TRƯỜNG LANG TẠI TỬ CẤM THÀNH – ĐẠI NỘI HUẾ.


Tác giả tại Trường Lang - đại nội Huế năm 2016
Tại Tử Cấm Thành – nơi người dân Huế thường gọi là Đại Nội, trung tâm của toàn bộ Hoàng Cung triều Nguyễn có rất nhiều công trình kiến trúc tập trung quy mô rất lớn, khá đồ sộ với khá mật độ cao. Các đền đài cung điện ở đây được xây dựng khá đa dạng với những hình thức phong phú. Quần thể kiến trúc đồ sộ này được kết nối với nhau bằng một hệ thống hành lang có mái che khép kín dài hơn 900m, thường gọi là hệ thống Trường Lang. Gồm 3 dạng: Trường lang, Hồi lang và Dực lang. Công trình được xây dựng hoàn toàn bằng gổ quý, khá quy mô và được bài trí rất cầu kỳ.
Công trình đã tồn tại trên 200 năm, nhưng do các biến động của lịch sử và do chiến tranh các hệ thống trường lang đã bị phá hủy một cách trầm trọng. Vào những năm 1950, 1967, 1973 và 1973 công trình cũng đã được trùng tu với những lần sửa chữa lớn, nhỏ. Nhưng một thời gian dài sau 1975, công trình bị bỏ phế mặc cho mưa nắng tàn phá trước thời gian.
Sau khi Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế được thành lập, trong những năm qua tổ chức này đã cố gắng phục hồi, tu bổ hệ thống các hành lang, phục hồi các bức tranh treo tường góp phần hoàn thiện khép kín hệ thống trường lang trong Tử Cấm Thành, từng bước phục hồi lại diện mạo các công trình nằm trong khu vực Kinh Thành Huế.
Ngày 27.4.2016 hệ thống Trường lang này đã được phục dựng hoàn chỉnh và đã tổ chức khánh thành.
Nhân dịp khánh thành Dực Lang 3B, một triển lãm hình ảnh tư liệu “Triều Nguyễn và Huế xưa” rất thú vị đã được khai mạc tại khu hành lang trong Tử Cấm Thành Huế. Gồm 164 hình ảnh tư liệu được giới thiệu trên 82 khung chạm trổ; 18 bài thơ của vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Khải Định, Thành Thái được thể hiện qua các thể: chân, thảo, lệ, triện do nhà thư pháp Hải Trung thực hiện trên vóc sơn mài.
Ngoài ra còn có 16 bức tranh là phiên bản của các bản vẽ về Lục Bộ, Điện Cần Chánh, Cơ Mật Viện, Hổ Quyền, Tượng binh thời Nguyễn và các bức phiên bản tranh tường Cung An Định.
Xin cám ơn !
ĐKT
12.10.2016


Những hình ảnh về hệ thống Trường Lang - Đại Nội Huế.
























TÁC GIẢ CỦA “ĐẾ HỆ THI” LÀ AI ?

Kim sách Đế hệ thi bằng vàng với 13 tờ vàng, dài 23,2cm, rộng 13,7cm được đúc năm 1823 đời vua Minh Mạng. 

Rất nhiều người tại Huế biết bài thơ nổi tiếng này. Bài Đế Hệ Thi đã được Triều Nguyễn khắc trong một cuốn sách bằng vàng ròng (Kim sách). Sách chép 20 chữ bộ Nhật và bài ngự chế Đế hệ thi do Hoàng đế Minh Mệnh ban hành năm 1823. Sách làm theo khổ chữ nhật đứng, gồm 13 tờ vàng dài 23,2cm, rộng 13,7cm gồm bìa trước và sau chạm hình rồng bay trong mây và 11 tờ ruột khắc sách văn, gáy đóng 4 khuyên tròn.

Sách được đúc năm 1823 đời vua Minh Mệnh, được cất trong hòm vàng (kim quỹ) để lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Với bài ngự chế này, vua mong muốn thế hệ sau truyền nối ngôi vua tới 20 đời, được 500 năm, nhưng cuối cùng chỉ dừng lại ở chữ Vĩnh tức đời thứ 5, do 11 vua nối tiếp thuộc cả chi khác hoặc thế hệ trước.
 Hiện nay, kim sách Đế hệ thi đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam (Hà Nội). Ngày 31/3/2016, sau nhiều thăng trầm lịch sử, lần đầu tiên kim sách Đế hệ thi đã được Bảo tàng Lịch sử quốc gia đưa ra giới thiệu tới quảng đại công chúng trong cuộc trưng bày chuyên đề "Bảo vật hoàng cung - Kim sách Triều Nguyễn (1802 - 1945)"

Xưa nay tất cả người dân xứ Huế đều cho rằng tác giả của bài thơ này là chính Vua Minh Mạng vì ông là một người văn võ song toàn. Nhưng thật ra không phải như vậy, ý tưởng là của Vua nhưng người trực tiếp sáng tác ra những áng văn này là của một người Họ Đinh – Đông các đại học sĩ Đinh Hồng Phiên, một danh thần của xứ Nghệ .

Nguyên là sau khi lên ngôi, vua Minh Mạng cho soạn bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi để đặt chữ lót trước tên cho con cháu trực hệ vua (đế hệ) cùng con cháu của mười hoàng tử anh em (phiên hệ). Đế hệ thi được soạn theo thể thức thơ tứ tuyệt có nội dung một bài thơ hoàn chỉnh. Bài thơ 4 câu, mỗi câu 5 chữ, thành 20 chữ:
             
                       “ Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh
                          Bảo Quý Định Long Trường
                          Hiền Năng Kham Kế Thuật
                          Thế Thụy Quốc Gia Xương”

Từng chữ có nghĩa như sau : MIÊN: Trường cửu; HƯỜNG: Oai hùng ; ƯNG: Nên danh, ; BỬU: Bối báu; VĨNH: Bền chí; BẢO: Ôm lòng; QUÝ: Cao sang; ĐỊNH: Tiên quyết ; LONG: rồng tiên ; TRƯỜNG: Vĩnh cửu; HIỀN: Tài đức, phúc ; NĂNG: Gương ; KHAM: Đảm đương; KẾ: Kế sách ; THUẬT: ghi chép ; THẾ: trường thọ ; THỤY: Ngọc quý ; QUỐC: giang san ; GIA: Muôn nhà ; XƯƠNG: Phồn thịnh . Sau khi đế hệ thi và phiên hệ thi được vua ban, các hệ con cháu đời này qua đời khác của triều Nguyễn cứ thế mà đặt chữ lót trước tên cho thống nhất.

Bản thảo Bài Đế hệ thi của Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên - nét bút màu đỏ là lời phê của vua Minh Mệnh khi chỉnh sửa bài Đế Hệ Thi

Theo đế hệ thi, thì tên của các vua Nguyễn từ Minh Mạng trở lui là : Nguyễn Phúc + chữ lót trong Đế hệ thi + tên : vua Thiệu Trị là Nguyễn Phúc Miên Tông, Tự Đức là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm; Dục Đức là Nguyễn Phúc Ưng Chấn; Hiệp Hòa tên là Nguyễn Phước Hường Dật; Kiến Phúc là Nguyễn Phước Ưng Ðăng ;Hàm Nghi là Nguyễn Phước Ưng Lịch ; Đồng Khánh tên là Nguyễn Phước Ưng Đường; Thành Thái là Nguyễn Phước Bửu Lân; Duy Tân là Nguyễn Phước Vĩnh San; Khải Định là Nguyễn Phước Bửu Đảo; Bảo Đại là Nguyễn Phước Vĩnh Thụy . Nhưng người cùng thế hệ Miên, Hường… dù không làm vua cũng có chữ lót như nhau.

Triều Nguyễn chấm dứt vị vì từ tháng 8-1945, thời vua Bảo Đại. Từ năm 1945 đến nay, nhà Nguyễn không còn , nhưng con cháu của họ vẫn theo Đế hệ thi và phiên hệ thi mà đặt chữ lót cho con cháu từ đời này sang đời khác. Chứng tỏ bài Đế hệ thi là vô cùng quan trọng để nhận ra người trong Hoàng tộc Nguyễn.


Lời phê của vua Minh Mệnh khi chỉnh sửa bài Đế Hệ Thi

Như nói trên đây, từ khi bài thơ ra đời cho tới nay mọi người dân xứ Huế (và cả nước) thường cho rằng bài Đế hệ thi là do vua Minh Mạng sáng tác. Vì Minh Mạng là một ông vua có trí tuệ rất uyên bác, một nhà quân sự tài ba nhưng cũng là một thi sĩ chính hiệu, ông đã làm rất nhiều thơ ca ngơi quê hương đất nước kể cả những cảnh sản xuất cày cấy của người dân ở nông thôn. Vua cho đúc Cửu Đỉnh để khẳng định chủ quyền quốc gia, ông cũng chính là kiến trúc sư của quần thể di tích Cô Đô Huế được cộng nhận là Di sản thế giới. Nên nói vua soạn Đế hệ thi ai cũng cho là bình thường. Không ai biết vua đã sai người soạn 11 bài thơ cốt tử này.


Toàn văn bài Đế Hệ Thi

Nhưng mới đây nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Huế: đã công bố một sự thật đã làm sáng tỏ việc ai là tác giả của Đế hệ thi. Anh Nguyễn Hữu Châu Phan cho biết, cách đây 8 năm, một người tên là Đinh Văn Niên sống tại Hà Nội đã gửi cho Ban biên tập Tập San Nghiên Cứu Huế một bài viết - trong bài viết này tác giả cho rằng theo những ghi chép hiện đang được lưu giữ tại dòng Họ của chính tác giả thì người khởi thảo bài Đế hệ thi và 10 bài Phiên hệ thi chính là Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên, quê ở huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An - một cụ tổ trong tộc họ Đinh mà tác giả là một hậu duệ.

Tuy tư liệu này thật quý, nhưng bài viết khá đơn giản; cho nên sau khi xem xét khá kỹ nội dung bài viết, các nhà nghiên cứu có chuyên môn rất cao tại Trung Tâm nghiên cứu Huế cho rằng - điều khẳng định này có thể chỉ là những giai thoại và đây chỉ là bút tích trong gia phả của một tộc Họ; hoàn toàn không có một chứng cứ hay cơ sở khoa học nào cả. Nên ban biên tập Tập san Nghiên cứu Huế phải cử người lục tìm, chụp ảnh tài liệu trong Châu bản triều Nguyễn ở Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Sau đó phải tham khảo ý kiến thêm nhiều nhà nghiên cứu có uy tín khác tại Huế và phải dịch thuật, kiểm tra, xác minh suốt năm năm ròng. Khi có đủ tài liệu và có đầy đủ cơ sở bảo đảm tính chính xác của sự kiện quan trọng này Ban biên tập Tập San Nghiên cứu Huế mới cho công bố bài viết của anh Đinh Văn Niên vào đầu năm 2012.

Theo tác giả Đinh Văn Niên, ông Đinh Hồng Phiên sinh năm 1764 tại làng La Giáp, tổng Kim Nguyên, huyện Chân Lộc, phủ Đức Quang (nay xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, Nghệ An). Ông đậu Hương Cống thứ hai, khoa thi Quý Mão, Cảnh Hưng năm thứ 44(1783) đời vua Lê Hiển Tông. Khoa này Nguyễn Du Tiên Điền đậu sinh đồ. Năm 1787, đi thi Hội ông Phiên đậu Tam trường trúng cách ( ngang Phó bảng thời Nguyễn ). Ông được bổ Toản tu Quốc sử quán triều Lê. Thời Nguyễn, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã vời ông ra làm quan với triều Nguyễn.
Năm Gia Long thứ 14 (1815) ông được vua bổ Đốc học Quảng Nam. Năm Kỷ Mão, Gia Long thứ 18 (1819) ông được bổ Đông các học sĩ, sung vào đoàn đi sứ nhà Thanh, Trung Quốc. Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên và Nguyễn Du là bạn đồng hương, đồng khoa thi. Con trai Đinh Hồng Phiên là tiến sĩ Đinh Văn Phác, lấy Nguyễn Thị Tiềm là con gái Nguyễn Du. Đến thời vua Minh Mạng, ông giữ nhiều chức vụ quan trọng ở triều đình. Nhiều năm làm giám thị các kỳ thi Hương trường thi Quảng Đức, Sơn Nam của Triều Nguyễn. Đinh Hồng Phiên có con trai là Đinh Văn Phác đã đỗ Đệ tam giáp đồng tiến sĩ tại kỳ thi Hội năm Nhâm Ngọ, Minh Mệnh thứ 3 (1822). 

Nhưng quan trọng nhất là chức “soạn định thể thức cáo văn, sắc văn”- chức này đã giúp cho Đinh Hồng Phiên có điều kiện để soạn cho vua Minh Mạng Ngọc Phổ bài đế hệ thi và 10 bài phiên hệ thi, được vua “châu phê”.
Năm Minh Mệnh thứ nhất, ngày 20 tháng 11 năm 1820, Nguyễn Đình Phiên đã tâu lên vua Minh Mạng:” Bề tôi Đông các học sĩ Nguyễn Đình Phiên cứu đầu, rập đầu trăm lạy kính tâu về việc : Nay kính vâng chủ kiếm soạn các chữ trong Ngọc Phổ . Hãy kính đấy. Kinh cẩn xếp thành 11 bài 4 câu 20 chữ, cộng 220 chữ kính cẩn trình bày theo thứ tự. Kính chờ Thánh thượng xét đoán” (bản dịch từ chữ Hán, Châu bản triều Nguyễn, tờ 223 đến 235).

Bản châu bản triều Minh Mệnh liên quan đến bài Đế hệ thi

11 bài trong Ngọc Phổ ấy, bài đầu là Đế hệ thi và 10 bài sau là Phiên hệ thi. Bài Đế hệ thi , Đinh Hồng Phiên viết:
- Miên hồng khai bửu tộ/ Bảo định ứng trinh tường/ Toản tự di nhân viễn/ Gia hy tích dận trường. Đọc bài thảo, vua Minh Minh Mạng ban đầu sửa chữ Khai thành chữ Ưng. Câu thứ hai vua sửa lại là Long Quý Định Bảo Trường. Câu ba, Toản Tự Di Nhân Viễn, vua sửa lại là Hiền Năng Kham Kế Thuật. Câu bốn: các chữ Hy tích Dận Trường vua sửa thành Thụy Quốc Gia Xương. Rồi vua lại sửa câu bốn một lần nữa, thành Thọ Thế Quốc Gia Xương, sau đó vua lại lấy lại Thế Thụy. Rồi vua tham khảo ý kiến anh em mình và các trí thức trong triều, một lần sửa nữa mới chính thức thành: Miên Hường Ưng Bửu Vĩnh/ Bảo Quý Định Long Trường/ Hiền Năng Kham Kế Thuật / Thế Thụy Quốc Gia Xương.

Bài Đế hệ thi không chỉ để đặt tên, mà còn là một bài thơ hoàn chỉnh. Tạm dịch nghĩa theo vần lục bát như sau :
                      
                       Huân nghiệp lớn tổ tiên gầy dựng
                       Gắng giữ gìn cho xứng ân sau
                       Phồn vinh thịnh đạt dài lâu 
                       Anh tài, hiền đức cùng nhau bảo toàn
                       Đời đời nối nghiệp tiền nhân
                       Nước nhà hưng vượng muôn phần phát huy

Vua phán: ” Hoàng khảo ta lập pháp luật, định chế độ, rất lưu tâm đến việc kế thuật. Các khanh làm Ngọc phả nên xét kỷ thế thứ trong sách vở cũ , liệt kê đầy đủ để dâng trình , đợi chỉ sử định” ( Đại Nam thực lục, tập 2 ). Trong gia phả họ Đinh Văn, Kim Khê, Nghi Long, Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An có ghi :” Đông các học sĩ Đinh Phiên nhậm chức soạn định thể thức cáo văn , sắc văn, tu soạn Liệt Thánh Thực lục, đồng thời được giao việc hệ trọng là sáng tác đế hệ thi và phiên hệ thi” ( Đinh Văn tộc gia phả ). Ban biên tập sách Nghiên cứu Huế đã tìm trong “Mục lục Châu bản triều Nguyễn” của Viện Đại học Huế xuất bản năm 1962, ở tập 2 triều Minh Mạng một bản tâu có nội dung liên quan : “Đông các học sĩ Đinh Nguyễn Phiên tâu chỉ soạn các chữ Ngọc phổ, tất cả 11 bài, mỗi bài 4 câu 20 chữ, tổng cộng 220 chữ”, đề ngày 29/11, năm Minh Mạng thứ nhất (1820).


Bản Châu bản nói về Đế Hệ Thi có bút tích và đóng các dấu Ấn của Vua Minh Mệnh

Lại nói về ông Đinh Văn Niên, hiện sống tại Hà Nội được cho là hậu duệ của Đông Các học sĩ Đinh Hồng Phiên (gọi ông Phiên là cụ tổ) người đã gửi cho Ban biên tập Nghiên cứu Huế bài viết về việc năm 1820, Đông các học sĩ Đinh Hồng Phiên được vua giao làm Ngọc phả.

Sau khi được Ban biên tập Tập San Nghiên cứu Huế thông báo việc đã xác minh và tìm thấy những nội dung có liên quan trong Bộ Châu Bản Triều Nguyễn. Và trong “Mục lục Châu bản triều Nguyễn” triều Minh Mạng – hiện có một bản tấu có nội dung liên quan xác nhận sự kiện này hiện vẫn còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội. Ông Đinh Văn Niên đã đến Trung tâm Lưu trữ quốc gia I ở Hà Nội, xin được bản sao in màu bản Châu bản quý giá đó.

Ông Đinh Văn Niên - xứng đáng vinh danh.

Câu chuyện này các vị đang làm công tác nghiên cứu tại Huế đã cho tôi biết cũng đã hơn 3 năm nay nhưng công việc quá bận không có thời gian nghiên cứu thêm. Nay có chút thời gian tôi đã tìm hiểu thêm và sau khi nghiên cứu kỹ nên với bài viết ngắn này xin công bố sự thật này cho  bà con Họ Đinh cùng biết.
Đây là một niềm tự hào cho Dòng Tộc HỌ ĐINH chúng ta; nhất là bà con tộc họ ĐINH VĂN - tại thôn Kim Khê, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An ./.

ĐKT
22.05.2017

Chuyên mục nghiên cứu Hán-Nôm

LÀM SAO PHÂN BIỆT GIÀU - NGHÈO !

Những ngôi Lăng mộ giá trị hàng tỷ đồng

Thông thường với con mắt bàng quan của một người bình thường khi chúng ta đến một vùng đất, một khu thị tứ hay một làng quê nào đó chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra vùng đất mình đang đến là giàu hay nghèo; cuộc sống người dân nơi đó là sung túc hay nghèo đói ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra. Với tôi một người chỉ có kiến thức thuộc loại thường thường bậc trung, tuy nhiên vì lý do công việc nên tôi đi cũng khá nhiều và qua đó cũng học được khá nhiều điều hay lẽ phải của thiên hạ.
Ví dụ khi đến một địa phương nào đó, nếu cần tìm hiểu kinh tế - xã hội tại đó; thì chỉ cần quan sát vài hôm là tôi cũng có thể nhận ra vùng đất đó người dân có cuộc sống sung túc hay khốn khó. Và nếu muốn đánh giá một cách chi tiết địa phương đó khó khăn hay trù phú tới cỡ nào cũng không khó khăn lắm. Ngoài quan sát cơ sở hạ tầng tại địa phương chúng ta phải tìm hiểu các hoạt động văn hoá xã hội của người dân ; sau đó là cần biết nguồn thu kinh tế chính của họ; các sinh hoạt kinh doanh mua bán của địa phương. Nếu cần chi tiết hơn thì căn cứ vào nguồn thu và tổng thu ngân sách của địa phương là có thể đánh giá được – nếu không chính xác 100% thì cũng tới 70 – 90% thực trạng kinh tế địa phương đó khá dễ dàng !

Nhưng cái sự đời nó không phải như vậy, kẻ có vài trăm triệu thì thường khoe là tui có tiền tỷ, kẻ đi xe thuê thì hay nổ với thiên hạ là mới mua xe vài tỷ và thích khoe khoang cái sự giàu sang phú quý (giả tạo) của mình với thiên hạ. Nhưng hiện có một hiện tượng khá lạ là có những người giàu nứt đố đổ vách, lại không thích thiên hạ cho rằng mình giàu có. Càng quái lạ hơn là họ lại đang sống tại nơi mà đa số người dân có cuộc sống khá sung túc, họ sung túc tới độ vang danh khắp nước thậm chí nổi tiếng ra cả nước ngoài. Làng quê của họ trông như một khu thị tứ, chợ búa hàng quán đông đúc bán không thiếu bất cứ một thứ gì trên đời. Xe cộ các kiểu các loại từ 2 bánh tới 4 bánh của các hãng xe danh tiếng của chính các cường quốc tư bản trên thế giới đều góp mặt khá đầy đủ tại đây. Người sống thì ở trong những căn nhà tiền tỉ, người chết thì được yên nghĩ trong những ngôi lăng mộ cũng tiền tỉ rất hoành tráng – đến độ báo giới phải gọi là “Thành phố Lăng” mới xứng tầm. Nhưng cư dân nơi đây vẫn bị gán cho là những kẻ nghèo khó, nghèo khó đến độ mà xã hội phải trợ cấp phải bố thí cho họ !

Không biết điều khá tréo ngoe này có gì uẩn khúc bên trong không, vì ai đời người chuyên đi bố thí cho người khác nay lại được “ VINH DANH” trên báo giới và các phương tiện thông tin đại chúng bằng một “Quyết Định” chính thức của chính phủ rằng - "họ chính là những cư dân đang sống tại một trong những ngôi làng nghèo khó nhất cả nước " - mà nhà nước phải trợ cấp mọi mặt . Có thể ai đó cho rằng đây có thể là có sự nhầm lẫn nào đó – nhưng một Quyết Định do chính Thủ tướng ký thì không thể có sự nhầm lẫn được ?

Vậy điều gì khiến cho các vị quan chức mẫn cán tại địa phương dám khai rằng quê tui nghèo quá; nghèo đến độ cần các nơi giúp đỡ bố thì cho người dân của họ …. nếu không chắc là dân họ đói. Và những ông quan trên tuy là đất nước đã bước vào thế kỷ 21, thời kỳ của công nghệ thông tin và hội nhập nhưng với cái cung cách quan liêu cố hữu; họ ngồi trong phòng máy lạnh để quản lý và đã vội vã phê duyệt những gì cấp dưới trình duyệt . Sau đó họ vội vã làm báo cáo trình chính phủ yêu cầu cứu tế khẩn và có những phương thức trợ giúp toàn diện từ văn hoá xã hội cho tới kinh tế tài chính cho các địa phương trên. Và do chính phủ không thể có đủ thời gian và nhân lực để đi kiểm tra từng làng từng xóm trong tất cả 63 tỉnh thành nên đã phê duyệt yêu cầu của các địa phương.

Với bài viết ngắn này tôi không nhằm mục đích là phê phán một địa phương nào hay cá nhân nào cả ! 
Nhưng ngẫm cái sự đời là xã hội ngày càng văn minh thì càng có nhiều cái lạ, người nghèo đành phải cam lòng nhận của bố thí – nhưng những anh nhà giàu ngày nay cũng thích nhận của bố thí của bá tánh.
Đọc tới đây chắc có ai đó thốt lên rằng : “ô hô ! lão này viết bậy, đây là tiền nhà nước cơ mà ?”. Nhưng xin thưa rằng tui không viết sai đâu, các vị sẽ cho rằng đây là sự trợ giúp của nhà nước, là tiền của nhà nước; nhưng các vị phải biết là nhà nước hay chính phủ làm gì có tiền ? Mà đó là những đồng tiền thuế đóng góp của người dân, là mồ hôi nước mắt của từ anh xe ôm ngày ngày ngồi ngủ gật đợi khách bên góc phố, của chị buôn thúng bán mẹt dầm mưa dải nắng bên vỉa hè; cho tới của những ông đại gia trong những công ty lớn…. Đó là những đồng tiền của một cháu bé học sinh xin mẹ hai chục ngàn nộp cái cạc điện thoại, trong đó có hơn hai ngàn nộp thuế cho nhà nước. Một cây kem cháu bạn ăn trị giá mười ngàn là có hơn một ngàn tiền thuế, một kg gạo bạn mua để nấu cơm hàng ngày với giá mười lăm ngàn là có gần hai ngàn tiền thuế .v.v và v.v . Tất cả và tất cả đều là tiền từ trong túi bạn mà ra cả đấy ?
Cơ sự là cách đây mấy hôm tôi có nhận được một cái công văn hành chánh do Chính phủ ban hành và gửi về cho các địa phương theo đường công văn bình thường. 
Công văn số 131/QĐ-TTg; có cái tựa :

      QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và vùng hài đảo giai đoạn 2016 – 2020.
Do Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 25/01/2017. Kèm theo đó là danh sách 291 xã "đặc biệt khó khăn" thuộc 23 tỉnh thành trong cả nước và tỉnh Thừa Thiên – Huế quê tôi cũng có tên trong danh sách này.
Theo danh sách này tỉnh TT – Huế có tất cả 27 xã thuộc 4 huyện thuộc diện "đặc biệt khó khăn" sẽ nhận ưu đãi của nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2020 :
- Huyện Phong Điền có 05 xã :
Phong Chương, Phong Bình, Điền Hương, Điền Môn, Điền Hoà.
- Huyện Quảng Điền có 07 xã:
Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái, Quảng Lợi
- Huyện Phú Lộc có 07 xã:
Lộc Bình, Vinh Hải, Vinh Mỹ, Vinh Giang, Lộc Trì, Vinh Hiền, Lộc Vĩnh.
- Huyện Phú Vang có 08 xã:
Vinh Phú, Vinh Hà, Phú Xuân, Vinh Thái, Vinh Xuân, PHÚ DIÊN, VINH AN, Phú An .
Như vậy huyện Phú Vang có tời 08 xã thuộc quy chế "vùng bãi ngang ven biển và vùng hải đảo" thuộc diện "đặt biệt khó khăn" cần phải có sự trợ giúp đặc biệt của nhà nước.

 Tôi vốn là người xuất thân tại huyện Phú Vang; cho nên tôi biết khá rõ những xã này ở đâu - trong 08 xã này chỉ có 03 xã Vinh Xuân, Vinh An và Phú Diên là những xã thuộc quy chế "vùng bãi ngang ven biển và vùng hải đảo" ; 05 xã còn lại không có biển và nằm sâu trong nội địa; thậm chí có tới 03 xã là những vựa lúa nổi tiếng của xứ Huế (Vinh Hà, Vinh Thái, Phú xuân); đặt biệt là xã Vinh Thái có cánh đồng lúa hai vụ rộng tới 1009 ha .
Xã Vinh Xuân quê tôi chính là xã "bãi ngang ven biển" nên cũng "vinh hạnh" có tên trong cái bảng phong thần này. Cạnh xã tôi cũng có một số xã tuy điều kiện địa lý và kinh tế xã hội cũng tương tự như xã Vinh Xuân của tôi – nhưng họ không có tên trong danh sách này, đã là một dấu hỏi khá lớn hiện lên trong đầu tôi. Nhưng khi đọc tới cái tên xã Phú Diên và nhất là xã VINH AN lại có tên trong bảng danh sách những xã "đặc biệt khó khăn" thì tôi thật sự nổi giận – đây là nơi có ngôi làng nổi tiếng là giàu nhất xứ Huế, nơi có cái địa danh “ Thành Phố LĂNG” nổi tiếng cả nước – nhưng không ngờ họ lại là một trong 27 địa phương "đặc biệt khó khăn" nhất xứ Huế và là một trong 291 xã nghèo nhất Việt Nam ?

Thật là mua danh ba vạn mà bán danh chỉ ba đồng. Đây là một hành vi quan liêu hay vì lợi ích nhóm ?
Những người dân xã Vinh An nếu vô tình đọc được những dòng này các bạn sẽ nghĩ gì ?
Danh thủ bóng đá một thời Lê Huỳnh Đức – xuất thân trong một ngôi làng giàu nhất nhì xứ Huế tại xã Phú Diên – anh sẽ nghĩ gì khi đọc những dòng này ?

ĐKT
20.02.2017

Ở đây có hàng ngàn ngôi lăng mộ như thế này ?

TẠI SAO TÔI KHÔNG ĐI CHÙA !


Chùa Tịnh Bình tại thành nội Huế


Ai cũng biết xứ Huế vốn được xem như là kinh đô của Phật giáo VN, hầu hết người dân xứ Huế là tín đồ của đạo Phật, trong đó có gia đình tôi. Gia đình tôi vốn là một gia đình Phật giáo thuần thành của nhà Phật tại Huế, ba tôi cũng là một Phật tử - chính ông đã được thầy Thích Đôn Hậu quy y và đặt pháp danh cho ông. Cho nên bản thân tôi vào những năm trước 1975 là một trong những Phật tử hăng say nhất của phong trào sinh hoạt Phật giáo tại Huế.

Thời gian đầu 1967- 1973 khi đang còn là một chú bé học sinh tiểu học trường làng, tôi cũng đã là một Phật tử của chùa làng đã tham gia đầy đủ các sinh hoạt của chùa Làng và một phần của cấp quận. Năm 1974 sau khi thi đậu vào trường trung học tôi phải khăn gói quả mướp lên thành phố trọ học, tôi ở trọ tại nhà một người dì trong thành nội Huế. Gần nhà dì tôi có một ngôi chùa khá lớn là chùa Tịnh Bình và tôi lại xin gia nhập Gia đình Phật tử, hoà vào sinh hoạt chung với các anh chị em trong chùa cũng như tham gia các cuộc lễ và các phong trào đấu tranh của Phật Giáo Huế. Tôi cũng tham gia các hội đoàn Hướng Đạo, hội Cầm thảo… và tham gia tập luyện võ thuật tại các võ đường nổi tiếng tại Huế.

Với đầu óc non nớt trẻ thơ của một chú bé nhà quê lần đầu ra thành phố học, trông tôi khá bỡ ngỡ. Nhưng theo thời gian tôi cũng “lớn lên” về mọi mặt vì lúc này tôi đã là một chú thiếu niên tròn 15 tuổi, do giống tốt nên cơ thể cao lớn như một anh thanh niên ngoài 20 tuổi, tôi đã bắt đầu quan sát thế giới bên ngoài và có những nhận xét của riêng mình. Bắt đầu từ những hành động và những việc làm rất nhỏ nhưng khó hiểu của quý thầy trong chùa, ví dụ như tại sao khi có lễ thì các thầy trang nghiêm và ăn lạt, nhưng khi hết lễ thì các thầy ăn mặn, đùa giởn với nhau như quỷ và sống khá phóng túng. Dần dần tôi thấy các thầy toàn là bàn chuyện đánh đấm, biểu tình và chuyện chính trị. Sau đó các thầy sai khiến chúng tôi thế này thế nọ toàn là chuyện động trời không cả, đến độ sợ quá tôi không dám tới chùa nữa. Nhưng các thầy lại sai một số bạn trong xóm gọi tôi đến và đe doạ tôi… nếu nói ra, sẽ thế này, thế nọ. Từ đó tôi hoàn toàn không dám tới chùa nữa, thậm chí khi có dịp về quê tôi cũng không tới chùa như là một sự dị ứng. Cũng từ đó tôi đã nhìn giới tu hành Phật giáo với cái nhìn hoàn toàn khác hẳn.

Sau này khi đến lập nghiệp tại tỉnh Đăk Lăk, tôi cũng có rất nhiều dịp tiếp xúc với giới tu hành Phật giáo thậm chí là làm việc trong một ban phụ trách tôn giáo nhưng tôi vẫn giữ một khoảng cách khá xa với họ. Trong những cuộc tang lễ của gia đình, của bà con cần phải tiếp xúc và nhờ cậy họ tuy tôi vẫn gọi họ là quý thầy nhưng không bao giờ xưng con với họ. Nói ra những điều này chắc sẽ có ai đó cho rằng tôi vơ đũa cả nắm và tôi là kẻ hữu khuynh; nhưng với tôi chùa chiền là cõi tâm linh nơi cần coi trọng niềm tin nhưng khi niềm tin không còn thì không nên tới – chỉ đơn giản vậy thôi.

Nếu nhìn rộng hơn một tí, thì các ngôi chùa ngày nay không còn mang yếu tố tâm linh tín ngưỡng như xưa. Mà đó là nơi người ta mua bán, tất cả đều là một sự mua bán công khai. Quy mô các ngôi chùa ngày càng to lớn, to lớn tới mức độ “doạ nạt”, nhưng thử hỏi để làm gì khi mà hàng triệu người dân vẫn đang còn thiếu ăn thiếu mặc, tại sao các vị không bớt chút đỉnh của cúng dường đó làm của bố thí cho những mãnh đời bất hạnh đang đầy dẫy ngoài cổng chùa kia chứ đâu xa. 
Một hiện tượng cũng khá lạ trong xã hội VN ta ngày nay là đã có một số khu du lịch tâm linh với quy mô xây dựng hàng trăm thậm chí hàng nghìn tỷ mọc lên – tức là người ta vay tiền ngân hàng để xây những ngôi chùa to nhất, lớn nhất (rất nhiều cái nhất tự xưng về vật chất) để thu hút khách du lịch đến để người ta thu tiền. Tức là có tiền mới mua được vé, có vé mới vào được đất Phật (vào rồi phải mua những gì Phật bán kể cả thức ăn, nước uống). Thậm chí vào được đất Phật rồi, muốn vào đảnh lễ Phật vẫn bị cái thùng Phước Sương rất to nó chắn lối ta đến với Phật, tức nhiên là phải thò tay vào túi và làm thủ tục “đầu tiên” với nó !
Đây là những điều mắt thấy tai nghe mà kẻ ngoại đạo này từng được thưởng lãm tại khu du lịch tâm linh Chùa Bái Đính ở Ninh Bình và khu du lịch tâm linh Đại Nam ở Bình Dương.

Khi viết nên những dòng tự sự này tôi không nhằm mực đích là nói xấu ai cả và cũng không kêu gọi ai phải theo mình nhằm lên án ai đó. Trái lại vì công việc tôi phải tiếp tục tiếp xúc với giới Phật giáo và đã có một số nghiên cứu về lịch sử Phật giáo VN thậm chí là có hẳn một công trình nghiên cứu về phong trào đấu tranh Phật giáo tại Huế trong giai đoạn 1960 - 1973. Thời gian qua tôi đã giúp đỡ về mặt học thuật cho một số tu sĩ Phật giáo, hướng dẫn một số công trình nghiên cứu về Phật giáo cho họ !
Thậm chí tôi đang làm đề cương hướng dẫn bảo vệ một công trình về lịch sử Phật giáo cho tỉnh Hội Phật giáo Đăk Lăk. Các vị đã nhờ tôi giúp đỡ và tôi xem cá nhân các vị như là những người bạn văn, bạn viết.
Vì lý do trên nên hiện nay tôi có khá nhiều bạn viết là người trong giới tu sĩ Phật giáo, tất nhiên khi tiếp xúc với tôi họ cũng muốn tranh thủ thu phục thêm một tín đồ, nhưng sau khi tìm hiểu họ biết được tâm sự của tôi, họ mong tôi đến chùa là vì Phật – chứ đừng vì ai cả. Nhưng theo tôi khi niềm tin không còn thì tốt nhất là đừng làm phiền ai cả . 
Bài viết ngắn này nhằm trả lời chung cho một số thân hữu, vì một số vị quan tâm và thắc mắc sao tôi không đi chùa ./.

ĐKT
12.9.2009

HỆ LUỴ TỪ CÁC DỰ ÁN KHU DU LỊCH NGHỈ DƯỠNG TREO Ở CÁC HUYỆN PHÚ VANG & PHÚ LỘC CỦA TỈNH TT - HUẾ .


Khu siêu dự án Nghỉ Dưỡng nổi tiếng một thời tại xã Phú Thuận - Phú Vang.

Hiện nay theo thống kê sơ bộ của cánh báo chí thì tại khu vực các xã ven biển của hai huyện Phú Vang và Phú Lộc đã có 10 dự án khu du lịch nghỉ dưỡng treo, có dự án đã treo từ 10 năm nay, gây nên một sự lãng phí đất đai rất lớn cho các địa phương tại vùng này, ví dụ: Khu nghỉ dưỡng Pegasus Lăng Cô; Khu du lịch bến thuyền và CLB thể thao dưới nước Lăng Cô; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cao cấp ven đầm Lập An, dự án Khu đô thị, nghỉ dưỡng Vincostec – Huế của Công ty CP Xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam tại xã Phú Thuận – Phú Vang... .Tình trạng này đã kéo theo nhiều hệ luỵ cho việc sinh sống và làm ăn cho cư dân vùng dự án .

Những người dân Huế khi có dịp đi về các xã vùng biển của huyện Phú Vang; khi từ thành phố Huế đi về khu du lịch Thuận An theo quốc lộ 48B khi tới đầu làng Hoà Duân, xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế đều sẽ phải đi ngang qua một khu vực có một loạt cái khung nhà trơ trụi (trong tấm hình trên đây) đang thi gan cùng tuế nguyệt. Đây là một phần của cái siêu dự án Khu Đô thị - Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp Vincostec – Huế của Công ty CP Xây dựng và phát triển công nghệ Việt Nam (Hà Nội) mà một thời được báo chí và chính quyền địa phương quảng cáo và tung hô rầm rộ là sẽ làm thay đổi hẳn bộ mặt của khu vực biển Thuận An tạo nên công ăn việc làm cho cư dân trong vùng. Siêu dự án này được cấp phép thực hiện từ năm 2008, hoàn thành năm 2011. Nhưng sau đó chủ đầu tư xin giảm tiến độ lần 1 xin lùi thời gian khởi công tới năm 2012 , dự kiến hoàn thành vào năm 2017 trên diện tích 72 ha, tổng kinh phí thực hiện 600 tỷ đồng. Nhưng đến nay, do không có tiền nên dự án chỉ mới “thành hình” được một số bộ nền móng đứng chỏng chơ bên đường khoe cùng thiên hạ. 

Theo bản vẽ và hồ sơ dự án được duyệt thì khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec được xây dựng trên tổng diện tích hơn 72 ha. Trong đó, các hạng mục cụ thể của dự án bao gồm gần 26 ha xây dựng khu resort; 36 ha cho cụm công trình công cộng, dịch vụ thương mại. Gồm 743 lô nhà phố, mỗi lô rộng 150m2; 91 căn nhà biện thự ven biển, diện tích từ 500 - 1.000m2; 53 căn nhà biệt thự ven phá diện tích 500 - 700m2. Bên cạnh đó, Vinconstec còn xây dựng 4 tòa nhà của khu khách sạn 5 sao và căn hộ cao cấp;10 ha còn lại được dành cho khu tái định cư và đất dự trữ phát triển. Đây là những con số mà họ đã vẽ ra khiến cho các cán bộ địa phương khi đọc qua đã thấy chóng mặt ?

Nhưng sau đó theo thời gian khi tiếng trống kèn im lặng dần, thì phương thức kinh doanh và tiềm lực kinh tế + tài chính của nhà đầu tư này đã dần lộ diện. Qua điều tra của cánh phóng viên thì nhà đầu tư này thuộc Top " tay không bắt giặc", không có năng lực tài chính. Thật ra họ chỉ có một số vốn rất nhỏ (khoảng vài tỉ) sau khi chạy được Giấy phép đầu tư họ đã cóp nhặt xây nên được một vài cơ sở hạ tầng, nền móng, khung sườn cho một vài công trình nhỏ để khoe với thiên hạ (chủ yếu là khoe với giới ngân hàng), sau đó sẽ vay tiền ngân hàng mà xây dựng nên tất cả những gì mình muốn. Nhưng giới Ngân hàng ngày nay đã “khôn” hơn trước nhiều, họ cũng đã điều tra và biết ông chủ thật sự của dự án này là ai. Sau khi biết được nhân vật ẩn danh này vốn là một “nhà đầu tư” nhiều tai tiếng ở các tỉnh phía Bắc họ đã từ chối cho vay – tất nhiên sau đó nhà đầu tư này đã phải “chết đứng như Từ Hải” thôi ! 
Nhưng thật tế thì còn khá hài hước hơn nhiều, theo Chủ tịch UBND xã Phú Thuận khi trả lời báo chí cho biết chủ đầu tư này còn nợ khá nhiều tiền công thợ của cư dân địa phương và tiền mua vật liệu xây dựng của các đại lý vật liệu xây dựng trong vùng, người ít thì vài chục triệu nhiều thì hàng trăm triệu cho đến nay vẫn chưa trả. Theo vị này thì “đại gia chi mà đi mua từng bao xi măng rứa mà đại gia ?”. Qua thực tế này đã cho thấy là khâu thẩm định năng lực tài chính của các nhà đầu tư của các cơ quan chức năng của tỉnh là có vấn đề ?

Khu dự án này nằm ở một vị trí khá đẹp tại xã Phú Thuận vừa giáp biển và giáp phá Tam Giang và đi ngang khu dự án là con đường ven biển quốc lộ 49B, nên nhiều năm về trước được các chủ doanh nghiệp lựa chọn đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp. Ông Nguyễn Chường, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, cho hay: “Mới đây, xã đã làm văn bản kiến nghị tỉnh Thừa Thiên- Huế sớm có phương án giải quyết đối với các dự án bỏ hoang; bởi lẽ, ngoài vấn đề lãng phí tài nguyên đất thì các dự án dọc bờ biển đã gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và hoạt động đánh bắt thủy hải sản của ngư dân...”.
Theo thông tin mới nhất từ Văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngày 19 /11/ 2016, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và sẽ thu hồi toàn bộ khu đất đã cho công ty này thuê tại xã Phú Thuận. Ngay sau đó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao đã có văn bản về việc thu hồi giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động dự án Khu đô thị, du lịch nghỉ dưỡng Vinconstec- Huế. Đồng thời, giao Sở KH-ĐT phối hợp với các các đơn vị liên quan thực hiện các thủ tục tiếp theo theo quy định (nguồn: http://www.sggp.org.vn/thongtincanu…/mientrung/…/11/441252/…)

Tại khu vực ven biển của huyện Phú Vang cũng đã từng có một dự án Du lịch - nghỉ dưỡng khổng lồ của nước ngoài đầu tư là dự án khu du lịch Lost World resort Huế (tại hai xã Vinh Thanh và Vinh An, huyện Phú Vang) của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Lost World (Hồng Kông) với số vốn đăng ký gần 50 triệu USD, đã được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư từ năm 2008 nhưng sau nhiều năm vẫn nằm trên giấy và đã bị thu hồi giấy phép ngày 01/12/2010. Nguyên do là chủ đầu tư này cũng thuộc dạng “ tay không bắt giặc”, sau khi bị giới báo chí nước ngoài và trong nước phát hiện cũng đã lặng lẽ rút lui.

LỜI KẾT:
Hiện tại, ngoài các dự án du lịch ven biển đã được thu hồi và rút giấy phép kinh doanh, nhiều dự án du lịch “chết yểu” còn tồn tại vẫn gây bức xúc khi dự án làm cũng không làm, dừng cũng không dừng gây lãng phí đất đai. Đã có nhiều khu vực dự án do bỏ hoang quá lâu đã dẫn tới hiện tượng sa mạc hóa, cát biển ngày càng vùi lấp màu xanh của thảm thực vật ven biển khi không có bàn tay chăm sóc của con người. Nhiều nơi người dân cần xây dựng nhà cửa nhằm ổn định cuộc sống , tách thửa cho con cái nhưng đành phải chờ. 

Thiết nghĩ, cơ quan chức năng của tỉnh cần phải làm quyết liệt hơn nữa đối với các dự án du lịch “treo” tại các khu vực ven biển để đem tới khả năng khai thác có hiệu quả với vùng đất ven biển khá giàu tiềm năng này. Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng địa phương nên có những biện pháp thắt chặt hơn nữa khi tiếp nhận đầu tư; buộc các chủ đầu tư thực hiện đúng tiến độ đã cam kết, nếu không thực hiện đúng tiến độ thì sẽ bị thu hồi dự án, hoặc thu hồi đất và không được hoàn trả số tiền đặt cọc và không được bồi hoàn đền bù giá trị tài sản đã đầu tư - như một số tỉnh đã làm .

Cũng theo thông tin mới nhất từ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, “từ nay trở đi, tỉnh thực hiện việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thi công từng công trình theo từng tháng hoặc từng hạng mục chính của công trình, dự án và xử phạt chậm tiến độ theo từng tháng, từng hạng mục, không đợi đến khi kết thúc dự án. Đối với những đơn vị không đủ nhân lực, năng lực đã nêu trong hồ sơ dự thầu cần lập biên bản, xử lý theo quy định; lấy đây làm cơ sở xem xét để xét năng lực nhà thầu trong quá trình đấu thầu các công trình hoặc gói thầu khác. Nhằm quản lý triệt để và chấm dứt các dự án treo trên địa bàn tỉnh TT – Huế.”

Tuy nhiên, một dự án gây nhiều tai tiếng nhất tại tỉnh TT - Huế là khu du lịch Thiên An do Công ty cổ phần Thiên An làm chủ đầu tư cho đến nay vẫn chưa bị thu hồi, là một câu hỏi khá lớn của mọi người dân xứ Huế ?

ĐKT
20.01.2010


KỸ NIỆM MỘT THỜI !

Cửa Hiển Nhơn

Cửa Hiển Nhơn - đây là một trong 04 cửa thành vào khu vực Tử Cấm Thành của Hoàng Thành Huế, mà người dân Huế thường gọi là Đại Nội. 
Nơi đây vào những năm 1973 - 1974 khi còn là một chú nhóc học trò ở trọ học gần đấy, hàng ngày tôi thường đi qua cánh cổng này vài lần. Lý do là vào ăn trộm nhãn, vì trong Đại Nội có hàng trăm cây nhãn cổ thụ, mà nhãn Huế thì ai cũng biết là ngon nhất. Thời ấy, tuy cái cổng thành này luôn luôn có vài chú Cảnh Sát Dã Chiến mặc đồ rằn ri canh gác; trông các chú khá dữ tợn nhưng chúng tôi là "khách quý" nên được ra vô tự do. Thật ra lúc đầu cũng bị mấy chú xua đuổi đá cho mấy đá, thậm chí là dí súng đòi bắn; chúng tôi giả đò khóc và sau thì năn nỉ. Nhưng rồi họ biết chúng tôi là những chú nhóc dân địa phương nên cho vô tự do lâu dần thành ra quen với mấy chú và sau khi ăn nhãn và trái đào no nê chúng tôi còn hái mấy chùm về cho mấy chú. 
Cũng sau cái cánh cổng này chỉ vài chục mét tôi đã bị một phen xém chết, lý do tôi cúp cua và dẫn một đám bạn cùng lớp vào ăn trộm đào nhưng do ăn quá nhiều nên tôi đã bất tỉnh do say trái đào. Làm lũ bạn hoảng hốt, chạy đến cầu cứu các chú Cảnh sát Dã Chiến và họ đã cấp cứu tại chỗ cho tôi tỉnh lại, thật là hú vía !
Nên phải nói là bất cứ ngóc ngách nào trong cái khu cung điện to lớn và một thời vang bóng này chúng tôi cũng biết.
Với cái cổng thành này tôi có khá nhiều kỹ niệm, tiếc rằng đã nhiều năm tôi chưa được đi qua nó !
ĐKT

24.06.2015



NGƯỜI VIỆT CÓ BAO NHIÊU CÁI TẾT TRONG MỘT NĂM !


Lễ thượng nêu trong Tết Nguyên Đán tại Huế

Người Việt xưa thuộc vùng văn minh lúa nước nên có rất nhiều lễ tết và ngày hội trong một năm, sau đây là 12 cái tết chính trong một năm và ý nghĩa của những cái tết này đối với người Việt Nam chúng ta .

1. Tết Nguyên đán
Tết Nguyên đán (Tết Cả) là lễ hội lớn nhất trong các lễ hội truyền thống Việt Nam từ hàng ngàn đời nay, là điểm giao thời giữa năm cũ và năm mới; giữa một chu kỳ vận hành của đất trời, vạn vật cỏ cây. Tết Nguyên đán Việt Nam từ buổi "khai thiên lập địa" đã tiềm tàng những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông và quan niệm "ơn trời mưa nắng phải thì" chân chất của người nông dân cày cấy ở Việt Nam... Tết còn là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ, tri âm tổ tiên, nguồn cội; giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý (ăn quả nhớ kẻ trồng cây) và tình nghĩa xóm làng...

2. Tết Khai hạ
Theo cách tính của người xưa, ngày mùng Một tháng Giêng ứng vào gà, mùng Hai - chó, mùng Ba - lợn, mùng Bốn - dê, mùng Năm - trâu, mùng Sáu - ngựa, mùng Bảy - người, mùng Tám - lúa. Trong 8 ngày đầu năm cứ, ngày nào sáng sủa thì coi như giống thuộc về ngày ấy cả năm được tốt. Vì vậy, đến mùng Bảy, thấy trời tạnh ráo thì người ta tin cả năm mọi người sẽ gặp may mắn, hạnh phúc. 
Mùng Bảy kết thúc Tết Nguyên Đán thì cũng là lúc bắt đầu Tết Khai hạ - Tết mở đầu ngày vui để chào mùa Xuân mới.
Theo tục lệ Việt Nam, ngày mồng bảy tháng giêng là ngày hạ cây nêu. Cây nêu trồng trong năm, khi sửa soạn đón tết cùng với cung tên bằng vôi trắng vẽ trước cửa nhà để "trừ ma quỷ", nay được hạ xuống.
Lễ hạ nêu còn được gọi là lễ Khai hạ. Nhân dịp này, ngoài lễ giữa trời cúng trời đất, người ta còn sửa lễ cúng Gia tiên, cúng Thổ công và thần tài. Thường sau ngày lễ này, mọi công việc thường xuyên mới được bắt đầu trở lại.

* Trong tết Khai Hạ, có một tục lệ rất đặc sắc của người Việt đó là tục hoá vàng:
Ngày xưa các gia đình có nề nếp quanh năm cấm đoán con cháu không được cờ bạc rượu chè nhưng trong dịp tết, nhất là tối 28, 29; gia đình quây quần bên nồi bánh chưng thì ông bố cho phép vui chơi, có cả trẻ con người lớn những nhà hàng xóm, những gia đình thân cận cùng vui. Tam cúc, cơ gánh, cờ nhảy, cờ tướng, kiệu, chắn, tổ tôm... ai thích trò nào chơi trò ấy. Đến lễ khai hạ, tiễn đưa gia tiên, coi như hết Tết thì xé bộ tam cúc, thu bàn cờ tướng, cất bộ tổ tôm hoặc đốt luôn khi hoá vàng.
"Hoá vàng" là đốt các đồ "vàng mã" mà người ta bày cúng trên bàn thờ gia tiên trong dịp Tết.
"Vàng mã" thường là: giấy vàng, giấy bạc (là một thứ tiền giả vàng và bạc lá làm bằng giấy) vàng thoi (những thoi vàng giả làm bằng giấy), bạc thoị...Người ta tin rằng nếu đốt các đồ vàng mã này đi thì người chết ở thế giới bên kia mới nhận được những lễ vật của mình dâng cúng. Có người còn cẩn thận đổ một chén rượu cúng vào đống tro vàng mã để những đồ cúng không bị thất lạc khi chuyển cho người nhận! Cẩn thận hơn, người ta còn hơ các cây miá tươi trên ngọn lửa hóa vàng để các cụ (tức Tổ tiên) có gậy chống về .... âm phủ!
Ngày hoá vàng không nhất định mà tùy theo từng cảnh. Thường thì người ta hoá vàng vào ngày mồng 3 Tết, có nhà để đến mồng 7 hay mồng 10. Sau ngày lễ, mọi sinh hoạt trong nhà dần dần trở lại bình thường. Lễ hạ nêu thì được cử hành vào ngày khai hạ mồng 7 tháng Giêng âm lịch. Sau ngày này thì xem như hết Tết.


3. Tết Thượng nguyên (Tết Nguyên tiêu)
Tết Thượng nguyên vào ngày rằm tháng giêng - ngày trăng tròn đầu tiên của năm. Tết này phần lớn tổ chức tại chùa chiền, vì rằm tháng giêng còn là ngày vía của Phật tổ. Ta có câu: "Lễ Phật quanh năm không bằng rằm tháng giêng". Tục ta tin rằng ngày rằm tháng giêng, đức Phật giáng lâm tại các chùa để chứng độ lòng thành của các tín đồ phật giáo. Trong dịp này chùa nào cũng đông người tới lễ bái. Sau khi đi chùa mọi người về nhà họp mặt cúng gia tiên và ăn cỗ.

4. Tết Hàn thực
"Hàn thực" nghĩa là ăn đồ nguội. Tết này, vào ngày mùng Ba tháng Ba (âm lịch). 
Tết này có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại. Chuyện kể rằng vào thời Xuân Thu ở Trung Quốc, Công tử Trung Nhĩ (về sau là vua Tấn Văn Công) khi gặp cảnh loạn lạc, đói quá, được Giới Tử Thôi cắt thịt đùi mình nấu dâng cho ăn. Sau 19 năm phiêu bạt, Trung Nhĩ lại trở về nắm giữ vương quyền nước Tần. Vua ban thưởng cho tất cả những người đã cùng mình nếm mật nằm gai, nhưng lại quên mất Tử Thôi ! Tử Thôi tự ái cáo quan và đưa mẹ vào sống ở núi Điền. Lúc vua nhớ ra, cho người tới mời mà không được. Vua sai đốt rừng để Tử Thôi phải ra. Nhưng Tử Thôi không chịu và hai mẹ con cùng chết cháy ! Đau xót, vua sai lập miếu thờ trên núi. Hôm ấy đúng ngày mùng Ba tháng Ba. 
Người đời thương Tử Thôi nên mỗi năm, đến ngày đó thì kiêng đốt lửa mà chỉ ăn đồ nguội đã nấu sẵn. 
Từ thời Lý (1010 - 1225) nhân dân ta đã tiếp nhập Tết này và thường làm bánh trôi, bánh chay để thay cho đồ nguội. Nhưng mục đích chủ yếu là để cúng gia tiên chứ ít ai rõ chuyện Giới Tử Thôi ! Hiện nay, Tết này vẫn còn đậm nét ở miền Bắc, nhất là tại các vùng thuộc tỉnh Hà Tây (cũ).


5. Tết Thanh minh
Thanh minh - Là tiết thứ năm trong "nhị thập tứ khí" và đã được người phương Ðông coi là một lễ tiết hàng năm. Tiết thanh minh đến sau ngày Lập Xuân 45 ngày. Theo nghĩa đen, thanh là khí trong, còn minh là sáng sủa. Khi tiết Xuân Phân qua, những cơn mưa bụi của trời xuân đã hết, bầu trời trở nên quang đãng, sáng sủa là sang tiết thanh minh (thường bắt đầu trong tháng ba hoặc muộn lắm là đầu tháng tư âm lịch tùy từng năm).
Nhân ngày thanh minh, cũng như nhiều dân tộc Á Đông khác. Dân ta có tục đi viếng mộ gia tiên và làm lễ cúng gia tiên sau cuộc tảo mộ. Vì lý do này nên tết Thanh Minh luôn là một trong những cái Tết quan trọng nhất trong năm của người Việt xưa .


6. Tết Ðoan Ngọ ( mùng năm tháng năm )
Tết Đoan Ngọ còn gọi là tết Ðoan Dương còn nhiều tục truyền đến nay. Ngày Tết này hiện có sự khác biệt giữa miền Bắc và khu vực phía Nam. Ở phía Bắc người ta gọi là lễ giết sâu bọ, từ sáng sớm người ta cho trẻ ăn hoa quả, rượu nếp, trứng luộc, bôi hồng hoàng vào thóp đầu, vào ngực, vào rốn để giết sâu bọ. Người lớn thì giết sâu bọ bằng uống rượu hoặc ăn rượu nếp. Nhưng ở phía Nam thì ngày này người ta tổ chức khá trang trọng như một cái lễ giỗ, với thức ăn khá đầy đủ nhưng không thể thiếu hai món chính là một nồi bún và thịt vịt. Ngoài ra tại khu vực Quảng Trị - Huế - Quảng Nam vào chính Ngọ của ngày này người ta vào rừng (hoặc những khu đồi hoang) tìm kiếm 100 thứ lá về chặt nhỏ phơi khô và dự trữ làm thức uống thay trà dùng trong cả năm. Người ta xem như là một vị thuốc từ tự nhiên và dùng khá tốt.

7. Tết Trung nguyên (Rằm tháng bảy)
Tết Trung nguyên vào Rằm tháng Bảy. Theo dân gian truyền tụng lại thì đây là ngày vong nhân được xá tội (tha tội cho tất cả người chết), nghĩa là bao nhiêu tội nhân ở dưới âm phủ ngày hôm đó đều được tha tội. Bởi vậy trên dương thế mọi gia đình đều làm cỗ bàn, đốt vàng mã cúng gia tiên và đồng thời cúng những linh hồn vật vờ lang thang không nơi nương tựa, không còn người thân ở trần gian để thờ phụng hoặc thất lạc, hoặc vì một oan khiên nào đó... Người ta cũng thả chim lên trời, thả cá xuống sông, để làm điều phúc đức. 
Với những người tin theo sách Phật thì đây còn là ngày báo hiếu cha mẹ - ngày lễ Vu lan, xuất phát từ tích truyện Đại Mục Kiều Liên. Vu lan được coi là lễ cầu siêu giải thoát cho ông bà cha mẹ bảy đời, xuất phát từ lòng báo hiếu. Trong những năm gần đây, trong lễ Vu lan còn có tục "Bông Hồng cài áo" thể hiện lòng hiếu thảo của con đối với cha mẹ.


8. Tết Trung thu (Rằm tháng Tám)
Trung thu là giữa mùa thu, tết Trung Thu như tên gọi đến với chúng ta vào đúng giữa mùa thu tức là vào rằm tháng tám âm lịch. Tết Trung Thu là tết của trẻ em.

9. Tết Trùng cửu
Mùng Chín tháng Chín (âm lịch) là Tết Trùng cửu. Tết này bắt nguồn từ sự tích của đạo Lão. Thời Hán, có người tên gọi là Hoàn Cảnh, đi học phép tiên. Một hôm thầy bảo Hoàn Cảnh khuyên mỗi người trong nhà nên may một túi lụa đựng hoa cúc, rồi lên chỗ cao mà trú ngụ. Quả nhiên, ngày Chín tháng Chín có lụt to, ngập hết làng mạc. Nhờ làm theo lời thầy, Hoàn Cảnh và gia đình thoát nạn. 
Từ xưa, nho sĩ nước ta đã theo lễ này, nhưng lại biến thành cuộc du ngoạn núi non, uống rượu cúc - gọi là thưởng Tết Trùng dương.


10. Tết Trùng thập
Tết của các thầy thuốc. Theo sách “Dược lễ” thì ngày mười tháng mười (âm lịch), cây thuốc mới tụ được khí âm dương, mới kết được sắc tứ thời (Xuân-Hạ-Thu-Ðông) trở nên tốt nhất. Ở nông thôn Việt Nam, đến ngày đó người ta thường làm bánh dày, nấu chè kho để cúng gia tiên rồi đem biếu những người thân thuộc (chứ không mấy quan tâm đến cây thuốc, thầy thuốc).

11. Tết Hạ nguyên
Tết Hạ nguyên (Tết Cơm mới) vào Rằm hay mùng Một tháng Mười. Ở nông thôn, Tết này được tổ chức rất lớn vì đây là dịp nấu cơm gạo mới - trước để cúng tổ tiên, sau để tự thưởng công cày cấy.

12. Tết Táo quân
Tết Táo quân vào ngày 23 tháng Chạp - người ta coi đây là ngày "vua bếp" lên chầu Trời để tâu lại việc bếp núc, làm ăn, cư xử của gia đình trong năm qua. 
Theo truyền thuyết, xưa có hai vợ chồng nghèo khổ quá, phải bỏ nhau. Sau đó, người vợ lấy được chồng giàu. Một hôm người vợ đang đốt vàng mã ngoài sân, thấy một người vào ăn xin, nhận ra chính là chồng cũ nên người vợ động lòng, đem cơm gạo, tiền bạc ra cho. Người chồng mới biết chuyện, nghi ngờ vợ. Người vợ đâm khó xử, lao vào bếp lửa tự vẫn. Người chồng cũ nặng tình, cũng nhảy vào lửa chết thao. Người chồng mới ân hận, đâm đầu vào lửa nốt! Trời thấy ba người đều có nghĩa nên phong cho họ làm "vua bếp". Từ tích đó mới có tục thờ cúng "Táo quân" và trong dân gian có câu: "Thế gian một vợ một chồng, không như vua bếp hai ông một bà ”. Ngày nay cứ đến phiên chợ 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình thường mua hai mũ ông, một mũ bà bằng giấy và 3 con cá làm "ngựa" (cá chép hóa rồng) để Táo quân lên chầu trời. Sau khi cúng trong bếp, mũ được đốt và 3 con cá chép được mang thả ở ao, hồ, sông... Riêng khu vực Quảng Trị - Huế - Quảng Nam người ta cón in một bức tượng chung của 03 vị táo quân này và thờ trong gian bếp quanh năm với mong muốn ba vị phù hộ gia chủ quanh năm./.


 ĐKT
14.4.2015