LÀM SAO PHÂN BIỆT GIÀU - NGHÈO !

Những ngôi Lăng mộ giá trị hàng tỷ đồng

Thông thường với con mắt bàng quan của một người bình thường khi chúng ta đến một vùng đất, một khu thị tứ hay một làng quê nào đó chúng ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra vùng đất mình đang đến là giàu hay nghèo; cuộc sống người dân nơi đó là sung túc hay nghèo đói ta cũng sẽ dễ dàng nhận ra. Với tôi một người chỉ có kiến thức thuộc loại thường thường bậc trung, tuy nhiên vì lý do công việc nên tôi đi cũng khá nhiều và qua đó cũng học được khá nhiều điều hay lẽ phải của thiên hạ.
Ví dụ khi đến một địa phương nào đó, nếu cần tìm hiểu kinh tế - xã hội tại đó; thì chỉ cần quan sát vài hôm là tôi cũng có thể nhận ra vùng đất đó người dân có cuộc sống sung túc hay khốn khó. Và nếu muốn đánh giá một cách chi tiết địa phương đó khó khăn hay trù phú tới cỡ nào cũng không khó khăn lắm. Ngoài quan sát cơ sở hạ tầng tại địa phương chúng ta phải tìm hiểu các hoạt động văn hoá xã hội của người dân ; sau đó là cần biết nguồn thu kinh tế chính của họ; các sinh hoạt kinh doanh mua bán của địa phương. Nếu cần chi tiết hơn thì căn cứ vào nguồn thu và tổng thu ngân sách của địa phương là có thể đánh giá được – nếu không chính xác 100% thì cũng tới 70 – 90% thực trạng kinh tế địa phương đó khá dễ dàng !

Nhưng cái sự đời nó không phải như vậy, kẻ có vài trăm triệu thì thường khoe là tui có tiền tỷ, kẻ đi xe thuê thì hay nổ với thiên hạ là mới mua xe vài tỷ và thích khoe khoang cái sự giàu sang phú quý (giả tạo) của mình với thiên hạ. Nhưng hiện có một hiện tượng khá lạ là có những người giàu nứt đố đổ vách, lại không thích thiên hạ cho rằng mình giàu có. Càng quái lạ hơn là họ lại đang sống tại nơi mà đa số người dân có cuộc sống khá sung túc, họ sung túc tới độ vang danh khắp nước thậm chí nổi tiếng ra cả nước ngoài. Làng quê của họ trông như một khu thị tứ, chợ búa hàng quán đông đúc bán không thiếu bất cứ một thứ gì trên đời. Xe cộ các kiểu các loại từ 2 bánh tới 4 bánh của các hãng xe danh tiếng của chính các cường quốc tư bản trên thế giới đều góp mặt khá đầy đủ tại đây. Người sống thì ở trong những căn nhà tiền tỉ, người chết thì được yên nghĩ trong những ngôi lăng mộ cũng tiền tỉ rất hoành tráng – đến độ báo giới phải gọi là “Thành phố Lăng” mới xứng tầm. Nhưng cư dân nơi đây vẫn bị gán cho là những kẻ nghèo khó, nghèo khó đến độ mà xã hội phải trợ cấp phải bố thí cho họ !

Không biết điều khá tréo ngoe này có gì uẩn khúc bên trong không, vì ai đời người chuyên đi bố thí cho người khác nay lại được “ VINH DANH” trên báo giới và các phương tiện thông tin đại chúng bằng một “Quyết Định” chính thức của chính phủ rằng - "họ chính là những cư dân đang sống tại một trong những ngôi làng nghèo khó nhất cả nước " - mà nhà nước phải trợ cấp mọi mặt . Có thể ai đó cho rằng đây có thể là có sự nhầm lẫn nào đó – nhưng một Quyết Định do chính Thủ tướng ký thì không thể có sự nhầm lẫn được ?

Vậy điều gì khiến cho các vị quan chức mẫn cán tại địa phương dám khai rằng quê tui nghèo quá; nghèo đến độ cần các nơi giúp đỡ bố thì cho người dân của họ …. nếu không chắc là dân họ đói. Và những ông quan trên tuy là đất nước đã bước vào thế kỷ 21, thời kỳ của công nghệ thông tin và hội nhập nhưng với cái cung cách quan liêu cố hữu; họ ngồi trong phòng máy lạnh để quản lý và đã vội vã phê duyệt những gì cấp dưới trình duyệt . Sau đó họ vội vã làm báo cáo trình chính phủ yêu cầu cứu tế khẩn và có những phương thức trợ giúp toàn diện từ văn hoá xã hội cho tới kinh tế tài chính cho các địa phương trên. Và do chính phủ không thể có đủ thời gian và nhân lực để đi kiểm tra từng làng từng xóm trong tất cả 63 tỉnh thành nên đã phê duyệt yêu cầu của các địa phương.

Với bài viết ngắn này tôi không nhằm mục đích là phê phán một địa phương nào hay cá nhân nào cả ! 
Nhưng ngẫm cái sự đời là xã hội ngày càng văn minh thì càng có nhiều cái lạ, người nghèo đành phải cam lòng nhận của bố thí – nhưng những anh nhà giàu ngày nay cũng thích nhận của bố thí của bá tánh.
Đọc tới đây chắc có ai đó thốt lên rằng : “ô hô ! lão này viết bậy, đây là tiền nhà nước cơ mà ?”. Nhưng xin thưa rằng tui không viết sai đâu, các vị sẽ cho rằng đây là sự trợ giúp của nhà nước, là tiền của nhà nước; nhưng các vị phải biết là nhà nước hay chính phủ làm gì có tiền ? Mà đó là những đồng tiền thuế đóng góp của người dân, là mồ hôi nước mắt của từ anh xe ôm ngày ngày ngồi ngủ gật đợi khách bên góc phố, của chị buôn thúng bán mẹt dầm mưa dải nắng bên vỉa hè; cho tới của những ông đại gia trong những công ty lớn…. Đó là những đồng tiền của một cháu bé học sinh xin mẹ hai chục ngàn nộp cái cạc điện thoại, trong đó có hơn hai ngàn nộp thuế cho nhà nước. Một cây kem cháu bạn ăn trị giá mười ngàn là có hơn một ngàn tiền thuế, một kg gạo bạn mua để nấu cơm hàng ngày với giá mười lăm ngàn là có gần hai ngàn tiền thuế .v.v và v.v . Tất cả và tất cả đều là tiền từ trong túi bạn mà ra cả đấy ?
Cơ sự là cách đây mấy hôm tôi có nhận được một cái công văn hành chánh do Chính phủ ban hành và gửi về cho các địa phương theo đường công văn bình thường. 
Công văn số 131/QĐ-TTg; có cái tựa :

      QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt Danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và vùng hài đảo giai đoạn 2016 – 2020.
Do Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 25/01/2017. Kèm theo đó là danh sách 291 xã "đặc biệt khó khăn" thuộc 23 tỉnh thành trong cả nước và tỉnh Thừa Thiên – Huế quê tôi cũng có tên trong danh sách này.
Theo danh sách này tỉnh TT – Huế có tất cả 27 xã thuộc 4 huyện thuộc diện "đặc biệt khó khăn" sẽ nhận ưu đãi của nhà nước trong giai đoạn 2016 – 2020 :
- Huyện Phong Điền có 05 xã :
Phong Chương, Phong Bình, Điền Hương, Điền Môn, Điền Hoà.
- Huyện Quảng Điền có 07 xã:
Quảng An, Quảng Phước, Quảng Thành, Quảng Công, Quảng Ngạn, Quảng Thái, Quảng Lợi
- Huyện Phú Lộc có 07 xã:
Lộc Bình, Vinh Hải, Vinh Mỹ, Vinh Giang, Lộc Trì, Vinh Hiền, Lộc Vĩnh.
- Huyện Phú Vang có 08 xã:
Vinh Phú, Vinh Hà, Phú Xuân, Vinh Thái, Vinh Xuân, PHÚ DIÊN, VINH AN, Phú An .
Như vậy huyện Phú Vang có tời 08 xã thuộc quy chế "vùng bãi ngang ven biển và vùng hải đảo" thuộc diện "đặt biệt khó khăn" cần phải có sự trợ giúp đặc biệt của nhà nước.

 Tôi vốn là người xuất thân tại huyện Phú Vang; cho nên tôi biết khá rõ những xã này ở đâu - trong 08 xã này chỉ có 03 xã Vinh Xuân, Vinh An và Phú Diên là những xã thuộc quy chế "vùng bãi ngang ven biển và vùng hải đảo" ; 05 xã còn lại không có biển và nằm sâu trong nội địa; thậm chí có tới 03 xã là những vựa lúa nổi tiếng của xứ Huế (Vinh Hà, Vinh Thái, Phú xuân); đặt biệt là xã Vinh Thái có cánh đồng lúa hai vụ rộng tới 1009 ha .
Xã Vinh Xuân quê tôi chính là xã "bãi ngang ven biển" nên cũng "vinh hạnh" có tên trong cái bảng phong thần này. Cạnh xã tôi cũng có một số xã tuy điều kiện địa lý và kinh tế xã hội cũng tương tự như xã Vinh Xuân của tôi – nhưng họ không có tên trong danh sách này, đã là một dấu hỏi khá lớn hiện lên trong đầu tôi. Nhưng khi đọc tới cái tên xã Phú Diên và nhất là xã VINH AN lại có tên trong bảng danh sách những xã "đặc biệt khó khăn" thì tôi thật sự nổi giận – đây là nơi có ngôi làng nổi tiếng là giàu nhất xứ Huế, nơi có cái địa danh “ Thành Phố LĂNG” nổi tiếng cả nước – nhưng không ngờ họ lại là một trong 27 địa phương "đặc biệt khó khăn" nhất xứ Huế và là một trong 291 xã nghèo nhất Việt Nam ?

Thật là mua danh ba vạn mà bán danh chỉ ba đồng. Đây là một hành vi quan liêu hay vì lợi ích nhóm ?
Những người dân xã Vinh An nếu vô tình đọc được những dòng này các bạn sẽ nghĩ gì ?
Danh thủ bóng đá một thời Lê Huỳnh Đức – xuất thân trong một ngôi làng giàu nhất nhì xứ Huế tại xã Phú Diên – anh sẽ nghĩ gì khi đọc những dòng này ?

ĐKT
20.02.2017

Ở đây có hàng ngàn ngôi lăng mộ như thế này ?

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét