LÀNG KẾ VÕ VÀ TỘC HỌ ĐINH KHẮC CÓ TỪ BAO GIỜ !

Đình làng Kế Võ

Quê tôi

Kế Võ quê nghèo đất cát pha
Trâm anh đồng vọng lắng dư ba
Dấu mờ trước mắt cồn nghiêng bút
Tiềm ẩn sau lưng vũng bạch sa
Mấy tốp kẻ chài, chiều vá lưới
Khoang ghe, bếp ấm, đợi chi nhà
Thùy dương rợp bóng mùa trăng đậu
Đủng đỉnh đường xưa vỗ túi ca.

                                                      Nguyệt Đình (1)
                                                             Kế võ, 04/04/1985

      Theo sử cũ và sách địa chí của tỉnh Thừa thiên – Huế cho biết, làng Kế Võ được thành lập vào khoảng nữa cuối thế kỷ 17, do những lưu dân vùng trấn Thanh Hoa Ngoại (nay thuộc 02 tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình) di cư vào Thuận Hóa lập nên. Ngôi làng do một người họ Đinh quê gốc ở trấn Thanh Hoa ngoại đứng tên lập nên và vị này sau đó đã được triều Nguyễn Sắc phong thần Hoàng làng. Ngôi làng tồn tại cho đến nay là đã gần 400 năm.
     Đây cũng là tất cả những gì mà chính sử ghi chép về lai lịch của ngôi làng Kế Võ – nay là thôn Kế Võ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên -  Huế .


Cổng đình làng Kế Võ

       Trước đây nhiều năm đã có một câu hỏi khá lớn được đặt ra một cách cấp thiết cho tất cả các thành viên trong các tộc họ tại làng Kế Võ, đó là:  Ngôi làng được lập ra năm nào ? Tổ tiên ta từ đâu tới ?
     Thật ra đây cũng là câu hỏi chung và hầu hết là chưa thể trả lời được của đa số các tộc tại Huế hiện nay. Tộc họ Đinh Khắc của chúng tôi cũng lâm vào hoàn cảnh chung. Lý do thì cũng khá nhiều nhưng lý do chính là đất nước bị chiến tranh triền miên và bị chia cắt nhiều lần. Việc các tộc họ tại Huế đi tìm cội nguồn (ra Bắc); trước đây (trước năm 1945) được xem như là một cái gì đó không thể, sau năm 1954 thì như chúng ta đã biết đất nước bị chia đôi. Ở thế hệ chúng tôi thì sau hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ gần đây; thì việc lo cho cuộc sống trong thời chiến, lo bom rơi đạn lạc đã là rất khó để mà tồn tại; nên không còn ai dám nghĩ tới câu chuyện gốc tích hay tìm cội nguồn cả.
      Sau năm 1975, khi đất nước đã thống nhất không còn chiến tranh, khi giao thông thuận tiện, việc đi lại dễ dàng hơn; khi cái ăn cái mặc cũng đã tương đối, việc học hành được nối lại và mở mang phát triển; có điều kiện để tìm tư liệu nghiên cứu. Lớp hậu duệ hiện nay của tộc họ Đinh Khắc như chúng tôi mới bắt đầu tìm về cội nguồn, và chúng tôi bắt đầu lao vào tìm kiếm như một bản năng, như một lẽ tự nhiên. Câu hỏi ta từ đâu mà ra, tổ tiên ta từ đâu tới; cũng dần dần được gợi mở và phần nào đáp ứng được sự mong mỏi bấy lâu nay của bà con trong toàn tộc họ Đinh Khắc.
     Tuy nhiên khi đặt bút viết những dòng này, tôi cũng biết rằng đã là tộc phả là phải chính xác có gì viết nấy hoặc "chép mà không sáng tác" khiến cho lịch sử của tộc họ có thể bị sai lệch. Tuy nhiên kiến thức thì có giới hạn và góc nhìn thì chỉ là của một cá nhân, với những quan điểm thiên kiến riêng của mình. Đồng thời nguồn tư liệu sưu tầm được từ nhiều nguồn khác nhau với những chính kiến khác nhau thậm chí là đối nghịch nhau, nên không thể tránh khỏi những cái nhìn hẹp hòi phiến diện khi nhận định và đánh giá sự kiện mong được mọi người bổ túc cho .


Hàng trụ biểu tại sân đình làng Kế Võ

      I/ Địa lý :
       Làng Kế Võ ngày nay thuộc xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế, thuộc miền Trung trung bộ của Việt Nam. Làng nằm ở vùng duyên hải phía Nam của tỉnh , trên trục đường quốc lộ 49B với chiều dài dọc quốc lộ theo hướng Bắc – Nam khoảng 2 km. Phía Bắc giáp làng Tân Sa, phía Nam giáp làng Xuân Thiên Thượng; phía Đông là biển Đông, phía Tây làng giáp đầm Hà Trung. Nếu tính đường chim bay thì từ trung tâm thành phố Huế về làng khoảng 16 km. Từ thành phố Huế muốn đến làng Kế Võ có rất nhiều phương tiện kể cả đường thủy, nếu đi đường bộ ngắn nhất là từ trung tâm thành phố Huế xuôi về phía Nam theo quốc lộ 1A qua khỏi sân bay Phú Bài hơn 1 km, rẽ trái đi về phía biển 12 km là tới làng.
       Làng được hình thành có một địa thế tự nhiên rất đặc biệt kiểu “ thượng gia hạ điền " rõ nét. Phía trước làng là đầm Hà Trung còn gọi là Rào (hay sông Rào), thuộc hệ đầm phá ven biển của tỉnh Thừa Thiên, phía sau làng là biển Đông. Theo hướng đông – tây thì chiều dài của làng chừng hơn 3 km, từ mép nước biển theo hướng vào làng chừng hơn 1km là một trảng cát được dân làng trồng cây phi lao và cây tràm hoa vàng để chắn gió. Tiếp đó là một vùng đất trũng gọi là Tằm được dân làng làm nơi trồng cây hoa màu trái vụ, khu vực này vào mùa mưa có một lạch nước nhỏ chảy qua và một đầm nước lớn gọi là Nổn Tiên. Sau khu vực này là một rừng cây mọc tự nhiên rất rậm rạp với các loại cây bản địa rất lớn với độ cao từ 6 – 10 m như Tầm Bù, Cà Ổi và các loại bụi cây mọc thấp như Sim, Móc …; khu rừng tự nhiên này được dân làng bảo vệ nghiêm ngặt. Đây là lá phổi xanh của làng, giữ độ ẩm, tạo ra mạch nước ngầm vô tận cho làng. Đồng thời là bức tường xanh chắn gió và cát từ biển thổi vào bảo vệ nhà cửa và đất sản xuất của dân làng. Khu rừng tự nhiên này cũng là một khu nghĩa trang tự nhiên rất lớn của làng, là nơi yên nghỉ của nhiều thế hệ người dân của làng. Tiếp theo là khu dân cư, trục đường quốc lộ 49B; rồi xuống đồng ruộng của làng, cuối cùng là đầm Hà Trung – đây là một đầm nước lợ, một vựa tôm cá tự nhiên và là nơi nuôi trồng thủy sản mà thiên nhiên đã ban tặng cho người dân của làng .
       Làng Kế Võ ruộng không nhiều, cánh đồng được chia làm 4 xứ là Quai Mõ, Hạc Cang, Nhạn Phụ và Hà Úc ; 4 xứ này hình thành nên hai vùng là đồng Côi (trên) và đồng Dưới . Giữa hai đồng ruộng của làng có hai cái gò cao, tục gọi là cồn Mè côi (trên) và cồn Mè dưới, tên chữ của hai cồn này là cồn Nghiên và cồn Bút do hình dáng của chúng.


Cây Mù u hơn 100 năm tuổi tại sân đình

      II/ Lược sử  Thuận Hóa – Huế giai đoạn 1306-1600:
        Do lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hòa – Huế tương đối ngắn nên nếu nhìn trên tổng thể chúng ta có thể nghĩ lịch sử vùng đất này khá rõ ràng, vì những gì cần tìm kiếm sẽ dễ dàng tìm thấy trong chính sử và nhất là trong những bộ sách về địa chí và sử ký do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn. Nhưng nếu đi sâu vào từng làng xã thì lại là chuyện khác, đây là vùng đất của những cuộc chiến, là một nơi đầy biến động; vì trong gần 150 năm (1306-1446) từ khi vùng đất này trở về nước Việt đã không thể có một ngôi làng nào được định danh và có được địa bàn cư trú cụ thể cả !
     Những gì chính sử và sách địa chí tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay ghi chép về vùng đất duyên hải từ cửa biển Thuận An về cửa biển Tư Hiền thì quá sơ sài. Những ghi chép của chính sử về từng làng xã hoặc các dòng Họ ở vùng này thì càng hiếm .
       Nhưng may thay cũng có một số dòng Họ có người trong Họ tộc là các bậc túc Nho, các chức sắc hoặc là quan lại của các nhà nước quân chủ ở thuở ban đầu ấy, có hiểu biết hoặc vì trách nhiệm đã kịp ghi chép lại cội nguồn và quá trình hình thành, phát triển của dòng Họ mình để lưu lại cho hậu thế. Hiện nay tại một số làng  và một số dòng Họ trong vùng này đang còn lưu giữ một số bản gia phả, sắc phong và một số thư tịch cổ của dòng Họ mình, đây là những tài liệu độc bản có giá trị lịch sử rất cao (2).
     Tiêu biểu là các thư tịch và các bản gia phả có niên đại sớm nhất tại các làng Nghi Giang, Diêm Trường, Phụng Chánh, Cự Lại, Kế Chủng (Kế Sung), Thai Dương, Hòa Duân đây là những làng được thành lập lượt đầu tiên tại vùng này vào những năm cuối thế kỷ XV. Tiếp đến là các thư tịch cổ và gia phả còn lưu lại của các làng định cư vào nửa đầu thế kỷ XVI tại các làng lân cận như làng Quảng Xuyên, làng Viễn Trình, làng Lương Viện, làng Đồng Di, làng Tây Hồ, làng Hòa Đa (đông – tây), Lê Xá…(thuộc huyện Phú Vang); hoặc tại các họ khai Canh ở làng Mỹ Lợi, làng An Bằng là những làng mới thành lập vào nữa cuối thế kỷ XVI. Cuối cùng là các thư tịch cổ và gia phả còn lưu lại tại các làng mới thành lập vào nửa cuối thế kỷ XVII như làng Xuân Thiên Hạ, làng Kế Võ, làng Hà Thanh, làng Mai Vĩnh….
       Tuy nhiên nếu càng nghiên cứu sâu vào từng tộc họ, chúng ta sẽ thấy được một sự thật là: Lúc tổ tiên của các dòng Họ mới vào Thuận Hóa khai cơ lập nghiệp thì gặp thời loạn lạc; việc phải lo cái ăn, cái ở, cái mặc, lo chiến tranh liên miên đã khó rồi, nên chưa thể quan tâm đến việc chữ nghĩa. Tới lúc đất nước thanh bình xóm làng đã yên ổn, thì các vị đã thành người thiên cổ. Lúc mà lớp hậu sinh có thể tính chuyện học hành và ghi chép lại việc quá khứ. Nhưng đời xa, người khuất việc ghi chép chỉ nhờ vào hồi ức và khẩu truyền của các đời trước, không thể tránh được sai sót. Đã dẫn đến một thực trạng là đa số các Gia phả, các tập ký của các dòng Họ nhập cư vào Thuận Hóa trong thời Trịnh – Nguyễn (1558-1786), ghi chép nguồn gốc của dòng Họ mình không rỏ ràng, các đời đầu đều rất sơ sài, mơ hồ … Đã gây ra không ít khó khăn cho con cháu các tộc họ trong vùng khi tìm kiếm về cội nguồn nếu chỉ căn cứ vào gia phả của dòng họ mình.
    Cho nên việc tìm kiếm cội nguồn và quá trình hình thành của  một dòng họ ở một vùng đất đầy biến động như Thuận Hóa – Phú Xuân không phải là chuyện dễ, nếu không có cái tâm trong sáng vì tổ tiên thì không bao giờ tìm ra sự thật ! 


