LÊ DUẨN NÓI GÌ VỀ MỐI QUAN HỆ VIỆT NAM - TRUNG QUỐC ?



Đây bài phát biểu của Tổng bí thư Lê Duẩn năm 1979, về mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc. Trong bài phát biểu này một lần nữa ông đã xác định rõ Trung Quốc là kẻ thù truyền kiếp và là kẻ thù duy nhất của nhân dân Việt Nam. 

Nói chung, sau khi chúng ta đánh bại Mỹ, không đế quốc nào dám đánh chúng ta nữa. Chỉ có những người nghĩ rằng họ vẫn có thể đánh chúng ta và dám đánh chúng ta là những kẻ phản động Trung Quốc. Nhưng người dân Trung Quốc hoàn toàn không muốn thế. Tôi không biết những kẻ phản động Trung Quốc này sẽ tiếp tục tồn tại thêm bao lâu nữa. Tuy nhiên, miễn là họ tồn tại, thì họ sẽ tấn công chúng ta như họ vừa thực hiện (nghĩa là đầu năm 1979).

Nếu chiến tranh đến từ phương Bắc, thì các tỉnh [Bắc Trung Bộ] Nghệ An, Hà Tĩnh và Thanh Hóa sẽ trở thành cơ sở cho toàn bộ đất nước. Các tỉnh này tốt nhất, là các căn cứ mạnh nhất, tốt nhất và hiệu quả nhất. Vì nếu vùng đồng bằng [Bắc Bộ] tiếp tục là vùng liên tục căng thẳng, thì tình hình sẽ rất phức tạp. Vấn đề không đơn giản chút nào. Nếu không phải là người Việt Nam, thì sẽ không có người nào đánh Mỹ, bởi vì lúc Việt Nam chiến đấu chống Mỹ, cả thế giới còn lại đều sợ Mỹ …

Mặc dù Trung Quốc đã giúp Triều Tiên chỉ với mục đích bảo vệ sườn phía Bắc của họ. Sau khi cuộc chiến kết thúc [ở Triều Tiên] và khi áp lực lên Việt Nam, ông ta (chỗ này hình như nói đến Chu Ân Lai khi đoạn văn sau đó cho thấy vậy) nói rằng, nếu Việt Nam tiếp tục chiến đấu, thì sẽ phải tự lo liệu. Ông ta sẽ không giúp thêm nữa và gây áp lực với chúng ta để ngừng chiến đấu.

Khi chúng ta ký Hiệp Định Geneva, rõ ràng là Chu Ân Lai đã chia đất nước ta làm hai [phần]. Sau khi nước ta bị chia thành hai miền Nam – Bắc như thế, một lần nữa ông ta gây sức ép lên chúng ta, không được làm gì đối với miền Nam Việt Nam. Họ ngăn cấm chúng ta đứng lên [chống lại Việt Nam Cộng hòa do Mỹ hậu thuẫn]. [Nhưng] họ, [người Trung Quốc,] không thể làm gì để ngăn cản chúng ta.

Khi chúng ta ở miền Nam và chuẩn bị chiến tranh du kích ngay sau khi ký Hiệp định Geneva, Mao Trạch Đông đã nói với Đại hội Đảng của chúng ta rằng, ngay lập tức, chúng ta phải buộc Lào chuyển hai tỉnh đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu không, người Mỹ sẽ tiêu diệt hai tỉnh này, một tình huống rất nguy hiểm [theo cái nhìn của Trung Quốc]! Ngay lập tức, Việt Nam đã phải làm việc với người Mỹ [liên quan đến vấn đề này]. Mao đã bức hiếp chúng ta bằng cách này và chúng ta đã phải làm điều đó.

Sau đó, khi hai tỉnh này đã được chuyển cho Viêng Chăn, những tên phản động [Lào] ngay lập tức bắt giữ Souphanouvong (Chủ tịch Lào từ năm 1975-1986). Lào có hai tiểu đoàn bị bao vây lúc đó. Hơn nữa, họ vẫn chưa sẵn sàng chiến đấu. Sau đó, một tiểu đoàn đã có thể thoát khỏi sự [bao vây]. Lúc đó, tôi đưa ra quan điểm của tôi là, Lào phải được phép tiến hành chiến tranh du kích. Tôi mời Trung Quốc đến và thảo luận về vấn đề này với chúng ta. Tôi nói với họ: “Các đồng chí, nếu các đồng chí tiếp tục gây áp lực với Lào bằng cách này, thì lực lượng của họ sẽ hoàn toàn tan rã. Bây giờ họ phải được phép tiến hành chiến tranh du kích“.

Trương Văn Thiên (Zhang Wentian), người trước đó là Tổng Thư ký [Đảng Cộng sản Trung Quốc] và sử dụng bút danh Lạc Phú, trả lời tôi: “Vâng, các đồng chí, điều các đồng chí nói đúng. Hãy để chúng tôi cho phép tiểu đoàn đó của Lào đảm nhiệm chiến tranh du kích“.

Ngay lập tức, tôi hỏi Trương Văn Thiên: “Các đồng chí, nếu các đồng chí cho phép Lào gánh vác chiến tranh du kích, thì không có gì phải sợ việc phát động chiến tranh du kích ở miền Nam Việt Nam. Điều gì làm cho các đồng chí sợ đến nỗi các đồng chí ngăn cản hành động như thế?”

Ông ta [Trương Văn Thiên] đã nói: “Không có gì phải sợ!”

Trương Văn Thiên đã nói thế. Tuy nhiên, Ho Wei, Đại sứ Trung Quốc ở Việt Nam lúc đó, đã ngồi ở đó và nghe điều đã nói. Ngay lập tức, ông ta điện cho Trung Quốc (báo cáo điều Lê Duẩn và Trương Văn Thiên đã nói). Ngay lập tức, Mao trả lời: “Việt Nam không thể phát động chiến tranh du kích ở miền Nam. Việt Nam phải nằm chờ trong một thời gian dài!” Chúng ta rất nghèo. Làm sao chúng ta có thể đánh Mỹ nếu không có Trung Quốc làm căn cứ hậu tập? Nên chúng ta phải nghe theo họ, đúng không?


Tuy nhiên, chúng ta đã không đồng ý. Chúng ta đã bí mật tiếp tục phát triển lực lượng. Khi [Ngô Đình] Diệm kéo lê máy chém khắp miền Nam Việt Nam, chúng ta đã ban hành lệnh thành lập lực lượng quần chúng để chống lại lệnh đã được lập và nắm quyền [từ chính phủ Diệm]. Chúng ta đã không chú ý [đến Trung Quốc].

Khi cuộc nổi dậy giành chính quyền bắt đầu, chúng tôi đi Trung Quốc để gặp Chu Ân Lai và Đặng Tiểu Bình. Đặng Tiểu Bình đã nói với tôi: “Đồng chí, bây giờ sai lầm của đồng chí đã xảy ra rồi, đồng chí chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống“. Đó là áp lực mà họ đã áp đặt lên chúng ta.

Tôi nói [với Trung Quốc]: “Vâng, vâng! tôi sẽ làm điều đó. Tôi sẽ chỉ chiến đấu ở mức một trung đội trở xuống“.

Sau khi chúng ta chiến đấu và Trung Quốc nhận ra rằng chúng ta có thể chiến đấu hiệu quả, đột nhiên Mao có suy nghĩ mới. Ông ta nói rằng, vì Mỹ đánh chúng ta, ông ta sẽ đưa quân đội [Trung Quốc] đến giúp chúng ta xây dựng đường xá. Mục tiêu chính của ông ta là tìm hiểu tình hình đất nước ta để sau này ông ta có thể tấn công chúng ta và từ đó mở rộng xuống khu vực Đông Nam Á. Không có lý do nào khác.

Chúng tôi biết rõ ý đồ này, nhưng phải cho phép họ (sự xâm nhập của quân đội Trung Quốc). Thôi thì cũng được. Nhưng họ quyết định đưa quân vào. Tôi yêu cầu họ chỉ gửi người, nhưng quân lính của họ đã đến cùng với súng đạn. Tôi cũng phải chịu điều này.

Sau đó, ông ta (Mao Trạch Đông) bắt chúng ta phải nhận 20.000 quân của ông ta đến xây một con đường từ Nghệ Tĩnh vào Nam Bộ (thuật ngữ tiếng Việt chỉ miền Nam Việt Nam). Tôi từ chối. Họ tiếp tục yêu cầu nhưng tôi không nhượng bộ. Họ gây áp lực với tôi cho quân của họ vào nhưng tôi đã không chấp thuận. Họ tiếp tục gây sức ép nhưng tôi vẫn không chịu.

Tôi đưa ra những ví dụ này để các đồng chí thấy họ có âm mưu cướp nước ta từ lâu và âm mưu đó ác độc như thế nào.

- Sau khi Mỹ đưa hàng trăm ngàn quân vào miền Nam Việt Nam, chúng ta đã phát động cuộc tổng tấn công vào năm 1968 để buộc họ giảm leo thang. Để đánh bại Hoa Kỳ, một điều cần phải biết là làm thế nào để họ từ từ giảm leo thang. Đó là chiến lược của chúng ta. Chúng ta chiến đấu chống một kẻ thù lớn, kẻ thù với dân số 200 triệu người và thống trị thế giới. Nếu chúng ta không thể làm cho họ giảm leo thang từng bước, thì chúng ta sẽ thất bại và không thể tiêu diệt kẻ thù. Chúng ta phải đấu tranh để làm nhụt ý chí họ để buộc họ phải đi đến bàn đàm phán với chúng ta mà không cho phép họ đưa thêm quân.

Đến lúc họ muốn thương lượng với chúng ta, Ho Wei đã viết một bức thư cho chúng tôi, nói rằng: “Các ông không thể ngồi xuống đàm phán với Hoa Kỳ. Các ông phải đưa quân Mỹ vào miền Bắc Việt Nam để đánh với họ“. Ông ta gây áp lực với chúng tôi cách này, làm cho chúng tôi bối rối vô cùng. Đây không phải là vấn đề hoàn toàn đơn giản. Rất là mệt mỏi mỗi khi tình huống như thế phát sinh [với Trung Quốc].

Chúng tôi quyết định không thực hiện cách đó (nói đến lời khuyên của Hồ Wei không đàm phán với Hoa Kỳ). Chúng tôi phải ngồi xuống ở Paris. Chúng tôi phải làm cho họ (Mỹ) giảm leo thang để đánh bại họ. Trong thời gian đó, Trung Quốc đã thông báo [với Mỹ]: “Nếu các ông không tấn công tôi, tôi sẽ không tấn công các ông. Nhưng rất nhiều quân lính mà các ông muốn đưa vào Việt Nam, tùy các ông“. Trung Quốc nhất trí điều này và đã gây áp lực với chúng tôi bằng cách đó.

Họ (Trung Quốc) đã trao đổi nhiều với Mỹ và ép buộc chúng ta phục vụ như là một con bài để mặc cả theo cách này. Khi người Mỹ nhận ra rằng họ đã thua trận, ngay lập tức, họ sử dụng Trung Quốc để [tạo điều kiện] rút quân [ở miền Nam Việt Nam]. Nixon và Kissinger đã đến Trung Quốc để thảo luận vấn đề này.

