Tác giả bài viết (thứ 3 từ
phải sang) và một số thành viên họ Đinh trong buổi họp mặt lần thứ 2 tại Đà Nẵng năm 2015.
"HỌ"
theo nghĩa gốc có liên hệ với nhà và dưới chế độ phong kiến còn nối kết con
người với đất đai ruộng vườn: một mái nhà, một gia đình, một họ. Thành quả
nghiên cứu nhân loại học hiện nay đã chứng minh: trước khi con người tiến vào
xã hội văn minh, quan hệ huyết thống – quan hệ đầu tiên của con người, là sợi
dây gắn bó quan trọng nhất. Quần thể xuất hiện đầu tiên của con người là xã hội nguyên thủy sống quần cư theo bầy đàn; nhưng
con người lúc này chỉ biết mẹ mà không biết cha. Theo nghiên cứu, trong lịch sử
hơn ba triệu năm tồn tại của con người thì có khoảng 2,9 triệu năm là thuộc xã
hội nguyên thủy; chỉ cách đây hơn 10.000 năm mới bắt đầu hình thành chế độ thị
tộc. Xã hội nguyên thủy ban đầu chia thành nhiều quần thể nhỏ, phát triển càng
sâu, phân tích càng chặc chẻ, phân biệt thân sơ cùng hình thành, khi biết người
mẹ sinh ra ta, thì càng muốn biết được người thân của mẹ ta, vì vậy có thể biết
được mẹ của mẹ ta – quan hệ họ hàng hình thành từ đó.
Cũng qua nghiên
cứu, tất cả hệ thống tên họ các dân tộc trên thế giới cho thấy người Hán và
người Việt là một trong những dân tộc có Họ đầu tiên trên thế giới. Theo lịch
sử Trung Hoa, việc đặt họ tên bắt đầu từ năm 2852 trước Công nguyên, khi vua
Phục Hi ra lệnh bắt dân chúng phải có một "gia tính" hay "tộc
tính" để dễ phân biệt các hệ phái gia đình và định phép tắc hôn nhân.
Riêng Việt Nam
chúng ta cho đến nay vẫn chưa có được một sự khẳng định chính thức là người
Việt có “HỌ” từ bao giờ ? Tất cả những tuyên bố gần đây về việc người Việt có
họ đầu tiên vào thời gian nào, chỉ mang tính ước lệ và hoàn toàn không có bất
cứ một cơ sở khoa học nào cả. Các tuyên bố này đều dựa vào những truyền thuyết
là chính, phần còn lại là dựa vào sử sách của Trung Hoa. Chỉ biết rằng từ hơn
hai ngàn năm trước, tổ tiên ta đã nghĩ ra "sổ điền" cốt để nhà vua
kiểm kê dân số hàng năm hoặc theo một thời hạn cố định, mục đích nhằm phân chia
ruộng đất thời đó vốn thuộc về nhà vua. Việc phân chia này đòi hỏi một sự hiểu
biết tường tận từng nóc gia. Với họ và tên gọi, quan chức triều đình có thể
biết tường tận số người và mối quan hệ trong mỗi gia đình. Về sau thêm "sổ
đinh" hoặc "sổ bộ", ghi họ tên chính thức về hộ tịch từng cá
nhân và gia đình. Rồi từ "sổ bộ", mỗi gia đình lập một sổ riêng, ghi
chú tất cả những việc cưới hỏi, sinh đẻ và tang ma. Ðó là nguồn gốc của gia
phả. Theo sử chép thì bộ gia phả xuất hiện đầu tiên tại nước ta là từ năm 1026
vào thời vua Lý Thái Tổ.
Một trong những
nét nổi bật nhất trong quan hệ dòng họ của người Việt là quan hệ giữa dòng họ
và làng xã. Họ không tách biệt, đối lập với làng mà luôn có sự gắn bó chặt chẽ
với làng. Một cá nhân không phải chỉ bảo vệ uy tín cho dòng họ mình mà còn phải
có trách nhiệm với làng xã . Dòng họ không chỉ là một thiết chế xã hội mà còn
là một môi trường văn hóa mang tính đặc thù. Truyền thống của dòng họ trở thành
nhân tố cơ bản góp phần tạo nên truyền thống làng xã, truyền thống địa phương
và dân tộc. Cho tới nay dòng họ vẫn là một kiểu tổ chức xã hội có tác động chi
phối đến nhiều lĩnh vực khác nhau của làng xã; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống
kinh tế xã hội của đất nước nói chung, nhất là ở nông thôn.
Sau thời kỳ đổi
mới (1991) đã có hàng loạt các ngôi đình, chùa và nhà thờ họ được phục dựng hay
xây mới làm nơi sinh hoạt cho cư dân các làng xã và bà con các tộc họ. Các nghi
thức tế tự, các phong tục tập quán trong các làng quê cũng được phục hồi. Cùng
với đó là phong trào tìm kiếm cội nguồn, gốc gác và bà con thân tộc cũng được
thực hiện một cách hăng say và tự giác. Các tổ chức dòng họ cũng lần lượt ra
đời nhằm tìm kiếm và kết nối những người cùng một HỌ lại với nhau.... !
Tuy nhiên, hiện
nay đã có ý kiến lo ngại rằng với việc xuất hiện hàng loạt các tổ chức dòng họ
một cách tự phát, với nhiều hình thức tổ chức và sinh hoạt khác nhau bên cạnh
tính tích cực của nó sẽ còn có cả tiêu cực và những hệ luỵ không mong muốn tất
yếu sẽ xảy ra
Vẫn biết rằng mục
đích của phục hồi việc Họ và việc những người cùng một tộc họ tự tập hợp lại
với nhau trong những tổ chức dòng họ là rất tốt đẹp. Nhưng nếu không cẩn thận
chúng ta lại phục hồi luôn cả những hủ tục mê tín dị đoan và việc tổ chức hội
hè, đình đám nếu không đúng lúc, đúng chỗ sẽ gây lãng phí nhiều thời giờ và
tiền của của bà con mình. Đồng thời nếu không khéo thì khi các tổ chức, các
hội, các ban được thành lập để điều hành việc họ, sẽ bị một số phần tử lợi dụng
tình cảm họ hàng thân thuộc để kéo bè kéo cánh, hoặc dựa thế người trong Họ có
chức có quyền để bóp méo pháp luật, hoặc làm ăn sai trái có thể sẽ gây ra những
hệ luỵ trong thời buổi kinh tế thị trường, vàng thau lẫn lộn như hiện nay.
Về mặt quản lý Nhà
nước, cho tới nay ngành văn hóa vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào
quy định việc này. Thậm chí việc xây dựng nơi thờ tự theo quy mô nào, tổ chức
các cuộc lễ ra sao cũng chưa có một quy chuẩn nào cả !
Cho nên nếu không
cẩn thận và nhận thức đúng về mối quan hệ này thì tất yếu sẽ xảy ra những hệ
luỵ không nhỏ. Và rất đáng tiếc là điều này đã và đang xảy ra trong một số tổ
chức dòng HỌ ĐINH của chúng ta ?
Để phân tích điều
này, ở đây tôi sẽ mở rộng vấn đề ra một chút.
Không phải cho đến
bây giờ, mà ngay từ khi bước vào cuộc sống bầy đàn, con người ta thường liên
kết với nhau trong những tổ chức vì một lý do duy nhất và lớn nhất là vì QUYỀN
LỢI và tất cả những cuộc chiến tranh lớn nhỏ đã xảy ra từ xưa tới nay trên quả
đất này đều vì QUYỀN LỢI !
Theo đó, từ khi
con người hình thành cho tới khi có cuộc sống quần cư theo bầy đàn dưới xã hội
nguyên thuỷ thì hoàn toàn chưa có khái niệm về giai cấp – chưa có kẻ thống trị
và người bị trị, nguồn thực phẩm nuôi sống họ là do tất cả tự săn bắt hái lượm
mà có. Nhưng cách đây khoảng 10.000 năm khi con người bắt đầu tiến vào giai
đoạn công xã thị tộc và hình thành chế độ thị tộc thì giai cấp bắt đầu xuất
hiện.
Và những hệ luỵ
tất yếu của xã hội có giai cấp đã dần xuất hiện đó là có sự phân tầng xã hội
giữa tầng lớp thống trị và kẻ bị trị. Sự phân công lao động trong xã hội ra
đời, và sự bất công cũng từ đó mà ra. Tầng lớp thống trị thì muốn duy trì đặc
quyền đặc lợi của mình bằng cách lập nên những tổ chức có đông người cùng phe
cánh tham gia. Họ sẽ tạo nên những công cụ nhằm bảo vệ cho đặc quyền của mình
bằng cách đặt ra những quy định buộc người khác phải tuân theo và hệ thống luật
pháp ra đời từ đó.
Kẻ bị trị thì
trước những bất công đã tìm cách phải liên kết với những người cùng cảnh ngộ
nhằm tạo nên một sức mạnh của số đông để bào vệ của cải của mình không cho
những người khác đến cướp bóc, và những tổ chức, phường hội, đảng phái… đã được
ra đời từ đó. Lâu dài dần dần những tổ chức vì quyền lợi như vậy có thể đạt đến
quy mô rất lớn, thậm chí nó có thể đạt đến địa vị thống trị một xã hội, một đất
nước trong một thời gian dài.
Tuy nhiên qua
nhiều nghiên cứu đã được công bố của các nhà khoa học lịch sử và các nhà nhân
chủng học thế giới đã cho thấy nền tảng tạo nên quyền lực của một tổ chức có
thể đạt đến địa vị thống trị một xã hội còn có hai yếu tố chính khác đó là :
HUYẾT THỐNG và TÔN GIÁO.
Điển hình cho tính
liên kết theo nhóm TÔN GIÁO tạo nên quyền lực của một tổ chức đã đạt đến địa vị
thống trị một xã hội, đó là cộng đồng những người theo đạo Hồi và cộng đồng
những người theo đạo Thiên Chúa giáo (La Mã). Các cộng đồng người này liên kết
với nhau đã tạo nên những nhà nước khá lớn và khá mạnh trong một thời gian dài
tại khu vực Trung Cận Đông và khu vực Châu Âu; sự liên kết của họ là dựa trên
nền tảng tôn giáo chứ không đặt trên nền tảng huyết thống hay chủng tộc.
Nhóm liên kết cuối
cùng tuy không đặt trên quyền lợi nhưng là một hình thức tập họp sớm nhất trong
lịch sử loài người, nó vẫn đạt được đến địa vị thống trị xã hội trong một thời
gian dài và có tính phổ quát toàn nhân loại, đó là nhóm HUYẾT THỐNG. Đây là
hình thức mà chúng ta thường thấy nhất đó là một dòng họ, thậm chí là một gia đình
có khi thống trị cả một quốc gia – mà các triều đại quân chủ tại nhiều nước
trên thế giới là một ví dụ điển hình nhất. Tính ưu việt của nhóm liên kết này
là không đặt trên quyền lợi mà dựa trên quan hệ gia đình – dòng tộc nên khá bền
chặt.
Như nói trên đây,
vì quyền lợi con người đã phải tập hợp nhau thành những tổ chức, đảng phái, hội
đoàn để bảo vệ quyền lợi cho nhau. Nhưng cũng chính vì quyền lợi mà những thành
viên trong các hội đoàn (hay phường, hội) đó, sẵn sàng tranh giành quyền lợi
với nhau, đấu đá nhau thậm chí là giết nhau để giành quyền lợi nhiều nhất về
cho mình. Để đạt được mục tối cao là giành quyền lực cao nhất và lợi ích nhiều
nhất về cho mình; họ sẽ không từ bất cứ thủ đoạn nào để loại trừ đối thủ và kéo
bè kết cánh thành một một nhóm để cùng liên kết đấu tranh.
Tất cả những ngôn
từ hoa mỹ mà họ dùng trong cuộc tranh giành này đều không bao giờ thoát khỏi
cái bóng của hai chữ - QUYỀN LỢI. Những tổ chức đảng phái (hay hội đoàn, phường
hội) này đã và đang tồn tại trong tất cả các cơ quan nhà nước, trong trường
học, trong các nhà máy công xưởng, trong các tổ chức quần chúng xã hội, trong lực
lương vũ trang ….đều vì một mục đích duy nhất là QUYỀN LỢI. Và trong cuộc sống
xã hội hiện nay mọi con người đều phải tìm cách gia nhập làm thành viên của một
tổ chức, một hội đoàn, một đảng phái nào đó để mà dựa dẫm, để được số đông bảo
vệ cho quyền lợi của mình hoặc đơn giản chỉ để khẳng định sự tồn tại của họ.
Tuy nhiên hiện nay
rất nhiều người đã không phân biệt được sự khác nhau giữa tính liên kết
"HUYẾT THỐNG" và tính liên kết "QUYỀN LỢI" . Vì “HUYẾT
THỐNG" nó gắn liền với DÒNG HỌ - “QUYỀN LỢI, lại sinh ra "Phường
Hội". Nhưng “Dòng Họ” và “Phường, Hội” là hai phạm trù hoàn toàn khác
nhau. Đó là cả một sự khác nhau rõ rệt giữa nhóm HUYẾT THỐNG và nhóm QUYỀN LỢI.
Đây là một phạm
trù mà chúng ta không nên lẫn lộn hay cố tình nhầm lẫn. Vì lẫn lộn là sẽ sinh
ra những hệ luỵ không tốt trong quan hệ dòng họ. Nếu nhầm lẫn sẽ gây ra một sự
ngộ nhận rất nguy hiểm trong mối quan hệ giữa những người trong cùng một dòng
họ. Tiếc rằng đây là điều đang xảy ra trong một số tổ chức của những người mang
Họ Đinh tại VN.
Lý do là thời gian
gần đây, một số tổ chức tự phát của một số người cùng mang họ Đinh đã được hình
thành dưới cái danh xưng “Ban Liên Lạc họ Đinh” địa phương. Tuy nhiên có một
nghịch lý là đa số những tổ chức "BAN LIÊN LẠC" này không phải là do
những người họ Đinh sống lâu đời tại địa phương thành lập nên; mà do những
người Họ Đinh mới tới sinh sống tại địa phương đó thành lập. Những người này
tuy có cùng một HỌ ĐINH nhưng lại mới đến cư trú và làm ăn tại địa phương từ
nhiều tỉnh thành khác nhau; họ không phải là những người dân cố cựu và xuất
thân từ các dòng họ Đinh lâu đời tại địa phương; hay nói cách khác họ chỉ là
những người ngụ cư tại địa phương.
Cho nên nếu định
nghĩa chính xác các tổ chức này, thì đây chỉ là những “Phường, Hội”; được hình
thành nên với một lý do duy nhất là vì QUYỀN LỢI của cá nhân họ. Những “phường, hội” này không thể là đại diện
cho cho toàn thể các tộc họ Đinh tại địa phương và họ cũng không có quyền “lãnh đạo, chỉ đạo” các tộc họ Đinh tại
địa phương !
Qua theo dõi,
chúng ta dễ dàng thấy dù những người khởi xướng và thành lập những tổ chức
“Phường, Hội” này đã đưa ra những tôn chỉ và mục đích hoạt động thoạt đầu nghe
thì đầy tính nhân văn, nhưng động cơ thì hoàn toàn khác hẳn. Họ đã không dừng
lại ở cái danh xưng "BAN LIÊN LẠC" và thực hiện đúng những chức năng
và nhiệm vụ quy định của một cái "BAN LIÊN LẠC" - là nơi kết nối
những người cùng một họ lại với nhau. Trái lại họ đã biến những cái "BAN
LIÊN LẠC" này thành một tổ chức văn hóa xã hội - kinh tế tài chánh, thậm
chí là thành một công ty kinh doanh ?
Những người đứng
đầu các tổ chức mang danh "DÒNG HỌ" này hoạt động không khác gì một
ông chủ trong một công ty riêng của mình (hoặc của một nhóm người). Thậm chí họ
còn bê nguyên xi cách tổ chức điều hành từ trong các cơ quan nhà nước (thậm chí là các tổ chức đảng chính trị)
ra áp dụng trong những cái tổ chức "dòng họ" này. Cũng có cấp trên
cấp dưới, cũng có chỉ đạo chỉ thị, cũng có cả phê bình kiểm điểm; thậm chí là
có cả tín nhiệm cao - tín nhiệm thấp ... nhằm tìm cách gạt bỏ những người không
cùng ê kíp ra khỏi tổ chức.
Ở một số nơi họ đã
công khai kêu gọi những người trong cùng một họ với mình hãy góp vốn để kinh
doanh, lập quỹ .... Ở một số tổ chức thì kêu gọi đóng góp làm từ thiện, tiến
hành những hoạt động văn hóa, thể thao … hay đơn giản là nhằm tạo ra một sân
chơi để cho những người lắm tiền nhiều của đánh bóng tên tuổi của mình !
Tất cả đều cho
thấy ở những tổ chức này hai chữ QUYỀN LỢI hiện ra khá rõ ràng. Và rồi do mục
đích không rõ ràng, do bất đồng chính kiến, do xung đột quyền lợi ... mâu thuẫn
đã xảy ra khi đụng tới vấn đề tiền bạc. Họ đã đưa nhau lên những trang mạng xã
hội, trang Fb mang tên dòng họ và tên địa phương mình đang sống chửi nhau như
mổ bò với những ngôn từ rất thô tục của lớp trẻ trâu; vô tinh (hay cố ý) họ đã
biến những tổ chức dòng họ của mình thành trò cười cho thiên hạ !
Hiện nay một số tổ
chức "PHƯỜNG. HỘI" này đang tiến hành thành lập những công ty kinh
doanh mang danh nghĩa dòng Họ. Nhưng theo quy luật cạnh tranh của nền kinh tế
thị trường thì mối liên kết này rồi sẽ nhanh chóng phá sản. Vì dù có núp bóng
dưới bất cứ hình thức nào; chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận thấy một sự thật là
những người cùng góp vốn để thành lập nên một công ty kinh doanh thì mục đích
tối thượng của họ là nhằm thu về lợi nhuận (chứ
không phải để làm từ thiện). Và khi doanh nghiệp hình thành thì nó phải
hoạt động theo những quy định của pháp luật, của luật doanh nghiệp và các khoản
đóng góp nghĩa vụ thuế... và hoạt động theo quy luật cung cầu của nền kinh tế
thị trường. Lúc này yếu tố quan hệ "HUYẾT THỐNG - DÒNG HỌ" sẽ không
còn đất để tồn tại trong những doanh nghiệp kiểu này. Mà nó xuất hiện với tất
cả những HỶ, NỘ, ÁI, Ố của một doanh nghiệp hoạt động trong sự cạnh tranh khốc
liệt của một nền kinh tế thị trường. Sự xung đột quyền lợi tất yếu sẽ xảy ra;
nếu khéo vun vén thì thôi, không thì có thể kéo nhau ra toà và rồi những người
ruột thịt lại coi nhau như kẻ thù …
Hệ luỵ này có thể
phá vỡ sự đoàn kết trong các tộc họ, gây ra cảnh nồi da xáo thịt, làm mất uy
tín của cả một dòng họ, ảnh hưởng xấu đến nhiều thế hệ.
Tuy nhiên rất đáng
mừng là chúng ta vẫn có những tổ chức dòng Họ Đinh đúng nghĩa đã được ra đời
tại một số địa phương. Các tổ chức này đã được hình thành trên cơ sở của tính
liên kết “HUYẾT THỐNG – DÒNG HỌ” mà những thành viên hình thành nên các tổ chức
này là đại diện cho các tộc họ Đinh tại địa phương (được tộc họ giới thiệu và
đại diện cho quyền lợi, nghĩa vụ của tộc họ mình trong tổ chức). Tuy các tổ
chức này cũng có kết nạp thêm một số nhân sĩ trí thức, chức sắc là người họ
Đinh có địa vị và tiếng tăm sống tại địa phương, nhưng số này rất ít. Vì tiêu
chí hình thành và động cơ hoạt động là rõ ràng nên các tổ chức dòng họ này hoạt
động rất tốt, không bao giờ có chuyện đấu đá nội bộ hay tranh cãi về tiền bạc.
Đó là các tổ chức họ Đinh, như : Hội Đồng Đinh tộc Quảng Nam – Đà Nẵng, Hội
đồng Họ Đinh tỉnh Quảng Ngãi, BLL họ Đinh tỉnh TT – Huế, BLL họ Đinh tỉnh Nam
Định … !
THAY LỜI KẾT:
Tôi cũng khá đắn
đo khi viết bài này, nhưng không thể không viết. Tuy biết rằng có thể góc nhìn
của mình sẽ bị cho là lạc hậu, bản thân chỉ là một công chức tỉnh lẻ và sẽ nhận
được những phản biện chẳng hay ho gì - nhưng trong tình tình hiện nay và với
kiến thức của mình tôi cho rằng ý kiến của mình là đúng. Vì với tôi dòng tộc là
một cái gì đó cao đẹp và linh thiêng vô cùng. Tình cảm huyết thống không phải
là một thứ để có thể mua bán được. Hiện tôi không theo tôn giáo nào cả, tôi chỉ
có một thứ đạo đó là Đạo thờ cúng Tổ tiên ông bà, cho nên ngôi Từ đường dòng họ
là một nơi linh thiêng, một chốn đi về của chúng tôi.
Ở Thừa Thiên – Huế
quê tôi, hàng năm các làng xã ở đây đều tổ chức nhiều kỳ Tế lễ; nhất là vào mùa
Thu (hay còn gọi là Thu tế) và các tộc họ tại đây cũng đồng thời tổ chức các lễ
giỗ hàng năm nhưng đặt biệt là lễ Chạp thường niên của các dòng Họ trong các
làng. Vào những kỳ Lễ trọng này con cháu khắp mọi nơi tạm rời bỏ mọi chức phận
và cương vị xã hội của mình quay về với cương vị một thành viên bình thường của
làng, của dòng họ để tưởng nhớ về tổ tiên đã sinh ra mình. Để rồi khi xong tế
lễ, họ quay về với ruộng đồng, với công việc thường nhật hay rời làng ra đi với
tâm niệm phải sống xứng đáng với cha ông.
Cho nên, tôi rất
mong một số những người HỌ ĐINH VN sớm nhận thức đúng như thế nào là quan hệ
HUYẾT THỐNG (dòng họ); cũng bởi “dòng họ còn là cơ sở của tình máu mủ ruột rà
của đạo thờ cúng tổ tiên, với các phong tục và nghi lễ mang đậm màu sắc tâm
linh, đã trở thành chỗ dựa tinh thần, đã củng cố nghị lực và niềm tin cho nhiều
người trong cuộc sống. Bởi vì những giá trị văn hóa của cha ông không chỉ mang
lại niềm tự hào cho mỗi người mà còn có ý nghĩa giáo dục sâu sắc lối sống văn
hóa cho các thế hệ sau.”
Biết rằng việc
nhận thức cho đúng về vai trò quan trọng của dòng họ trong sự phát triển của xã
hội Việt Nam đương đại là cả một vấn đề rất lớn và khá khó khăn. Nhưng hy vọng
rằng với nhiều biến động của lịch sử địa chính trị của VN và thế giới gần đây,
đã ít nhiều tác động đến đời sống văn hóa dân tộc Việt Nam. Mỗi người chúng ta
đều dễ dàng nhìn thấy là: Cuộc sống này luôn luôn vận động theo hướng tích cực,
nếu ai đó cản đường sẽ bị cuộc sống đào thải ./
ĐKT
Buôn Ma Thuột,
ngày 20/03/2019
Thường trực BLL Họ Đinh Miền Trung & Tây Nguyên bầu năm 2013 tại Huế
Tất cà thành viên BLL họ Đinh miền Trung & Tây Nguyên tại Huế năm 2013
Thường trực BLL họ Đinh miền Trung & Tây Nguyên trong cuộc họp mặt năm 2015 tại Đà Nẵng
Đoàn họ Đinh tỉnh Đắc Lắc tham gia cuộc họp mặt năm 2015 tại Đà Nẵng
Đoàn Họ Đinh tỉnh Thừa Thiên - Huế năm 2015
Đoàn Họ Đinh tỉnh Kon Tum tại cuộc họp mặt năm 2015
Chụp hình lưu niệm tại Đà Nẵng năm 2015
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét