Hai bậc kỳ tài (Nguyễn Huệ - bên tái, Nguyễn Ánh - bên phải)
Lịch sử phải ghi nhận rằng Nguyễn Ánh là một bậc đế vương thiên tài
thuộc diện hiếm thấy tại VN. Năm 17 tuổi bị truy sát cả dòng họ chỉ duy nhất
một mình ông chạy thoát; để rồi lưu lạc khắp lục tỉnh và thu phục nhiều cánh
quân nổi loạn, được tôn làm đại tướng quân cũng ở tuổi 17. Năm Canh Tý (1780)
Nguyễn Phúc Ánh chính thức lên ngôi vương tại sài gòn, dùng ấn “Đại Việt quốc
Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” làm ấn truyền quốc, niên hiệu thì vẫn tuân theo
chính sóc nhà Lê.
Phải nói đây là một con người có “chân mệnh thiên tử” hay nếu gọi
cách khác thì đây là một thiên tài quân sự, một bậc kỳ tài của VN ta ở thế kỷ
18 – 19. Sau khi bị quân Tây Sơn tàn sát toàn bộ gia đình, dòng họ; chiếm lấy
giang sơn mà tổ tiên ông đã gầy dựng từ hơn 100 năm trước đó. Chỉ một mình ông
may mắn chạy thoát khi chỉ mới 17 tuổi. Nhưng chỉ 25 năm sau ông đã lấy lại
được giang sơn, khôi phục lại cơ đồ nhà Nguyễn và thống nhất được đất nước !
Ngay trong năm Đinh Dậu (1777), ông đã tập hợp được một đội quân
đặt tên là "Nghĩa dũng", quyết chí phục thù với "thù nhà nợ
nước" chồng chất. Sau đó là một giai đoạn gian nan thất bại nối tiếp thất
bại, có khi chỉ còn lại một mình thoát thân. Nhưng mỗi lần ông quay lại hay đi
đến đâu thì người dân lại ủng hộ ông hết mình. Họ đi theo ông từ lần này đến
lần khác, kể cả quân Xiêm, người Pháp và thậm chí tướng lĩnh Tây sơn, cứ trùng
trùng lớp lớp theo ông khi ông khó khăn nhất cũng như khi đã lớn mạnh.
Đó cũng một phần nhờ vào khí chất của một bậc quân tử đã thu phục
tất cả bọn họ, ngoài “chân mệnh thiên tử”.
Kể cả lịch sử Trung Hoa và các nền lịch sử chung quanh ta, thậm chí
các nền lịch sử của các nước lớn khác trên thế giới cũng khó tìm ra một hiện
tượng như thế. Khi mà “thù nhà nợ nước” ông đã làm tròn, ông đã làm được điều
mà rất khó có bậc đế vương nào làm được.
Sau khi thống nhất đất nước (1802); lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu
là Gia Long, ông đã đưa nền kinh tế của VN đạt đến cực đại của khu vực thời kỳ
đó. Nhưng cái hay nhất của lịch sử chính là sự đối đầu của một nhà chính trị
lỗi lạc như Nguyễn Ánh với một nhà quân sự tài ba như Quang Trung quả là hiếm
thấy; đã làm cho lịch sử thời kỳ này hay hơn, đặc sắc hơn!
Lục tỉnh (6 tỉnh miền Tây nam bộ - vùng đất tranh hùng của họ)
Sau đây là thống kê sơ bộ của những nhà sử học những lần thoát chết
tiêu biểu của ông vua này, ngoài yếu tố may rủi theo quy luật thông thường, chỉ
có thể nói rằng đây là bậc có "chân mệnh thiên tử".
Lần 1, năm 1777 cả gia tộc Nguyễn Phúc tộc bị quân lính nhà Tây Sơn
thảm sát, một mình Nguyễn Ánh chạy thoát khi mới 17 tuổi, ông phải theo tàn
quân chạy ra Phú Quốc trốn thì quân Tây Sơn lùng sục khắp nơi muốn nhổ cỏ tận
gốc. Nguyễn Ánh lâm vào cảnh đói khát, trong sử sách hiện vẫn còn lưu truyền
câu chuyện, … ông đã cầu nguyện: "Nếu trời cho ta làm vua thì hãy ban nước
ngọt và lương thực". Trong lúc tuyệt vọng, ổng dùng gươm cắm sâu xuống khe
đá. Chỗ mũi kiếm cắm xuống đá nứt ra nước ngọt từ dưới lòng đất tuôn ào ạt.
Chưa hết, cá ở đâu từ biển nổi lên trên mặt nước vô số kể, giúp Ánh có lương
thực để chống đói. Loại cá này sau đó được gọi là cá cơm. Để ghi nhớ sự kỳ diệu
này, dân trong vùng gọi đây là Giếng Tiên.
Lần 2, Trong trận chiến ở Định Tường, Nguyễn Ánh trực tiếp so tài
cùng Nguyễn Huệ, bị Huệ đánh tả tơi. Thuyền chiến của Ánh, đều bị Huệ đánh chìm
và tịch thu. Binh sĩ của Nguyễn Ánh vốn sợ quân Tây Sơn như sợ cọp liền bỏ chạy
hết, bỏ quên chủ tướng bị chìm trong bùn do ngựa sa lầy xuống bùn. May sao
tướng Nguyễn Huỳnh Đức liều chết quay lại cứu; một mình lớn tiếng thách thức
quân Tây Sơn lại gần. Tiếng nói của ông vang dội cả rừng, khiến quân Tây Sơn
sinh khó hiểu, sợ có mai phục nên rút lui. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát được.
Đêm đó Nguyễn Ánh ngủ gục trên đùi Huỳnh Đức, ông thức trắng đêm
đuổi muỗi cho chúa. Sau này khi đại nghiệp thành, Nguyễn Ánh đã rất cảm động vì
sự trung thành và tận tuỵ này, đã ban quốc tính họ Nguyễn cho ông, đối đãi với
ông như thành viên của hoàng gia.
Trong một lần giao tranh, Huỳnh Đức bị chính tay Nguyễn Huệ bắt
sống. Huệ cũng rất thích ông nên thu dụng, nhưng ông bảo là chỉ đánh quân Trịnh
chứ quyết không phản Nguyễn Ánh. Về sau khi cùng Nguyễn Huệ thành công đánh
quân Trịnh rồi, đã trả cái ơn không giết, Huỳnh Đức rời bỏ Tây Sơn sang đất
Thái để tìm chúa cũ. Ông bất ngờ khi Nguyễn Ánh vừa về Sài Gòn. Vua Thái muốn
giữ ông lại nhưng ông vẫn ra đi để tìm cho được Nguyễn Ánh phò tá mới thôi.
Lần 3, quân Tây Sơn phát hiện nơi ẩn náu của Ánh ở Đá Chồng, tổ
chức bao vây sắp tóm được Ánh thì Lê Phước Điển tình nguyện mặc đồ Nguyễn Ánh
để ra hy sinh lừa Tây Sơn. Điển bị chém đầu, còn Ánh tiếp tục thoát sang đảo Cổ
Long.
Lần 4, thủy quân Tây Sơn do Trương Văn Đa chỉ huy bao vây đảo Cổ
Long, trên đảo có Nguyễn Ánh và một nhóm nhỏ tàn quan trú ngụ. Rút kinh nghiệm
những lần trước nên quân Tây Sơn tổ chức vây chặt đảo tới 3 vòng. Khi chuẩn bị
tấn công đảo thì có bão lớn ập đến, thuyền Tây Sơn bị đắm phần lớn phải quay
về. Nguyễn Ánh lại thoát nạn, giữa biển cả mênh mông một mình chèo thuyền chạy
thoát sang đảo Cổ Cốt lân cận.
Lần 5, trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Ánh có linh cảm rằng quân
Xiêm sẽ bại trận nên không dám đi trước. Qủa nhiên đại quân thủy – bộ Xiêm chỉ
trong một ngày bị giết đến quá nửa; thủy quân bị Nguyễn Huệ tiêu diệt gần hết,
thậm chí tướng rất thân của Nguyễn Ánh là Châu Văn Tiếp cũng tử trận. Tuy đã
rút về phía sau, nhưng ngay trong trận này Nguyễn Ánh đã bị một bộ tướng tướng Tây
Sơn tên Trân bắt được, nhưng vì có ân tình trước đó nên lại được thả.
Lần 6, Nguyễn Huệ đánh vào Gia Định 4 lần không bắt được Nguyễn
Ánh, cho rằng Ánh có số làm vua; tổ tiên 8 đời chúa Nguyễn trước đó đã ủng hộ
Ánh . Nên Huệ đã ra lệnh phá hủy hết lăng mộ 8 đời chúa Nguyễn để cắt
"long mạch", ngăn tổ tiên phù hộ cho Ánh.
Lần 7, Nguyễn Ánh chạy bộ còn quân Tây Sơn do Nguyễn Văn Trương thì
cưỡi ngựa đuổi theo. Khi Nguyễn Ánh vừa chạy qua khỏi một đoạn đường hẹp thì có
một thân cây lớn mục nát đổ xuống chắn ngang đường, kỵ binh Tây Sơn không sao
qua được. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát nạn. Nguyễn Văn Trương sau việc trên cũng
đã linh tính về chân mệnh thiên tử của chàng thanh niên này. Nên về sau khi
Nguyễn Ánh trở lại Nam Bộ, ông đã xin hàng và trở thành một trong ngũ hổ tướng
thân tín nhất, là vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, lập rất nhiều công
to.
Lần 8, trong đại chiến Thị Nại, lúc thuyền chở Nguyễn Ánh chèo vào
giữa biển lửa thì đúng ngay tầm bắn của hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai,
đại bác nã như xả đạn vào đầm. Tướng Võ Di Nguy bị một phát bay đầu, binh lính
chết gần hết, nhưng riêng Ánh vẫn sống nhăn, chả sứt mẻ gì. Phải chăng tử thần
cũng bất lực với Nguyễn Ánh ?
Lần 9, Nguyễn Huệ chuẩn bị đánh Gia Định lần thứ 5, quyết chiến lần
cuối với Nguyễn Ánh, cuộc “xuôi Nam trừ bạo” được chuẩn bị khá công phu quyết
bắt cho bằng được Nguyễn Ánh … thì gặp gió ngược nên chưa thể vào nam. Tới khi
sắp có gió thuận thì bỗng lăn đùng ra đột tử, Nguyễn Huệ mất năm Nhâm Tý
(1792).
Lần 10, lúc Gia Long ra công trường để giám sát việc xây lăng cho
mình, đang ngồi thì một cơn lốc lớn xô đổ bức từng lớn phía sau đổ ập về phía
trước. Hai hoàng tử tháp tùng bị trọng thương, nhiều quan lại khác chết tại
chỗ. Thiệt hại rất lớn, thế nhưng Nguyễn Ánh vẫn sống nhăn nhờ kịp tránh vào
cái hố bên cạnh; chỉ bị thương nhẹ. Phải chăng do có phản xạ nhanh như vận động
viên với kinh nghiệm nhiều năm hành tẩu giang hồ, hay có “chân mệnh thiên tử” ?
Bản đồ VN năm 1788
Trên đây là tóm lược 10 lần Gia Long – Nguyễn Ánh thoát nạn, tuy
nhiên vẫn còn có rất nhiều lần thoát nạn khác suối 25 năm hành tẩu giang hồ của
ông mà người viết không có thời gian nêu ra.
Nói chung trời cho quá nhiều cơ hội, không làm vua cũng uổng. Mong
sao sau này sẽ có một bộ phim công bằng hơn nói về cuộc đời của vị vua này; vì
cuộc đời ông cũng chả khác gì phim ./.
ĐKT
25/10/2019