- Trước khi Nixon đi Trung Quốc, [mục đích chuyến đi của ông ta là] giải quyết vấn đề Việt Nam bằng cách đó, để phục vụ lợi ích của Mỹ và giảm bớt thất bại của Mỹ, cũng như cùng lúc cho phép ông ta lôi kéo Trung Quốc về phía Mỹ. Chu Ân Lai đã đến gặp tôi. Chu Ân Lai nói với tôi: “Lúc này, Nixon đến gặp tôi chủ yếu là thảo luận về vấn đề Việt Nam, do vậy tôi phải đến gặp đồng chí để thảo luận điều đó với đồng chí“.

Tôi trả lời: “Đồng chí, đồng chí có thể nói bất cứ điều gì đồng chí thích, nhưng tôi không nghe theo đồng chí. Đồng chí là người Trung Quốc, tôi là người Việt. Việt Nam là của tôi (đất nước của tôi), hoàn toàn không phải của các đồng chí. Các đồng chí không có quyền nói [về vấn đề Việt Nam] và các đồng chí không có quyền thảo luận [các vấn đề đó với Mỹ]. Hôm nay, các đồng chí, chính tôi sẽ nói với các đồng chí điều mà thậm chí tôi chưa hề nói với Bộ Chính trị, rằng đồng chí đã nêu ra vấn đề nghiêm trọng và vì thế tôi phải nói:

- Năm 1954, khi chúng tôi giành chiến thắng tại Điện Biên Phủ, tôi đã ở [tỉnh] Hậu Nghĩa. Bác Hồ đã điện nói với tôi rằng, tôi phải vào miền Nam để tập hợp [các lực lượng ở đó] và nói chuyện với đồng bào miền Nam [về vấn đề này]. Tôi đi bằng xe tải vào miền Nam. Trên đường đi, đồng bào ra chào đón tôi vì họ nghĩ rằng chúng tôi đã giành chiến thắng. Đau đớn vô cùng! Nhìn đồng bào miền Nam, tôi đã khóc. Vì sau đó, Hoa Kỳ sẽ đến và tàn sát [người dân] một cách khủng khiếp.

Khi vừa tới miền Nam, ngay lập tức, tôi đã điện cho Bác Hồ để xin ở lại [miền Nam] và không trở lại miền Bắc để tôi có thể đánh thêm mười năm nữa hoặc hơn. Đồng chí đã gây khó khăn cho tôi như thế này (muốn nói đến vai trò của Chu Ân Lai trong việc chia cắt Việt Nam tại Geneva năm 1954), đồng chí có biết không“?

Chu Ân Lai nói: “Tôi xin lỗi đồng chí. Tôi đã sai. Điều đó tôi sai” (muốn nói đến sự chia cắt Việt Nam tại Geneva). Sau khi Nixon rời khỏi Trung Quốc, một lần nữa, ông ta (Chu Ân Lai) đến Việt Nam để hỏi tôi về một số vấn đề liên quan đến cuộc chiến ở miền Nam Việt Nam. Tuy nhiên, ngay lập tức, tôi nói với Chu Ân Lai: “Nixon đã gặp các đồng chí rồi. Chẳng bao lâu nữa, họ (Hoa Kỳ) sẽ tấn công chúng tôi thậm chí còn mạnh hơn“.

Tôi hoàn toàn không sợ. Cả hai (Mỹ và Trung Quốc) đã thương lượng với nhau để đánh tôi mạnh hơn. Ông ta (Chu Ân Lai) đã không bác bỏ quan điểm này là vô căn cứ và chỉ nói rằng: “Tôi sẽ gửi thêm súng đạn cho các đồng chí“.

Sau đó ông ta (Chu Ân Lai) nói (về mối lo ngại âm mưu bí mật Trung – Mỹ): “Không có điều đó“. Tuy nhiên, hai bên đã thảo luận làm thế nào để đánh chúng ta mạnh hơn, gồm các cuộc tấn công bằng bom B-52 và phong tỏa cảng Hải Phòng. Rõ ràng là như thế.

– Nếu Liên Xô và Trung Quốc đã không mâu thuẫn với nhau, thì Hoa Kỳ không thể tấn công chúng ta quyết liệt như họ đã tấn công. Khi hai [cường quốc Trung Quốc và Liên Xô] xung đột, người Mỹ đã không bị [phe đối lập là khối xã hội chủ nghĩa] cản trở. Mặc dù Việt Nam có thể thống nhất và đoàn kết với cả Trung Quốc lẫn Liên Xô, để đạt được điều này rất phức tạp, lúc đó chúng ta phải dựa vào Trung Quốc nhiều thứ. Lúc đó, hàng năm Trung Quốc cung cấp viện trợ 500.000 tấn thực phẩm, cũng như súng ống, đạn dược, tiền bạc, chưa kể đến viện trợ đô la. Liên Xô cũng đã giúp bằng cách này. Nếu chúng ta không thể làm điều đó (đoàn kết và thống nhất với Trung Quốc và Liên Xô), mọi thứ sẽ rất nguy hiểm.

Mỗi năm tôi đã phải đi Trung Quốc hai lần để nói chuyện với họ (lãnh đạo Trung Quốc) về [các sự kiện] ở miền Nam Việt Nam. Về phía Liên Xô, tôi không phải nói gì cả (về tình hình ở miền Nam Việt Nam). Tôi chỉ nói một cách chung chung. Khi giao thiệp với Trung Quốc, tôi đã phải nói rằng cả hai [nước] đang đánh Mỹ. Tôi đã đi một mình. Tôi phải có mặt về vấn đề này. Tôi đã đến đó và nói chuyện với họ nhiều lần bằng cách này, mục đích chính là để xây dựng quan hệ gần gũi hơn giữa hai bên (nghĩa là Trung Quốc và Việt Nam). Chính xác là vào thời điểm đó Trung Quốc gây áp lực với chúng ta để xa lánh Liên Xô, cấm chúng ta không được đi với Liên Xô.

Họ đã làm rất căng. Đặng Tiểu Bình, cùng với Khang Sinh đã đến và nói với tôi: “Đồng chí, tôi sẽ giúp đồng chí vài tỷ [có lẽ là nhân dân tệ] mỗi năm. Đồng chí không thể nhận bất cứ thứ gì từ Liên Xô“.

Tôi không đồng ý điều này. Tôi nói: “Không, chúng ta phải đoàn kết và thống nhất với toàn bộ phe [xã hội chủ nghĩa]“.

Năm 1963, khi Khrushchev phạm sai lầm, ngay lập tức [Trung Quốc] ban hành một tuyên bố 25 điểm và mời đảng chúng ta đến cho ý kiến . Anh Trường Chinh và tôi đã đi cùng với một số anh em khác. Trong cuộc thảo luận, họ (Trung Quốc) lắng nghe chúng tôi đến, hình như là điểm thứ 10, nhưng khi đến điểm “không từ bỏ phe xã hội chủ nghĩa”, họ đã không nghe… Đặng Tiểu Bình nói: “Tôi chịu trách nhiệm về tài liệu của chính tôi, tôi muốn nghe ý kiến của các đồng chí, nhưng tôi không chấp nhận quan điểm này của các đồng chí“.

Trước khi chúng tôi ra về, Mao gặp anh Trường Chinh và tôi. Mao ngồi xuống trò chuyện với chúng tôi và cuối cùng ông ta tuyên bố: “Các đồng chí, tôi muốn nói cho các đồng chí biết điều này. Tôi sẽ là chủ tịch của 500 triệu nông dân đang thiếu đất, và tôi sẽ mang một đạo quân tiến xuống khu vực Đông Nam Á“. Đặng Tiểu Bình cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Chủ yếu là vì nông dân nghèo, trong tình cảnh khó khăn cùng cực!”

Khi chúng tôi ra ngoài, tôi nói với anh Trường Chinh: “Đó anh thấy đó, âm mưu chiếm nước ta và Đông Nam Á. Bây giờ đã rõ rồi“. Họ dám tuyên bố điều đó như thế. Họ nghĩ chúng ta không hiểu. Đúng là không lúc nào họ không nghĩ đến đánh Việt Nam!

Tôi sẽ nói với các đồng chí nhiều hơn để các đồng chí có thể thấy thêm về tầm quan trọng quân sự trong vấn đề này.

Mao hỏi tôi: Ở Lào, có bao nhiêu cây số vuông đất?

Tôi trả lời: Khoảng 200.000 cây số vuông.

Mao hỏi: Dân số của họ bao nhiêu?

Tôi trả lời: Khoảng 3 triệu!

Mao nói: Như vậy là không nhiều! Tôi sẽ đưa dân tôi đến đó, thật mà!

Mao hỏi: Có bao nhiêu cây số vuông đất ở Thái Lan?

Tôi trả lời: Khoảng 500.000 cây số vuông.

Mao hỏi: Có bao nhiêu người?

Tôi trả lời: Khoảng 40 triệu!

Mao nói: Lạy Chúa! Tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc có 500.000 cây số vuông, nhưng có tới 90 triệu người. Tôi cũng sẽ đưa một số người dân của tôi tới Thái Lan!

Đối với Việt Nam, họ không dám nói về việc đưa người tới theo cách này. Tuy nhiên, ông ta (Mao) nói với tôi: “Đồng chí, có đúng là người của các đồng chí đã chiến đấu và đánh bại quân Nguyên?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta hỏi: “Có phải cũng chính người của đồng chí đã đánh bại quân Thanh?” Tôi nói: “Đúng“. Ông ta nói: “Và quân Minh nữa, phải không?” Tôi nói: “Đúng, và cả các ông nữa. Tôi đánh các ông luôn. Các ông có biết điều đó không?“

Tôi đã nói với Mao Trạch Đông như thế. Ông ta nói: “Có, có!” Ông ta muốn chiếm Lào, cả Thái Lan, cũng như muốn chiếm tất cả các nước Đông Nam Á. Đưa người dân đến sống ở đó. Quan điểm đó thật là phức tạp.

Trong quá khứ (nói đến vấn đề có thể xuất phát từ mối đe dọa của Trung Quốc trong thời gian này), chúng ta đã chuẩn bị rất nhiều, không phải là chúng ta không chuẩn bị. Nếu chúng ta không chuẩn bị, tình hình gần đây sẽ rất nguy hiểm. Không phải là vấn đề đơn giản.

Mười năm trước, tôi đã triệu tập các anh em trong quân đội đến gặp tôi. Tôi nói với họ rằng Liên Xô và Mỹ mâu thuẫn với nhau. Đối với Trung Quốc, họ đã bắt tay với đế quốc Mỹ. Trong tình hình căng thẳng này, các đồng chí phải nghiên cứu vấn đề này ngay lập tức. Tôi sợ rằng quân đội không hiểu ý tôi, nên tôi nói với họ rằng, không có cách nào khác để hiểu vấn đề này. Nhưng họ vẫn thấy khó hiểu. Hoàn toàn không dễ. Nhưng tôi không thể nói bằng cách nào khác. Và tôi đã không cho phép những kẻ khác túm lấy tôi.

Khi tôi đến Liên Xô, Liên Xô cũng làm khó tôi về Trung Quốc. Liên Xô đã triệu tập một cuộc họp gồm 80 đảng [cộng sản] để hỗ trợ Việt Nam, nhưng Việt Nam không tham dự hội nghị này, vì [buổi hợp này] không chỉ đơn giản chỉ nhằm giúp Việt Nam, mà còn có mục đích lên án Trung Quốc. Nên Việt Nam đã không đi.

Liên Xô nói: “Bây giờ các đồng chí bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế [hay] là cái gì? Tại sao các đồng chí làm điều này?” Tôi nói: “Tôi hoàn toàn không bỏ rơi chủ nghĩa quốc tế. Tôi không bao giờ làm điều này. Tuy nhiên, để là người quốc tế, trước tiên phải đánh bại Mỹ. Và nếu một nước muốn đánh bại Mỹ, thì phải có sự thống nhất và đoàn kết với Trung Quốc. Nếu tôi đến hội nghị này, thì Trung Quốc sẽ gây nhiều khó khăn lớn với chúng tôi. Các đồng chí, hãy hiểu cho tôi“.

Tại Trung Quốc cũng có nhiều ý kiến và tranh luận khác nhau. Chu Ân Lai đồng ý việc hình thành một mặt trận với Liên Xô để chống Mỹ. Một lần, khi tôi đi Liên Xô để dự lễ kỷ niệm quốc gia, tôi có đọc một bức điện Trung Quốc gửi sang Liên Xô, nói rằng: “Bất cứ khi nào có ai đó tấn công Liên Xô, thì Trung Quốc sẽ đứng bên cạnh các bạn“. Đó là vì đã có một hiệp ước hữu nghị giữa Liên Xô và Trung Quốc từ thời trước đó (tháng 2 năm 1950).

Ngồi cạnh Chu Ân Lai, tôi hỏi ông ta: “Trong bức điện gửi đến Liên Xô gần đây, đồng chí đồng ý thành lập một mặt trận với Liên Xô, nhưng tại sao các đồng chí không thành lập một mặt trận chống Mỹ?” Chu Ân Lai nói: “Chúng tôi có thể thành lập mặt trận chống Mỹ. Tôi chia sẻ quan điểm đó. Các đồng chí, tôi sẽ thành lập một mặt trận với các đồng chí [Việt Nam]“. Bành Chân cũng ngồi ở đó, nói thêm: “Quan điểm này cực kỳ chính xác!” Nhưng khi vấn đề được thảo luận tại Thượng Hải, Mao nói là không thể và hủy bỏ nó. Các đồng chí thấy nó phức tạp như thế nào.

Mặc dù Chu Ân Lai giữ vững một số quan điểm này, ông ta dù sao cũng đồng ý xây dựng một mặt trận và [ông ta] đã giúp Việt Nam rất nhiều. Cám ơn ông ta rằng tôi có thể hiểu [nhiều về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc]. Nếu không thì sẽ rất nguy hiểm. Có lần, ông ta nói với tôi: “Tôi đang làm hết sức mình để tồn tại ở đây, sử dụng Li Chiang tích lũy và hỗ trợ cho các đồng chí“. Thì ra vậy (tức là Chu Ân Lai đã sử dụng Li Chiang, để giúp người Việt Nam). Có nghĩa là, không có Chu Ân Lai, điều này sẽ hoàn toàn không thể xảy ra. Tôi đang mắc nợ ông ta.

Tuy nhiên, không đúng để nói rằng các lãnh đạo khác của Trung Quốc hoàn toàn chia sẻ quan điểm của Chu Ân Lai. Họ khác nhau nhiều thứ. Phải nói rằng, người kiên quyết nhất là người có tinh thần Đại Hán và là người muốn chiếm Đông Nam Á, đó chính là Mao Trạch Đông. Tất cả các chính sách [của Trung Quốc] đều nằm trong tay ông ta.

Điều tương tự cũng áp dụng đối với các nhà lãnh đạo hiện tại của Trung Quốc. Tuy nhiên, chúng ta không biết tương lai sẽ ra sao, [sự thật của vấn đề là] họ đã tấn công chúng ta. Trong quá khứ, Đặng Tiểu Bình đã làm hai điều mà hiện đang bị đảo lộn. Đó là, khi chúng ta giành chiến thắng ở miền Nam Việt Nam, nhiều [lãnh đạo] Trung Quốc không hài lòng. Tuy nhiên, dù sao Đặng Tiểu Bình cũng chúc mừng chúng ta. Vì lý do này, ngay lập tức ông ta đã bị những người khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.

Khi tôi đi Trung Quốc lần cuối, tôi dẫn đầu phái đoàn, và tôi đã gặp phái đoàn Trung Quốc do Đặng Tiểu Bình đứng đầu. Khi nói về vấn đề lãnh thổ, gồm cả việc thảo luận về một số hòn đảo, tôi nói: “Hai đất nước chúng ta ở gần nhau, Có một số vùng lãnh thổ của chúng ta vẫn chưa được xác định rõ ràng. Hai bên nên thành lập các cơ quan để xem xét vấn đề này. Các đồng chí, làm ơn đồng ý với tôi [về vấn đề này]”. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) đồng ý, nhưng sau khi làm như vậy, ngay lập tức ông ta bị nhóm lãnh đạo khác xem như là người theo chủ nghĩa xét lại.

Nhưng bây giờ ông ta (Đặng Tiểu Bình) điên rồi. Bởi vì ông ta muốn cho mọi người thấy rằng ông ta không phải là người theo chủ nghĩa xét lại, cho nên ông ta đã tấn công Việt Nam mạnh hơn. Ông ta để cho họ tiếp tục tấn công Việt Nam.

Sau khi đánh bại Mỹ, chúng ta giữ lại hơn một triệu quân, các đồng chí lãnh đạo Liên Xô hỏi chúng tôi: “Các đồng chí định đánh với ai mà giữ lại một đội quân thường trực lớn như vậy?” Tôi nói: “Sau này, các đồng chí sẽ hiểu“. Lý do duy nhất chúng ta giữ quân đội thường trực như thế là vì mối đe dọa của Trung Quốc đối với Việt Nam. Nếu không có [một mối đe dọa như thế], thì điều này (quân đội thường trực lớn) sẽ không cần. Gần đây, bị tấn công trên hai mặt trận, [chúng ta có thể thấy rằng] rất nguy hiểm nếu chúng ta đã không được duy trì một đội quân lớn.

(B) (Ý nghĩa của chữ “B” này trong văn bản gốc không rõ ràng) – Sau Đệ nhị Thế chiến, tất cả mọi người tin rằng tên sen đầm quốc tế là đế quốc Mỹ. Họ có thể tiếp quản và bắt nạt cả thế giới. Tất cả các nước, gồm các nước lớn đều sợ Mỹ. Chỉ có Việt Nam là không sợ Mỹ.

Tôi hiểu vấn đề này vì công việc đã dạy tôi. Người đầu tiên sợ [Mỹ] là Mao Trạch Đông. Ông ta nói với tôi, đó là, Việt Nam và Lào, rằng: “Ngay lập tức, các ông phải chuyển giao hai tỉnh của Lào đã được giải phóng cho chính phủ Viêng Chăn. Nếu các ông không làm như vậy, thì Mỹ sẽ sử dụng điều đó làm lý do tấn công. Đó là mối nguy lớn”. Về phía Việt Nam, chúng tôi đã nói: “Chúng ta phải chiến đấu chống Mỹ để giải phóng miền Nam Việt Nam“. Ông ta (Mao) nói: “Các ông không thể làm điều đó. Miền Nam Việt Nam phải nằm đợi trong một thời gian dài, đợi một đời, 5-10 đời hoặc thậm chí 20 đời kể từ bây giờ. Các ông không thể đánh Mỹ. Đánh Mỹ là nguy hiểm“. Mao Trạch Đông đã sợ Mỹ đến mức độ đó…

Nhưng Việt Nam không sợ. Việt Nam đã tiếp tục chiến đấu. Nếu Việt Nam không đánh Mỹ thì miền Nam Việt Nam sẽ không được giải phóng. Một đất nước chưa được giải phóng sẽ vẫn là một đất nước lệ thuộc. Không ai có được độc lập nếu chỉ có một nửa đất nước được tự do. Không có được độc lập cho đến năm 1975, đất nước chúng ta cuối cùng có được độc lập hoàn toàn. Có độc lập, tự do sẽ đến. Tự do phải là tự do cho cả nước Việt Nam …

Engels đã nói về chiến tranh nhân dân. Sau đó, Liên Xô, Trung Quốc và chính chúng ta cũng đã nói [về vấn đề này]. Tuy nhiên, ba nước rất khác về nội dung [chiến tranh nhân dân]. Không đúng là chỉ vì các bạn có hàng triệu người, thì các bạn có thể làm bất cứ điều gì các bạn muốn. Trung Quốc cũng nói đến chiến tranh nhân dân, tuy nhiên, [họ cho rằng] “khi kẻ thù tiến lên, thì chúng ta phải rút lui“. Nói cách khác, phòng thủ là chính, và chiến tranh được chia thành ba giai đoạn, vùng nông thôn được sử dụng để bao vây thành thị, trong khi [các lực lượng chính] chỉ ở lại trong rừng núi… Người Trung Quốc ở thế phòng thủ và rất yếu [trong Đệ nhị Thế chiến]. Ngay cả với 400 triệu người đọ sức với quân đội Nhật Bản có 300.000 – 400.000 quân, Trung Quốc vẫn không thể đánh bại họ.

Tôi phải lặp lại điều này như thế, vì trước khi Trung Quốc gửi cố vấn cho chúng ta, một số anh em Việt Nam chúng ta không hiểu. Họ nghĩ rằng [Trung Quốc] rất có khả năng. Nhưng họ không có kỹ năng và do đó chúng ta đã không làm theo [những lời khuyên của Trung Quốc].

Năm 1952, tôi rời miền Bắc sang Trung Quốc vì tôi bị bệnh và cần điều trị. Đây là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài. Tôi đặt câu hỏi cho họ (Trung Quốc) và thấy nhiều điều rất lạ. Có những khu vực [đã bị] quân Nhật chiếm đóng, mỗi khu có dân số khoảng 50 triệu người, nhưng không có lấy một chiến binh du kích…

Khi tôi từ Trung Quốc trở về, tôi đã gặp Bác [Hồ]. Bác hỏi tôi:

- Đây là lần đầu tiên chú đi ra nước ngoài, phải không?

Vâng, đây là lần đầu tiên tôi đi ra nước ngoài.

- Chú đã thấy gì?

Tôi thấy hai điều: Việt Nam rất dũng cảm và họ (Trung Quốc) không dũng cảm chút nào.

Tôi hiểu điều này kể từ ngày đó. Chúng ta (Việt Nam) hoàn toàn khác với họ. Lòng can đảm vốn có trong con người Việt Nam và do đó chúng ta chưa bao giờ có một chiến lược phòng thủ (ý nói ở thế thủ). Mọi người dân chiến đấu.

Gần đây, họ (Trung Quốc) đã mang hàng trăm ngàn quân vào xâm chiếm nước ta. Hầu hết, chúng ta đã sử dụng lực lượng dân quân và quân đội trong vùng để tấn công họ. Chúng ta không ở thế thủ và do đó họ phải lùi bước. Họ không thể quét sạch dù một trung đội Việt Nam, trong khi chúng ta đã xóa sổ vài trung đoàn và hàng chục tiểu đoàn của họ. Có được như vậy là vì chiến lược tấn công của chúng ta.

Đế quốc Mỹ đã đánh với chúng ta trong một cuộc chiến kéo dài. Họ rất mạnh, nhưng họ đã thua. Nhưng có một yếu tố đặc biệt, đó là những mâu thuẫn gay gắt giữa Trung Quốc và Liên Xô. [Vì điều này,] họ đã tấn công chúng ta mạnh như thế này.

… Việt Nam đã chiến đấu chống Mỹ, và đã chiến đấu rất quyết liệt, nhưng chúng ta biết rằng Hoa Kỳ là một nước rất lớn, khả năng tích lũy hơn 10 triệu quân và đưa tất cả các loại vũ khí được xem là mạnh của họ vào để đánh chúng ta. Vì vậy, chúng ta đã phải chiến đấu trong một thời gian dài để làm cho cho họ giảm leo thang. Chúng ta là những người có thể làm được điều đó, Trung Quốc thì không thể. Khi quân đội Mỹ tấn công Quong Tre (Quảng Trị?), ngay lập tức Bộ Chính trị ra lệnh đưa quân đội vào chiến đấu. Chúng ta không sợ.

Sau đó tôi đi Trung Quốc gặp Chu Ân Lai. Ông ta nói với tôi: “Điều đó (cuộc tấn công vào Quảng Trị) có lẽ là chưa từng có, có một không hai. Chỉ có một [cơ hội] trên đời này, không có cơ hội thứ hai. Không ai dám làm những điều các đồng chí đã làm“.

… Chu Ân Lai là người đứng đầu Bộ Tham mưu. Ông ta dám nói, ông ta thẳng thắn hơn. Ông ta nói với tôi: “Nếu tôi biết trước cái cách mà các đồng chí sử dụng, chúng tôi không cần Vạn lý Trường chinh“.

Vạn lý Trường chinh là gì? Vào đầu cuộc hành quân có 300.000 quân, đến cuối Vạn lý Trường chinh chỉ còn 30.000 quân. 270.000 người đã chết. Thực sự ngu ngốc khi thực hiện cách này. Nói như vậy để các đồng chí biết chúng ta đang đi trước họ như thế nào. Trong tương lai không xa, nếu chúng ta chiến đấu chống lại Trung Quốc, chúng ta chắc chắn sẽ giành chiến thắng … Tuy nhiên, sự thật là nếu một nước khác [không phải Việt Nam] chiến đấu chống lại Trung Quốc, không rõ họ có giành được chiến thắng như thế này không (như Việt Nam).

… Nếu Trung Quốc và Liên Xô thống nhất với nhau, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta hay không. Nếu hai nước thống nhất và liên kết với nhau để giúp chúng ta, không chắc Hoa Kỳ có dám đánh chúng ta cái cách mà họ đã đánh. Họ sẽ do dự ngay từ đầu. Họ sẽ do dự như thời Kennedy. Việt Nam, Trung Quốc và Liên Xô, tất cả đã giúp Lào và ngay lập tức Mỹ ký một hiệp ước với Lào. Họ không dám gửi quân Mỹ sang Lào, họ để cho Đảng [Nhân dân Cách mạng] Lào tham gia chính phủ ngay lập tức. Họ không dám tấn công Lào nữa.

Sau đó, khi hai nước [Liên Xô và Trung Quốc] xung đột với nhau, Mỹ được [Trung Quốc] thông báo là họ có thể tiến tới và tấn công Việt Nam mà không sợ. Đừng sợ [sự trả đũa của Trung Quốc]. Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông đã nói với Mỹ: “Nếu các ông không tấn công tôi, thì tôi sẽ không tấn công các ông. Các ông có thể đưa nhiều quân vào miền Nam Việt Nam mà các ông muốn. Tùy các ông“.

… Hiện tại, chúng ta có biên giới với một nước rất mạnh, một nước với ý đồ bành trướng mà nếu muốn được thực hiện, phải bắt đầu với một cuộc xâm lược Việt Nam. Vì vậy, chúng ta phải chung vai gánh vác, vai trò lịch sử khác nhau. Tuy nhiên, chúng ta chưa bao giờ trốn tránh trách nhiệm lịch sử. Trước đây, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ của mình, và lần này Việt Nam xác định không cho phép họ bành trướng. Việt Nam giữ độc lập riêng mình và làm như vậy cũng là để bảo vệ nền độc lập của các nước Đông Nam Á. Việt Nam kiên quyết không để Trung Quốc thực hiện âm mưu bành trướng. Trận đánh gần đây [với Trung Quốc] chỉ là vòng một. Hiện họ vẫn còn chuẩn bị nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, bất kể họ chuẩn bị đến mức độ nào, Việt Nam cũng sẽ thắng …

Tiến hành chiến tranh không phải là đi bộ thong thả trong rừng. Gửi một triệu quân vào cuộc chiến chống lại một nước ở bên ngoài liên quan đến vô số khó khăn. Gần đây họ đưa 500.000 – 600.000 binh lính để đánh chúng ta, nhưng họ đã không có thiết bị vận tải đầy đủ để cung cấp lương thực cho quân đội của họ. Trung Quốc hiện đang chuẩn bị 3,5 triệu quân, nhưng họ phải để lại một nửa số quân đó ở biên giới [Trung-Xô] để ngăn chặn Liên Xô. Vì lý do đó, nếu họ đưa 1 hoặc 2 triệu quân vào để đánh chúng ta, chúng ta sẽ không sợ bất cứ điều gì. Chúng ta chỉ có 600.000 quân tham gia, và trong tương lai gần, nếu chúng ta phải đánh với 2 triệu quân, sẽ không có vấn đề gì cả. Chúng ta không sợ.

Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta biết cách đánh. Nếu họ đưa 1 triệu quân, họ sẽ chỉ giành được một chỗ đứng ở miền Bắc. Đi xuống vùng trung du, vùng đồng bằng và Hà Nội và thậm chí xuống dưới sẽ khó khăn hơn nữa.

Các đồng chí, như các đồng chí biết, bọn Hitler tấn công quyết liệt theo cách này, nhưng khi họ (Đức Quốc xã) đến Leningrad, họ không thể vào được. Với thành phố, người dân và các công trình phòng thủ, không thể nào thực hiện các cuộc tấn công hiệu quả chống lại mỗi người và mọi người. Thậm chí đánh trong hai, ba hoặc bốn năm, họ vẫn không thể vào. Mỗi làng ở đó (ở miền Bắc) thì giống như thế. Đường lối của chúng ta là: mỗi huyện là một pháo đài, mỗi tỉnh là một chiến trường. Chúng ta sẽ chiến đấu và họ sẽ không thể nào vào được cả.

Tuy nhiên, không bao giờ đủ khi chỉ đánh kẻ thù ở tiền tuyến. Phải có một đội quân hậu tập trực tiếp mạnh mẽ. Sau trận đánh gần đây kết thúc, chúng tôi đánh giá rằng, trong tương lai không xa, chúng ta phải đưa thêm vài triệu người đến mặt trận phía Bắc. Nhưng kẻ thù đến từ phía bắc, hậu phương trực tiếp cho cả nước phải là Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh … Hậu phương trực tiếp bảo vệ thủ đô phải là Thanh Hóa và Nghệ Tĩnh. Chúng ta có đủ người. Chúng ta có thể đánh chúng bằng nhiều cách … Chúng ta có thể sử dụng 2-3 quân đoàn để giánh một cú mạnh vào chúng, sẽ làm cho chúng lảo đảo, trong khi chúng ta tiếp tục giữ đất của chúng ta. Để đạt được mục đích này, mỗi người lính phải là một người lính thực và mỗi đội phải là một đội hình thực sự.

- Bây giờ đã đánh xong một trận rồi, chúng ta không nên chủ quan. Chủ quan và đánh giá thấp kẻ thù là sai lầm, nhưng thiếu tự tin cũng sai. Chúng ta không chủ quan, chúng ta không đánh giá thấp kẻ thù. Nhưng chúng ta cũng tự tin và vững tin vào chiến thắng của chúng ta. Chúng ta cần phải có cả hai điều này.

- Bây giờ Trung Quốc có âm mưu đánh [chúng ta] để mở rộng xuống phía Nam. Nhưng trong thời đại hiện nay họ không thể đánh và dọn dẹp một cách dễ dàng. Trung Quốc chỉ đánh Việt Nam có vài ngày mà cả thế giới đã hét lên: “Không được đụng đến Việt Nam“! Thời đại hiện nay không giống như thời xưa. Trong những ngày này, không chỉ có chúng ta và họ (muốn nói Trung Quốc). Bây giờ cả thế giới đang gắn chặt với nhau. Loài người vẫn chưa hoàn toàn đi vào giai đoạn xã hội chủ nghĩa, nhưng đây là lúc mọi người đều muốn độc lập và tự do. [Ngay cả] trên các đảo nhỏ, người dân cũng muốn độc lập, tự do.

Cả nhân loại hiện nay như thế. Điều đó là rất khác với thời xưa. Thời đó, người dân chưa nhận thức rõ những điều này. Do đó, câu của Bác Hồ: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là một ý tưởng của thời đại hiện nay. Đụng đến Việt Nam là đụng đến nhân loại và xâm phạm độc lập, tự do … Việt Nam là một quốc gia tượng trưng cho độc lập và tự do.

- Khi phải chiến đấu chống Mỹ, anh em chúng ta trong Bộ Chính trị đã thảo luận với nhau về vấn đề này, cân nhắc liệu chúng ta có dám đánh Mỹ hay không. Tất cả đều đồng ý đánh. Bộ Chính trị đã bày tỏ quyết tâm: để chiến đấu chống Mỹ, chúng ta không sợ Mỹ. Tất cả đều đồng tâm. Khi tất cả đã đồng ý đánh Mỹ, không sợ Mỹ, chúng ta cũng không sợ Liên Xô. Tất cả đều đồng ý. Chúng ta cũng không sợ Trung Quốc. Tất cả đều đồng ý. Nếu chúng ta không sợ ba điều này, chúng ta có thể đánh Mỹ. Đó là cách chúng tôi đã thực hiện trong Bộ Chính trị hồi đó.

Mặc dù Bộ Chính trị đã gặp và tổ chức các buổi thảo luận như thế và mọi người đồng lòng, sau này có một người đã nói với một đồng chí điều mà tôi đã nói. Đồng chí đó đặt câu hỏi cho Bộ Chính trị, hỏi lý do gì mà Anh Ba một lần nữa lại nói rằng, nếu chúng ta muốn đánh Mỹ, thì chúng ta không nên sợ Trung Quốc? Tại sao anh ấy phải nói như vậy nữa?

Lúc đó, anh Nguyễn Chí Thanh, người đã bị nghi là có cảm tình với Trung Quốc, đứng lên và nói: “Kính thưa Bộ Chính trị và kính thưa Bác Hồ, lời phát biểu của Anh Ba là đúng. Phải nói như thế (ý nói không cần phải sợ Trung Quốc), vì họ (Trung Quốc) gây rắc rối cho chúng ta nhiều điều. Họ chặn chúng ta ở chỗ này, rồi họ trói tay chúng ta ở chỗ kia. Họ không cho chúng ta đánh…“

Trong khi chúng ta đánh ở miền Nam Việt Nam, Đặng Tiểu Bình quy định rằng tôi chỉ có thể đánh ở mức trung đội trở xuống và không được đánh ở mức cao hơn. Ông ta (Đặng Tiểu Bình) nói: “Ở miền Nam, do các ông phạm sai lầm về việc đã khởi động đánh trước, các ông chỉ nên đánh ở mức trung đội trở xuống, không được đánh ở mức cao hơn“. Họ gây áp lực lên chúng ta như thế.

- Chúng ta không sợ ai cả. Chúng ta không sợ bởi vì chúng ta có lẽ phải. Chúng ta không sợ ngay cả anh trai của chúng ta. Chúng ta cũng không sợ bạn bè của chúng ta. Dĩ nhiên, chúng ta không sợ kẻ thù của chúng ta. Chúng ta đã đánh họ rồi. Chúng ta là con người, chúng ta không sợ bất cứ ai. Chúng ta độc lập. Cả thế giới biết chúng ta độc lập.

Chúng ta phải có một quân đội mạnh mẽ, bởi vì đất nước chúng ta đang bị đe dọa và bị bắt nạt … Không thể khác được. Nếu không, thì sẽ nguy hiểm vô cùng, nhưng đất nước chúng ta nghèo.

- Chúng ta có một quân đội mạnh, điều đó không có cách nào làm nhụt chí chúng ta. Có một số chính sách của Trung Quốc đối với chúng ta: xâm lược và chiếm đóng nước ta, tìm cách làm suy yếu chúng ta về kinh tế và làm cho điều kiện sống của chúng ta khó khăn. Vì những lý do này, để chống lại Trung Quốc, trước hết, chúng ta phải, không những chiến đấu, mà còn làm cho chúng ta mạnh mẽ hơn. Để đạt được mục đích này, theo tôi, quân đội của chúng ta không nên là một lực lượng lãng phí nguồn lực của nhà nước, mà nên là một lực lượng sản xuất mạnh mẽ. Khi kẻ thù đến, họ (những người lính) cầm súng ngay lập tức. Khi không có kẻ thù, thì họ sẽ sản xuất đàng hoàng. Họ sẽ là biểu tượng tốt nhất và cao nhất trong sản xuất, sản xuất nhiều hơn bất cứ người nào khác. Dĩ nhiên, đó không phải là một câu chuyện mới …

- Hiện nay, trên vai quân đội của chúng ta đang gánh vác một nhiệm vụ lịch sử: bảo vệ độc lập và tự do của chúng ta, trong khi cùng lúc bảo vệ hòa bình và độc lập trên toàn thế giới. Nếu chính sách bành trướng của bè lũ phản động Trung Quốc không thể thực hiện được nữa, sẽ là lợi ích của cả thế giới. Việt Nam có thể làm điều này. Việt Nam có 50 triệu người rồi. Việt Nam có những người bạn Lào và Campuchia và có địa thế vững chắc. Việt Nam có phe [XHCN] và tất cả nhân loại đứng về phía ta. Rõ ràng là chúng ta có thể làm điều này.

… Các đồng chí có biết người nào trong đảng chúng ta, trong nhân dân của chúng ta, nghi chúng ta sẽ thua Trung Quốc? Dĩ nhiên là không có ai cả. Nhưng chúng ta phải duy trì các mối quan hệ bạn bè của chúng ta. Chúng ta không muốn hận thù dân tộc. Tôi lặp lại: tôi nói điều này bởi vì tôi chưa bao giờ cảm thấy căm thù Trung Quốc. Tôi không cảm thấy như thế. Đó là họ đánh chúng ta.

Hôm nay tôi cũng muốn các đồng chí biết rằng trong thế giới này, người đã bảo vệ Trung Quốc là chính tôi! Đó là sự thật. Tại sao vậy? Bởi vì trong hội nghị tháng 6 năm 1960 tại Bucharest, 60 đảng đứng lên chống lại Trung Quốc, nhưng chỉ có mình tôi là người bảo vệ Trung Quốc. Việt Nam chúng ta là thế. Tôi sẽ tiếp tục lặp lại điều này: Tuy họ cư xử tồi tệ, chúng ta biết rằng người của họ là bạn của chúng ta. Về phía chúng ta, chúng ta không cảm thấy xấu hổ với Trung Quốc. Tuy nhiên, âm mưu của một số lãnh đạo (Trung Quốc) là một vấn đề khác. Chúng ta coi họ chỉ là một bè lũ. Chúng ta không nói tới đất nước họ. Chúng ta không nói người dân Trung Quốc xấu với chúng ta. Chúng ta nói bè lũ phản động Bắc Kinh. Tôi nói lại điều này một lần nữa một cách nghiêm túc như thế.

Vì vậy, chúng ta hãy kiểm soát tình hình chặt chẽ, trong tư thế sẵn sàng chiến đấu, và không bao giờ nới lỏng sự cảnh giác. Về mối quan hệ với Trung Quốc cũng vậy. Tôi tin rằng trong 50 năm, hoặc thậm chí trong 100 năm, chủ nghĩa xã hội có thể thành công, và lúc đó chúng ta sẽ không bị vấn đề này nữa. Nhưng sẽ mất một thời gian [dài] như thế. Vì vậy, chúng ta phải chuẩn bị và sẵn sàng trên mọi phương diện.

Hiện nay, chắc chắn không ai còn nghi ngờ nữa. Nhưng cách đây năm năm, tôi dám chắc rằng không có đồng chí nào nghi ngờ Trung Quốc có thể đánh chúng ta. Nhưng có. Đó là vì các đồng chí [này] không có kiến thức về vấn đề này. Nhưng đó không phải là trường hợp của chúng tôi (Lê Duẩn và ban lãnh đạo). Chúng ta biết rằng Trung Quốc đã và đang tấn công chúng ta [cách đây] mười năm hoặc hơn. Vì vậy chúng ta không ngạc nhiên về cuộc tấn công của Trung Quốc vào tháng 1 năm 1979./.


Nguồn: Thư viện Quân đội Nhân dân, Hà Nội
Tài liệu do Christopher Goscha có được và dịch cho CWIHP
Ngọc Thu, dịch từ: Wilson Center

ĐKT
23.07.2017

TƯ LIỆU CỦA VIỆN NGHIÊN CỨU HÁN – NÔM VỀ HỌ ĐINH .

Các tư liệu quý giá mà Viện Nghiên cứu Hán - Nôm đã sưu tầm được


NHỮNG TƯ LIỆU VỀ DÒNG HỌ ĐINH TRÊN
ĐẤT THÁI BÌNH CÓ LIÊN QUAN TỚI
VIỆC LÊN NGÔI VUA CỦA LÊ THÁNH TÔNG
MAI HỒNG
Viện Nghiên cứu Hán Nôm
Từ trước tới nay, giới sử học thường nhận định rằng, Đinh Liệt và Nguyễn Xí giúp Lê Thánh Tông lên ngôi. Nhưng chưa có ý kiến nào nói rõ địa điểm xuất phát lên ngôi vua của Lê Thánh Tông là từ đâu. Nhân trong các chuyến đi sưu tầm tư liệu điền dã tại Thái Bình, chúng tôi đã thu thập được một số tư liệu có liên quan tới nơi sinh của vị hoàng đế đầy tài ba của dọng họ Lê này như sau:
Ở Thái Bình hiện còn một số di tích thờ ba anh em nhà Khai quốc công thần thời Lê Lợi đánh đuổi giặc Minh (Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt) và sự đóng góp của họ trong việc phù giúp Lê Thánh Tông lên ngôi trị vì đất nước.

A – Các nguồn tư liệu dân gian
Theo gia phả họ Đinh và các tư liệu dân gian ở đây cho thấy, vào cuối thế kỷ XIV có một người con trai họ Đinh tên là Thỉnh dáng người mảnh dẻ thư sinh rời quê hương sách Mỹ Lâm, huyện Thụy Nguyên đạo Thanh Hoa (tên tỉnh Thanh Hóa xưa) ra Bắc Hà làm gia sư cho phú ông người họ Phạm ở làng Đún Ngoại huyện Thần Khê, phủ Ngự Thiên, đạo Sơn Nam (nay là xã Bình Lăng, Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), kết duyên với cô con nuôi của phú ông là Phạm Thị Gái. Sau đó cặp vợ chồng này sinh một cậu con trai đặt tên là Đinh Tôn Nhân. Khi Tôn Nhân đã khôn lớn, hai cha con ông Đinh Thỉnh dắt nhau về quê nội Thanh Hoa tham gia phong trào của Trần Quí Khoáng. Việc không thành, hai cha con ông lại tìm đến gia đình ông Lê Khoáng (thân phụ Lê Lợi) xin làm quản gia. Lê Lợi thấy cha con ông Đinh Thỉnh là người có chí khí, bèn xin cha gả em gái của mình cho Đinh Tôn Nhân. Đinh Tôn Nhân sinh được 3 người con trai: Đinh Lễ, Đinh Bồ và Đinh Liệt. Ba anh em nhà họ Đinh này sau đều là những bậc kiệt hiệt và đều là khai quốc công thần của triều Hậu Lê. Đinh Bồ hy sinh ở trận Khả Lưu, Lê Lợi vô cùng thương tiếc, truy tặng Định Quốc công. Đinh Lễ làm đến chức Tư không, vào năm 1426 nghĩa quân Lam Sơn đã chuyển từ thế thủ sang tấn công, tiêu diệt quân thù giải phóng đất nước. Đại quân tiến từ vùng Thanh Nghệ ra Đông Quan để đánh nhau với Tổng binh Vương Thông, Lê Lợi sai Đinh Lễ nhử địch đánh tại trận Trúc Động diệt hơn năm mươi vạn tên, bắt sống trên mười vạn tên khác. Trận đánh ở My Động do Đinh Lễ và Nguyễn Xí chỉ huy, quân ta thắng lớn. Nhân đà thắng lợi, nghĩa quân tiến đánh sát thành Đông Quan, quân địch kéo ra quá đông, lực lượng địch ta chênh lệch quá lớn, voi chiến bị sa lầy, tại bến Chương Dương, Đinh Lễ, Nguyễn Xí bị giặc vây bắt. Nguyễn Xĩ giả hàng, Đinh Lễ không chịu khuất phục nên bị giặc giết hại. Lê Lợi vô cùng thương tiếc, truy tặng Bân Quốc công. Đinh Lễ sinh được ba người con trai và một người con gái: Đinh Trung, Đinh Vệ, Đinh Vĩnh Thái (sau Lê Thánh Tông sai về ở Sáo Đền, trông coi mồ mả họ Đinh và Đốc Hựu điện) và con gái là Đinh Thị Ngọc Kế lấy Ngô Từ con trai tướng quân Ngô Bội. Ngọc Kế sinh ra Ngô Thị Ngọc Giao. Ngô Thị Ngọc Giao được Lê Thái Tông vời vào cung làm Tiệp dư rồi sinh ra Lê Tư Thành (tức Thánh Tông sau này).
Sau khi Đinh Lễ hy sinh, Lê Lợi trọng dụng người em ruột của ông là Đinh Liệt. Bấy giờ Đinh Liệt đang ở mặt trận phía Bắc, vua cho gọi về dinh Bồ Đề (nay thuộc Gia Lâm) giao cho chỉ huy đội quân Thiết đột ở bên cạnh vua. Trong khi ấy, Liểu Thăng đem mười vạn quân sang để tiếp viện cho Vương Thông đang bị vây ở thành Đông Quan, Mộc Thạnh cũng đem năm vạn quân vượt qua biên giới Lao Cai tiến vào nước ta. Vua sai Đinh Liệt và Đại tư mã Lê Sát đem quân Thiết đột tiến lên Lạng Sơn chặn đường đánh địch. Tương truyền, trên đường ra trận Đinh Liệt ghé thăm quê ngoại ở Y Đún, thăm người thân, bái yết phần mộ họ ngoại và cầu đảo tại đền thờ bà Cẩm Hoa (tức Nguyễn Thị Cẩm Hoa, nữ tướng của Bà Trưng). Tại đền bà Cẩm Hoa (Thượng Phán xã Quỳnh Lưu, Quỳnh Phụ) hiện nay còn đôi câu đối chép sự kiện này: “Nghĩa phụ Trưng Vương vong Bắc quốc; Linh phù Đinh tướng phục Nam bang”. Nghĩa là: (Bậc nghĩa phụ lớn Trưng Vương dẹp tan quân giặc Bắc; Linh thiêng hãy phù giúp Đinh tướng khôi phục nước Nam). Sau khi làm kễ cầu thần, Đinh Liệt đem đại binh tiến thẳng tới ải Chi Lăng - Lạng Sơn, trực tiếp chỉ huy trận đánh địch ở núi Mã Yên, chém chết Liễu Thăng, thu được bằng sắc và ấn kiếm của tên giặc này đem về Bồ Đề dâng vua. Kế ngay đó, Đinh Liệt lại cùng Lê Sát và các tướng khác đánh trận Xương Giang bắt sống Thượng thư Hoàng Phúc, Đô đốc Thôi Tụ. Vua sai đem ấn kiếm của Liễu Thăng lên Lao Cai trao cho Mộc Thạnh. Mộc Thạnh run bắn người lên khi nhận tin này. Y bèn xua quân tháo chạy về nước. Vương Thông thế cô cũng mở cổng thành Đông Quan xin đầu hàng quân ta.
Năm 1428, khi đất nước sạch bóng quân xâm lược, Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế đặt niên hiệu là Thuận Thiên năm đầu. Triều đình luận công khen thưởng Đinh Liệt là một trong những Đệ nhất công thần Khai quốc. Sau đó ông được giữ chức Thái phó giúp vua Thái Tông trị nước. Bấy giờ vua còn nhỏ tuổi, mà triều đình thì lục đục mâu thuẫn, ông cùng Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí và những trung thần khác cố gắng làm tốt mọi việc. Sau sự kiện Thái Tông đột tử ở Vườn Vải (Lệ Chi viên), Đinh Liệt bị Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh (mẹ của Nhân Tông) bắt giam 3 năm. Truyện ấy ông đã lường được tất cả. Đinh Liệt đã chỉ thị cho con cháu họ Đinh ở Đô Kỳ chuẩn bị lực lượng đề phòng mọi tình huống bất trắc có thể xẩy ra. Khi ấy Hoàng hậu Nguyễn Thị Anh ghen ghét với bà Ngô Thị Ngọc Dao, tìm cách ám hại bà. Nhờ có sự che chở bảo vệ của các trung thần, nên bà Nguyễn Thị Anh chưa thi thố được gì, bà ta đành phải cách chức Tiệp dư (1) của Ngô Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Ngọc Dao, Nguyễn Thị Anh biết bà Ngọc Dao đang có thai, mới cho ở riêng ra chùa Huy Văn (Văn Chương quận Đống Đa, Hà Nội), chờ sau khi đẻ sẽ định liệu. Trước tình hình gay go như vậy, Đinh Liệt cùng Nguyễn Xí ngầm đưa bà Ngô Thị Ngọc Dao chạy về Y Đún. Trên đường về đến Cầu Tray, nơi giáp ranh giữa 2 địa phận làng Chép xã Gia Lạp huyện Diên Hà và làng Sâm xã Mậu Lâm huyện Thần Khê thì bà Ngọc Dao chuyển dạ đẻ. Suốt từ chập tối cho đến gần sáng hôm sau, một chuỗi thời gian dài và nặng nề, mọi người lo sợ triều đình sẽ đuổi theo. Trong tình hình tiến thoái đều khó, bà Ngọc Dao cho thắp hương cầu trời Phật. Bài khấn ấy, đến nay vẫn có câu được truyền tụng trong dân gian:
Có phải con mẹ con cha,
Thì sinh ở đất Diên Hà Thần Khê.
Nhược bằng bác mẹ chẳng sinh,
Thì quăng ra đất vạn ninh(2) cho rồi.
Lời khấn vừa dứt thì bà Ngọc Dao sinh được một cậu con trai (tức Lê Thánh Tông sau này). Mọi người thờ phào nhẹ nhõm. Bấy giờ ở làng Sâm có một bà mẹ đang nuôi con thơ được mời đến cho Hoàng từ bú(3). Sau đó đoàn người đi về làng Đún, taịi làng Đún có 2 bà mẹ họ Đinh sẵn sàng giúp đỡ bà Ngọc Dao và nuôi Hoàng tử.
Phần mộ của hai bà nhũ mẫu ấy sau cũng được để trong khu lăng công thần của họ Đinh ở xứ Đường Vuông.
Hiện nay, tại từ đường họ Đinh ở Y Đún vẫn còn lưu giữ được đôi câu đối nói về sự kiện như sau:
Quốc sử lưu bi địa giáp Chú Đình thang mộc ấp(4)
Thần châu hưng nhượng danh trì mỹ lý duệ di hương.
Nghĩa là: sử sách bia đá còn chép đất Chú Đình (tức sách Thuý Lâm) xưa đã sinh ra vua Lê Lợi. Thần Châu (bãi thiêng) cũng như Thần Khê (sông thần) đẻ Lê Thánh Tông. Thần Khê là danh trì (ở Thái Bình), Mỹ Lý (làng đẹp) cũng như Mỹ Lý (Mỹ Lâm ở Thanh Hóa), vùng đất này đã sinh Lê Thánh Tông, cháu Lê Lợi.
Tạm dịch:
Sử vàng bia đá còn ghi Thuý Sách thủa trước danh ấp thang mộc; Lang đẹp sông thần lại chép Thần Khê ngày nay tiếng thơm con cháu truyền.
Tới khi đã lớn, Thánh Tông lấy đất làng Đún làm căn cứ, xây dựng thành luỹ, dùng ngôi chùa để làm văn phòng, trồng 2 cây thị làm cột cổng dinh(5). Biết tin này, Nguyễn Thị Anh đã cho người về tận nơi tra xét. Quan khâm sai về đến đây thấy cảnh xây dựng đồ sộ hệt như một kinh đô, cũng phải thảng thốt: Đúng là một “kỳ đô” (kinh đô lạ). Bởi thế Đô Kỳ là một địa danh được ghi nhận từ đấy.
Sau khi Lạng Sơn vương Nghi Dân dùng bọn quyền thần Phạm Đồn giết Thái hậu Nguyễn Thị Anh và vua Nhân Tông để cướp ngôi thì Đinh Liệt cùng Nguyễn Xí, giết bọn Phạm Đồn, truất bỏ Nghi Dân đưa Thánh Tông về Thăng Long lên ngôi Hoàng đế(6).
Lê Thánh Tông lên ngôi phong cho ông ngoại (Ngô Từ) là Duyên Ý Đại vương, mẹ Ngô Thị Ngọc Dao là Hoàng thái hậu, minh oan cho Nguyễn Trãi, vời con cháu Nguyễn Trãi ra làm quan. Khi Lê Thánh Tông đem quân đi đánh Chiêm Thành ở phía nam, Hoàng thái hậu về thăm mẹ đang ở Sáo Đền (Song An, Vũ Thư), thăm viếng mồ mả tổ tiên bên ngoại và thăm mộ bà Xang(7). Trở về triều bà yêu cầu vua ban sắc chỉ lập 2 đền thờ họ ngoại ở Sáo Đền (Song An, Vũ Thư) gọi là Đốc Hựu điện và ở Đô Kỳ (Đông Đô, Hưng Hà) gọi là Phúc Dụ điện. Thánh Tông chiều theo ý mẹ, ông giao cho Công chúa Bảo Thanh lo góp tiền hương đăng hàng năm cho 2 di tích này. Cấp 100 mẫu ruộng cho Sáo Đền, cử Đinh Vĩnh Thái con trai út của ông Đinh Lễ về đây ở trông coi Đốc Hựu điện. Cấp 27 mẫu ruộng cho Y Đún – Đô Kỳ, cử Đinh Thế Biểu cháu nội ông Đinh Liệt trông coi Phúc Dụ điện và thờ cúng tổ tiên họ Đinh.
Như trên, ta thấy từ các di tích này mà dòng họ Đinh tới định cư ở đất Thái Bình từ cuối thế kỷ XIV, chưa nói đến việc ông Đinh Thỉnh tới làm gia sư cho nhà họ Phạm trước đó. Và con cháu họ Đinh ở đây đã đóng góp rất nhiều nhân tài cho giai đoạn lịch sử của dân tộc, suốt 300 năm kể từ đời Lê Thái Tổ đến Lê Thánh Tông, qua thời Trung hưng cho tới Hiển Tông - Hậu Lê. Như những cánh chim, con cháu các vị Quốc công: Đinh Lễ, Đinh Liệt bay tỏa đi khắp các vùng của đất nước.
Vào khoảng những năm (1480-1485) có Đinh Thế Vĩnh từ Ngọc Sơn Thanh Hóa di cư ra làng Đún. Sau đó con cháu của Thế Vĩnh chuyển tới làng Hòa Trai xã Hoành Mỹ, huyện Việt Yên, Kinh Bắc (Cẩm Giàng). Chừng các năm (1505-1529), Đinh Phúc Vận (đời thứ 7) làm tướng đóng đồn ở Hòa Trai chống Mạc được phong tước Nam quận công, con trai ông là Đinh Thừa Cận theo chúa Trịnh Tùng, Trịnh Tráng phò vua Lê Trang Tông, Thế Tông, Anh Tông dẫn dắt con cháu họ Đinh ở Hòa Trai, làng Đún đi đánh Mạc lập được nhiều công, được phong đến chức Thái tể, Uy dũng Tán trị công thần, Thúy quận công. Con trai ông là Đinh Diên cùng theo cha đi đánh Mạc lập căn cứ Hàn Giang (Hải Dương), được phong chức Thiếu uý, tức Dương quận công. Hai ông cháu ông Phúc Vận và Phúc Diên được chúa Trịnh Tráng thưởng cho mỗi người một tấm kim bài (thẻ vàng). Năm 1627, ông Đinh Phúc Diên về xây nhà thờ họ Đinh ở làng Đún, mang tấm kim bài về để thờ tổ tiên. Ông Diên còn tạo dựng 2 khu lăng mộ họ Đinh(8) gọi là khu lăng Công thần họ Đinh, qui định tiêu chuẩn ai có chức từ Lãnh binh trở lên mới được để hài cốt ỏ đây. Đến lúc già, ông Đinh Phúc Diên về trí sĩ ở Sáo Đền để chăm lo Đốc Hựu điện. Sau khi chết ông được phong làm phúc thần làng Đún. Con trai ông Phúc Diên là Phúc Tiến được phong Chánh đội trưởng, tước Khuông Cần hầu. Con của Đinh Phúc Tiến là Đinh Phúc Đạt là Chánh đội trưởng, tước Phan Lộc hầu, con trai thứ của ông Phúc Tiến là Phúc Liên định cư ở làng Đún, chức Chánh đội trưởng tước Trí An hầu. Cháu của Đinh Phúc Tiến là Đinh Văn giám được phong tước Điển Phương bá.
Đến năm 1748, ông Đinh Phúc Điền (đời thứ 14) nhận được lệnh chỉ của triều đình, phải làm một tờ khai thành tích của các vị công thần họ Đinh ở Thần Khê trong cuộc kháng chiến chống quân Minh, thời Trung hưng cho tới cuối Lê giúp vua Lê diệt Mạc nộp lên Quốc Sử quán.
Năm 1776, một chi họ Đinh ở Cẩm Giàng có Đinh Văn Tả(9) làm tướng đem quân đi đánh Mạc Kính Vũ. Quân của Mạc Kính Vũ thua chạy về Long Châu, thu được 4 châu (10) do nhà Mạc cắt cho Tàu trước đây.
Vào năm Cảnh Hưng 14 (1783) chúa Trịnh Khải có lệnh chỉ gọi ông Đinh Do về kinh nhậm chức Phó đội trưởng (tờ khai của Đinh Phúc Thuận và lệnh chỉ của chúa Trịnh chúng tôi sẽ nói ở mục sau kỹ hơn). Ở Hàn Giang, (Hải Dương), còn có Đinh Tích Nhưỡng được phong đến Liễn Trung công. Đến cuối thời Lê, đời vua Dụ Tông và Hiển Tông đều có phong sắc cho các ông Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Phúc Diên làm phúc thần cho làng Y Đún – Đô Kỳ.
Có thể nói tới họ Đinh ở Thái Bình tới đời thứ 16 là một dấu chấm hết một giai đoạn lịch sử huy hoàng của họ này gắn bó với triều đại nhà Hậu Lê và chúa Trinh suốt 300 năm (từ đầu thế kỷ XV đến cuối thế kỷ XVIII).
Đến đời nhà Nguyễn, vua Gia Long xuống chiếu tìm con cháu công thần họ Đinh ra làm quan, nhưng đã bị cự tuyệt. Người họ Đinh ở làng Đún viết vào tờ chiếu của Hoàng đế nhà Nguyễn rằng: “Tri Lê triều bất tri Nguyễn triều” (Biết triều Lê không biết triều Nguyễn). Hoàng đế họ Nguyễn tức giận liền phê mấy chữ: “Đinh tộc bất đắc thi” (Họ Đinh không được thi cử). Do vậy mà sự đối kháng của họ Đinh đối với vương triều nhà Nguyễn càng trở nên quyết liệt và gay gắt hơn. Nhất là từ sau khi nhà Nguyễn buộc dòng họ Đinh Phúc ở đây phải đổi thành Đinh Danh để tránh tên huý của tổ nhà mình. Cho nên cả thời Nguyễn con cháu họ Đinh ở Thái Bình không có ai thi cử, không có người làm cộng tác làm quan dưới vương triều nhà Nguyễn. Đến khi phong trào Cần Vương chống Pháp nổi lên, nhất là khi Pháp đánh chiếm Thái Bình, thì con cháu họ Đinh ở đây hưởng ứng rất sôi nổi. Bấy giờ họ Đinh cũng có một số người đứng lên tập hợp lực lượng hưởng ứng phong trào Cần Vương chống Pháp. Tiêu biểu có ông Đinh Khắc Nhưỡng (tục gọi là Đốc Nhưỡng) và ông Đinh Văn Giảng đều có lực lượng vũ trang riêng để chống triều đình Nguyễn và đánh Tây. Ông Đốc Nhưỡng xây dựng căn cứ ở Đô Kỳ tổ chức giết tên Việt gian Cai tổng Đấm ngay trên giường ngủ của y, trước ngày hắn đi nhậm chức Tri huyện, về sau bị Lương Đức Vy (thủ hạ của Hoàng Cao Khải) chui vào tổ chức làm phản. Cơ sở Đô Kỳ bị vỡ, Đốc Nhưỡng phải phối hợp với căn cứ Bãi Sậy của ông Đốc Tít tổ chức ra rất nhiều cơ sở suốt từ Thái BìnhNam Định, Hưng Yên lên tới Sơn Tây. Và ông đã bị bắt ở Sơn Tây. Sau khi Đốc Nhưỡng bị bắt, con cháu ông phải sơ tán đi nhiều nơi. Có người đi theo ông Đinh Danh Giảng, người đi theo ông Thương Lương, ông Bang Tốn, Lãnh Nhàn… Không bao lâu, các phong trào này cũng bị dàn áp và tan vỡ. Những tổn thất ấy không phải chỉ tổn thất riêng của những người đứng đầu phong trào chống Pháp thuộc dòng họ Đinh mà nằm trong bối cảnh bế tắc chung của cả phong trào Cần Vương cả nước. Nhưng dù sao cũng đã nói lên rằng dòng họ Đinh ở Thái Bình là một tộc họ lớn, có danh vọng và có công lao đối với đất nước trong nhiều thời đại. Một tộc họ như vậy, đáng nêu lên, đáng được nghiên cứu để làm bài học chung về truyền thống yêu nước thương nhà của nhiều dòng họ khác như họ Đinh.

B- Các tư liệu lịch sử thành văn
I/ Tại di tích Y Đún – Đô Kỳ
1- Gò Bà Xang (nhạc mẫu của ông Đinh Thỉnh, bà ngoại của Đinh Tôn Nhân) qua đời. Bà Xang đi cấy thuê giữa mùa đông giá lạng bụng đói cật rét, rồi chết cóng trên một cái gò đất giữa đồng, qua đêm côn trùng giun dế đùn đất lên cao thành mồ. Dân chúng bảo nhau rằng trời chôn (thiên táng) và gọi đấy là gò Bà Xang.
Thời bấy giờ, có một thầy tướng phán rằng: “Thế đất tường vân bảo nguyệt, địa phát nữ tôn, càn ấn cư khôn, đại phát nữ tôn, nữ tằng vi hậu”. Nghĩa là: (Mây lành trăng báu, đất phát cháu ngoại, phương Khôn (TâyNam) có kim tinh (sao Kim) làm ấn (con dấu), cháu của con gái phát to, chắt của con gái được phong là Hoàng thái hậu). Về sau con cháu xây lăng Bà Xang ngay trên phần mộ của bà. Lăng xây 2 tầng: tầng trên là lầu thờ, tầng dưới xây vòm để trống. Cửa lầu thờ có 3 chữ đại tự: Sinh tư đức (sống nhờ đức).
Câu đối thờ:
Kỳ địa chung linh truyền tự cổ;
Sùng đài ngật lập nhật duy tân.
Tạm dịch:
Đất thiêng người giỏi truyền từ cổ;
Đài miếu nguy nga mới mỗi ngày.
Từ xưa trước lầu thờ vốn đã có 3 gian tiền tế, năm 1960 Ủy ban xã đã rỡ ra để xây trường học, nên nay chỉ còn trơ trọi có lầu thờ Bà Xang.
2- Tại nhà thờ họ Đinh ở Y Đún: Ngôi từ đường này vốn có từ rất sớm, nhưng đến năm 1726 do ông Thiếu uý Dương quận công Đinh Phúc Diên xây dựng qui mô to và kiên cố hơn. Hiện nay tại đây vẫn còn một số tư liệu thành văn có giá trị:
a- Câu đối thờ:
Quốc sử lưu bi, địa giáp Chú Đình thang mộc ấp;
Thần Châu hưng nhượng danh trì mĩ lí duệ di hương.
b- Đinh gia thế phả: Văn bản này chắc được sao chép vào năm Lê Cảnh Hưng 44 (1783) do ông Đinh Danh Khanh người cao tuổi nhất trong họ hiện thời gìn giữ. Năm 1983 gia tộc đã trao cho Ban Nghiên cứu lịch sử Thái Bình để dịch ra tiếng Việt. Nội dung nói về lịch sử dòng họ Đinh bắt đầu từ ông thuỷ tổ là Đinh Thỉnh cho đến đời con ông là Đinh Tôn Nhân, rồi đời cháu ông là các ông Đinh Lễ, Đinh Bồ, Đinh Liệt cho đến đời thứ 15 có cha con ông Đinh Phúc Thuần và Đinh Phúc Miên. Giá trị của cuốn gia phả này là chép bản khai công tích của những người họ Đinh đã trải 300 năm cúc cung thờ phụng đóng góp xây dựng vương triều nhà Lê và chúa Trịnh. Và suốt cả chặng đường 3 thế kỷ có dư ấy, vương triều Lê Trịnh đã đáp lại công lao cho họ cũng không phải là nhỏ: hàng chục, hàng chục người công hầu khanh tướng, có người làm đến Thái tể, Quốc công…
c- Các đạo sắc: Ở trong gia phả họ Đinh chép còn 6 văn bản đạo sắc. Nhưng thực tế còn 5 đạo như sau:
- Một đạo sắc của vua Lê Dụ Tông phong cho Đinh Lễ vào năm Vĩnh Thịnh 9 (1913), khen ngợi Đinh Lễ đã có công lao to lớn ngay từ buổi đầu dựng nghiệp nhà Lê - từ hội thề Lũng Nhai, rồi xông pha trận mạc mà hy sinh được Thái tổ tặng đến chức Nhập nội Tư không, Bình chương quân quốc trọng sự Bân quốc công, và tặng làm phúc thần: Đại vương thượng đẳng thần làng Y Đún (đạo sắc này chỉ còn ở trong gia phả).
- Một đạo sắc do vua Lê Duy Phường tặng cho Đinh Lễ, nhắc lại nội dung đạo sắc ở trên và thêm mấy mỹ tự: Huy Nhu, Y Cung, Minh Doãn, Đốc Thực Đại Vương. Năm Vĩnh Khánh 44 (1730) (văn bản đạo sắc này bị rách mất một vài chữ, đã chép vào gia phả).
- Một đạo sắc do Lê Hiển Tông tặng cho Đinh Lễ vào năm Cảnh Hưng 44 (1783), nội dung nhắc lại các đạo trước và thêm mấy mỹ tự: Khoan Hậu, Chính Trực, Quảng Trạch Hồng Ân, Khuông Vận Tế Trị, Thạc Đức Hoằng Tài, Vĩ Vọng Đại Vương.
- Ba đạo sắc phong đồng thời do vua Nguyễn Khải Định tặng cho 3 ông họ Đinh: Đinh Lễ, Đinh Liệt và Đinh Phúc Diên (mỗi ông một đạo) vào Khải Định 9 (1024). Nội dung khẳng định việc phong tặng của các triều trước cho các vị là hoàn toàn xứng đáng, nay nhân dịp đại lễ của nhà vua lên tuổi 40 ban sắc cho thần dân trăm họ biết, để ai nấy đều lo phận sự của mình (3 đạo sắc này còn rất tốt).
d- Bản kê khai công trạng của các công thần họ Đinh ở Y Đún – Đô Kỳ.
Bản khai này do ông Đinh Phúc Thuần ở đời thứ 14 soạn thảo theo lệnh của triều đình vào năm Lê Cảnh Hưng thứ 18 (1747). Văn bản này dày 12 trang, khổ 30cm x 18cm, 9 hàng chữ theo chiều dọc trên xuống, mỗi hàng trung bình 24 chữ.
Nội dung: Khai công trạng của 15 người họ Đinh đã đóng góp và phụng thờ vương triều Lê Trịnh - từ khi Thái Tổ khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, qua thời Trung Hưng diệt Mạc cho đến đời Lê Hiển Tông: Đã có 4 người được phong tước Quốc công, 3 người Quận công, 13 tước Hầu, 1 người tước Bá, 4 người được phong làm Phúc thần, Đại vương. Về chức có những người đã làm đến chức Thái sư, Tư không, Thái phó, Thái tể…
e- Lệnh chỉ của Đoan Nam vương: gọi ông Đinh Do ở Y Đún lên kinh nhậm chức Phó đội trưởng vào năm Lê Cảnh Hưng 44 (1783), nội dung như sau:
Đinh Do là con cháu của Khai quốc công thần Thái sư Lân quốc công Đinh Liệt được ban quốc tính Lê Liệt, xét duyệt người con cháu đáng trúng tuyển vào làm việc ở phủ chúa. Bởi công trạng của tổ tiên xứng đáng được giao chức Phó đội trưởng. Nếu sau này ở nơi nào còn thiếu người sẽ được bổ sung, đó là việc tương lai. Còn như lười biếng, không chuyên tâm và lỡ hẹn chậm chạp không tới, thì sẽ có phép nước xử lý.
Nay ban lệnh chỉ.

II/ Tại cụm di tích Sáo Đền (An Lão)
1- Từ đường họ Đinh
a- Câu đối thời ông Đinh Phúc Diên và tổ tiên của ông.
Đồng bào tam quốc công, quán Đô Kỳ, thiên Thuý Cối, biệt cư An Lão trang đức trạch thần thai kim tử tính;
Nhất đường nghĩa đại phúc, thế tướng tề tế hầu vương, biểu tôn Hoàng thái hậu, Đinh thanh nhân ngưỡng cổ trung hiền.
Tạm dịch:
Ba anh em ruột Quốc công(11), quán tại Đô Kỳ di ở Thuý Cối, biệt ở An Lão trang, đức độ trạch ân ươm trồng để tới nay con cháu hưởng;
Một nhà nghĩa phúc muôn kiếp, đời đời làm tướng đều tới vương hầu, cháu ngoại Hoàng thái hậu, họ Đinh sạch trong nhân ngãi, gương sáng bậc trung hiền thời xưa.
b- Văn bia: Tại từ đường họ Đinh ở Sáo Đền (An Lão) ở xã Song An huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình còn 1 tấm bia nói về lịch sử dòng họ dựng ngoài hiên trước. Bia không chép niên đại dựng. Nhưng theo tự dạng, trang trí diềm bia chúng tôi cho rằng bia dựng vào thời Nguyễn muộn.
Kích thước bia 130cm x 75cm, trán bia cao 25cm. Lòng bia 105cm x 60cm, 27 hàng chữ chiều dọc trên dưới, 33 chữ một hàng. Thác bản văn bia này được bổ sung vào kho Hán Nôm năm 1993. Ký hiệu 29-620.
Mặt trước: Tiền Lê Hồng Đức Tam công ký (bài ký về 3 ông trước thời Hồng Đức).
Nội dung: Nói về nguồn gốc quê quán của Tam công (3 ông) là ở Thanh Hóa, ông nội của tam công di cư tới ở làng Đún huyện Thần Khê, lấy vợ sinh cơ lập nghiệp ở đó. Sau sinh ra thân phụ của tâm công là Đinh Tôn Nhân và ông đi tham gia khởi nghĩa Lam Sơn đánh đuổi giặc Minh, lập công to đều được phong hàm chức lớn.
Có nguyên văn bài chế của vua Lê Thánh Tông tấn phong cho Đinh Liệt chức Thái tử - Thái sư và tước Trung Mục vương vào năm Quang Thuận thứ nhất (1460). Nơi chốn để lăng mộ của các bà Quốc thái Phu nhân Đinh thị Ngọc Kế, Quang Thục trưởng công chúa: Phù Dung Thái trưởng công chúa; Quốc công Thái Huệ lăn.
Mặt sau: Đinh gia thế thứ cập chư tôn vị lăng mộ tịnh tiền triều chuẩn cấp tự điền xứ sở - (thế thứ họ Đinh, cùng lăng mộ của các tôn vị và xứ sở ruộng thờ cúng mà triều trước đã chuẩn cấp).
Nội dung bia ghi chép về thế thứu của dòng họ Đinh ở Sáo Đền, vốn di cư từ quê Thanh Hóa ra Y Đún – Đô Kỳ huyện Thần Khê đền thời Lê Thánh Tông mới có một chi về đây – chép về địa điểm, phương hướng lăng mộ tên tuổi chức tước của những vị tôn quí của họ Đinh như Mục Huệ vương Đinh Thỉnh, Thái uý Hùng quốc công Đinh Tôn Nhân cùng Thái uý Phu nhân Lê thị (em gái Lê Lợi), Đinh Lễ và Phu nhân, Đinh Bồ và phu nhân, Đinh Liệt và Phu nhân. Đinh Thị Ngọc Kế, Thánh mẫu Ngô Thị Ngọc Dao. Số ruộng đất xứ đồng tên thửa ruộng đất để phục vụ thờ cúng tổ họ Đinh và những vị có lăng mộ kể trên. Trao cho con cháu họ Lê trông coi số ruộng đất hương hỏa này có 2 người Lê Công Vinh và Lê Công Nghi.
2- Tại Đốc Hựu điện:
Như trên đã rõ, Đốc Hựu điện xây dựng đồng thời với Phúc Dụ điện ở Y Đún – Đô Kỳ theo lệnh của vua Lê Thánh Tông. Bấy giờ Thánh Tông sai con trai út của Bân quốc công Đinh Lễ là Đinh Vĩnh Thái về đây trông coi hương khói họ Đinh và điện Đốc Hựu, Vua còn cho công chúa Bảo Thanh phải góp tiền hương đăng cho tổ tiên họ Đinh và điện Đốc Hựu. Một di tích có lâu đời như thế chắc là có nhiều tư liệu nhưng đến nay không còn gì ngoài 1 tấm bia một chí của Công chúa Gia Thục. Nhân dân cho rằng tấm bia này có liên quan tới điện, nên họ đã xây ghép bia này vào tường rào phía trước. Nên bia không chân không trán. Văn bia chép trên tảng đá hình chữ nhật: 76cm x 36cm, tổng số chữ là 254 chữ Hán còn được được. Bia do bọn các ông Hiển cung đại phu, Hàn lâm viện Thị thư, kiêm Sùng Văn quán Tú lâm cục Tư huấn, Lương Thế Vinh soạn vào ngày 11 tháng 10 năm Hồng Đức 14 (1483).
Tên bia Gia Thục công chúa mộ chí.
Nội dung văn bia - về cuộc đời Công chúa Gia thục, tên huý là Toại. Công chúa là con gái lớn của Vua, mẹ người họ Phạm là Tu nghi chủ cung Trường Xuân. Công chúa ra đời thì mẹ chết, nhờ Hoàng thái hậu nuôi 5 năm. Năm Giáp Thân được nhận sắc phong, tới năm Hồng Đức thứ 5 (1474) gả cho con trai Thái bảo Kiến Dương hầu Lê Cảnh Huy tên là Tòng. Công chúa là người phụ nữa nết na hiền hậu, xuất thân con Hoàng đế, khi lấy chồng tầm thường nhưng vẫn giữ đạo làm vợ, không ai chế trách vào đâu được. Đã có sinh con nhưng vô dưỡng, khi qua đời tuổi mới 22. Đám đàn bà con gái trong cung ai ai cũng sụt sùi thương tiếc, thậm chí có kẻ khóc tru kêu trời.
Vậy mới có minh rằng:
Thất bảo hoa hoa
Lục châu phiến phiến
Hốt lai thốt thệ
Thục cứu huyền thiên
Tạm dịch:
Thất bảo(12) lung linh
Lục châu óng ánh
Bỗng đâu khuất núi
Hỡi trời thấu chăng?

C- Một số nhận xét:
1- Những tư liệu dân gian và thành văn tại các cụm di tích của họ Đinh ở Thái Bình là những tư liệu có giá trị để nghiên cứu sâu về các vị Khai quốc công thần thời Lê Lợi.
2- Đánh giá các di tích văn hóa về thời Lê Thánh Tông: Gò Bà Xang, Đốc Hựu điện, Phúc Dụ điện, Đền bà Vũ Sữa, và 2 cây thị tại “cổng dinh Vua”, là nguồn tư liệu rất sinh động trong hoạt động và phát triển của dòng họ Đinh ở Thái Bình. Và đó cũng là sự cống hiến lớn lao của Lê Thánh Tông vào nền văn hóa chung của dân tộc.
Chú thích:
1. Tiệp dư - đứng đầu trong 6 bậc nữ quan (thấp hơn bậc Cửu tần và Tam phi).
2. Vạn ninh: Tức yên lặng muôn thủa, chỉ bãi tha ma.
3. Bà nhũ mẫu ấy, sau được lập đền thờ tại quê làng Sâm của bà mà nhân dân địa phương quen gọi là đền bà Vú Sữa.
4. Thang mộc ấp: là nơi tắm cho vua lúc mới sinh.
5. Hai cây thị hơn 500 tuổi mà dân gian truyền tụng là 2 cây thị cổng vua nay vẫn còn. Sở Văn hóa Thông tin Thái Bình giao cho Uỷ ban xã Đông Đô huyện Hưng Hà và dòng họ Đinh bảo quản.
6. Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú chép: Định Liệt đón Lê Thánh Tông lên ngôi, nhưng không nói đón từ đâu.
7. Bà Xang vốn là tên làng quê bà cụ sinh ra bà Phạm Thị Gái lấy ông Đinh Thỉnh, không ai biết họ tên bà cụ, mọi người cứ gọi là Bà Xang, tới khi cụ đi cấy bị chết rét ở cái gò đất giữa cánh đồng. Sau đấy dân chúng cứ gọi gò ấy là gò Bà Xang.
8. Hai khu lăng mộ họ Đinh: một ở xứ đồng Bà Lễ gọi là khu lăng Đường Vuông; một khu gọi là khu lăng Đường Vuông, Sau Vượt.
9. Đinh Văn TẢ sinh năm 1599 mất năm 1685, thọ 87 tuổi.
10. 4 châu: Thạch Lam, Quảng Uyên, Thượng Lang và Hạ Lang.
11. Ba anh em ruột Quốc công: Đinh Lễ - Bân Quốc công, Đinh Bồ - Đinh Quốc công, Đinh Liệt – Lân Quốc công.
12. Thất bảo: có 4 thuyết của nhà Phật về 7 vật quý, có thuyết tiêu biểu là: Kim ngân, lưu ly, xà cừ, mã não, hổ phách, san hô, pha lê.
Thông báo Hán Nôm học 1997 (tr.188-206)
ĐKT
20.06.2017