kẽ không tác hại mà nương nhờ lẫn nhau. Ở Mỹ Lợi, một mảnh vườn hai sào (sào Trung bộ tương đương 500m2 mỗi sào) thường trồng được 150 đến 160 cây cau + trầu, chừng 40 cây quýt (hoặc cam) chừng 40 cây chuối hoặc mãng cầu, chừng 40 bụi thơm hoặc hoàng tinh. Những gia đình có vườn rộng hơn, hẹp hơn sẽ có số cây tương ứng. Ở Nam Phổ, một làng phía đông nam thành phố Huế nổi tiếng về cau, nhưng cau ở đây phẩm chất không bằng cau Mỹ Lợi. Nam Phổ đất thịt. cau trái dài tang dày, hơi cứng. Cau Mỹ Lợi trồng trên đất cát pha mùn, trái tròn ruột nhiều, tang mỏng, mềm và ngọt.
Đỉnh cao thời phồn thịnh của vườn Mỹ Lợi là những năm 1916 đến 1945. Quảng thời gian này đường giao thông Bắc Nam thuận tiện (đường sắt, đường bộ). Người tiêu dùng ở các tỉnh phía Bẳc rất sính cau Mỹ Lợi. Từ năm 1945 đến 1954 do chiến tranh, đường có lúc thông lúc tắt nên cau trầu Mỹ Lợi có lúc đắt như tôm tươi, có lúc ế như cá ươn.
+ Thời kỳ suy thoái. Hai yếu tố làm nên sự suy thoái này là vườn cây hư chết, thị trường thu hẹp. Vào những năm cuối thập niên năm mươi, một số vườn cạnh đương Phúc thuộc thôn Tư, cau bắt đầu có hiện tượng đỏ lá, trái teo nhỏ, ruột có màu đỏ gạch. Một số cây bắt đầu chết. Hiện tượng này lấn dần hết thôn Tư, thôn Ba, đến thôn Nhì, thôn Nhất. Quýt, cam mãng cầu cũng hư rồi chết theo. Sau khi cau chết, một số chủ vườn bới cau, duy trì cam quýt, mãng cầu, trồng thêm chanh ổi. một số chủ vườn khác không trồng cây trái mà trồng mía. Có lẽ những khu vườn cây trái này là mô hình vườn Mỹ Lợi mà Địa Chí Thừa Thiên Huế đã điều nghiên năm 1973 và các tác giả Đại Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi chép lại ở trang 30 mà chúng ta đã đọc.
Còn vườn cau độc canh mà các tác giả nói có lẽ như thế này: Sau 1954, một số gia đình có chồng con đi tập kết hoặc đi kháng chiến chống Mỹ, vườn tược không có người chăm sóc, quản lý nên chỉ giữ lại cây nào có thể giữ, cây đó là cây cau. (các cây trái như cam, quýt, chuối, mãng cầu nếu bỏ không chăm bón trong vài năm, năm sau đã không có gì) Vườn cau độc canh mà sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi mô tả là mấy vườn đó.
Trang 31, tiết mục “Kinh tế vườn”, sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi ghi; “ Trong kháng chiến chống Mỹ, chịu ảnh hưởng chất độc màu da cam của địch, cau suy giảm chất lượng, vàng lá, teo quả”. Ở trên chúng tôi đã thưa, cau Mỹ Lợi suy thoái rồi chết dần từ những năm cuối thập niên năm mươi. Còn giặc Mỹ rải thuốc khai quang từ sau 1965. nếu chưa đủ tin thì xin các tác giả Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi nhớ lại, suy nghĩ và quan sát giùm: Giặc Mỹ rải thuốc khai quang nhằm mục đích hủy hoại môi trường sống của các lực lượng cách mạng chủ yếu vùng rừng núi miền Trung và vùng kinh rạch Nam bộ. Con người và môi trường sống của các các làng ven biển như Mỹ Lợi có bị ảnh hưởng nhưng không nặng nề bằng các làng mạc cận sơn và Nam bộ. Tại sao cau ở các nơi ấy không chết mà cau Mỹ Lợi lại chết? còn nữa ở Khe Tre, Nam Đông di hại thuốc khai quang trăm phần trăm tồn đọng lâu dài hơn ở Mỹ Lợi tại sao sau giải phóng nông dân trồng cau xanh tốt trong khi Mỹ Lợi không những không trồng được cau mà các cây khác như quýt, cam, mãng cầu, ổi và cả mía nữa lần lượt suy thoái và chết theo.
Một điều cực kỳ khó hiểu là cái mà ai cũng thấy, là hệ thống thủy lợi có một không hai ở miền Trung và cả miền Bắc nữa. Hệ thống thủy lợi na ná hệ thống thủy lợi Lái Thiêu, Thủ Đức, Nam Bộ này theo chúng tôi là một gợi ý đáng giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử và bà con Mỹ Lợi về tác dộng ngược chiều trong qua trình mở cõi của cả đất nước (trong đó có Mỹ Lợi). Người Mỹ Lợi chúng tôi thường nói: quên đi hệ thống ao khe (thủy lợi) này là quên phần công nghiệp của tổ tiên. Vườn có nhiều ao: ao dọc, ao ngang, ao nhỏ, ao lớn, rồi khe, khe nhỏ, khe lớn, rồi kênh – dấu vết còn lại của đầm La Hồng, chảy qua đồng ruộng các xã Vinh Mỹ, Vinh Hưng, Vinh Giang thông với đầm Cầu Hai. Nước mưa sau khi thấm đủ chảy xuống ao, ao chảy ra khe, khe chảy ra kênh. Sau mùa mưa lụt, thường là đầu mùa xuân, người làm vườn đắp ao giữ nước lại cho cây suốt mùa hè. Do vây mà vào những năm tháng nương vườn thịnh vượng, người Mỹ Lợi thường tự hào bảo rằng: Vườn Mỹ Lợi nắng hạn không khô, mưa lụt không úng. Hệ thống ao, khe, kênh, cọng với rú, lùm, bụi, bờ chắn cấu thành một hệ thống sinh thái đặc biệt nuôi dưỡng con người, cây trái ở đây một thời gian dài, góp phần hình thành một sắc thái riêng, một kiểu văn minh miệt vườn trên bờ biển miền Trung nước mặn đồng chua.
Xin trở lại với sách Địa Chí Văn Hóa làng Mỹ Lợi, mục “Kinh tế vườn” còn được nối tiếp 20 dòng ở cuối trang 31 đầu trang 32 để giới thiệu các “hoa màu phụ’. 20 dòng này đúng ra nên tách khỏi mục “kinh tế vườn”, làm thành một tiết mục thứ ba sau nghề lúa nước và kinh tế vườn.
Vì cho là không quan trọng nên viết qua loa, Viết qua loa bởi các tác giả biết quá qua loa về các loại cây hoa màu phụ ở Mỹ Lợi.
“…Ở ruộng cao, trảng cát thiếu nước, dùng trồng khoai sắn; các vườn thấp hơn thì trồng mía, đặc biệt là cây đậu phụng” (tr 31). Xin thưa: Trảng cát không bà con gì với ruộng cả. Người Mỹ Lợi phân biệt rất rạch ròi giữa ruộng và đất. Ở Mỹ Lợi có hai loại ruộng: ruộng bàu và ruộng cạn. Ruộng bàu là những bàu nước sâu, có diện tích khá lớn (bàu Đình, bàu Bến Mắm…, ) nằm sát sông (kênh như đã nói ở trên). Ruộng này làm một vụ (Mỹ Lợi gọi một mùa, mùa tháng 8). Tiếp liền trên ruộng bàu là ruộng cạn, làm hai vụ (tháng4, tháng 8).
Đất Mỹ Lợi chia làm ba loại: đất ướt (thổ ươn), đất lở ( thổ trưa), đất khô ( thổ khô).
— Đất ướt còn gọi là thổ ươn, phần đất quan trọng nhất bao quanh sân, nền nhà (thổ cư) chạy từ đầu đến cuối làng và vùng triền đồi phía tây ( khu vực thôn Năm và một phần thôn Hai). Trên đất này, trước khi thành lập vuờn, suốt gần ba trăm năm, người Mỹ Lợi làm ruộng một vụ, thời gian còn lại trong năm trồng các hoa màu phụ: khoai sắn, môn, các loại đậu, rau trái. Sau khi vườn hư, cau chết, một số chủ vườn bới cau chuyển qua trồng mía, một số khác tiếp tục trồng cây trái các loại: cam, quýt, mãng cầu, chuối, thơm, chanh, và ổi được trồng phổ biến ở giai đoạn này. Được một thời gian ngắn, mía và các cây trái ở trên cũng sống khó khăn trên đất này. Ở Mỹ Lợi, mía không hề được trồng trên đất nào khác ngoài đất thổ ươn.
— Đất lở (thổ trưa): Cao hơn thổ ươn, dùng để vải lúa giống cho mùa tháng tư (còn gọi là trưa má). Ngoài ra còn dùng trồng các hoa màu phụ.
— Đất khô (thổ khô): vùng đất cao nằm giữa rú và lùm hoặc thổ trưa, mùa nắng khô hạn. Tùy theo thời vụ, người Mỹ Lợi đã trồng nhiều thứ trên đất này. Mấy trăm năm trước trồng bông lấy sợi dệt vải, trồng thuốc lá, sau này trồng dâu (nuôi tằm), trồng khoai sắn, đậu, hoàng tinh, ớt, mè. Ở Mỹ lợi không ai gọi đất khô là ruộng cao cả. Khu vực này chưa hề được trồng mía dù ở “các vườn thấp hơn” (tr 31).
Thuốc lá, dâu, đậu phụng là những cây trồng loại hai – sau lúa và cây vườn nhưng từng lúc đã mang lại lợi ích kinh tế khá cao cho dân Mỹ Lợi. Từ rất lâu về trước, nhất là giai đoạn thuốc điếu công nghiệp chưa tràn ngập thị trường, thuốc lá Mỹ lợi là mặt hàng nổi tiếng ở Thừa Thiên, Quãng Trị. Hiện nay thuốc lá cũng còn trồng được trên vùng đất khô này. Còn dâu cũng có một chỗ đứng nhất định trên đời sống kinh tế, văn hóa Mỹ Lợi một thời, nhất là thời kháng chiến chống Pháp. Nếu không có cây dâu thì Mỹ Lợi đã không có nghề dệt thao lụa nổi tiếng. Đối với Mỹ lợi, cây thuốc lá, cây dâu quan trọng hơn cây đậu phụng nhiều.
Viết về các cây thuộc loại hoa màu phụ và vùng đất khô mà viết qua loa là một thiếu sót rất lớn trong việc mô tả sức sống dai ngoi, mạnh mẽ, kiên cường và tinh thần ứng biến, lạc quan của dân Mỹ Lợi. Vùng đất khô này vừa là đấu trường vừa là trường học của người lao động ở đây. Vùng đất này không những chỉ khô (thiếu nước) mà còn bạc màu, thiếu dinh dưỡng. Nước cọng với phân bón cọng với mồ hôi nước mắt đã biến vùng đất khô cằn như sa mạc thành cái ăn, cái mặc, thành máu xương, da thịt của sự sống. Văn hóa Mỹ lợi, bản sắc Mỹ Lợi, trong chừng mực nào đó cũng được manh nha từ vùng đất khô bạc này.
Mục thứ hai chương II: Địa lý Kinh tế của sách Địa Chí văn Hóa Làng Mỹ Lợi có tên là “Các ngành nghề khác” đó là chăn nuôi, đánh cá, chế biến, thủ công, buôn bán. Theo chúng tôi, ở Mỹ Lợi việc làm biển và buôn bán có thể gọi là nghề còn các việc khác như chăn nuôi, chế biến, thủ công thì chỉ mới là công việc thôi.
Từ thực tế của đời sống kinh tế, từ sự rạch ròi trong suy nghĩ và ăn nói, xưa nay ở Mỹ Lợi có ba nghề chính;
— Nghề làm biển gồm đánh bắt, chế biến, tiêu thụ và đan lưới, dệt xăm. Nghề này tồn tại độc lập vài trăm năm trước, càng về sau chỉ còn là công việc.
— Nghề nông gồm làm ruộng, làm vườn, trồng trọt các loại, kể cả trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, chăn nuôi.
— Nghề buôn bán: chỉ những người buôn bán ở chợ, mới đây có thêm một số người trong làng sống được bằng nghề này. Nhiều hộ khác trong làng có buôn bán nhưng không chuyên, phải kết hợp với một số công việc khác như làm vườn, làm biển, trồng trọt, làm ruộng…
Trở lại mục: “Các ngành nghề khác” của sách Địa Chí, đây là mục tương đối dể viết nhưng không hiểu tại sao các tác giả lại tỏ ra khá đơn giản.
Chẳng hạn: “ Chăn nuôi… chưa có quy mô chuồng trại lớn… chưa có trại nuôi hàng trăm, hàng ngàn (con) như các nơi khác” (tr 32). “Trâu bò cày kéo cần thiết cho nông trang vẫn còn rất ít” (tr 32). Đọc mấy dòng này tôi nhớ một câu khác tương tự ở trang 23: “Đáng tiếc ở Mỹ Lợi chưa ai có kế hoạch nuôi nhông cát để cung cấp cho thị trường”, Các từ “chưa có”, “vẫn còn”, “đáng tiếc”… “chưa ai” khiến người đọc hiểu ràng: theo các tác giả thì nghề chăn nuôi đáng lẽ đã và phải được tổ chức phát triển theo qui mô lớn hơn, có cả việc chăn nuôi nhông cát.
Sau đây xin trình bày rõ về công việc chăn nuôi ở Mỹ Lợi: Sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi đã nói nhiều lần là: chủ yếu Mỹ Lợi sống bằng nghề kinh tế vườn, còn nghề trồng lúa nước không nuôi sống được ai. Đúng sai câu này chúng tôi đã trình bày ở trên. Nhưng từ câu này, từ nhận định này rõ ràng là nghề chăn nuôi heo, gà,vịt theo qui mô lớn không thể thực thi được ở Mỹ Lợi vì mấy lí do:
— Thứ nhất thức ăn không đủ để nuôi công nghiệp.
— Thứ hai đất làm vườn thì không thể nuôi gà, thả vịt được. Vườn Mỹ Lợi đất cát, nếu nuôi gà thì gà bới trốc rể, nếu nuôi vịt thì vịt đi hư ao, đén gốc.
— Thứ ba Mỹ Lợi không có cỏ lấy gì cho trâu bò ăn?
Do các yếu tố trên nên người Mỹ Lợi đã thực hiện việc chăn nuôi như thế này:
— Mấy chục năm trước, khi lùm bui, rú còn, trong làng có năm bảy nhà nuôi trâu, mỗi nhà nuôi vài ba con (tối đa là năm bảy con) để kéo cày.
— Heo, gà, vịt thì có nhà nuôi, có nhà không. Nhà vườn nuôi một vài con heo để lấy phân, để tận dụng các thức ăn thừa, để xem như góp tiền tiếc kiệm. Gà vịt cũng vậy, một vài con để kỵ giỗ, để lấy trứng cho người già và trẻ em.
Việc chăn nuôi ở Mỹ Lợi chỉ có vậy, không thể thành một nghề được, dù là nghề phụ.
— Đánh cá: Bất cứ cư dân Mỹ Lợi nào cũng có thể nói: “ Đánh cá là một nghề của tổ tiên xưa, phương tiện đánh bắt bấy giờ còn thô sơ lac hậu” chứ đâu cần đến các nhà nghiên cứu. Vậy người đọc muốn sách Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi viết gì về nghề biển ở đây? Xin thưa;
— Người đọc muốn biết các loại hình, phương tiện, kỷ thuật đánh bắt, đời sống ngư dân trong vùng biển ngang đã diễn ra qua các thời kỳ như thế nào?
— Tại sao ngư dân Mỹ Lợi chuyển dần ngư sang kết hợp nông – ngư?
— Nghề đánh cá ở Mỹ Lợi suy thoái ra sao? Tình cảnh ngư dân Mỹ Lợi hiện tại như thế nào?
Các tác giả đã không làm đựoc việc này mà trái lại còn vẽ nên một hiện thực khá lạc quan, xa lạ với nghề cá Mỹ Lợi: “Hiện nay đã có 15 tàu đánh cá ngoài khơi… tàu gằn máy diessel với phương tiện mới… năng suất đánh bắt tăng” (tr 33)
Xin hỏi: Thế nào là đội tàu? 15 đội tàu là bao nhiêu chiếc? Hiện nay là lúc nào? 1975 hay 1998 ?
Xin được đính chính cùng tác giả Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi thế này: sau giải phóng theo chủ trương của Nhà nước các cấp. các thẩm quyền liên hệ, ngư dân Mỹ Lợi đã tập hợp vào hợp tác xã, vay tiền ngân hàng, mua sắm được 15 chiếc ghe lớn (còn gọi là tàu) gắn máy diessel và các phương tiện đánh bắt xa bờ. Đựoc vài ba năm, do những nguyên nhân khách quan (bãi ngang, không có bến đậu, không có ngư trường, quản lý tập thể…) việc làm ăn thất bát, thua lỗ, nợ nần. Một số ghe lần lượt giải tán, sáu bảy ghe còn lại thường xuyên đứng bến, công việc đánh cá xa bờ của Mỹ Lợi đang trên đường phá sản.
Hiện tại ở Mỹ Lợi còn lại 80 – 90 hộ ngư dân bán chuyên nghiệp (vừa làm biển, vừa làm nông …) trở lại làm ăn ven bờ, ghe nhỏ, phương tiện thô sơ (mỗi ghe có ba, bốn người) nhưng công việc làm ăn ngày một khó khăn do bãi ngang, dốc, nên khó gánh ghe, khó tránh bão to, gió lớn, sóng dữ, đặc biệt hải sản ngày một khan hiếm.
Chế biến: Các tác giả Địa Chí Văn Hóa Làng Mỹ Lợi khen người Mỹ Lợi có khả năng chế biến hải sản như mắm, cá khô. Tuy nhiên từ khả năng đến ngành nghề kinh tế thì còn xa. Hầu hết các việc chế biến này là do các hộ làm biển thực hiện chứ không phải là những hộ chuyên nghề chế biến hải sản.
Mắm mòi, mắm chuồn hoàn toàn không được đánh bắt và chế biến tại Mỹ Lợi. Biển Mỹ Lợi không có các loại cá này. Trong những tháng mùa đông (ba đồng một vảy, bảy)…

Chu Sơn

LỜI BÌNH:
Tôi chỉ là kẻ hậu sanh trước bật trưởng thượng này, nên tự biết thân khi đọc những lời này và xin không dám nói thêm gì nữa. Nói ra e đổ dầu vào lửa mà lửa thì đang cháy, thôi thì các vị cho tôi xin hai chữ bình an, bằng cách là im lặng ./.

ĐKT
2014

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét