MỘT SỰ THẬT NỮA CẦN ĐƯỢC TRẢ LẠI CHO LỊCH SỬ !

Bìa cuốn sách của học giả người Mỹ

I / Bối cảnh:
Năm 1765 chúa Nguyễn Phúc Khoát mất; Nguyễn Phúc Thuần lên ngôi chúa. Ông không phải là người được chuẩn bị để gánh vác trọng trách này mà một người anh là Nguyễn Phúc Luân đã được chúa chọn và đào tạo để gánh vác trọng trách này. Nhưng khi chúa mất quyền thần Trương Phúc Loan không muốn lập Nguyễn Phúc Luân lên ngôi vì ông đã lớn tuổi khó bề lộng hành; thế là Loan đã chọn Nguyễn Phúc Thuần con thứ 12 cùa Phúc Khoát, mới 12 tuổi lên ngôi. Nguyễn Phúc Luân bị bắt giam và bị giết sau đó.
Chúa còn nhỏ và không được chuẩn bị sẵn để kế vị nên gặp nhiều bỡ ngỡ trên ngai vàng. Mọi quyền hành đều do một tay Trương Phúc Loan sắp đặt; ông đã thâu tóm mọi quyền lực từ chính sự cho tới kinh tế đều vào tay mình. Giữa lúc đó quan Thương thư bộ lại Nguyễn Cư Trinh người có uy tín và tài năng trong việc điều hành quốc gia mất (tháng 5 năm Đinh Hợi – 1767). Thế là không còn ai can ngăn Phúc Loan trong việc thâu tóm quyền lực nữa. Trước hành vi này của Phúc Loan rất nhiều phong trào phản kháng nổi lên khắp nơi, yêu cầu lập lập Hoàng tôn Dương lên kế vị. Nhà Nguyễn đã trãi qua 9 đời chúa bây giờ mới gặp cái nạn bị quyền thần lấn lướt như vậy.
Lợi dụng dịp này anh em Tây Sơn đã dấy binh khởi nghĩa ở Quy Nhơn (1771). Tháng 5 năm Giáp Ngọ (1774) quân Trịnh ở phía Bắc đem đại quân vào đánh Nguyễn. Có một điều khá oái ăm mà không phải ai cũng biết là cả quân Trịnh và quân Tây Sơn đều lấy danh nghĩa và khẩu hiệu là “trừ khử quyền thần Trương Phúc Loan và tôn phò Hoàng tôn Dương lên ngôi chúa”. (Nguyễn Phúc Dương là con trai của một vị Hoàng thái Tử tên là Hiệu, ông đã mất sớm). Cho nên 2 đội quân này đi tới đâu, đều được quân đội nhà Nguyễn và nhân dân phía Nam đón tiếp … Ngay cả khi tôn thất nhà Nguyễn hợp lực bắt trói Trương Phúc Loan nộp cho quân Trịnh; nhưng quân Trịnh vẫn không lui binh mà vẫn tiến chiếm thành Phú Xuân. Biết rằng mình bị lừa chúa  Nguyễn Phúc Thuần được các quan hộ giá chạy vào Quảng Nam lánh nạn. Quân Trịnh chiếm được Thuận Hóa mà không tốn một viên đạn nào, đó là vào tháng 12 năm 1774. Trong số các quan nhà Trịnh được cử vào cai trị Thuận Hóa có cụ Lê Quý Đôn (1776).
Quân Trịnh tiếp tục đánh vào Quảng Nam, chúa Nguyễn phải dẫn gia quyến chạy vào Nam bộ. Vào Quảng Nam quân Trịnh gặp quân Tây Sơn phía trong đánh ra hai bên đã bắt tay hòa hoãn; quân Trịnh rút khỏi Quảng Nam giao vùng đất từ Quảng Nam trở vào cho nhà Tây Sơn tranh hùng với chúa Nguyễn ?


Bản đồ VN cuối thế kỷ 18

Yên tâm về mặt Bắc, quân đội nhà Tây Sơn dốc toàn lực tấn công tiêu diệt quân của chúa Nguyễn. Do quân đội đã yếu, chúa lại còn nhỏ không giỏi chinh chiến, nên tàn quân Nguyễn bại trận liên tục. Tháng 9 năm Đinh Dậu (1777) quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy đánh vào thành Sài gòn, quân Nguyễn đại bại bỏ thành chạy xuống Long Xuyên. Quân Tây Sơn truy kích bào vây và chiếm thành Long Xuyên, chúa Nguyễn Phúc Thuần và toàn bộ gia quyến bị bắt và giết chết (chỉ có một mình Nguyễn Ánh, mới 15 tuổi, chạy thoát) .

II/. Cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn:
Từ giữa thế kỷ XVIII chính quyền họ Nguyễn ở Đàng Trong trải qua cuộc chính biến và lũng loạn của quyền thần Trương Phúc Loan nên đã bắt đầu suy yếu dần, quan lại chỉ chuyên kết bè kéo cánh bóc lột nhân dân. Người nông dân phải nộp nhiều thứ thuế, bị tước đoạt ruộng đất, bất bình oán giận dâng cao. Nên khi quân Tây Sơn do Nguyễn Nhạc cầm đầu phất cờ khởi nghĩa, cuộc khởi nghĩa đã nhanh chóng được nhân dân đồng tình ủng hộ; năm 1771 Nguyễn Nhạc lập căn cứ ở vùng Tây Sơn thượng đạo (An Khê – Gia Lai), lúc đầu mọi quyền hành đều do một mình Nguyễn Nhạc nắm vì hai người em còn lại còn quá nhỏ. Sau khi binh lực hùng mạnh thì xuống lập căn cứ ở Kiên Mỹ (Bình Định), với phương thức “lấy của người giàu chia cho người nghèo” xóa nợ và bỏ nhiều thứ thuế cho dân; đã khiến cho cư dân trong vùng thích thú xin gia nhập đội quân khởi nghĩa khá đông đảo. Tháng 9/ 1773 quân Tây Sơn lập mưu chiếm được thành Quy Nhơn. Đến đầu năm 1774, quân Tây Sơn đã kiểm soát được hoàn toàn vùng đất từ Quảng Nam tới Bình Thuận. Phía Bắc thì do quân Trịnh cái quản, phía Nam là vùng đất của chúa Nguyễn.
 Trên đây là phần lược trích từ chính sử ngày nay viết về phong trào Tây sơn và tình hình chính sự của VN những năn cuối thế kỷ XVIII.
Nhưng sử nhà Nguyễn thì không chép như vậy, họ cho rằng sự nhiễu loạn trên chính trường là do Trương Phúc Loan gây nên; cộng với đó là quân Trịnh và quân Tây Sơn đã chớp lấy cơ hội này lấy danh nghĩa và khẩu hiệu là “trừ khử quyền thần Trương Phúc Loan và tôn phò Hoàng tôn Dương lên ngôi chúa”, trong các cuộc tiến quân của mình. Đây chỉ là một khẩu hiệu để mua chuộc lòng dân đang hường về “Hoàng Tôn Dương” mà hai bên đã sử dụng triệt để nhằm chiếm đoạt quyền hành của nhà Nguyễn. Những gì xảy ra sau đó đã chứng minh cho nhận định này của sử nhà Nguyễn là chính xác.


Khu vực quân khởi nghĩa Tây Sơn đóng quân

Sử nhà Nguyễn cũng chép rằng “cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn có một lý do hoàn toàn khác”. Theo đó, Nguyễn Nhạc vốn là một vị quan chuyên thu thuế của nhân dân trong vùng; sau khi thu phải có trách nhiệm nộp lên quan trên, nhưng trong một dịp thu được một khoản tiền khá lớn Nhạc đã đánh bạc thua sạch. Sợ bị bắt tội, Nhạc đã dẫn toàn bộ anh em trong gia đình bỏ trốn lên vùng An Khê (Gia Lai) thượng đạo; chiêu dụ dân Thượng và những thành phần thảo khấu lập trang trại tổ chức sinh hoạt và sinh sống như người khai hoang (lúc này vùng Tây Nguyên chưa thuộc về người Việt). Do sống trên vùng núi rừng cực khổ, thiếu thốn đủ thứ nên Nhạc đã tổ chức những nhóm cướp, thỉnh thoảng tổ chức tấn công xuống vùng đồng bằng lân cận để cướp phá nhằm tìm kiếm cái ăn. Khu vực này nằm chung quanh đèo An Khê nhiều hiểm trở, phần quan quân địa phương sau biến cố thay đổi ngôi Chúa (1765-1770); nội tình nhà Nguyễn có nhiều biến động nên việc quản lý lỏng lẻo. Là một dịp rất tốt cho Nguyễn Nhạc phát triển lực lượng xuống đồng bằng; năm 1772 Nguyễn Nhạc đã lập được một căn cứ rất lớn ở Kiên Mỹ (Bình Định).
Tôi cũng không biết từ khi nào người ta gọi cuộc khởi nghĩa của anh em nhà Tây Sơn là cuộc khởi nghĩa nông dân và ai là người đã “phong” cho cuộc khởi nghĩa này cái mác là “nông dân”; chỉ biết rằng thời ấy (1771) tại Việt Nam chưa có cái danh xưng “nông dân” mà chỉ gọi họ là “người làm ruộng”. Chỉ đến khi chủ nghĩa Marx ra đời vào những năm cuối thế kỷ 19, trong học thuyết của mình khi diễn đạt Marx mới phân biệt giai cấp. Nào là công nhân, nông dân, tư sản, tiểu tư sản … giai cấp bóc lột và không bóc lột … Nhưng tất cả những thứ này đều ở châu Âu và châu Mỹ, khoảng năm 1768-1777 người VN ta hoàn toàn không biết và cũng chưa có một ông VN  nào đi tận châu Âu bê nguyên văn về truyền bá lại cho người Việt ta, hay bắt dân ta phải theo cả (vì nó chưa ra đời). Cho nên xin ai đó đừng gọi “phong trào nổi dậy của Tây Sơn” là phong trào “khởi nghĩa nông dân”, vì người Việt ta thời đó chưa có cái danh xưng “Nông dân” này mà chỉ gọi họ là những người làm ruộng ?


Bản đồ cuộc phân tranh Tây Sơn - Nguyễn

Phong trào Tây Sơn có rất nhiều mặt tích cực và bản thân Nguyễn Huệ xứng đáng là một anh hùng dân tộc. Nhà Tây Sơn đã từng đánh bại các âm mưu xâm lược của ngoại xâm như Xiêm La, Mãn Thanh… Nhưng cuối cùng, khi mà "toàn thắng ắt về ta" thì Nguyễn Huệ lên ngôi vua - Vua Quang Trung. Thì ra đây chỉ là một cuộc "đổi ngôi" ; một cuộc chiến nhằm tiếm ngôi vua của vua Nguyễn đương triều và rồi cuộc sống của người "nông dân" vẫn không có gì thay đồi cả !

Lịch sử luôn có những mặt trái của nó và vai trò lịch sử của phong trào Tây Sơn không chỉ là một “màu hồng” mà nó vẫn còn đó những góc khuất, những góc khuất cực kỳ tối đen !?

III/. Những góc khuất của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn
Theo những ghi chép của nhiều nhà truyền giáo sang truyền đạo tại Đại Nam ở cuối thế kỷ 18; quân Tây Sơn là một đội quân ô hợp, đủ thành phần nhưng phần lớn xuất thân từ những nông dân, thảo khấu. Lúc nào cũng hừng hực khí thế cướp phá, đốt cháy trước kẻ thù, đi tới đâu là máu chảy thành sông,… để lại sau lưng họ một đống hoang tàn, dân chúng thì bỏ chạy hoảng loạn. Một đội quân mang tiếng là “cướp của người giàu chia cho người nghèo” nhưng những gì họ để lại là một bãi chiến trường đầy mùi tử khí, không có bất cứ người nghèo nào đủ can đảm mà ở lại đón nhận những gì họ chia cho!
Quảng Nam trước năm 1773 là vùng đất trù phú với nhiều nông thổ sản sản xuất từ đây được các thương nhân Nhật, người Hoa … mua và đem bán đi khắp Đông Á. Với dân cư đông đúc, cảng thị Hội An sầm uất… Nhưng sau năm 17773 là vùng đất tranh chiếm và giằng co quyết liệt giữa Tây Sơn với chúa Nguyễn. Chính trong thời gian này, người ta chứng kiến được những cảnh cướp phá và vơ vét của những đội quân mang cái danh nông dân với tinh thần “cách mạng” thái quá. Rất tiếc là những sử liệu minh chứng cho những sự kiện này không phải xuất phát từ phía nhà Nguyễn, mà từ chính từ các nhà truyền giáo, các thuyền buôn nước ngoài, những người trực tiếp chứng kiến cảnh tượng ấy.
Trong một bức thư viết khoảng tháng 7 năm 1775, Đức cha Halbout đã ghi nhận: “…Quân nổi loạn đã cướp bóc, cướp phá chẳng nương tay, đến nổi cư dân trong vùng cứ 20 người thì có 19 người chết vì bị đầy đọa khổ sở. Các giáo khu ở Hàn và Cầu Né đều không còn… Năm ngoái, ở Bầu Nghé từ tháng 4 đến tháng 9 âm lịch số giáo dân bị giết đến sáu trăm người… Ở một nơi khác cũng thời gian ấy, ít nhất có đến 1500 giáo dân bị giết. Suốt hai năm ròng gần như quanh tôi lúc nào cũng có người chết và hấp hối…”.
Cảng thị Hội An nơi trước đây là một thương cảng sấm uất với “hàng trăm thuyền bè từ các của biển Trung Hoa và Nhật Bản đến mua đường, quế hồ tiêu…” nay trong mắt nhà buôn Chapman chỉ là một cảng thị điêu tàn, mà phải đến nhiều năm sau chưa phục hồi lại được. Linh mục Labartette miêu tả ở Cửa Hàn (Đà Nẵng) “không còn một con heo, gà, vịt, …chạy ngoài đường”. “ Đường cát trước kia sản xuất rất nhiều nay biến mất, tiền mất giá một quan còn giá trị độ một đồng, tình trạng đói khổ ăn xin xuất hiện phổ biến trong xứ, tình trạng này còn ảnh hưởng đến cả các dòng họ tôn thất và quan quyền của triều Nguyễn trước đây.”
Tình trạng diễn ra ở Quảng Nam không phải là cá biệt, trước đó khi chiếm Quy Nhơn năm 1773, và sau này là Quảng Ngãi quân Tây Sơn cũng nhiều lần đốt phá dinh cơ và tàn sát dân lành. Nhưng tình cảnh ở Quảng Nam có vẻ thê thảm hơn hay chúng ta không có nhiều tư liệu cho thấy tình cảnh này ở các nơi khác. Không chỉ có các tài liệu phương Tây, hệ quả mà quân Tây Sơn gây ra đã khiến cho dân xứ Quảng Nam, như Lê Qúy Đôn ghi nhận: “…quá đỗi đói khổ cùng khốn, họ chỉ ngóng trong quân nhà vua đến giải cứu cho họ…”. Những hành động tàn bạo này của quân Tây Sơn đã được các nhà truyền giáo ghi chép lại cụ thể từ những gì họ chứng kiến. Cho ta thấy dường như những động cơ tiến bộ của một cuộc khởi nghĩa nông dân chỉ là những sản phẩm tưởng tượng từ đầu óc hoang tưởng của các nhà viết sử thế kỷ 20 ?


Lục tỉnh (6 tỉnh Nam Bộ), vùng đất tranh hùng của Tây sơn - Nguyễn

Từ năm 1776, sau khi tạm hòa hoãn với quân Trịnh ở mặt Bắc, quân Tây Sơn bắt đầu những cuộc truy đuổi tàn dư chúa Nguyễn ở phía Nam. Ngay trong lần đầu hành quân ấy, dù không lấy được Gia Định, nhưng quân tướng nhà Tây Sơn dưới quyền của Nguyễn Lữ, đã kịp cướp bóc và vơ vét thóc lúa chở trên hai trăm thuyền về Quy Nhơn. Kể từ đó, cứ hằng năm vào mùa gió thuận quân Tây Sơn lại tiến vào đánh chiếm Gia Định, để rồi lại cướp bóc vơ vét thóc lúa chở về Quy Nhơn. Quân Nguyễn vừa chống vừa lui, hễ đại quân Tây Sơn rút về Quy Nhơn, quân Nguyễn lại đến tái chiếm, dẫn đến thế trận giằng co liên tục. Từ đây lịch sử sẽ phải ghi nhận chiến công của Tây Sơn trong công cuộc đánh bại chúa Nguyễn và quân xâm lược Xiêm La (1784), nhưng cũng sẽ ghi nhận cuộc tàn phá và giết chóc tàn bạo nhất của phong trào này.
Những tài liệu cho đến nay vẫn còn ghi nhận về một cuộc thảm sát chưa từng có, của quân Tây Sơn đối với các cư dân người Hoa ở Gia Định, mà nhất là ở Cù Lao Phố vào năm 1782. Các sử liệu của nhà Nguyễn ghi nhận, tháng 3 năm ấy, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ vào đánh chiếm Gia Định, một viên tướng của Tây Sơn là Phạm Ngạn bị quân Hòa Nghĩa (gồm phần đông người Hoa theo Nguyễn Ánh) do tướng Trần Công Chương cầm đầu bị giết ở cầu Tham Lương. Đáp lại, Nguyễn Nhạc ra lệnh bắt người Hoa ở Gia Định không kể quân hay dân đều giết hết, xác quăng xuống sông, thây chất ngổn ngang đến nổi nước không chảy nổi, suốt mấy tháng trời người dân không dám ăn cá, tôm và uống nước sông.
Những cảnh tượng “kinh khủng” được miêu tả ở trên có thể là do sự phóng đại của sử quan triều Nguyễn, con số “hơn vạn người” mà họ đưa ra cũng có thể phần nhiều chỉ là “thổi phồng”. Thế nhưng ngày nay chúng ta còn có một nguồn tư liệu khác chính xác hơn và đáng tin hơn, đó là những ghi chép “mục sở thị” của các nhà truyền giáo. Trong bức thư của Linh mục Andre Tôn (1/7/1784) lại ghi nhận số người chết trong các cuộc tấn công của nhà Tây Sơn là khoảng từ 10.000 – 11.000 người, trong đó phần lớn là người Hoa. Một bầu không khí khủng bố chết chóc bao trùm đối với người Hoa ở đây là có thật. Sau sự kiện này người Hoa từ Cù Lao Phố đã bắt đầu từ bỏ vùng đất trù phú này di cư đến vùng đất Sài Gòn ngày nay và cũng sau biến cố này Cù Lao Phố hay Nông Nại Đại Phố, một thời thịnh đạt“trên bến dưới thuyền” trở nên hoang tàn.
Nguyên nhân dẫn đến cuộc thảm sát năm 1782 là gì? Đa số các học giả của thế kỷ 20 cho rằng  “việc người Hoa ở Gia Định ủng hộ Nguyễn Ánh trong cuộc chiến chống lại Tây Sơn là lý do chính để gây ra cuộc thảm sát”. Tuy nhiên đây lại là hệ quả của những sự kiện xảy ra trước đó, nếu xâu chuỗi các sự kiện lại thì không có gì là khó hiểu cả ?
Người Hoa, xuất hiện trong hàng ngũ quân Tây Sơn khá sớm, ngay sau khi chiếm thành Quy Nhơn (1773) có một nhóm người Hoa do Tập Đình và Lý Tài đứng đầu tập hợp lại thành đội quân Hòa Nghĩa gia nhập quân Tây Sơn. Trong lúc quân Tây Sơn đánh chiếm Quảng Nam, họ gặp một nhóm người Hoa nữa xin gia nhập đội quân khởi nghĩa, họ chính là những khách buôn giữ vai trò quan trọng trong các hoạt động mậu dịch ở Hội An. Nhưng người Hoa ở đây lại chính là những thương nhân giỏi buôn bán, nghe quân khởi nghĩa đến người Hoa đã đem tiền bạc giúp sức. Nhưng ngay sau đó họ đã sớm nhận ra đây chỉ là những kẻ cướp, quân khởi nghĩa đã cướp phá ngay tài sản của họ … để rồi Tập Đình bị cách chức, Lý Tài cũng ngã về hàng ngũ chúa Nguyễn.
Sự phản bội của Lý Tài làm Tây Sơn mất đi một lực lượng quan trọng, không khỏi gây ra sự hậm hực của Nguyễn Nhạc, từ đây ác cảm của ông với người Hoa càng sâu đậm. Sau này, người Hoa Gia Định lại càng là nguồn hỗ trợ đắc lực cho Nguyễn Ánh ớ phía Nam, và là lực lượng hăng hái nhất trong cuộc đối đầu với Tây Sơn. Đó là lý do tại sao ngay từ năm 1776, quân Tây Sơn khi mới vào Gia Định đã đánh đuổi, cướp phá của người Hoa, cho đến năm 1782, nhân cái chết của một vị tướng thân thuộc – Phạm Ngạn – Nguyễn Nhạc đã quyết tiêu diệt người Hoa, diệt trừ một lực lượng quan trọng của Nguyễn Ánh lúc bấy giờ.


Đế kỳ của nhà Tây Sơn

IV/. Thay lời kết
Cách đây khoảng hơn 50 năm, có một số nhà sử học đã cả gan đụng đến những góc khuất của phong trào khởi nghĩa Tây Sơn, khi mà người ta đang tung hô và cho rằng đó là một phong trào “nông dân khởi nghĩa” với những danh xưng mà người ta gán ghép cho nó, đặt biệt là ở phương Tây. Nhưng ở VN, phải đến vào những năm 90 của thế kỷ trước mới có người dám đề cập đến những góc khuất này một cách bài bản, đó là giáo sư Trần Quốc Vượng; tôi đã tìm thấy ý kiến này trong một số bài viết của Giáo sư Vượng  trong một số cuốn tạp chí xuất bàn tại Huế, năm 1985.
 Sau khi bộ quốc sử đồ sộ của Việt Nam chính thức ra mắt, đã đánh giá lại một số vấn đề … người ta không còn gọi là ngụy quân – ngụy quyền nữa mà gọi là chế độ Sài gòn, là quân đội VNCH. Người ta có cái nhìn thông cảm hơn về nhà Mạc; không còn kết tội triều Nguyễn là bán nước cho Tây và gọi vua Gia Long là phản động là “cõng rắn cắn gà nhà” nữa. Người ta cũng đã công nhận văn hóa Khmer; văn hóa Chăm; văn hóa Mường là của người VN …
Nhưng cái nhìn về phong trào Tây Sơn thì chưa có gì thay đổi cả; cuộc nội chiến giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn là sự kiện đưa đến nhiều dị biệt nhất về mặt quan điểm hay nhận thức. Nổi bật nhất là quan điểm đưa ra cách nay hơn nửa thế kỷ, coi phong trào Tây Sơn như cuộc nổi dậy của giới nông dân bị áp bức, chống lại nhà Nguyễn thối nát. Sự lý tưởng hóa hầu như mọi hoạt động của phong trào Tây Sơn đã dẫn đến một số nhận định chủ quan về thực chất của phong trào này, nhiều sự thật lịch sử liên quan đến phong trào đã bị thần tượng hóa một cách gần như là thần thoại. Mãi cho tới gần đây, cuộc nội chiến kéo 30 dài năm (1770-1800) giữa nhà Nguyễn và nhà Tây Sơn được nhiều học giả, nhà nghiên cứu nước ngoài để tâm tìm hiểu. Họ có diều kiện hơn khi dựa vào nhiều nguồn tư liệu ở các văn khố nước ngoài, tiêu biểu là văn khố của Bộ Hải quân và Thuộc địa cũ và Hội Truyền giáo Hải ngoại Paris (Pháp). Nhờ thế mà số dữ kiện được đưa ra về thời kỳ này phong phú hơn, nhiều sự thật lịch sử trước đây, vì lý do này hay lý do khác, còn mơ hồ, chưa thống nhất, nay được rõ ràng, dứt khoát hơn.
Một trong những tác phẩm tiêu biểu cho chủ đề này là The Tây Sơn Uprising (Cuộc nổi dậy của nhà Tây Sơn) của giáo sư sử học người Mỹ George Dutton. Tác giả là giáo sư bộ môn Ngôn ngữ và Văn hóa châu Á thuộc trường Đại học California tại Los Angeles (UCLA), Mỹ; từng giảng dạy môn lịch sử Việt Nam cận và hiện đại, đồng thời là tác giả nhiều sách viết về xã hội Việt Nam các thế kỷ XVIII, XIX và XX. Riêng tác phẩm The Tây Sơn Uprising được trường Đại học Hawaii xuất bản năm 2006 là một công trình nghiên cứu quan trọng của Dutton về phong trào Tây Sơn những năm 1771-1802, trong khuôn khổ một cuộc nội chiến ác liệt và dằng dai kéo dài hơn 30 năm, với những di chứng còn tồn tại đến thế kỷ XIX.
Tôi đã đọc trọn bộ bộ sách này, công trình được thực hiện khá công phu, tỉ mỉ, ông đã đến nghiên cứu tại Việt Nam nhiều lần, tìm hiểu trong các kho tư liệu có liên quan, tham vấn các nhà sử học hiện nay, đồng thời về tận quê hương Bình Định của ba anh em nhà Tây Sơn, nơi phát tích cuộc nổi dậy, tìm đọc nhiều công trình nghiên cứu cũng như các truyền thuyết ở địa phương xung quanh “phong trào nông dân” này. Nhìn chung, qua công trình nghiên cứu về nhà Tây Sơn, tác giả đã cố gắng đưa ra những cứ liệu lịch sử tương đối khách quan để minh chứng cho các luận điểm của mình. 

Góc khuất chỉ là một cách nói nhằm tránh xung đột với sử cách mạng. Nhưng lý do vì sao cái phong trào “khởi nghĩa nông dân này” này nó lụi tàn nhanh chóng đến như vậy là một câu hỏi cần được làm rõ?
Trong những góc khuất đó có rất nhiều những góc khuất lịch sử vẫn còn nhiều bí ấn. Những góc khuất này không thể che lắp và phủ định được vài trò lịch sử của Tây Sơn, nhưng tự bản thân nó giúp chúng ta nhận chân hơn lịch sử, nhìn lịch sử bằng cái nhìn tương đối, không nên huyền thoại hóa lịch sử.
Bài viết chỉ là một nghiên cứu ngắn về nhà Tây Sơn. Trách nhiệm của những người nghiên cứu sử là không được phép thỏa mãn với những gì đã có sẵn. Công việc của họ là phải tìm tòi, khám phá những cái mới, những điều chưa ai biết hoặc chưa được công bố. Điều này, không có nghĩa là họ phải phủ nhận những cái cũ, nhưng trách nhiệm của họ là phải tìm ra trong những điều đã có đó đâu là sự thật !

Phải chăng đây là một sự thật nữa cần trả lại cho lịch sử ?

 ĐKT
12/4/2019


* Tài liệu tham khảo:
1/. Tạ Chí Đại Trường, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam (1771 – 1802), Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2012.
2/. Trần Quốc Vượng, “Mấy vấn đề về vua Gia Long”, Tạp chí Xưa và Nay, số 448, tháng 6, 2014, tr. 26 – 29 và số 450, tháng 10, 2014, tr. 14 – 18. 
3/.Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, Thư của các giáo sĩ thừa sai, Nguyễn Minh Hoàng dịch, Nxb. Văn học, Hà Nội, 2013, tr. 232 – 23.
4/. P. Lorenzo Pérez, “La Révolte et la guerre des Tayson d’après les Franciscains Espagnols de Cochinchine”,Bulletin de la Société des Etudes Indochinoises, XII, no.3-4 (1940), pp. 76.
5/.  Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, tập 1, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, Saigon, 1972, tr. 134.
6/.  Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam thực lục, tập 1, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2002, tr. 187; Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam liệt truyện, Nxb. Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 561.
7/. Trung tâm Nghiên cứu Quốc học,sđd, tr. 392.  
8/. F. Garnier, “Cholen”, Annuaire de la Cochinchina Francasie, Imprimerie Impériale, Saigon, 1865, pp.
9/.  Trần Văn Giàu (Chủ biên), Địa chí Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh, Nxb. Thành phố Hồ Chí Minh, 1987, tr. 220.
10/. Fujiwara Riichiro, “Vietnamese Dynasties Policies Toward Chinese Immigrants”.
11/. Acta Asiatica 18 (1970), p. 60.
12/.  Huỳnh Minh, Gia Định Xưa và Nay, Saigon, 1973, tr. 182;
13/. Choi Byung Wook, Vùng đất Nam Bộ dưới thời Minh Mạng, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2011, tr. 65 – 69. 
14/. Quốc sử quán triều, Nguyễn, Đại Nam thực lục, sđd, tr. 185.  Đại Nam liệt truyện, sđd, tr. 560 – 561.
15/.  Từ điển bách khoa Tri thức quốc phòng toàn dân; Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2002.
16/.  Lịch sử Việt Nam từ nguồn gốc đến năm 1884. Nhà xuất bản tổng hợp TP HCM, 2011.
17/. Lịch sử Việt Nam giản yếu, Hà Nội, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, 2000.

CHÂN MỆNH THIÊN TỬ

 Hai bậc kỳ tài (Nguyễn Huệ - bên tái, Nguyễn Ánh - bên phải)

Lịch sử phải ghi nhận rằng Nguyễn Ánh là một bậc đế vương thiên tài thuộc diện hiếm thấy tại VN. Năm 17 tuổi bị truy sát cả dòng họ chỉ duy nhất một mình ông chạy thoát; để rồi lưu lạc khắp lục tỉnh và thu phục nhiều cánh quân nổi loạn, được tôn làm đại tướng quân cũng ở tuổi 17. Năm Canh Tý (1780) Nguyễn Phúc Ánh chính thức lên ngôi vương tại sài gòn, dùng ấn “Đại Việt quốc Nguyễn chúa vĩnh trấn chi bảo” làm ấn truyền quốc, niên hiệu thì vẫn tuân theo chính sóc nhà Lê.
Phải nói đây là một con người có “chân mệnh thiên tử” hay nếu gọi cách khác thì đây là một thiên tài quân sự, một bậc kỳ tài của VN ta ở thế kỷ 18 – 19. Sau khi bị quân Tây Sơn tàn sát toàn bộ gia đình, dòng họ; chiếm lấy giang sơn mà tổ tiên ông đã gầy dựng từ hơn 100 năm trước đó. Chỉ một mình ông may mắn chạy thoát khi chỉ mới 17 tuổi. Nhưng chỉ 25 năm sau ông đã lấy lại được giang sơn, khôi phục lại cơ đồ nhà Nguyễn và thống nhất được đất nước !
Ngay trong năm Đinh Dậu (1777), ông đã tập hợp được một đội quân đặt tên là "Nghĩa dũng", quyết chí phục thù với "thù nhà nợ nước" chồng chất. Sau đó là một giai đoạn gian nan thất bại nối tiếp thất bại, có khi chỉ còn lại một mình thoát thân. Nhưng mỗi lần ông quay lại hay đi đến đâu thì người dân lại ủng hộ ông hết mình. Họ đi theo ông từ lần này đến lần khác, kể cả quân Xiêm, người Pháp và thậm chí tướng lĩnh Tây sơn, cứ trùng trùng lớp lớp theo ông khi ông khó khăn nhất cũng như khi đã lớn mạnh.
Đó cũng một phần nhờ vào khí chất của một bậc quân tử đã thu phục tất cả bọn họ, ngoài “chân mệnh thiên tử”.
Kể cả lịch sử Trung Hoa và các nền lịch sử chung quanh ta, thậm chí các nền lịch sử của các nước lớn khác trên thế giới cũng khó tìm ra một hiện tượng như thế. Khi mà “thù nhà nợ nước” ông đã làm tròn, ông đã làm được điều mà rất khó có bậc đế vương nào làm được.
Sau khi thống nhất đất nước (1802); lên ngôi hoàng đế lấy niên hiệu là Gia Long, ông đã đưa nền kinh tế của VN đạt đến cực đại của khu vực thời kỳ đó. Nhưng cái hay nhất của lịch sử chính là sự đối đầu của một nhà chính trị lỗi lạc như Nguyễn Ánh với một nhà quân sự tài ba như Quang Trung quả là hiếm thấy; đã làm cho lịch sử thời kỳ này hay hơn, đặc sắc hơn!

Lục tỉnh (6 tỉnh miền Tây nam bộ - vùng đất tranh hùng của họ)

Sau đây là thống kê sơ bộ của những nhà sử học những lần thoát chết tiêu biểu của ông vua này, ngoài yếu tố may rủi theo quy luật thông thường, chỉ có thể nói rằng đây là bậc có "chân mệnh thiên tử".
Lần 1, năm 1777 cả gia tộc Nguyễn Phúc tộc bị quân lính nhà Tây Sơn thảm sát, một mình Nguyễn Ánh chạy thoát khi mới 17 tuổi, ông phải theo tàn quân chạy ra Phú Quốc trốn thì quân Tây Sơn lùng sục khắp nơi muốn nhổ cỏ tận gốc. Nguyễn Ánh lâm vào cảnh đói khát, trong sử sách hiện vẫn còn lưu truyền câu chuyện, … ông đã cầu nguyện: "Nếu trời cho ta làm vua thì hãy ban nước ngọt và lương thực". Trong lúc tuyệt vọng, ổng dùng gươm cắm sâu xuống khe đá. Chỗ mũi kiếm cắm xuống đá nứt ra nước ngọt từ dưới lòng đất tuôn ào ạt. Chưa hết, cá ở đâu từ biển nổi lên trên mặt nước vô số kể, giúp Ánh có lương thực để chống đói. Loại cá này sau đó được gọi là cá cơm. Để ghi nhớ sự kỳ diệu này, dân trong vùng gọi đây là Giếng Tiên.
Lần 2, Trong trận chiến ở Định Tường, Nguyễn Ánh trực tiếp so tài cùng Nguyễn Huệ, bị Huệ đánh tả tơi. Thuyền chiến của Ánh, đều bị Huệ đánh chìm và tịch thu. Binh sĩ của Nguyễn Ánh vốn sợ quân Tây Sơn như sợ cọp liền bỏ chạy hết, bỏ quên chủ tướng bị chìm trong bùn do ngựa sa lầy xuống bùn. May sao tướng Nguyễn Huỳnh Đức liều chết quay lại cứu; một mình lớn tiếng thách thức quân Tây Sơn lại gần. Tiếng nói của ông vang dội cả rừng, khiến quân Tây Sơn sinh khó hiểu, sợ có mai phục nên rút lui. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát được.
Đêm đó Nguyễn Ánh ngủ gục trên đùi Huỳnh Đức, ông thức trắng đêm đuổi muỗi cho chúa. Sau này khi đại nghiệp thành, Nguyễn Ánh đã rất cảm động vì sự trung thành và tận tuỵ này, đã ban quốc tính họ Nguyễn cho ông, đối đãi với ông như thành viên của hoàng gia.
Trong một lần giao tranh, Huỳnh Đức bị chính tay Nguyễn Huệ bắt sống. Huệ cũng rất thích ông nên thu dụng, nhưng ông bảo là chỉ đánh quân Trịnh chứ quyết không phản Nguyễn Ánh. Về sau khi cùng Nguyễn Huệ thành công đánh quân Trịnh rồi, đã trả cái ơn không giết, Huỳnh Đức rời bỏ Tây Sơn sang đất Thái để tìm chúa cũ. Ông bất ngờ khi Nguyễn Ánh vừa về Sài Gòn. Vua Thái muốn giữ ông lại nhưng ông vẫn ra đi để tìm cho được Nguyễn Ánh phò tá mới thôi.
Lần 3, quân Tây Sơn phát hiện nơi ẩn náu của Ánh ở Đá Chồng, tổ chức bao vây sắp tóm được Ánh thì Lê Phước Điển tình nguyện mặc đồ Nguyễn Ánh để ra hy sinh lừa Tây Sơn. Điển bị chém đầu, còn Ánh tiếp tục thoát sang đảo Cổ Long.
Lần 4, thủy quân Tây Sơn do Trương Văn Đa chỉ huy bao vây đảo Cổ Long, trên đảo có Nguyễn Ánh và một nhóm nhỏ tàn quan trú ngụ. Rút kinh nghiệm những lần trước nên quân Tây Sơn tổ chức vây chặt đảo tới 3 vòng. Khi chuẩn bị tấn công đảo thì có bão lớn ập đến, thuyền Tây Sơn bị đắm phần lớn phải quay về. Nguyễn Ánh lại thoát nạn, giữa biển cả mênh mông một mình chèo thuyền chạy thoát sang đảo Cổ Cốt lân cận.
Lần 5, trận Rạch Gầm - Xoài Mút, Nguyễn Ánh có linh cảm rằng quân Xiêm sẽ bại trận nên không dám đi trước. Qủa nhiên đại quân thủy – bộ Xiêm chỉ trong một ngày bị giết đến quá nửa; thủy quân bị Nguyễn Huệ tiêu diệt gần hết, thậm chí tướng rất thân của Nguyễn Ánh là Châu Văn Tiếp cũng tử trận. Tuy đã rút về phía sau, nhưng ngay trong trận này Nguyễn Ánh đã bị một bộ tướng tướng Tây Sơn tên Trân bắt được, nhưng vì có ân tình trước đó nên lại được thả.
Lần 6, Nguyễn Huệ đánh vào Gia Định 4 lần không bắt được Nguyễn Ánh, cho rằng Ánh có số làm vua; tổ tiên 8 đời chúa Nguyễn trước đó đã ủng hộ Ánh . Nên Huệ đã ra lệnh phá hủy hết lăng mộ 8 đời chúa Nguyễn để cắt "long mạch", ngăn tổ tiên phù hộ cho Ánh.
Lần 7, Nguyễn Ánh chạy bộ còn quân Tây Sơn do Nguyễn Văn Trương thì cưỡi ngựa đuổi theo. Khi Nguyễn Ánh vừa chạy qua khỏi một đoạn đường hẹp thì có một thân cây lớn mục nát đổ xuống chắn ngang đường, kỵ binh Tây Sơn không sao qua được. Nhờ vậy mà Nguyễn Ánh thoát nạn. Nguyễn Văn Trương sau việc trên cũng đã linh tính về chân mệnh thiên tử của chàng thanh niên này. Nên về sau khi Nguyễn Ánh trở lại Nam Bộ, ông đã xin hàng và trở thành một trong ngũ hổ tướng thân tín nhất, là vị khai quốc công thần của triều Nguyễn, lập rất nhiều công to.
Lần 8, trong đại chiến Thị Nại, lúc thuyền chở Nguyễn Ánh chèo vào giữa biển lửa thì đúng ngay tầm bắn của hai pháo đài Gành Ráng và Phương Mai, đại bác nã như xả đạn vào đầm. Tướng Võ Di Nguy bị một phát bay đầu, binh lính chết gần hết, nhưng riêng Ánh vẫn sống nhăn, chả sứt mẻ gì. Phải chăng tử thần cũng bất lực với Nguyễn Ánh ?
Lần 9, Nguyễn Huệ chuẩn bị đánh Gia Định lần thứ 5, quyết chiến lần cuối với Nguyễn Ánh, cuộc “xuôi Nam trừ bạo” được chuẩn bị khá công phu quyết bắt cho bằng được Nguyễn Ánh … thì gặp gió ngược nên chưa thể vào nam. Tới khi sắp có gió thuận thì bỗng lăn đùng ra đột tử, Nguyễn Huệ mất năm Nhâm Tý (1792).
Lần 10, lúc Gia Long ra công trường để giám sát việc xây lăng cho mình, đang ngồi thì một cơn lốc lớn xô đổ bức từng lớn phía sau đổ ập về phía trước. Hai hoàng tử tháp tùng bị trọng thương, nhiều quan lại khác chết tại chỗ. Thiệt hại rất lớn, thế nhưng Nguyễn Ánh vẫn sống nhăn nhờ kịp tránh vào cái hố bên cạnh; chỉ bị thương nhẹ. Phải chăng do có phản xạ nhanh như vận động viên với kinh nghiệm nhiều năm hành tẩu giang hồ, hay có “chân mệnh thiên tử” ?

Bản đồ VN năm 1788

Trên đây là tóm lược 10 lần Gia Long – Nguyễn Ánh thoát nạn, tuy nhiên vẫn còn có rất nhiều lần thoát nạn khác suối 25 năm hành tẩu giang hồ của ông mà người viết không có thời gian nêu ra.
Nói chung trời cho quá nhiều cơ hội, không làm vua cũng uổng. Mong sao sau này sẽ có một bộ phim công bằng hơn nói về cuộc đời của vị vua này; vì cuộc đời ông cũng chả khác gì phim ./.
ĐKT
25/10/2019


Sun Group là ai ?

 Khách sạn này được xếp hạng sang trọng nhất thế giới trong nhiều năm !

Người ta thường gọi ông chủ của tập đoàn này là một vị tỷ phú “mì gói”, vì ông phất lên từ mì gói và làm giàu nhờ mì gói (hay mì tôm).
Ông chủ của Sun Group, Lê Viết Lam sinh 1969, quê Hoằng Hoá, Thanh Hoá. Lam vốn là du học sinh tại Liên Xô cũ. Sau khi học xong anh ta không trở về VN mà ở lại LX lập nghiệp.
Năm 1993, Lê Viết Lam cùng Phạm Nhật Vượng và một nhóm thanh niên lập ra chợ Barabarosha, một khu trung tâm thương mại của người Việt tại Ukraine. Nơi mà người Nga gọi là chốn trú ngụ của các băng nhóm tội phạm người Việt nên họ thường xuyên tổ chức bố ráp.
Sau đó, Lam cùng Phạm Nhật Vượng, Phạm Thu Hương (sau này là vợ Phạm Nhật Vượng) và một số cộng sự khác thành lập “Công ty Technocom” – chuyên kinh doanh mì với thương hiệu “Mivina”.
Đến năm 1998, Lê Viết Lam tách riêng và thành lập tập đoàn Sun Group. Sun Group của Lê Viết Lam đã xây dựng nhiều công trình, dự án ở Ukraine như: Siêu thị SunMart, Làng Thời Đại, công viên Jungle…
Trong các giao dịch tại các nước Đông Âu, Lê Viết Nam thường đi đêm với nhiều nhân viên đại sứ quán Việt Nam, Lam được nhắc đến với chức danh Chủ tịch Hội Doanh nhân Việt Nam tại Ukraine.
Năm 2007, Lam quyết định trở về đầu tư ở Việt Nam. Đích mà Lam và Sun Group nhắm đến là “cướp đất để làm giàu”. Lam bắt tay vào đầu tư lĩnh vực bất động sản, du lịch lưu trú – vui chơi nghỉ dưỡng.
Bắt đầu từ năm 2007, kẻ được mệnh danh là “lưu manh chính trị số 1 Việt Nam” đã “trải thảm đỏ” cho Lê Viết Lam đến Đà Nẵng.

Toàn cảnh khu vực Bà Nà

Đầu tiên, Lam mua lại toàn bộ cụm khách sạn và cơ sở hạ tầng Bà Nà Hills của Công ty Du lịch Đà Nẵng, tất cả đều do kẻ “lưu manh chính trị số 1 Việt Nam” chỉ đạo. Nó được cổ phần hoá và bán cho Sun Group với giá rẻ mạt, tất nhiên số tiền mà kẻ giấu mặt này thu được không phải là nhỏ ?
Lê Viết Lam cải tạo lại hệ thống khách sạn vốn theo kiến trúc do người Pháp xây dựng. Nghe đâu là đầu tư lại toàn bộ dự án này hoàn toàn theo kiến trúc Pháp và đầu tư xây dựng Cáp treo Ba Na Hills, biến nơi này thành nơi ăn chơi có tiếng ở  Đà Nẵng ?
Từ đây Lê Viết Lam đã công khai bắt tay với -  Nguyễn Bá Thanh, cướp hầu hết đất đai và núi rừng Đà Nẵng một cách công khai. Và đã xây dựng nên các khách sạn, các khu ăn chơi rất nổi tiếng :
– InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, trên bán đảo Sơn Trà, nơi Nguyễn Bá Thanh có biệt phủ Hoa Vàng.
– Novotel Premier Han River 37 tầng, cạnh Trung tâm hành chính Đà Nẵng trên đại lộ Bạch Đằng. Khách sạn 5 sao này Nguyễn Bá Thanh có phần lớn cổ phần, đó là tiền đất góp vào bằng cách cho Vũ Nhôm “chuyển nhượng” đất cho Lê Viết Lam. Theo điều tra riêng thì  hiện Nguyễn Thị Hoài An, con gái Nguyễn Bá Thanh, hiện là Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng, đứng tên quản lý cổ phần.
– Công viên Á châu rộng hàng trăm hecta tại Quảng trường 2-9, kế bên Trung tâm vui chơi giải trí Helio của Nguyễn Bá Cảnh.
– Hàng chục ngàn hecta ruộng vườn, nhà ở của dân, cạnh những cánh đồng bất tận ven sông Cổ Cò, kéo dài đến quốc lộ 1A, đều được Nguyễn Bá Thanh giao cho Sun Group phân lô bán nền.
Tất cả những gì gọi là tất đất tấc vàng đã được gom về một mối, bằng nhiều hình thức khá là dã man.

Khu vui chơi tại Hạ Long

Đã một thời, người dân Đà Nẵng từng chứng kiến một sáng kiến khá là “độc đáo” của ông vua “Đà Nẵng”, khi ông ta tổ chức vượt vịnh Đà Nẵng gom hết người dân làng phong cùi Hòa Vân, phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu bỏ lên tàu và chở họ về phố chợ để sống. .
Sau đó cũng chẳng mấy ai quan tâm đến nay họ sống chết như thế nào. Chỉ biết rằng những người nông dân tật nguyền này sau khi tiêu hết những đồng tiền bồi thường rẻ mạt, không nghề ngỗng gì giữa chốn phố thị đã lén lút trở về quê cũ để kiếm cái ăn ?
Người ta cũng từng chứng kiến cuộc cướp đất và vụ đàn áp đẫm máu ở Giáo xứ Cồn Dầu, Hoà Xuân, Cẩm Lệ … người dân đã đã bị bứng ra khỏi làng quê của mình !
Tôi không biết những điều được cho là “thâm cung bí sử”, là trước khi quyết định huy động cả ngàn công an xuống tay đẫm với giáo dân, Nguyễn Bá Thanh đã báo cáo, xin ý kiến và nhận được “đèn xanh” từ cấp cao nhất.
Nếu điều này là đúng, thì tại sao 02 vị chủ tịch thành phố Đà Nẵng thời gian này lại bị bắt giam ?


Một khu du lịch tại Sầm Sơn

Khi đã đứng vững ở Đà Nẵng …, và rất giàu nữa là đằng khác; Lê Viết Lam bắt đầu vươn “vòi bạch tuột” ra M. Gallery ở Tây Bắc, khu nghỉ dưỡng Marriott ở Phú Quốc, công viên Đại Dương Hạ Long, đặc khu Vân Đồn… và bây giờ là núi rừng Tam Đảo.
Lê Viết Lam đi đến đâu, vùng đất ấy tan nát đến đó. Nơi những hotel, villa của Sun Group mọc lên, sẽ trở thành “thánh địa”, đế chế của riêng họ. Dân chúng muốn vào thưởng ngoạn cảnh đẹp núi rừng, chùa chiền, tài nguyên quốc gia, phải bước qua BOT của họ. Tức là mua vé và trả tiền !

Đỉnh Mẫu Sơn đã bị thâu tóm

Đó là lý do mà đường bộ lên Bà Nà đã bị khoá, đường lên rừng Tam Đảo đã bị Sun Group đóng kín.
Tất nhiên để phục vụ bộ máy của mình,  Lê Viết Lam đã tuyển chọn các đồ đệ thuộc hàng “soái” trở về từ Đông Âu đầu quân như: Đặng Minh Trường, Lê Minh Đức…
Đức kết bạn với Lê Viết Lam thời ở Đông Âu. Về Việt Nam, Đức đầu quân cho Lam và trở thành TGĐ một công ty con của Sun Group, Tổng Công ty Cổ phần Đầu tư DHC. Đức cùng vợ sống trong một villa triệu đô, ngay sát bờ sông của Euro Village 1 Đà Nẵng.
Người ta cũng biết Lê Minh Đức là một tên tội phạm, phải mang án tù không dưới 10 năm, nhưng với phong bì 3 triệu đôla mà Lê Quý Ngọ đã nhận thì hắn ta cũng không phải ở tù một ngày lẻ nào cả ?.
Tiền đã chảy vào đầy túi Lê Viết Lam và một số quan chức Đà Nẵng ?
Vậy người dân thành phố này được gì? Sun Group đã nộp bao nhiêu tiền thuế về cho ngân sách thành phố?
Theo thông tin được tiết lộ, tập đoàn Sun Group tại Đà Nẵng với ba dự án chính đang hoạt động Bà Nà Hill, InterContinental Sun Peninsular Resort và Công viên Châu Á trong năm 2018 chỉ nộp vỏn vẹn 18 tỷ tiền thuế. Vâng chỉ 18 tỷ đồng !
Trong khi đó nhân dân mất rừng, mất đất canh tác, tan cửa nát nhà, tiếng kêu oan ức thấu trời xanh ?
ĐKT
Đà Nẵng, 25/9/2019

LẬT LẠI LỊCH SỬ


Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer (13.02.1897 - 10.1902)

Tấm hình trên đây là chân dung của một nhân vật lớn của nước Pháp và VN, đó là một vị toàn quyền Đông Dương Paul Doumer và sau đó là tổng thống của nước Pháp (13.02.1897 - 10.1902)

 Paul Doumer là một nhà chính khách ngoại hạng, sau trở thành Tổng thống Pháp, nhưng là một nhà cai trị độc tài mang lại nhiều thay đổi sâu sắc từ lúc ông ta nhậm chức. Ông thiết lập bộ máy nhà nước bảo hộ và xây dựng cơ sở hạ tầng kiên cố tại Việt Nam. Dưới thời Doumer, hệ thống hạ tầng cơ sở tại Đông Dương được xây dựng rất tốt, ông đã cho xây cây cầu có cùng tên Paul Doumer với ông, một trong những cây cầu lớn nhất thế giới lúc bấy giờ,(nay là cầu Long Biên).
Ông chủ trương biến chế độ bảo hộ thành chế độ thực trị, xóa bỏ chủ quyền và thống nhất của Việt Nam, mang đến phân hóa rõ rệt giữa ba miền. Ông cũng tổ chức khai thác tài nguyên của các nước trong Liên hiệp Đông Pháp, biến Đông Dương thành một thị trường cho kỹ nghệ và thương mãi của Pháp.


Sau khi trở về Pháp, ông tiếp tục tham gia chính trường Pháp, đắc cử Tổng thống Cộng hòa Pháp ngày 13 tháng 5 năm 1931. Ngày 6 tháng 5 năm 1932, ông bị bắn chết bởi một người Nga tị nạn chính trị tại Pháp tên là Paul Gorguloff. Tương truyền khi ông chết, người Pháp định mang thi hài ông táng trong điện Panthéon, nhưng vợ ông không đồng ý, nói rằng: "cả đời ông ấy đã hy sinh cho nước Pháp, còn bây giờ ông ấy là của tôi", rồi bà chôn ông trong khu vườn mộ gia đình, bên cạnh mộ của bốn người con trai, cả bốn đều hy sinh trong Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Trong nhiệm kỳ 5 năm ngắn ngủi của mình, ông Paul Doumer — toàn quyền Đông Dương (từ 1897 đến 1902) đã xây dựng được những công trình rất lớn cho VN, như sau đây:

- Xây dựng tuyến đường sắt xuyên Đông Dương nối với Vân Nam Trung Quốc.
- Xây dựng cầu sắt Long Biên nối hai bờ sông Hồng, cũng là cây cầu đẹp và dài nhất khu vục Đông Nam Á. (lúc đầu cầu mang tên ông đến 1954).
- Xây dựng cầu Việt Trì nối hai bờ sông Lô.
- Xây dựng cầu Quay Hải Phòng bắc qua sông Tam Bạc.
- Xây dựng cầu Hàm Rồng Thanh Hóa nối hai bờ sông Mã.
- Xây dựng cầu Trường Tiền nối hai bờ sông Hương.
- Xây dựng cầu Bình Lợi nối sông Sài Gòn.
- Mở mang đường sá nối Nam Kỳ và Trung Kỳ.
- Chấp thuận đề xuất của ông Yersin và cho xây dựng thành phố Đà Lạt.
- Mở mang, xây dựng cảng Hải Phòng.
- Năm 1901 khởi công xây dựng Nhà Hát Lớn Hà Nội, một công trình văn hóa kiến trúc đặc sắc đến tận bây giờ vẫn chưa có nhà hát nào xứng tầm.
- Đưa Hà Nội vào danh sách một trong những thành phố châu Á đầu tiên có điện...

Cầu Long Biên

Chúng ta hoàn toàn đồng ý và nhất trí với quan điểm của Đảng, rằng:
Việc Pháp cho xây dựng các công trình giao thông, cơ sở hạ tầng ở Đông Dương không ngoài mục đích khai thác thuộc địa, vơ vét tài nguyên thiên nhiên của nước ta. Phục vụ chiến tranh, nhanh chóng điều quân đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nhân dân ta. Mở trường học là để đào tạo đội ngũ làm tay sai cho thực dân Pháp. Xây dựng các công trình văn hóa, sở thú vườn hoa là để phục vụ giới thượng lưu giầu có ...

Cầu Trường Tiền

Nhưng có một điều rất lạ, là: nhân công chủ yếu lúc bấy giờ là người bản xứ, trên 95% là mù chữ, trình độ lao động là “dân ngu khu đen”; dân số nước ta khi đó chỉ mới trên 9 triệu người. Nhưng chỉ một nhiệm kỳ 5 năm ông Paul Doume đã điều hành và làm nên từng đó công việc…

Ngày nay ngoài nội lực, chúng ta còn có thêm sự chi viện của nhiều nước… , với đội ngũ khoa học kỹ thuật phát triển. Nhưng chỉ một đoạn đường sắt Cát Linh tới Hà Đông dài 13,1 km, khởi công từ năm 2008 đến nay (năm 2019) trãi qua 11 năm xây dựng, đội vốn lên gần cả chục nghìn tỷ đồng, kéo dài từ gần hai nhiệm kỳ Thủ tướng & của 3 vị bộ trưởng GTVT đáng kính vẫn chưa hoàn thành.

 Lẽ nào thời đại của chúng ta lại thua một lão già thực dân người Pháp 117 năm về trước ...!?

ĐKT
05/10/2019