Cổng ngôi Từ đường của tộc họ Đinh Khắc
   
      Để tìm hiểu về quá trình hình thành và phát triển của làng Kế Võ và tộc họ Đinh Khắc; trước hết chúng ta cùng điểm lại một vài nét chính về lịch sử vùng Thuận Hóa – Huế từ khi vùng đất này trở về với nước Việt (1306) cho tới khi Đoan quận công Nguyễn Hoàng vào Nam lần cuối (1600).         
     Đến đầu thế kỉ XIV (năm 1306), để xin cưới công chúa Huyền Trân, với mục đính là nhằm kết thân với thế lực nhà Trần quá hùng mạnh của Đại Việt; vua Chế Mân đã dâng cho nhà Trần hai châu Ô, Lý (Nam Quảng Trị và Thừa Thiên) làm quà sính lễ. Vua Trần Anh Tông tiếp thu hai châu vào Đại Việt, đổi tên là châu Thuận và châu Hóa.
     Sau khi trở về Đại Việt, triều đình nhà Trần đã tổ chức di dân vào vùng đất mới, nhưng một thời gian dài sau đó những cư dân đầu tiên phần lớn là những quan binh và những người lính với phận sự vào tiếp quản vùng đất mới vừa được Nhà Trần tiếp nhận. Và những người đi theo đoàn quân làm công tác an dân, chủ yếu là quan lại, cùng một số rất ít cư dân vùng đồng bằng sông Hồng, sông Mã dám mạo hiểm vào lập nghiệp ở vùng đất mới. Với số cư dân thưa thớt, cư trú trên một vùng rộng lớn và như trình bày trên đây, với những cuộc chiến giành đi - giựt lại của hai bên liên tục trong nhiều năm (1310 – 1407), cư dân người Việt chưa thể hình thành nên những làng xóm, những cộng đồng dân cư có tổ chức hoặc những đơn vị hành chánh được. Có chăng là những cụm dân cư sống tạm bợ bên những đồn binh với thành phần chính là gia đình của những quan binh, hoặc ở những nơi gần cửa sông, cửa bể thuận tiện cho việc đi lại, mưu sinh… Nhưng với những cuộc chiến sinh tồn xảy ra liên tiếp thì những làng (xã) này(nếu có) có thể bị tàn phá, bị biến mất và thay đổi liên tục.
      Công chúa Trần Huyền Trân về làm hoàng hậu nước Chiêm Thành được 11 tháng, sinh được con trai thì vua Chế Mân chết. Theo tục lệ nước Chiêm Hoàng hậu phải lên giàn thiêu chết theo chồng. Thương em gái vua Trần Anh Tông sai sứ giả sang Chiêm Thành tìm cách cứu công chúa về.
     Tháng 10 năm Đinh Mùi  (1307), hai sứ giả là quan Nhập nội hành khiển Trần Khắc Chung và An phủ sứ Đặng Văn đã tìm cách cướp được công chúa Huyền Trân từ trên giàng thiêu chạy ra biển đem về Đại Việt. Lấy cớ này người Chiêm đã cử người sang đòi lại 02 châu Ô, Lý (Thuận Hóa); khi không được nhà Trần đáp ứng người Chiêm đã cất quân sanh đánh. Từ đó vùng Thuận Hóa bắt đầu một cuộc chiến tranh chấp lãnh thổ dai dẵng giữa Đại Việt và Chiêm Thành kéo dài trong nhiều năm (1308 – 1471).
      Năm 1370 khi Vua Nghệ Tông lên ngôi, đã xảy ra tranh giành ngôi vị trong giới hoàng tộc, một người Cung phi đã chạy vào Chiêm Thành cầu cứu vua Chiêm - Chế Bồng Nga đem quân đánh Đại Việt. Quân Chiêm nhân cơ hội này vượt bể vào cửa Đại An tiến đánh Thăng Long. Quân Trần không chống nổi, phải bỏ kinh thành. Vua Nghệ Tông rời đô đi lánh nạn. Quân Chiêm vào thành đốt sạch cung điện, bắt đàn bà con gái, lấy hết vàng bạc châu báu rồi rút quân về.
       Năm 1377 Vua Trần Duệ Tông thân chinh đem quân chinh phạt Chăm pa, trong một cuộc tiến quân đánh chiếm thành Đồ Bàn, Vua Trần Duệ Tông vì mắc mưu trá hàng của địch đã tử trận tại kinh đô Đồ Bàn, quân Đại Việt đại bại. Quân Chămpa đã phản công tiến chiếm lại Thuận Hóa chiếm luôn các châu Hoan, châu Ái ( tức là toàn bộ vùng Thanh - Nghệ - Tĩnh và Bình - Trị - Thiên của Việt Nam hiện nay) của Đại Việt trong suốt 12 năm, đồng thời xua đuổi hầu hết người Việt khỏi khu vực này. Quân Chăm pa nhiều lần tấn công cướp phá thành Thăng Long, cho đến tháng Giêng năm Canh Ngọ (1390) - Vua Chiêm Thành là Po Binasor – sử Việt gọi là Chế Bồng Nga bị tướng Đại Việt là Trần Khát Chân giết chết trong khi tấn công thành Thăng Long. Đại quân Chămpa thua trận, đã từ bỏ các vùng đất vừa chiếm của Đại Việt và rút quân về phía Nam đèo Hải Vân. Thành quả xây dựng gần 100 năm của cư dân vùng Thuận Hóa lại phải bắt đầu lại từ con số không.
       Nhưng không lâu sau đó nhà Trần suy vong (năm 1400), nhà Hồ lên thay, nhưng nhà Hồ tồn tại quá ngắn ngủi (1400 – 1407). Vì mất lòng dân - cuộc kháng chiến chống quân Minh của Nhà Hồ bị thất bại, năm 1407 cha con Hồ Quý Ly bị bắt giải về Kim lăng; nước ta bị giặc Minh chiếm đóng trong hơn 20 năm, cho đến năm Mậu Thân(1428) cuộc khởi nghĩa Lam Sơn của Lê Lợi giành thắng lợi hoàn toàn, đất nước mới trở lại thời tự chủ. Một triều đại mới được hình thành đó là nhà Hậu Lê (hay Lê Sơ) (1428 -1527).
      Trong thời gian Đại Việt bị quân Minh đô hộ, lợi dụng việc này quân Chămpa đã tiến chiếm lại vùng Thuận Hóa và 2 châu Chiêm Động, Cổ Luỹ (Quảng Nam, Quảng Ngãi).
       Sau chiến thắng giặc Minh (1428), Vua Lê Thái Tổ đã cử quan quân vào lấy lại Thuận Hóa và cử các trọng thần vào trấn thủ, tổ chức ổn định đời sống nhân dân, tăng cường di dân, khai hoang phục hóa, thành lập các làng xã mới. Nhưng tình hình Thuận Hóa không ổn định, quân Chiêm Thành nhiều lần tấn công châu Hóa (Thừa Thiên – Huế ngày nay). Lúc này thủy binh của người Chiêm Thành khá mạnh nên họ đã nhiều lần đổ bộ từ biển vào vùng Hóa châu tấn công quân Đại Việt, sau đó là liên tục quấy nhiễu khiến cho cư dân vùng này không thể an cư được. Nhất là sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà (1434), quân Chiêm Thành lại nhiều lần vượt đèo Hải Vân tấn công châu Hóa. Năm 1446 vua Lê Nhân Tông cử đại quân chủ động đánh Chiêm Thành nhằm giữ yên bờ cõi, nhưng vẫn không phá được quân Chiêm.
      Năm 1469, quân Chiêm Thành lại khởi sự chiến dịch quấy phá Hóa Châu, tháng 9/1470, vua Chiêm Thành là Bàn Trà Toàn đã huy động 10 vạn quân và voi ngựa tiến đánh châu Hóa. Cuối năm đó vua Lê Thánh Tông ngự giá thân chinh đánh Chiêm Thành. Sau nhiều trận giao tranh, quân Chiêm tan vỡ, vua Lê Thánh Tông đã đưa quân đánh vào tận kinh đô Bồ Đàn, chiếm kinh đô của Chiêm Thành, bắt sống vua Chiêm là Trà Toàn đem về Đại Việt (nhưng Bàn Trà Toàn đã chết trên đường bị áp giải về Thăng long).
       Sau chiến thắng Đồ Bàn - năm 1471 của quân dân Đại Việt, chiến dịch bình định phương Nam dưới quyền Tiết chế của vua Lê Thánh Tông thắng lợi hoàn toàn. Đã chấm dứt mối đe dọa xâm lấn Hóa Châu của người Chămpa, cương giới nước Đại Việt đã vào tận tận đèo Cù Mông phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay; vùng Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa .
      Chỉ sau chiến thắng lịch sử này, nhân dân vùng Thuận Hóa mới thực sự được hưởng thanh bình, ổn định liên tục trong nhiều năm sau. Nhân dân vùng này, có được một khoản thời gian hơn 50 năm thanh bình đã ra sức khôi phục và tái thiết quê hương, khôi phục lại các làng xóm bị tàn phá, nhân dân lưu tán do chiến tranh. Hưởng ứng chủ trương di dân, nhân dân các vùng đồng bằng sông Hồng, vùng trấn Sơn Nam và các Châu Hoan, Ái (tức là Thanh Hoá và Nghệ An ngày nay) cùng một số quan quân Nam chinh trở về đã đem gia đình và bà con vào khai khẩn đất hoang, hàng loạt các làng - xã đã được thành lập vào thời gian này trên vùng đất này.
      Đây là giai đoạn khởi thủy chính thức của các làng – xã cổ nhất, các tộc Họ lâu đời nhất tại khu vực này. Trước thời điểm này (mà cụ thể là tại Thuận Hóa là trước năm 1446, tại Thăng Hoa - Tư Nghĩa là trước năm 1471), không thể có một làng – xã nào được định danh và có được địa bàn cư trú cụ thể cả.
       Tóm lại, chỉ sau cuộc chiến năm 1471, khi cương thổ nước Đại Việt đã tới phía Nam tỉnh Bình Định ngày nay, vùng đất Thuận Hóa không còn là vùng đất biên cương nữa. Nhân dân vùng này thoát khỏi nạn chiến tranh đã dần đi đến ổn định và bắt đầu giai đoạn phát triển, công cuộc di dân từ phía Bắc vào Thuận Hóa được tiếp tục đẩy mạnh, vùng này mới có thể hình thành nên những làng xóm, những khu thị tứ. Và như sử chép, thực tế sau đó với không gian tương đối thanh bình, tài nguyên thổ sản phong phú, mưa thuận gió hòa ; cộng với tính chịu thương chịu khó của những lưu dân trên vùng đất mới; đã biến vùng Thuận – Quảng thành vùng có kinh tế, văn hóa và xã hội phát triển nhất của Việt Nam vào thế kỷ XVII – XIX. Thuận – Quảng trở thành một trung tâm kinh tế - văn hóa mới của Đại Việt, với những trung tâm đô hội lớn như Phú Xuân, Hội An…


 Hồ sen tại Từ đường họ Đinh Khắc

       Sau khi quyết định bắt đầu việc tìm kiếm lai lịch ngôi làng Kế Võ của mình, tôi đã bắt đầu tìm kiếm từ những bộ chính sử cổ nhất có viết về các ngôi làng được thành lập đầu tiên tại khu vực Thuận Hóa – Huế. Trong những bộ sách địa chí cổ nhất thời Hậu Lê (Lê Sơ) là Dư địa chí (1435), Hồng Đức bản đồ, lập năm Hồng Đức thứ 2 (1490) - của Nguyễn Trãi; đã có liệt kê tất cả các ngôi làng được thành lập trong dịp này tại Thừa Thiên, như:  Duy sơn , Tân chu, Nghi giang, Diêm trường, Phụng chánh, Cự lại, Kế chủng ( Kế sung ), Thai dương, Hòa duân, Hà cùng (An dương) , Triều sơn ,Thanh cần , La Khê , Bao vinh, Đức bưu , Dương Xuân, Phổ Lại , Đại Lộc, Kế Môn, Phò Trạc , Hương Triền (Thanh Hương), Đàm bổng (Ưu Điềm)... .
       Nhưng trong danh sách lập làng đợt này (1446 - 1490) ở thừa tuyên Thuận Hóa (tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay), không có tên làng Kế Võ của tôi và các ngôi làng thuộc xã Vinh Xuân hiện nay.
     Khu vực từ cửa Thuận An hiện nay về cửa Tư Hiền; chỉ có các làng được thành lập đợt này là : Thái dương , Hòa Duân, Cự lại, Kế chủng (Kế sung), Nghi giang, Diêm Trường, Phụng chánh; đã được các Bộ sử lớn như Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Hồng Đức bản đồ của nhà Hậu Lê ghi chép lại khá cụ thể. 
       Năm 1555, Dương Văn An viết tác phẩm Ô Châu Cận Lục  một cuốn sách Địa chí viết về một dải đất từ Quảng Bình đến Bắc Quảng Nam vào nửa đầu thế kỷ XVI dưới thời Lê – Mạc. Đây chính là cuốn địa phương chí quan trọng đầu tiên viết về vùng đất Thuận Hóa của nước Việt chúng ta ở thế kỷ XVI.
      Nhiều học giả nổi tiếng sau này như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú khi soạn các bộ sách có giá trị lịch sử cao vẫn cũng lấy cuốn Ô Châu Cận Lục làm tài liệu quan trọng. Công trình địa phương chí này gồm sáu quyển; nhưng quan trọng nhất là quyển ba có tên là : Bản đồ - đã liệt kê danh mục các phủ huyện, châu, xã, làng xứ Thuận hóa, và bàn về phong hóa xứ Thuận Hóa. Đây là quyển quan trọng nhất.
      Nhưng trong quyển sách quan trọng này cũng không có tên làng Kế Võ (hay Kế Đăng) và toàn bộ các làng (thôn) của xã Vinh Xuân hiện nay. Trong khi đó một số làng lân cận với xã Vinh Xuân hiện nay, đã lần đầu tiên có tên trong cuốn sách quan trọng này như : làng Quảng Xuyên, làng Viễn Trình, làng Lương Viện, làng Đồng Di, làng Tây hồ, làng Hòa Đa (đông – tây), Lê xá. Các ngôi làng lớn và có nhiều ảnh hưởng lớn về văn hóa - xã hội hiện nay ở vùng này như làng Hà Thanh, làng An Bằng, làng Mỹ Lợi cũng chưa thấy xuất hiện trong cuốn sách quan trọng này.
       Sau mốc thời gian này không thể có một làng (xã) nào của cư dân các tỉnh phía Bắc đèo Ngang có thể được định hình và định danh trên vùng Thuận Hóa. Vì chỉ một thời gian ngắn sau đó (năm 1627), cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn bắt đầu và đất nước bị chia cắt lấy sông Gianh làm giới tuyến gần 200 năm, không thể có các cuộc di dân nữa  ?
       Tuy nhiên, “Lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất Thuận Hóa – Huế” không thể không nhắc tới một nhân vật lịch sử là Đoan quận công Nguyễn Hoàng. Có thể nói vùng đất này trở thành vùng văn hóa mới của nước Việt và thành thủ phủ của phía Nam và cả nước trong hơn 300 năm - công đầu thuộc về nhân vật lịch sử này. Ông là con của Nguyễn Kim, một bậc khai quốc công thần của Triều Lê Trung Hưng, nhưng sau khi Nguyễn Kim mất (năm 1545); quyền lực rơi vào tay người anh rễ là Trịnh Kiểm. Trịnh Kiểm lại muốn thâu tóm quyền lực về một tay mình đã loại bỏ dần các con của Nguyễn Kim; nhằm tránh một cái chết được dự báo trước như người anh ruột Nguyễn Uông; Nguyễn Hoàng đã tìm cách xin vua Lê vào trấn thủ phương Nam .
      Nhưng như sử chép, Chúa Tiên Nguyễn Hoàng vào Nam tới ba lần, lần đầu và lần cuối cách nhau 42 năm. Theo đó, lần đầu năm 1558 Chúa Tiên vào Nam là đi lánh nạn tránh sự truy sát của Trịnh Kiểm, lần thứ hai năm 1570 sau khi ra thăm quê và bái yết Vua Lê; lần thứ ba là năm 1600 – sau khi ra mừng Chúa Trịnh đánh bại nhà Mạc khôi phục Thăng Long, bị Vua Lê giữ lại tới 7 năm để đi dẹp loạn cát cứ - là một cuộc chạy trốn thực sự của Chúa Tiên nhằm thoát khỏi vòng cương tỏa của Trịnh Tùng, lúc này ông đã 76 tuổi. Nguyễn Hoàng ở Ngôi Chúa thêm 13 năm và mất năm 1613, thọ 89 tuổi.
       Sau khi Nguyễn Hoàng mất (năm 1613), chỉ 14 năm sau (năm 1627) là đã bắt đầu cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài hơn 50 năm, chiến trường chính là vùng Thuận Hóa (Quảng Bình – Quảng Trị ). Tới năm 1672, Trịnh – Nguyễn chấm dứt chiến tranh, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Vùng Thuận Hóa tạm yên ổn được hơn 100 năm, cho tới năm 1775 lợi dụng sự suy yếu của Chúa Nguyễn, quân Trịnh một lần nữa tấn công Thuận Hóa chiếm thành Phú Xuân, Chúa Nguyễn Phúc Thuần phải chạy vào Gia Định. Quân Trịnh chiếm đóng Thuận Hóa 12 năm cho tới khi Nguyễn Huệ chiếm lại Thuận Hóa từ quân Trịnh (năm 1786) và cũng chỉ 16 năm sau, Nguyễn Phúc Ánh chiếm lại Thuận Hóa từ tay nhà Tây Sơn (năm 1802) .
      Kể từ khi vào Nam trấn thủ vùng đất này (năm 1558), Nguyễn Hoàng đã cùng con cháu các đời Chúa Nguyễn xây dựng Thuận Hóa và vùng đất phía Nam thành một vương quốc Nguyễn riêng ở xứ Đàng Trong; độc lập và tách biệt hoàn toàn với xứ Đàng Ngoài của vua Lê – Chúa Trịnh.
    Lại nói một chút về cuộc phân tranh Trịnh – Nguyễn mà thực chất là cuộc tranh giành quyền lực giữa Chúa Trịnh và Chúa Nguyễn. Lấy lý do các chúa Nguyễn không về chầu Vua Lê; không nộp thuế và cống nạp lương thảo cho triều đình; năm 1627 - Chúa Trịnh lúc này là Trịnh Tráng đã lấy danh nghĩa vua Lê đem quân vượt sông Gianh tấn công quân Nguyễn của Chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
     Cuộc chiến tranh Trịnh – Nguyễn kéo dài hơn 50 năm; chiến trường chủ yếu là vùng Quảng Bình – Quảng Trị ngày nay, vùng sông Gianh với các chiến lũy nổi tiếng như Lũy Thầy, Lũy Trường Dục. Đã xảy ra tổng cộng 07 cuộc chiến lớn vào các năm 1627-1633-1643-1648-1655-1661-1672, kéo dài hơn 50 năm. Sau cuộc chiến cuối cùng năm 1672, do quá mỏi mệt nên hai thế lực Trịnh – Nguyễn thỏa thuận chấm dứt chiến tranh lấy sông Gianh làm giới tuyến, giang san ai nấy ở đã khiến cho đất nước bị chia cắt hơn 200 năm.
      Trong các cuộc chiến này, lúc đầu Chúa Trịnh với binh lực mạnh hơn hẳn đã lấy danh nghĩa vua Lê tấn công quân Nguyễn, do binh lực yếu quân Nguyễn chỉ lo chống đỡ. Nhưng ba lần cuối vào các năm 1655-1661-1672 dưới thời Chúa Hiền Vương – Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) quân Nguyễn bắt đầu phản công, đặc biệt là trong ba lần tấn công cuối cùng này quân Nguyễn lần đầu tiên vượt sông Gianh tấn công ra Bắc, đuổi quân Trịnh tới gần thành Thăng Long.
     Trong các cuộc tấn công cuối cùng này, theo chính sử ghi chép lại thì quân Nguyễn đã ở lại chiếm đóng vùng Châu Hoan, Châu Ái (nay là Ninh bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh) gần 5 năm. Sau khi rút quân về Nam đã đem theo vô số tù binh để tăng cường nhân lực cho vùng Thuận Hóa nhằm tính kế lâu dài. Đồng thời kêu gọi và cưỡng bức hàng vạn dân đinh và gia đình họ đưa vào Nam, tạo nên cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử thời ấy. Cuộc di dân này cư dân phải di chuyển rất dài, cụ thể là từ Ninh Bình, Thanh - Nghệ - Tĩnh vào tận Thuận Hóa, Quảng Nam – Quảng Ngãi. Trước đó do phương tiện di chuyển khó khăn nên các cuộc di cư chủ yếu xảy ra trong nội tỉnh hoặc các tỉnh giáp nhau, theo phương thức vết dầu loang và kéo dài có thể vài thế hệ mới đến được nơi định cư. Nhưng cuộc di dân này có sự trợ giúp của Nhà nước Quân chủ về phương tiện và lương thực nên đã được tiến hành với quy mô lớn và di chuyển xa hơn, đi thẳng từ nơi đi cho đến nơi cần đến.
     Sau sự kiện này - hàng loạt ngôi làng và nhiều dòng Họ mới đã được hình thành trên vùng đất Thuận Hóa từ số nhân lực này. 

Toàn cảnh ngôi Từ đường của tộc họ Đinh Khắc

III/. Lược sử làng Kế Võ và tộc họ Đinh Khắc :
      Vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân xưa và là Thừa Thiên Huế ngày nay vào khoảng cuối thế kỉ 13 đầu thế kỉ 14 sau Công Nguyên, vốn là Châu Ô và Châu Lý của nước Chiên Thành (Champa) thuộc triều đại vua Chế Mân.
     Nước Việt ta lúc đó đang thời thịnh trị của nhà Trần, dưới triều Vua Trần Anh Tông (1293-1314). Có Thái Thượng Hoàng là Trần Nhân Tông (1272-1314). Tuy nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông nhưng Thái thượng hoàng vẫn tham chính, ngài là người nhìn xa trông rộng, muốn mở mang bờ cõi, nhưng làm thế nào để khỏi tốn xương máu của trăm họ, khi đất nước vừa trải qua cuộc kháng chiến chống quân Nguyên (1301). Ngài đã nhiều đêm không ngủ, trong các con của Ngài có Công chúa Trần Huyền Trân ( tục gọi là Huyền Trân Công Chúa) rất thông minh và thương cha, hiểu được nổi lòng của Thái Thượng Hoàng.
     Cho nên khi nhà vua Chế Mân của nước Chiêm Thành cầu hôn công chúa Huyền Trân với quà cưới là hai Châu - Châu Ô, Châu Lý; công chúa đã gạt nước mắt từ biệt người yêu là Trần Khắc Chung một vị tướng trẻ nhà Trần, hy sinh tình riêng nhận lời ra đi. Người đời sau biết ơn bà nên đã làm nhiều thơ văn ca ngợi sự hi sinh của bà và các làn điệu Nam Ai, Nam Bình nổi tiếng của ca Huế cũng xuất phát từ cuộc ra đi của Công chúa Huyền Trân. Trong mấy câu kết của bài “Nước non ngàn dặm ra đi” với làn điệu Nam Bình nổi tiếng vẫn còn lưu luyến trong lòng người dân Huế cho đến thời nay, nghe thật thấm thía :
                                               
                                                    “Dặn một lời Mân quân
                                                Nay chuyện mà như nguyện
                                                          Đặng vài phân
                                                          Vì lợi cho dân
                                                        Tình đem mà cân
                                                     Đắng cay muôn phần”
     Khi bà sang Chăm Pa thì đồng bào ta ở Châu Hoan, Châu Ái (Thanh Hóa, Nghệ An ngày này) cũng kéo vào tiếp nhận hai Châu Ô - Lý. Châu Ô đổi thành Châu Thuận, Châu Lý đổi thành Châu Hóa – năm 1306. Đó là lịch sử hình thành vùng đất Thuận Hóa – Phú Xuân – (tỉnh Quảng Trị, tỉnh Thừa Thiên, một phần Quảng Nam ngày nay), tính đến nay đã hơn 700 năm.
     Lịch sử đất nước sau khi mở rộng thêm cũng có nhiều biến động (như đã trình bày ở phần II), sau nhà Trần đến nhà Hồ (1400) đất nước bị Bắc thuộc hơn 20 năm, đến khi Lê Lợi phục quốc lập ra nhà Hậu Lê (1428), đất nước trở lại thời kỳ thịnh trị, sau đó nhà Mạc (1527) và thời Trịnh Nguyễn phân tranh (1533-1786).
     Thời Trịnh – Nguyễn phân tranh các cuộc chiến đã diễn ra ác liệt vào các năm 1627-1630-1635-1648-1655-1661-1672, hơn 200 năm đất nước bị chia cắt, lấy sông Gianh làm giới tuyến.
     Trong cuộc chiến vào các năm như trên, chiến trường chủ yếu là vùng Quảng Bình – Quảng Trị - vùng sông Gianh với các chiến lũy nổi tiếng như Lũy Thầy – Lũy Trường Dục. Trong các lần đó chủ yếu là quân Trịnh với  binh lực mạnh lấy danh nghĩa vua Lê tấn công quân Nguyễn, do binh lực yếu quân Nguyễn chỉ lo chống đỡ. Nhưng ba lần cuối vào các năm 1655-1661-1672 dưới thời Chúa Hiền Vương – Nguyễn Phúc Tần (1648 – 1687) quân Nguyễn bắt đầu phản công, đặc biệt là lần cuối năm 1672 quân Nguyễn lần đầu tiên vượt sông Gianh tấn công ra Bắc, đuổi quân Trịnh tới gần thành Thăng Long.
     Trong cuộc tấn công cuối cùng này theo chính sử ghi lại thì quân Nguyễn đã ở lại chiếm đóng vùng trấn Thanh Hoa gần 5 năm. Sau khi rút quân về Nam đã bắt vô số tù binh và đưa cả gia đình họ vào Nam để tăng cường nhân lực. Đồng thời kêu gọi và cưỡng bức hàng vạn dân đinh và gia đình họ đưa vào Nam nhằm tính kế lâu dài, tạo nên một cuộc di dân lớn nhất trong lịch sử thời ấy.

Tiền đường của ngôi nhà thờ họ Đinh Khắc

     Trong dòng người di cư đó có một gia đình người họ Đinh quê ở trấn Thanh Hoa; đó là gia đình của một quan binh trong quân đội của Chúa Trịnh bị bắt làm tù binh và bị đưa vào Nam. Người quan binh này còn bị buộc đem theo vợ và 04 người con (gồm 01 gái, 03 trai) di cư vào Nam.
     Vị quan binh này chính là ngài Hoàng Sơ Thủy Tổ - Đinh Khắc Mích, người lập nên tộc họ Đinh Khắc – tại làng Kế Võ. Ngài đồng thời chính là vị Thần hoàng Khai canh người lập ra làng Kế Võ, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế tồn tại đến ngày nay.
     Sau khi từ biệt cha mẹ là Ngài Đinh Khắc Khoản và Phu nhân cùng các huynh đệ. Ngài huynh trưởng Đinh Khắc Mích đã để lại người con trưởng của mình là Đinh Khắc Yến cho cha mẹ và các huynh đệ trông nom và nối dõi tông đường. Ngài dẫn theo phu nhân và bốn người con theo dòng người di cư vào Nam.
      Sau khi vào Thuận Hóa, vì vốn là một quan binh nên ngài được đưa đến một vùng đất ven biển phía Nam của tỉnh Thừa Thiên để khai hoang lập ấp làm phên dậu cho triều đình trấn giữ vùng duyên hải. Đây là một vùng hoang hóa đất rộng người thưa thuộc địa giới hành chính của làng Kế chủng, tổng Kế Mỹ, huyện Kim Trà (nay thuộc Làng Kế Sung, xã Phú Diên, huyện Phú Vang).
      Ngài Đinh Khắc Mích đã được chính quyền địa phương lúc ấy cấp một vùng đất cách trung tâm làng hơn 6km về phía Nam để khai hoang lập ấp. Đây là một khu đất khá lớn nhưng chưa có người ở (6km2) có cả sông, có cả biển và cả đồng ruộng đất đai khá thuận lợi. Ngài đã dẫn theo phu nhân và  các con gồm 4 người con ruột và một người con rể đến vùng đất được cấp để lập ấp nhằm ổn định cuộc sống lâu dài về sau. Ông đã cùng gia đình mình tích cực khai hoang lập ấp, biến vùng đất trước đây vốn nổi tiếng là “ Ô châu ác địa” thành vùng đất trù phú. Với sản vật mùa nào thức ấy, với địa hình thuận lợi vừa có sông vừa có biển, vừa có rừng, vừa có cánh đồng lúa . 
     Sau một thời gian dài lao động cật lực họ đã có đầy đủ cái ăn cái mặc, nhà cửa kín đáo, cuộc sống của họ đã ổn định. Ông đã quyết định phân chia đất đai, tài sản cho người con rể mang họ Nguyễn Viết với người con gái duy nhất của mình và cho họ ra ở riêng, để con mình có cái riêng tư và lo cho gia đình riêng của họ. Vùng đất mới lúc này đã có hình dáng của một trang ấp, khi những người con trai của ông cũng đã lập gia đình và có cơ ngơi riêng (gồm 3 người). Những cơ sở vật chất cần thiết để xin phép nhà nước thành lập một trang ấp cho gia đình đã có khá đầy đủ !
      Khi đọc đến đây chúng ta cần lưu ý một quy định dưới thời chúa Nguyễn Hoàng (1558 - 1613) và các Chúa Nguyễn sau đó. Đó là, các ngôi làng thường phát triển theo hướng từ một nhóm ít người, đầu tiên khai phá thành lập ra “bức”, có người đứng đầu là “thủ bức” nếu chỉ tập trung trong một dòng họ thì gọi là “tộc bức” rồi dần phát triển lên thành phường khách hộ, ấp nội phủ và xã. Ở đây là một gia đình người họ Đinh, do người cha được cấp đất để  khai hoang lập ấp và người cha (tức người chủ gia đình này) đương nhiên là người đứng đầu của một "tộc bức" gồm một nhóm trên 03 người. Chúng tôi đã kiểm tra chi tiết này trong sổ địa bạ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) ; cho thấy ngài Đinh Khắc Mích mới chính là người có tên duy nhất trong sổ địa bạ thời các chúa Nguyễn.


Bức đại tự - Đinh Từ Đường tại gian chính

     Tuy nhiên trước đây và hiện nay tại làng Kế Võ có một giai thoại về 03 vị Tam tôn lập làng; chuyện kể rằng: Sau khi ngài Đinh Khắc Mích tuổi tác đã cao, các con đã lớn với con cháu nội ngoại đã thuộc hàng con đàn cháu đống, ngài muốn tách ra khỏi làng Kế Chủng cũ và thành lập một ngôi làng mới. Nhưng theo quy định của pháp luật thời Hậu Lê (Lê trung hưng), và với quy mô dân số còn quá khiêm tốn, quan hệ của những người đang sống tại đây đang là quan hệ của một gia đình (tộc bức), chỉ đủ tiêu chuẩn để thành lập một ấp trực thuộc làng Kế Sung (3). Ngoài ra muốn lập ấp mới phải có 03 gia đình trở lên, với có ít nhất ba Họ khác nhau.
       Ngài Đinh Khắc Mích đã phải về ấp Xuân Thiên cách đó 3 km về phía Nam – là một trang ấp mới thành lập trước đó ít lâu và mời gia đình của một người con của một người bạn thuộc Họ Hoàng (Huỳnh), về vùng đất mình đang sống để định cư lập nghiệp với gia đình mình.
      Sau khi đã có đủ 3 gia đình với ba Họ (họ Đinh – họ Hoàng – họ Nguyễn Viết) khác nhau, họ đã cùng nhau đệ đơn lên chính quyền địa phương lúc ấy xin lập ấp mới. Họ đã được chính quyền quân chủ nhà Hậu Lê cùng Chúa Nguyễn cho phép lập ấp và được công nhận là Tam tôn Bổn thổ Khai Canh lập nên ấp Kế Võ tồn tại đến ngày nay (4).


Nội điện nhà thờ họ Đinh Khắc

      Tên đầu tiên của ngôi làng khi mới lập là ấp (làng) Kế Đăng, mãi cho tới năm 1886 mới đổi tên là ấp Kế Võ, nhưng trong dân gian thường gọi là làng Mới (mới lập), hay làng Tầm Bù (tên một loại cây cổ thụ có trái chín rất ngọt và ăn được mọc tự nhiên rất nhiều ở Rú sau làng ).
       Lập làng xong,Vị Thủy Tổ của họ Đinh Khắc – ngài Ngài Đinh Khắc Mích lúc này tuổi tác đã cao, ông đã nhường lại Tước Vị Bổn Thổ Khai Canh cho các con, cho hợp với tuổi tác của hai vị Khai Canh Họ Hoàng và họ Nguyễn Viết.
       Qua thời gian, theo quy luật của tự nhiên “ đất lành chim đậu ” – một số vị tiền hiền của các dòng Họ như họ Trần, họ Nguyễn Đình, họ Nguyễn Duy, họ Phạm, họ Nguyễn Đăng, họ Nguyễn Hữu, Họ Ngô, họ Hồ đã lần lượt đến định cư lập nghiệp ở làng Kế Võ. Và cũng qua thời gian làng Kế Võ đã tồn tại và phát triển thành một ngôi làng lớn, dân số đông đúc, kinh tế - văn hóa xã hội phát triển như hiện nay.
     Tuy nhiên để biết được những điều tưởng chừng như đơn giản trên đây chúng tôi đã phải trãi qua một thời gian khá dài đi nhiều nơi để sưu tầm, tra cứu hàng núi các tư liệu từ chính sử.  Ngoài ra còn phải tra cứu thêm Gia Phả của một số dòng Họ lớn cùng di cư đợt này hiện còn trên đất Thừa Thiên – Huế ngày nay như : Các Họ khai canh ở làng Mỹ Lợi – lập làng năm 1562 – Nhâm Tuất Chính Trị năm thứ 5 (tức phường Mỹ Toàn cổ). Họ Trương ở làng Nham Biều (họ của Trương Phúc Loan). Họ Đặng ở Thanh Lương (tên cũ là Thanh Kệ) nay thuộc xã Hương Xuân, huyện Hương Trà. Các Họ khai canh ở làng An Bằng là Họ Nguyễn – Họ Trần – Họ Hoàng (Gia Phả của ba Họ khai canh ở đây còn lại rất đầy đủ - từ năm 1571). Họ Nguyễn Khoa là một trong những Cự Tộc định cư ở Huế có nhiều ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển chung của xứ Thuận Hóa. Họ Nguyễn Kinh Nhơn ở phường Đúc, Họ Nguyễn Cửu ở Vân Dương (Thủy Vân – Hương Thủy ).

Cách bài trí ban thờ tại gian chính của khu nội điện

     Chúng tôi đã có thể khẳng định ! Nếu tổ tiên chúng ta không có định cư một nơi nào đó trước khi về lập làng ở Kế Võ. Thì mốc thời gian tổ tiên ta định cư ở Kế Võ - năm 1672 – là chính xác nhất. Vì trước đó hơn 100 năm (năm 1570) đất nước đã bị chia cắt tạm thời và đã bị chia cắt hoàn toàn vào năm 1600 khi Nguyễn Hoàng vào Nam lần thứ ba. Nếu tính mốc thời gian sau năm 1672 thì phải 114 năm sau đó (đó là năm 1786) khi Quang Trung – Nguyễn Huệ đánh tan quân Trịnh thống nhất đất nước, mới có thể có những cuộc di dân. Nhưng thời điểm sau năm 1786 thì không tương ứng với số đời con cháu (17 đời) và số năm tồn tại tương ứng (là 340 năm).
     Chúng tôi cũng biết được tại sao trong Gia Phả chép rằng tổ tiên ta là Ngài Đinh Khắc Khoản sinh cơ lập nghiệp tại Thanh Hóa, nhưng cái tên Thanh Hóa tới năm 1840 mới có, khi vua Thiệu Trị đổi tên từ Trấn Thanh Hoa thành Trấn Thanh Hóa vì kỵ húy bà Hồ Thị Hoa – người Gia Định – Hoàng hậu mẹ vua Thiệu Trị (như chợ Đông Hoa thành chợ Đông Ba). Phải rất khó khăn chúng tôi mới biết được bộ Gia Phả hiện nay của tộc họ Đinh Khắc mới được lập một cách bài bản và hoàn chỉnh từ năm 1849 - tức là sau khi cái tên Thanh Hóa đã có ! (5)
     Vùng đất Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay, xưa (trước năm 1840) được gọi là Trấn Thanh Hoa; trong đó có tỉnh Ninh Bình là vùng đất cố đô xưa của vua Đinh và đa số người dân mang Họ Đinh trên toàn miền Bắc hiện nay đều xuất phát từ đây. Hơn nữa thời điểm năm 1672 khi quân của Chúa Nguyễn đến đây, thì đây là vùng đất trù phú người đông, là một mục tiêu để quân Nguyễn tiến đánh và tìm dân đinh.
      Theo Gia Phả và các tư liệu còn lưu lại cho đến ngày nay hiện đang được lưu giữ tại Từ Đường Đinh Khắc Tộc, thì Ngài Đinh Khắc Khoản sinh hạ được bốn vị con trai là :
          - Ngài ĐINH KHẮC MÍCH – HIỆU TỪ HẬU
          - Ngài ĐINH KHẮC NHƠN – HIỆU ÔN HẬU
          - Ngài ĐINH KHẮC NGHĨA – HIỆU KHOAN HẬU
          - Ngài ĐINH KHẮC TRẤN – HIỆU ĐÔN HẬU
     * Ngài con trưởng ĐINH KHẮC MÍCH sinh hạ được năm người con là :
- Ngài  ĐINH KHẮC YẾN
- Ngài  ĐINH THỊ QUÝ BÀ
- Ngài  ĐINH KHẮC THIỆU
- Ngài   ĐINH KHẮC DỤC
- Ngài  ĐINH KHẮC SANH.
     * Khi từ biệt cha mẹ là Ngài Đinh Khắc Khoản và Phu nhân cùng các huynh đệ. Ngài huynh trưởng Đinh Khắc Mích đã để lại người con trưởng của mình là Đinh Khắc Yến cho cha mẹ và các huynh đệ chăm sóc, dẫn theo Phu nhân và bốn người con theo dòng người di cư vào Nam.
      Tại làng Kế Võ và trong tộc họ Đinh Khắc có một điều rất đặc biệt là ngài Hoàng Sơ Thủy tổ - tức là ngài khai canh lập làng đã không được phong Thần hoàng Khai Canh. Lý do là khi lập làng xong, vị Thủy Tổ của họ Đinh Khắc – ngài Ngài Đinh Khắc Mích lúc này tuổi tác đã cao, xét thấy nếu mình đứng ngang hàng với con cháu e không tiện nên ngài đã nhường lại tước vị Bổn Thổ Khai Canh cho người con trai trưởng, cho hợp với tuổi tác của hai vị Khai Canh họ Nguyễn Viết (là một người con rể) và họ Hoàng.

Vị chủ lễ và các chấp sự trong một cuộc lễ

     Cũng một điều rất đặc biệt khác tại tộc họ Đinh Khắc của chúng tôi có tới 02 vị Khai Canh và  01 vị Khai Khẩn.
     Câu chuyện được bắt đầu từ một vụ kiện tụng:  Nguyên là câu chuyện phân chia ngôi thứ và vai vế giữa các dòng họ trong làng Kế Võ tuy đã được thỏa thuận giữa các vị lập làng. Nhưng đó chỉ là những thỏa thuận (miệng) với những người trong làng với nhau; hơn nữa lúc ấy là thời chiến tranh loạn lạc, nhà nước còn phải lo nhiều việc khác nên các cấp chính quyền không ai quan tâm tới việc tranh chấp ngôi thứ giữa các dòng họ trong một ngôi làng nhỏ bé. Cho tới khi nhà Nguyễn thành lập (1803) đất nước hòa bình, việc quản lý đất đai, phân chia ngôi thứ lại được đem ra giải quyết.
     Tới triều vua Duy Tân (1907-1916) triều đình căn cứ vào sổ địa bạ còn lưu lại từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765), cho thấy từ thời chúa Nguyễn Phúc Tần(1648-1687) triều đình đã cấp một khu đất tại làng Kế Sung cho vị “Tộc bức” Đinh Khắc Mích lập nên ấp Kế Đăng. Triều đình vua Duy Tân đã căn cứ vào đó nên đã Ban sắc phong Bổn thổ khai canh – tức Thn hoàng lập làng cho người con trai trưởng của ngài Thủy tổ tộc Đinh Khắc tên là Đinh Khắc Thiệu được Hoàng Triều Sắc Phong Bổn Thổ Khai Canh – Đinh Đại Lang – Dực Bảo Trung Hưng – Linh Phò Chi Thần vào niên hiệu Duy Tân năm thứ 7, ngày mồng 8 tháng 10 (năm Quý Sữu - 1913).
     Nhưng sau đó 05 năm kề từ khi được ban Sắc Phong - tới năm Đinh Tỵ (1917) tức là niên hiệu Khải Định năm thứ 2; việc triều đình chỉ ban Sắc Phong cho họ Đinh đã bị các tộc họ khác trong làng kiện cáo. Khi các tộc họ trong làng cho rằng khi lập làng có tới 03 người với 03 họ khác nhau là họ Đinh – họ Nguyễn Viết – họ Hoàng cùng lập làng nay chỉ ban sắc phong thần hoàng khai canh cho họ Đinh là thiên vị.
     Triều đình Khải Định sau khi nhận đơn kiện đã cho điều tra, xét thấy có phần đúng – nhưng triều đình vẫn nhận định chính xác là ngài Thủy tổ họ Đinh Khắc mới chính là “thủ bức” - tức là người đứng đầu của một "bức" gồm một nhóm trên 03 người xin lập ấp. Đồng thời ngài mới chính là người có tên duy nhất trong sổ địa bạ thời các chúa Nguyễn. Hai người còn lại chỉ là một người con rể của ngài và con của một người bạn ở một ấp bên cạnh (ấp Xuân Thiên, cùng làng Kế Sung) được ngài mời tới ở cùng sau đó một thời gian khá lâu khi có nhu cầu lập ấp mới (Vì lệ xưa quy định bắt buộc là muốn lập ấp phải có 03 người trở lên !).
      Triều đình phán quyết vẫn giữ nguyên Sắc Phong Bổn thổ Khai Canh (bổn thổ - tức là chủ đất) cho họ Đinh. Nhưng ban thêm Sắc Phong cho hai dòng họ kia (tức hai người kia) Bản Sắc Phong bổn Khai canh (tức chỉ là người cùng lập làng - không phải là chủ đất).
      Cũng để răn đe và lưu ý 2 dòng họ kia không được phép kiện tụng từ nay về sau, triều đình nhà Nguyễn đã ban thêm 02 bản Sắc Phong – một là Bổn khai canh, một là Bổn khai khẩn cho 02 người con của Ngài “Thủ bức” người họ Đinh nhằm ghi nhận công lao của tộc họ Đinh và cũng nhằm nhắc nhở con cháu hai vị kia, tổ tiên họ chỉ là người đồng hàng con cháu (trong đó có một người là con rể) của vị “Thủ bức” người họ Đinh – với lời lẽ khá đanh thép. Hành động này của triều đình từ đó đã chấm dứt việc kiện tụng của con cháu hai dòng họ này.


Ông Đinh Khắc Thức vị đương kim tộc trưởng hiện nay

        Hiện nay tại Từ Đường Đinh Khắc tộc hiện đang lưu giữ 03 bản Bản Sắc Phong , gồm:
        1. Bản Sắc Phong do triều Duy Tân nguyên niên - Năm thứ 7, ngày mồng 8 tháng 10 (năm Quý Sữu - 1913), ban cho:
v       Ngài Đinh Khắc Thiệu được Hoàng Triều Sắc Phong Bổn Thổ Khai Canh – Đinh Đại Lang – Dực Bảo Trung Hưng – Linh Phò Chi Thần. Ngài lập nên Phái Nhất
        2. Bản Sắc Phong do triều Khải Định Nguyên Niên – Năm thứ 2 (năm Đinh Tỵ – 1917), ban cho:
v       Ngài Đinh Khắc Dục được Hoàng Triều Sắc Phong Bổn Khai Canh – Đinh Đại Lang – Dực Bảo Trung Hưng – Linh Phò Chi Thần. Ngài lập nên Phái Nhì.
         3. Bản Sắc Phong do triều Khải Định Nguyên Niên – Năm thứ 2 (năm Đinh Tỵ – 1917), ban cho:
v       Ngài Đinh Khắc Sanh được Hoàng Triều Sắc Phong Khai Khẩn – Đinh Đại Lang – Dực Bảo Trung Hưng – Linh Phò Chi Thần. Ngài lập nên Phái Ba.
v       Ngài Đinh Thị Quý Bà trở thành Nguyễn Viết Bổn Khai Canh Phu Nhân.
     - Ngài Đinh Khắc Mích còn có một vị con trưởng là ngài Đinh Khắc Yến ở lại sinh sống ở Thanh Hóa Ngoại (tỉnh Ninh Bình ngày nay), để nối nghiệp tổ tiên nên không có di tích tại Kế Võ.
     Lịch sử làng Kế Võ – lịch sử Họ Đinh chúng ta, có khởi thủy là như vậy. Nhờ công đức của tổ tiên mà các lớp con cháu về sau ngày càng trường tồn và phát triển, đến ngày nay đã được 18 đời.
     Ngoài ra theo tiến trình biến thiên của lịch sử dân tộc, một số thành viên của dòng tộc Đinh Khắc ở các đời tiếp theo, vì một lí do nào đó đã đến định cư lập nghiệp ở một số địa phương trong tỉnh Thừa Thiên – Huế. Đã hình thành nên một số Chi Phái họ Đinh ở các địa phương như : Chi phái Họ Đinh Hữu ở làng Xuân Thiên Hạ ( Vinh Xuân – Phú Vang ), Chi phái họ Đinh Khắc ở làng Khánh Mỹ (Vinh Xuân – Phú Vang ), Chi phái Họ Đinh Khắc ở làng Thanh Lam Trung (Phú Đa – Phú Vang ), chi Phái Họ Đinh ở Làng Mỹ Lợi – Phú Lộc (vị lập chi phái họ Đinh ở đây làm con nuôi của một gia đình Họ Trương – theo quy định của Luật pháp thời ấy thì phải lấy Họ của cha nuôi làm họ mới và họ của mình phải đứng sau – nên gọi là Họ Trương Đinh), Chi Họ Đinh ở làng Phụng Chánh (xã Vinh Hưng – Phú Lộc), chi Họ Đinh ở thị trấn Lăng Cô – Phú Lộc, chi phái Họ Đinh ở Làng Hòa Duân (Phú Thuận – Phú Vang). Tất cả các chi phái này đã tìm về cội nguồn là Họ Đại Tôn – Đinh Khắc ở Làng Kế Võ. Hằng năm các chi phái đều về dự các lễ Hiệp Kị, Lễ Chạp của Họ Đại Tôn và đại diện của Họ Đại Tôn cũng thường xuyên thăm viếng và tham dự các cuộc lễ của các chi phái.


Bà con tộc họ Đinh Khắc chụp hình lưu niệm tại một cuộc lễ

      IV/. Một vài nét về hành chánh, văn hóa xã hội của làng Kế Võ :  
      Sau khi chúa Tiên - Nguyễn Hoàng vào quản lý vùng Thuận Hóa, nhằm ổn định lại hành chánh (năm 1571) ông đã đổi tên một số huyện tại trấn Thuận Hóa, riêng huyện Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh được đổi thành Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vinh (sau đọc thành Phú Vang). 
       Năm 1604, Nguyễn Hoàng đã cắt huyện Điện Bàn thuộc trấn Thuận Hóa, nâng lên thành phủ, sáp nhập vào trấn Quảng Nam. Thuận Hóa dưới thời các chúa Nguyễn (thế kỷ XVII- XVIII) là vùng đất trải dài từ phía nam đèo Ngang cho tới đèo Hải Vân.
  
A/. Những thay đổi hành chánh có liên quan đến làng Kế Võ dưới thời các Chúa Nguyễn:
      Theo Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn (được viết năm 1776, lúc ông đang giữ chức Hiệp trấn Tham tán Quân cơ - trong sáu tháng tại Thuận Hóa ; Thuận hóa lúc này đang bị Chúa Trịnh chiếm trong 12 năm, 1775 – 1786), xứ Thuận Hóa năm 1776, gồm: 2 phủ là  Triệu Phong và Quảng Bình, được phân thành 8 huyện và 1 châu. 
    Phủ Triệu Phong
   Gồm 5 huyện :
1/ Huyện Hương Trà(nay thuộc Thừa thiên – Huế), gồm 9 tổng:
- An Ninh (gồm 5 xã 1 thôn : các xã An Ninh Thượng, An Ninh Hạ, La Chử, Long Hồ Trúc Lâm và thôn Phúc long).
- Phú Xuân (gồm 3 xã 1 giáp: các xã Phú Xuân, Thế Lại Thượng, Thế Lại Hạ và giáp Vạn Xuân).
- Vĩnh Xương (gồm 7 xã, 3 thôn : các xã Vĩnh Xương, Hương Chiền, Vân Lô, Siêu Loại, Kế Môn, Trung Toàn, Đại Lộc, các thôn Chính Lộc, Đường Long, Hòa Viện),
-
 Phù Trạch (gồm 8 xã 2 thôn: các xã Phù Trạch, An Nông, Vĩnh An, Trạch Phố, Phúc Giang, Lương Mai, Ưu Điềm (tức Ưu Điềm), Đạm Xuyên, các thôn Từ Chính An Thị, Khách Hộ Phú Xuân).
- An Hòa (gồm 11 xã: An Hòa, An Khang, Diễn Phái, Xuân Dương, An Mỹ, An Quán, Quy Tôn, Thuận Hòa, Hải Trình, Phúc Trường, An Hoa Hạ.),
- Vĩ Dạ (hay Vĩ Dã, gồm 10 xã: Vỹ Dạ Thượng, Vi Dã Hạ, An Cự, Dương Xuân, An Truyền, Trào Thủy, Mai Xuân, Thiên Lộc, Thạch Lại, Vân Quật (tức Vân Khốt).), 
- Kim Long (gồm 17 xã, 11 phường, 1 sách, 1 châu , 1 ấp): Các xã Kim Long, Doanh Phố, Dương Phẩm, Xuân Ổ, Huy Du, Xuân Hòa, Trung Lãng, Bồn Chử, Hải Cát, Kim Ngọc, Định Môn, Cứ Hóa, Dương Lăng, Trung Xá, Thọ Khang, La Chử, Vĩ Dã Thượng,các phường : An Ninh, Thạch Hãn , Kim Long , Nam Phố, La Khê, An Bằng, Dương Phẩm, Tứ Chính, Tửu Phường, châu Nham Biều.),
- An Vân (gồm 9 xã: An Vân, Đốc Sơ, Thủy Tú, Khuê Chử, Liễu Cốc Thượng, Liễu Cốc Hạ, An Đô, Doanh Đàm, Phụ Ổ.),
- Kế Thực (hay Kế Mỹ) gồm 12 xã, 1 thôn , 9 phường: các xã Kế Thực, Bình Trị, Thái Dương Thượng, Thái Dương Hạ, Hòa Duân, Quảng Xuyên, Lương Viện, An Dương, Kế Đăng ( Kế võ), Cự Lại, Ba Lăng, Viên Trình ; thôn Hoa Lộc ; các phường : Hà Thanh, Mai Lộc, Đường Dã, Tân Xa, Hoa Dương, Hà Hồng, Hoa Diên, Khánh Mỹ, Diêm Tụ.
      Như vậy tên các làng thuộc xã Vinh Xuân hiện nay như Kế đăng (Kế võ), Tân Xa, Khánh Mỹ… được ghi chép lần đầu tiên trong chính sử là vào năm 1776 trong Sách Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn.  
      Huyện Hương Trà trước có tên là Kim Trà. Phủ chúa Nguyễn, thời Nguyễn Phúc Lan được dời từ Ái Tử về xã Kim Long tổng Kim Long huyện Hương Trà. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Thái lại dời đến xã Phú Xuân, tổng Phú Xuân, huyện Hương Trà.
 2/ Huyện Phú Vang (nay thuộc Thừa Thiên-Huế), gồm 6 tổng: Mậu Tài, Dương Nỗ, Đường Pha, Dã Lê, Sư lỗ, Diêm Trường.
 3/ Huyện Quảng Điền (nay thuộc Thừa Thiên-Huế), gồm 8 tổng: Hoa Lang, Phù Lê, Yên
Thành, Hạ Lang, Đông Lâm, Phúc An, Phú Ninh, Phú Ốc.
 4/ Huyện Hải Lăng (nay thuộc Quảng Trị), gồm 5 tổng: Hoa La, An Thư, An Dã, Câu Hoan, An Khang.
 5/ Huyện Đăng Xương (nay thuộc Quảng Trị), gồm 5 tổng: An Phúc, An Lưu, An Cư, AnĐôn.
        Phủ Quảng Bình
   Gồm 3 huyện và 1 châu (đây là phần không có liên quan nên không phải liệt kê).
       Theo Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú, vào đầu thời nhà Nguyễn, Thuận Hóa vẫn gồm 2 phủ Triệu Phong và Quảng Bình, nhưng có mở rộng địa giới hành chánh về phía Tây hơn so với thời chúa Nguyễn .
      1/ Phủ Triệu Phong, gồm 5 huyện nhưng có thêm 2 châu: các huyện Quảng Điền (Đan Điền), Hương Trà (Kim Trà), Phú Vang (Phú Vinh), Hải Lăng, Đăng Xương (Vũ Xương); 2 châu Thuận Bình và Sa Bôi .
      2/  Phủ Quảng Bình gồm 2 huyện và 2 châu: huyện Khang Lộc, huyện Lệ Thủy, châu Minh Linh (Vĩnh Linh), châu Bố Chính (Nam Bố Chính – hay Bố chính Nội tức Bố Trạch ngày nay), Bắc Bố Chính (Bố Chính Ngoại tức Quảng Trạch ngày nay), mở rộng hơn ra bắc sông Gianh so với thời chúa Nguyễn.
       Ngày 03 tháng 5 năm Tân Dậu (15/06/1801) Nguyễn Ánh chiếm lại Phú Xuân , tới tháng 8 ông lấy 3 huyện Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vinh đặt làm dinh Quảng Đức. Tháng Chạp năm Nhâm Ngọ (đầu năm 1823), đổi dinh Quãng Đức làm phủ Thừa Thiên. Tháng chạp năm Giáp Ngọ ( Minh Mệnh thứ 15 - đầu năm 1835), đặt thêm 3 huyện ở Thừa Thiên là : Phong Điền, Hương Thũy, Phú Lộc ( chia tách ra từ 3 huyện cũ là Quảng Điền, Hương Trà và Phú Vinh) ; phủ Thừa Thiên lúc này có 6 huyện.

   B/.  Những thay đổi hành chánh có liên quan tới làng Kế Võ từ năm 1803 tới nay :
      Thời kỳ trước khi Chúa Nguyễn Hoàng vào Nam (trước năm 1558) – khu vực là làng Kế Võ ngày nay (lúc này đang là một xóm của làng Kế Sung và chưa có người cư trú); thuộc tổng Diêm Trường, huyện Hương Trà.
      Hương Trà có tên cũ là Kim Trà (thời Lê), trước nữa gồm các huyện Bồ Đài, Bồ Lãng và Sạ Hợp (Lệnh) thời Trần. Năm 1570 Nguyễn Hoàng đổi tên là Hương Trà vì kỵ huý Nguyễn Kim, huyện Hương Trà lúc này gồm 9 tổng là An Ninh, Phú Xuân, Vĩnh Xương,
Phù Trạch, An Hòa, Vỹ Dã, Kim Long, An Vân, Kế Thực (hay Kế Mỹ)
      Nhưng sau khi Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi Vương (1744) đã sắp xếp lại địa giới hành chánh một số vùng, tách các làng xã ven biển từ làng Hà Thanh lên tới làng Thái Dương ở cửa Thuận An nhập vào tổng Kế Mỹ huyện Hương Trà (trong đó có làng Kế võ - làng Kế Võ lúc này đã hình thành gần 100 năm ).
      Nhưng tới năm Minh Mệnh thứ 15 (đầu năm 1835), sau khi đặt thêm 3 huyện mới ở Thừa Thiên là : Phong Điền, Hương Thũy, Phú Lộc. Ông Vua này đã chuyển một số tổng, xã của huyện Hương Trà vào các huyện Phú LộcPhú Vang và Phong Điền. Tổng Kế Mỹ bị thay đổi địa giới hành chánh, tách khỏi huyện Hương Trà và nhập vào huyện Phú Vinh kể từ thời gian này.
     Phần địa giới huyện Hương Trà còn lại được chia thành 6 tổng mới là : Phú Xuân, AnNinh, Phú Ốc, Long Hồ, Hương Cần, Vĩnh Trị.
     Ngày 17/05/1958, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa ra Nghị định số 214 – HC/PC/NĐ ấn định các đơn vị Hành chánh của tỉnh Thừa Thiên gồm 9 Quận : Phong Điền, Quảng điền, Hương Trà, Hương Thũy, Phú Vang, Phú Lộc, Vinh Lộc, Hương Điền, Nam Hòa, và 3 tổng Nguồn Bửu, Nguồn Rả, Nguồn Bồ.
     Làng Kế Võ lúc này thuộc tổng Kế Mỹ, Quận Vinh Lộc.
      Năm 1962 - nhằm sắp xếp lại các cấp hành chánh - chính quyền Việt Nam Cộng Hòa loại bỏ cấp Tổng ; gom nhiều thôn, xã, phường cũ có diện tích nhỏ và dân số ít lại thành một xã mới (các xã, phường lớn vẫn duy trì). Xã Vinh Xuân được thành lập gồm các phường Khánh Mỹ, phường Tân Xa, xã Kế Võ và các thôn Mai Vĩnh, Xuân Thiên Thượng, Xuân Thiên Hạ. Các xã, phường cũ này được gọi theo đơn vị hành chánh mới là thôn (hoặc ấp).
       Như vậy tên gọi xã Kế Đăng (năm 1886 gọi là Kế Võ), thuộc tổng Kế Mỹ, huyện Phú Vinh (Phú Vang), phủ Thừa Thiên dưới thời Nhà Nguyễn (năm 1823 – năm Minh Mệnh thứ 4) đã được đổi tên thành thôn Kế Võ, thuộc xã Vinh Xuân, quận Vinh Lộc –dưới chính quyền Việt Nam Cộng Hòa (năm 1962).
      Sau năm 1975, chính quyền mới cũng có một số điều chỉnh địa giới hành chánh một số địa phương trong tỉnh có liên quan đến xã Vinh Xuân, cụ thể như sau:      
      Ngày 20/9/1975, Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Nghị quyết số 245 quyết định hợp nhất ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên và khu vực Vĩnh Linh thành tỉnh Bình Trị Thiên. Do quy mô tỉnh mới quá rộng và có quá nhiều huyện trong tỉnh Bình Trị Thiên mới, nên :
    Ngày 11/3/1977 Chính phủ đã ra Quyết định số 62/CP về vấn đề điều chỉnh địa giới các huyện, xã thuộc khu vực Thừa Thiên – Huế
    + Nhập huyện Phú Lộc, Nam Đông và các xã Vinh Xuân, Vinh Thanh (thuộc huyện Phú Vang) thành một huyện lấy tên Phú Lộc.
    + Nhập huyện Hương Thũy, Phú Vang thành huyện Hương Phú.
    + Nhập huyện Hương Trà, Phong Điền và Quảng Điền thành huyện Hương Điền.
       Sau khi điều chỉnh, khu vực Thừa Thiên Huế có thành phố Huế, huyện Hương Điền, huyện Hương Phú, huyện Phú Lộc và huyện A Lưới.
      Nhưng một thời gian sau, với nhiều lý do khác nhau - ngày 14/4/1989, Bộ Chính trị có quyết định số 87/QĐ/TW chia tỉnh Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế.
      Ngày 30/6/1989, Quốc hội khóa VIII, kỳ họp thứ V đã thông qua nghị quyết về việc phân vạch địa giới hành chính của tỉnh Bình Trị Thiên.
      Từ ngày 1/7/1989, bộ máy đảng, chính quyền, đoàn thể tỉnh Thừa Thiên Huế bắt đầu hoạt động trong đơn vị hành chính mới. Có 05 đơn vị hành chính, bao gồm thành phố Huế (18 phường, 22 xã), huyện Hương Phú (1 thị trấn, 24 xã), huyện Hương Điền (1 thị trấn, 31 xã), huyện Phú Lộc (1 thị trấn, 26 xã) và huyện A Lưới (21 xã).
     
 Ngày 29/9/1990 Hội đồng Bộ trưởng ra quyết định số 345/HĐBT về việc điều chỉnh lại các địa giới hành chính của tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:
      + Chuyển 08 xã thuộc thành phố Huế nhập vào huyện Hương Phú (gồm các xã Thủy Bằng, Thủy Dương, Phú Thượng, Phú Mậu, Thuận An, Phú Thanh, Phú Dương, Phú Tân) và chuyển 09 xã thuộc thành phố Huế nhập vào huyện Hương Điền (gồm các xã Bình Thành, Bình Điền, Hương Điền, Hương Hồ, Hương An, Hương Vinh, Hương Thọ, Hương Phong và Hải Dương). Thành phố Huế còn lại 18 phường và 05 xã.
      + Chia huyện Phú Lộc thành 2 huyện Phú Lộc (01 thị trấn, 17 xã) và huyện Nam Đông (9 xã).
      + Chia huyện Hương Phú thành 2 huyện: Hương Thủy (1 thị trấn, 11 xã) và huyện Phú Vang (21 xã).
      + Chia huyện Hương Điền thành 3 huyện: Hương Trà (1 thị trấn, 15 xã), Phong Điền (15 xã) và huyện Quảng Điền (10 xã).
      Dịp này các xã Vinh Thanh và Vinh Xuân được trả về lại huyện Phú Vang và ổn định từ đó đến nay. Hiện nay làng Kế Võ được gọi là thôn Kế Võ, thuộc xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên – Huế.


Cờ công nhận làng văn hóa - Kế Võ
  
    C/ Dân cư, kinh tế & văn hóa – xã hội :
     Làng được chia thành 3 xóm gọi là xóm Trong, xóm Giữa và xóm Ngoài, có phân biệt địa giới rõ ràng. Trước đây cư dân của làng đông đúc ( trước năm 1955), nhưng sau đó do chiến tranh, nên cư dân của làng phải tứ tán phiêu bạc khắp nơi để tìm đất sống, nên hiện nay dân số chỉ còn khoảng dưới 200 người sống ở làng, nhưng phần nhiều là người già. Nguồn thu nhập chủ yếu hiện nay của số cư dân đang sống tại làng là trồng lúa và các loại cây hoa màu trái vụ. Tuy là làng ven biển nhưng dân làng không có ai làm nghề biển, trước đây làng nổi tiếng về nghề mộc, đây là một nghề truyền thống của làng từ xa xưa.
     Cư dân của làng đi lập nghiệp các nơi cũng chủ yếu là làm nghề mộc, làng cũng có rất nhiều người làm nghề giáo (từ tiểu học đến đại học) và nghề y; hầu như gia đình nào cũng có người làm nghề dạy học. Ngoài ra cũng có một số là chức sắc, nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, ca nhạc sĩ; đa số họ đều thành đạt và thường xuyên về làng trong các dịp lễ hội của làng và lễ chạp của các tộc Họ.
     Làng Kế Võ là một ngôi làng quê tiêu biểu của xứ Huế, nó cũng bình thường như bao ngôi làng khác của đất Thần Kinh. Nó cũng có những phong tục tập quán, những cơ sở vật chất và con người điển hình của xứ Huế.  Đầu làng có đình làng, có cây đa trong sân đình; có chùa làng, cả 3 xóm của làng đều có Am xóm làm nơi thờ tự riêng của mỗi xóm.  
      Làng có 11 dòng Họ là : Họ Hoàng, Đinh, Nguyễn Viết, Trần, Nguyễn Đình, Nguyễn Duy, Phạm, Nguyễn Đăng, Nguyễn Hữu, Ngô, Hồ.
      Mỗi dòng Họ đều có ngôi Từ Đường riêng rất lớn, được xây dựng từ xa xưa, luôn luôn được trùng tu và chăm sóc chu đáo; là nơi thờ tự, tiến hành các lễ lớn và sinh hoạt của các dòng Họ. Với 3 họ lập Làng là Họ Hoàng, Họ Đinh và Họ Nguyễn Viết, được gọi là Tam Tôn vì có Sắc Phong Thần Hoàng Khai Canh lập làng của triều Nguyễn, các họ còn lại gọi là Lục tánh (bá tánh), được phân biệt đẳng cấp và thế thứ rõ ràng. Các danh xưng này có từ thời Quân chủ, nhưng ngày nay sự phân biệt này không còn, các dòng Họ đều bình đẳng khi lo việc làng.
      Nếu so sánh với các ngôi làng lân cận, làng Kế Võ tương đối nhỏ cả về diện tích và quy mô dân số, nhưng nhiều thế hệ người dân của làng đã sống với nhau từ hơn 300 năm nay, nên mọi gia đình trong làng đều có quan hệ dây mơ rễ má với nhau. Có nghĩa là bất cứ một người dân nào của làng chỉ cần bước chân ra đường làng là gặp bà con. Cho nên người dân ở đây sống rất hiền hòa, tối lửa tắt đèn luôn có nhau; mặc cho các biến động của thế cuộc, ngôi làng quê này vẫn bình yên nép mình bên bờ đầm Hà Trung và nhìn ra biển Đông đầy biến động.
      Những phong tục tập quán, nghi thức trong tế tự, những truyền thống tốt đẹp của làng Kế Võ luôn được dân làng gìn giữ và duy trì. Các ngôi đình, chùa, miếu, am và các ngôi Từ đường của các dòng Họ luôn được gìn giữ và chăm sóc chu đáo. Hàng năm các cuộc Tế của làng, lễ giỗ của các Họ - nhất là Lễ Chạp của làng và của các tộc Họ vào trung tuần tháng 8 âm lịch được tổ chức rất lớn. Con dân của làng, con cháu của các tộc Họ dù tha phương cầu thực ở bất cứ phương trời nào, vào dịp này đều về tham dự đông đủ. Đây là những ngày hội thật sự của làng, là một cuộc hội ngộ lớn của dân làng.
      Mong rằng quê hương tôi giữ mãi sự thanh bình vốn có, giữ được truyền thống văn hóa văn hiến từ xưa truyền lại. /.

ĐKT 
27.11.2017

 CHÚ THÍCH:
   -  Bài viết này dựa trên những tư liệu của chính sử, địa chí tỉnh TT – Huế, các thư tịch cổ, các bản gia phả của các làng, các dòng họ có liên quan và tư liệu điền dã riêng của tác giả.

(1). Nhà thơ, nhà thư pháp Nguyệt Đình tên thật là Đinh Khắc Duyệt – năm nay đã 80 tuổi, hiện sống tại thành phố Huế - là một thành viên của tộc họ Đinh Khắc, ông nguyên là một giáo viên Trung học trước năm 1975.
Là một nhà thơ nổi tiếng về thơ Đường Luật tại Huế, ông đã có nhiều tập thơ được xuất bản, những sáng tác đầu tay của ông có từ năm 1966. Ông còn là một nhà thư pháp có tiếng tại Huế, hiện nay đang là Chủ tịch hội Thư Pháp tỉnh TT – Huế. 
Ông là Phó BLL họ Đinh tỉnh TT – Huế.
(2). Theo các tư liệu điền dã của nhà nghiên cứu Lê Nguyễn Lưu và khoa Sử trường Đại Học Sư phạm Huế thì - hầu hết các bản Gia Phả đang được lưu truyền trong các dòng họ tại Huế hiện nay đều mới được lập dưới triều vua Tự Đức(1848-1883) trở về sau.
 - Bản Gia Phả chép tay được cho là cổ nhất hiện đang được lưu giữ tại Thừa Thiên – Huế là Lê tộc thế phả của Họ Lê ở làng La Khê, huyện Hương Trà, lập năm Cảnh Hưng thứ hai (1741) - có nội dung rất sơ sài đơn giản. Tại thôn 5 làng Mỹ Lợi, huyện Phú Lộc có bản Phan thị gia phả lập năm Gia Long thứ 2 (1803). Đây là 02 bản Gia Phả cổ nhất còn lưu giữ được tìm thấy tại tỉnh Thừa Thiên – Huế hiện nay .
(3). Để quý vị tiện theo dõi bài viết, xin lưu ý với quý bạn đọc một số vấn đề về các danh xưng: phủ, huyện, tổng, làng - xã, thôn, ấp của thời kỳ này . Nếu theo như cách gọi của thời kỳ này (thế kỷ XV), nếu tính từ dưới lên thì thấp nhất là ấp (hoặc thôn), rồi tới làng (xã), tới tổng, huyện và phủ (tỉnh hiện nay). Theo đó, đơn vị hành chánh cấp thôn (ấp) là cấp thấp nhất. Cấp làng (Hán – Việt gọi là xã), một làng có thể chỉ một thôn (ấp), nhưng làng lớn có thể có nhiều thôn (ấp). Tiếp đó là cấp tổng, một tổng gồm nhiều làng (xã) ; đây là cấp hành chánh như cấp xã, phường hiện nay (tới năm 1962 chính quyền VNCH mới loại bỏ cấp tồng). Cấp huyện – một huyện gồm nhiều tổng (chứ không phải là nhiều xã như hiện nay) và cuối cùng là cấp phủ - tương đương như cấp tỉnh (thành) hiện nay.
Theo đó dưới thời Hậu Lê, năm 1466, Vua Lê Thánh Tông phân chia địa giới hành chính cả nước Đại Việt thành 12 đạo thừa tuyên và chính thức đặt Thuận Hóa làm thừa tuyên Thuận Hóa gồm 2 phủ (Tân Bình, Triệu Phong), 8 huyện, 4 châu . 
     
 - Phủ Tân bình có 2 huyện Khang Lộc và Lệ Thủy, 2 châu: Minh linh và Bố chính.
     
 - Phủ Triệu Phong có 6 huyện : Hải Lăng, Vũ xương, Đan điền, Kim trà, Tư vinh, Điện bàn và hai châu là Thuận Bình và Sa Bôi. 
   Ba huyện Đan Điền, Kim Trà và Tư Vinh là toàn bộ tỉnh Thừa Thiên – Huế ngày nay.
(4
). Chúng tôi vẫn đang tìm hiểu việc ấp Kế đăng được nâng lên thành làng (xã) năm nào ?
 - Vì trong tác phẩm Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ( được viết năm 1776, lúc ông đang giữ chức Hiệp trấn Tham tán Quân cơ - trong sáu tháng tại Thuận Hóa ; Thuận Hóa lúc này đang bị Chúa Trịnh chiếm trong 12 năm ,1775 – 1786); ấp Kế đăng đã được chép là làng (xã) Kế Đăng thuộc tổng Kế Thực (hay Kế Mỹ); huyện Hương Trà, phủ Triệu Phong, xứ Thuận Hóa . Và trong tổng Kế Mỹ lúc này gồm 12 xã, 1 thôn , 9 phường – hoàn toàn không còn có đơn vị hành chính ấp.
- Nhưng có một điều lạ là cho mãi tới năm Duy Tân năm thứ 7 ngày mồng 8 tháng 10 (năm Quý Sữu - 1913); trong bản Sắc phong Bổn thổ Khai canh do triều Duy Tân phong tặng cho vị Khai canh người Họ Đinh thì bản sắc phong này vẫn chép là ấp Kế Võ – danh xưng “ấp” vẫn được dùng
(5) Phần chú giải này bạn đọc nên lưu ý 02 ý chính, như sau:
- Về giai đoạn lịch sử 1655 - 1672 đây là thời điểm dưới thời Nhà hậu Lê (còn gọi là Lê trung hưng ), hay thời kỳ Vua Lê – Chúa Trịnh, vị vua tại vị là Lê Thần Tông, (vị vua này  có tới hai lần làm vua - lần đầu từ năm 1619- 1643, sau đó truyền ngôi cho con là Lê Chân Tông 1643 – 1649, nhưng ở ngôi được 7 năm lại chết không có con nối dõi, nên Vua Lê Thần Tông phải lên ngôi lần thứ hai 1649 – 1662, tính thời gian trị vì 2 lần tới 38 năm, là vị vua có thời gian trị vì lâu thứ hai thời Hậu Lê sau vua Lê Thánh Tông )và Vua Lê Huyền Tông (1663 – 1671). Chúa tại vị là Chúa Trịnh Tạc (1653–1682).
- Về cái tên Thanh Hóa: Vào năm Thuận thiên thứ nhất (năm 1428), Vua Lê Thái Tổ chia nước thành 5 Đạo, Vùng đất gồm toàn bộ tỉnh Thanh Hóa và Ninh Bình ngày nay thuộc Hải Tây Đạo. Đến năm Quang Thuận thứ 7 (1466), vua Lê Thánh Tông chia nước thành 13 Đạo Thừa Tuyên, vùng đất này thuộc Thừa Tuyên Thanh Hóa, nhưng đến năm Quang Thuận thứ 10 (năm 1469), tức là chỉ 3 năm sau lại đổi thành Thừa Tuyên Thanh Hoa. Tóm lại dưới  thời Hậu Lê - nhà Mạc, vùng đất này luôn luôn mang cái tên là Thanh Hoa (chỉ có 3 năm từ 1466 – 1469 là mang tên Thanh Hóa).
Vùng đất là tỉnh Ninh Bình ngày nay lúc này thuộc Phủ Trường Yên và Phủ Thiên Quang (Nho quang), trực thuộc Thừa Tuyên Thanh Hoa. Tới năm 1802, sau khi Gia Long lên ngôi đã đổi Thừa Tuyên thành Trấn và gọi là Trấn Thanh Hoa, đến năm Minh Mệnh thứ 12 (1831), đổi trấn thành tỉnh và chia tỉnh Thanh Hoa thành 2 tỉnh là Thanh Hoa và Ninh Bình. Đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) mới được đổi thành tỉnh Thanh Hóa, vì kỵ húy bà Hoàng Thái Hậu Hồ Thị Hoa (người Gia Định), mẹ vua Thiệu Trị. Cũng vì kỵ tên húy này mà đã có hàng loạt địa danh trên cả nước phải đổi tên, như : Chợ Đông Hoa ở Huế đổi thành chợ Đông Ba, cầu Hoa ở Sài gòn thành cầu Bông…
Qua phân tích trên có thể khẳng định cái tên Thanh Hóa vào thời điểm năm 1655 - 1672 khi tổ tiên chúng ta vào định cư tại Thuận Hóa là chưa có .

TÀI LIỆU THAM KHẢO :

1. “ Dư Địa Chí ” của Nguyễn Trãi
2. Sách “Châu Ô Cận Lục” của Dương Văn An soạn năm 1555 (đời nhà Mạc).
3. Phủ Biên Tạp Lục – của Lê Quý Đôn
4. Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí – của Phan Huy Chú
5. Quốc sử quán Triều Nguyễn :
-  Khâm định Việt sử thông giám cương mục (nhiều quyển);
-  Đại Nam thực lục (nhiều quyển);
-  Đại Nam liệt truyện (nhiều quyển).
6. “Đại Nam Nhất Thống Chí” bộ dịch của Tụ Trai Nguyễn Tạo, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn ấn hành năm 1961.
7. Quốc Triều Đăng Khoa Lục của Cao Xuân Dục, Bộ quốc gia giáo dục, Sài Gòn ấn hành năm 1962.
8. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, của Ngô Sỹ Liên, bản dịch của Viện Sử Học, xuất bản năm 1971- 1973 (nhiều quyển).
9. Việt sử thông giám cương mục.
10. Đại Việt địa dư toàn biên.
11. Đại Việt sử lược, khuyết danh, gồm 03 quyển
12. Đại cương Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục.
13. Việt Nam Sử Lược, của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1999.
14. Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1971.
15. Các Triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, 2010.
16. Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, của Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức, nhà xuất bản Văn hóa Thông tin , năm 2010.
17. Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quỳnh Thắng – Nguyễn Bá Thế.
18. Việt Sử Xứ Đàng Trong, của Phan Khoa do nhà xuất bản Khai Trí ấn hành năm 1970.
19. Địa chí Thừa Thiên Huế - Phần Lịch sử (Nhà Xuất bản Khoa học xã hội - năm 2005).
20. Nguyễn Phúc Tộc thế phả, NXB Thuận Hóa – Huế.
21. “Chín đời Chúa, mười ba đời vua Nguyễn” của Nguyễn Đắc Xuân, do nhà xuất bản Thuận Hóa – Huế xuất bản năm 1998.
22. Tỉnh Thừa Thiên Huế - Địa phương Chí, Huế, 1973.
23. Lịch sử 100 ngôi chùa nổi tiếng ở xứ Huế của Nguyễn Đắc Xuân – Xuất bản năm 1998.
24. Gia phả của các dòng Họ nổi tiếng của xứ Huế - nhà xuất bản Thuận Hóa – Nhà xuất bản trẻ năm 1999
25. Sử ký Tư mã thiên, Phan Ngọc dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 1999.
26. Lịch sử Phật Việt Nam , của GS. Lê Mạnh Thát, Tập I,II,III NXB Thuận Hóa, 1999-2001.
27. Tập 1 – Văn hóa Huế xưa - Đời sống văn hóa gia tộc – Lê Nguyễn Lưu – Nhà xuất bản Thuận Hóa 2006.
28. Việt Nam Văn hóa Sử cương của Đào Duy Anh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1992.
29. Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1+2+3 của Nguyễn Khắc Thuần, nhà xuất bản giáo dục, 1997.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét