SỰ NHẦM LẪN GIỮA QUYỀN HẠN VÀ QUYỀN LỰC !

Một hành vi rất phản cảm và nguy hiểm ?

Lại thêm một cảnh sát giao thông hy sinh khi làm nhiệm vụ. Theo báo chí cho biết khi phát hiện một xe tải nhỏ chở heo có biểu hiện vi phạm giao thông khi không đi đúng làn, CSGT đã ra hiệu dừng xe nhưng tài xế chiếc xe này không dừng. Viên thiếu tá CSGT đã lấy xe máy do một người khác chở rượt theo; khi tới trạm thu phí qua cầu Đồng Nai chiếc xe tải phải giảm tốc độ khi qua trạm, viên CSGT này đã nhảy ra chặn đầu xe. Giữa hai bên, viên CSGT và người lái xe đã xảy ra cự cãi về lỗi vi phạm, người tài xế đã lái xe bỏ đi; viên CSGT đã nhảy lên nắp capo xe bám vào kính gạt nước trên nóc xe. Nhưng không may anh đã bị trượt chân bị cuốn vào gầm xe và chiếc xe cán qua người chết ngay tại chỗ.
Biết rằng mọi sự mất mát đều rất đáng tiếc cho gia đình và xã hội, nhưng sự hy sinh của viên thiếu tá này (Cảnh sát giao thông Đồng Nai) là một hy sinh không cần thiết, cũng là một thực trạng đáng báo động trong xã hội hiện nay. Điều chúng ta cần bàn ở đây là vì sao đã có rất nhiều vụ việc cảnh sát giao thông tự đặt mình vào tình huống nguy hiểm không cần thiết như vậy, và tại sao những hình ảnh đó vẫn tái diễn ?
Khi nghiên cứu về động cơ nào thúc đẩy họ hành động như vậy, theo một số chuyên gia nghiên cứu tâm lý cho biết, đã có sự nhầm lẫn giữa quyền hạn và quyền lực.
Nếu có nhận thức đúng đắn về quyền hạn, người chiến sĩ cảnh sát giao thông sẽ có ý thức rằng mình có thể làm những gì để đảm bảo trật tự an toàn giao thông. Anh sẽ thực thi những quy định trong điều lệnh mà luật pháp cho phép, với hàng loạt các biện pháp chế tài đã được quy định. Nhưng liệu trong trường hợp này anh cảnh sát giao thông có quá máy móc khi thi hành công vụ hay có một nguyên do uẩn khúc khác; đến đổi phải có một cuộc truy đuổi gắt gao trên đường phố, cuối cùng dẫn đến tai nạn thương tâm này. Vì một chiếc xe tải nhỏ chở heo từ vùng ven vào thành phố lúc đêm khuya đường vắng có chạy lấn làn một chút thì cũng không có gì nghiêm trọng cả. Trong trường hợp này khi người tài xế ngoan cố bỏ chạy thì ghi biển số xe để truy phạt sau, và không khó để xử phạt các trường hợp này – viên CSGT không nên mạo hiểm mà nên giữ an toàn cho bản thân.
Nhưng anh ta đã nhầm lẫn giữa quyền hạn với quyền lực, viên cảnh sát sẽ bị thúc đẩy bởi tâm lý: "Tôi có quyền dừng phương tiện của anh, tại sao tôi đã ra hiệu lệnh dừng xe mà anh không chấp hành, tôi sẽ chặn đầu xe anh xem anh có dám không dừng lại hay không?” Kết quả thì chúng ta đã biết.
Ở đây sự “liều mình” của viên cảnh sát đã góp phần gây ra một vụ tai nạn giao thông mà chính anh ấy là nạn nhân; đồng thời anh ta cũng đã gián tiếp đưa một con người khác vào vòng lao lý, gia đình tan nát. Mặt khác, sự việc đã tạo nên một hình ảnh kinh khủng về giao thông đường bộ ở Việt Nam.
Nếu nói rộng hơn một tí, khi một quan chức nhà nước hay một nhân viên công lực nếu biết nhận thức đúng mình chỉ là một người đang thi hành công vụ trong quyền hạn mà luật pháp cho phép – thì anh sẽ không có những hành vi lạm quyền. Nhưng cũng chính những con người đó nếu cho rằng anh ta có quyền và muốn chứng tỏ quyền lực thì sẽ có những hành vi vượt mọi quy định của pháp luật và đạo đức xã hội cho phép!
Một chuyên gia tâm lý đã kết luận:
"Một người nhầm lẫn giữa quyền hạn và quyền lực sẽ dẫn đến bi kịch cho chính người đó. Song, một xã hội nhầm lẫn quyền hạn với quyền lực thì đó là bi kịch xã hội "./.
ĐKT
18.04.2017

Vì sao đạo đức xã hội xuống cấp ?



    Trong diễn văn khai mạc Hội nghị lần thứ chín Ban chấp hành Trung ương Đảng, ngày 8/5/2014 ; Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra hàng loạt câu hỏi về vấn đề này, ông nhấn mạnh : “ Hơn 15 năm qua, kinh tế nước ta có tăng trưởng, đời sống nhân dân được cải thiện, nhưng văn hóa, đạo đức xã hội lại có nhiều biểu hiện xuống cấp, thậm chí có mặt nghiêm trọng. Nếu đúng như vậy thì nguyên nhân vì sao ? Vì chủ trương, chính sách, biện pháp chưa phù hợp hay vì nhận thức, quán triệt, tổ chức thực hiện chưa tốt ? Hay vì tác động mặt trái của kinh tế thị trường, mở cửa hội nhập quốc tế và sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin, truyền thông ? ”. Ông cho rằng : “ Cần đánh giá đúng mức tính nghiêm trọng của tình trạng lạc hậu, ngoại lai về văn hóa, những biểu hiện suy thái về đạo đức, lối sống, phai nhạt lý tưởng cách mạng, những tiêu cực, tệ nạn xã hội, thói giả dối, bệnh thành tích… đang có xu hướng lan rộng .”
    Những ai đang lo lắng cho hiện tình của đất nước đều chăm chú lắng nghe lời phát biểu này của người đứng đầu đất nước và tính nghiêm trọng của các vấn đề mà Tổng bí thư đã đặt ra . Vấn đề tương đối quá rộng , ở đây tôi chỉ xin phép được luận bàn đôi chút về một số khía cạnh trong cuộc sống hiện nay đó là Vì sao đạo đức xã hội xuống cấp ?
    Đây là một chủ đề không mới, đối với các cây bút chuyên viết bình luận thì nó càng không phải là xa lạ gì ? Ở đây tôi thấy hai vấn đề cần nhấn mạnh :
-  Đất nước chưa phải đã thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu ; các chính khách có thể bị ràng buộc trong tất cả mọi hoài bão có thể có và trong tất cả mọi ý muốn cải cách, nhưng cái khó cho những nhà kỷ trị là làm sao cắt đứt sợi dây mà không làm đổ vỡ hết đồng loạt.
-  Pháp luật (kể cả Hiến pháp) là do con người tạo ra, và con người có thể sửa đổi, thay thế cho phù hợp với sự phát triển của xã hội. Vậy tại sao chúng ta lại cứ “lấn cấn” trong vấn đề này, để những tiêu cực trong xã hội phát sinh rồi lại đổ lỗi cho cơ chế ? Phải chăng là sự ngụy biện để thỏa mãn lợi ích cá nhân của những kẻ tiêu cực, và lớn hơn nữa là lợi ích của nhóm tiêu cực ?
    Bởi mỗi người đều biết mình có lợi gì khi thay đổi, nhưng lại chú ý nhiều nhất tới những gì sẽ mất và đều không muốn bắt đầu từ đấy .

Lời bình :
   - Hàn Phi Tử nói: Pháp luật không hùa theo người sang. Khi đã thi hành pháp luật thì kẻ khôn cũng không thể từ, kẻ dũng cũng không dám tranh. Trừng trị cái sai không tránh kẻ đại thần, thưởng cái đúng không bỏ sót kẻ thất phu”.
   - Khi pháp luật đã nghiêm minh, thì nhận thức của con người sẽ thay đổi. Sự nghiêm minh của pháp luật không cho phép những kẻ làm sai ngụy biện cái sai của họ. Sự nghiêm minh của pháp luật khiến con người không thể đánh đổi cái sai, cái xấu của mình bằng mạng sống, nhà tù và tiền phạt. Đồng thời, chúng ta cần góp tiếng nói để cải cách thể chế theo hướng tích cực, lấy con người là trung tâm của xã hội, lấy pháp luật làm công cụ. Bài trừ những tệ nạn tiêu cực tham nhũng trong bộ máy quản lý và sống có trách nhiệm hơn với cộng đồng, với dân tộc.
     Có thể thấy, nếu pháp luật nghiêm minh thì con người sẽ tự thay đổi nhận thức để sống đúng pháp luật. Những cái xấu, cái sai sẽ bị xã hội lên án, phê phán và tẩy chay. Sẽ không còn cơ hội cho những kẻ làm việc xấu, việc sai ngụy biện cho hành vi của họ.
     Pháp luật không nghiêm để xảy ra những tiêu cực trong các hoạt động quản lý hành chính, xã hội. Và dĩ nhiên, khi có những tiêu cực đó, thì người dân phải chấp nhận sống trong sự tiêu cực đó. Họ không học tập những tấm gương xấu của những đối tượng tiêu cực, mà họ phải chấp nhận sống tiêu cực trong một xã hội tiêu cực, và họ có quyền ngụy biện cho những hành vi của họ vì cuộc sống, vì miếng cơm manh áo của gia đình họ. Nếu họ không làm thế, có pháp luật nào bênh vực và xử lý kịp thời để họ có thể sống bình thường không ? 
     Có thể kêu gọi những kẻ tham nhũng thay đổi nhận thức để không tham nhũng được không? Điều này rất khó, thậm chí là không thể. Vì khi họ đã có lòng tham, và sống trong một xã hội đâu cũng nhìn thấy tham nhũng thì không thể lấy sự giáo dục để thay đổi nhận thức. Chỉ khi pháp luật thực sự nghiêm minh, những kẻ tham nhũng bị lôi hết ra ánh sáng và chịu sự trừng trị thích đáng thì mới có khả năng ngăn chặn được.
     Pháp luật cần phải thực sự nghiêm minh mới nghiêm trị được cái ác, cái xấu đã và đang tồn tại trong xã hội. Những cái ác, cái xấu này đang đẩy lùi sự phát triển văn minh và tiến bộ của xã hội, nhưng lại nhận được sự đồng lõa của xã hội . Ở đây tôi xin nêu một dẫn chứng cụ thể đang nóng hổi tính thời sự để mọi người chiêm nghiệm :
  - Đó là vụ việc "ăn bớt" tiền hỗ trợ trẻ khuyết tật hơn 181 triệu đồng của Trung tâm cứu trợ trẻ em tàn tật, tỉnh Hà Giang . Việc “ăn bớt” tiền hỗ trợ của trẻ khuyết tật chắc chắn là một hành vi tham ô, cho dù nguồn tiền này từ ngân sách nhà nước hay các nguồn tài trợ xã hội. So với các vụ tham nhũng “khủng” hàng chục, hàng trăm tỉ đồng như các vụ đại án tham nhũng khác vừa qua thì việc “ ăn bớt ” hơn 181 triệu đồng là rất nhỏ. Tuy nhiên, nhỏ cũng là tham ô tham nhũng, nhỏ cũng là phạm tội. Và dĩ nhiên, đã phạm tội thì phải bị xử lý theo luật pháp.
     Bên cạnh việc xử lý của luật pháp, những kẻ này sẽ còn phải đối diện với tòa án lương tâm khi nhẫn tâm “ăn bẩn” những đồng tiền hỗ trợ ít ỏi cho trẻ khuyết tật - nhóm người được nhà nước và xã hội bảo trợ. Câu nói nổi tiếng của bà Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan : “Người ta ăn của dân không chừa cái gì” có lẽ nên bổ sung thêm “Kể cả ăn của người khuyết tật”. Vụ việc đã bị báo chí và công luận phanh phui ; cơ quan công an đã vào cuộc .
      Nhưng đơn vị chủ quản của Trung tâm này là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội đã có công văn gửi Cơ quan cảnh sát điều tra đề nghị không khởi tố vụ án hình sự đối với các cá nhân sai phạm và chuyển hồ sơ để sở này xử lý cán bộ theo thẩm quyền. Ông Lý Quang Thái - Giám đốc sở - giải thích lý do mà Sở đề nghị không khởi tố hình sự vụ án là để “góp phần ổn định chính trị tại địa phương” và “vì... đại cục, vì cái to lớn hơn”.
  - Mỗi công dân Việt Nam luôn phải tâm niệm câu: “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Chả lẽ một ông giám đốc sở lại ngồi xổm trên luật khi nhân viên dưới quyền ông phạm tội rõ ràng từ kết luận của cơ quan điều tra, mà ông lại đề nghị không được xử lý theo pháp luật ? Có phải ông ta xem thường pháp luật, hay ông ta sống ngoài vòng pháp luật ? Hay như ông nói là “vì …đại cục, vì cái to lớn hơn” ?
    “Ai cũng mong muốn sống trong một xã hội văn minh, hiện đại, đầy tính nhân ái và trách nhiệm xã hội. Để làm được việc đó, từng cá nhân hãy sống tốt hơn với chính bản thân mình và với xã hội, không a dua và đồng lõa với cái ác, cái xấu ”. Có lẽ ông giám đốc sở này chưa bao giờ được giáo dục điều này từ khi đang còn ngồi trên ghế nhà trường – hay bàn tay ông đã nhúng chàm ?
     Mỗi người chúng ta, khi bước ra khỏi cuộc sống thường ngày, cởi bỏ những chiếc áo khoác thường ngày, hãy thử nhìn cuộc sống bằng con mắt mới, con mắt của những người cần đến ta… để trải nghiệm một thế giới khác, để nhận ra hằng ngày chúng ta đang vô cảm ra sao, đang gây ra những tổn thương, những sự xúc phạm có khi đến tàn ác như thế nào ? Biết đâu đấy, một thế giới mới sẽ mở ra cho ta, ta sẽ nhận ra ta đang vô cảm, ta đang dung dưỡng cho cái ác, cái xấu hằng ngày và chính ta, chính ta đang là một mắt xích tạo ra sự suy đồi đạo đức của xã hội  ?
     Theo học thuyết của  Maslow : “ Để thay đổi hành vi con người và giảm bớt những thứ xấu xa trong xã hội, không có cách nào khác là phải tác động mạnh mẽ vào các lợi ích các thứ xấu xa đó mang lại cho đối tượng hành động (làm giảm hoặc triệt tiêu chúng), đồng thời tác động mạnh mẽ vào phía nhận thức, làm cho mỗi một người ý thức đầy đủ các rủi ro, hậu quả từ mỗi hành động của bản thân.
Vì mọi người đều hành động theo những nhu cầu cụ thể của chính bản thân. Mọi hành động của một cá nhân đều có một (hoặc một số) nhu cầu cá nhân sau nó. Bối cảnh hành động chỉ tác động, làm thay đổi lợi ích thu được và rủi ro phải chịu của hành động thôi. Có làm theo gương ai thì cũng là để đáp ứng các nhu cầu của bản thân người hành động.
Nói cách khác, một người tốt hoặc xấu không phải vì người khác tốt hoặc xấu, mà vì các lợi ích mà hành động tốt hoặc xấu có thể mang lại cho chính người đó.
Nếu các lợi ích đủ lớn, còn các rủi ro (hậu quả) được nhận thức là nhỏ (hoặc không có rủi ro) thì người đó sẽ hành động theo "sự chỉ đạo" của nhu cầu bản thân. Bối cảnh hành động chỉ có thể làm tăng hoặc giảm lợi ích và rủi ro.”
Lời kết :
   - Án tử hình là chế tài cao nhất của nền pháp trị với tham nhũng. Điều đó là cần thiết, nhưng thật sự chưa đủ. Một cơ thể xã hội khỏe mạnh phải hài hòa giữa dương (pháp trị) và âm (văn trị) .
   Có ý kiến cho rằng đạo đức xã hội xuống cấp là do sự thiếu giáo dục từ nhà trường, do chất lượng giáo dục yếu kém (trong đó có các môn giáo dục công dân). Là lỗi của ngành giáo dục, phải sửa từ giáo dục. Nói như thế không sai và ngành giáo dục cần phải đổi mới toàn diện để tạo ra những thế hệ người Việt Nam có chất lượng hơn. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng không cần thiết phải làm điều đó, vì ngoài giáo dục ở nhà trường, còn có giáo dục gia đình, giáo dục xã hội, giáo dục pháp luật, trong đó mỗi người đều có thể tự học, được học, thậm chí bị bắt học. Không ở đâu giáo dục ở nhà trường có thể thay thế được rất nhiều các hình thức giáo dục sau nhà trường.
    Một người được giáo dục pháp luật tốt và vì một xã hội có trật tự, kỷ cương, người đó không bao giờ lấy cái sai, cái xấu của ai đó để biện minh cho cái sai, cái xấu của bản thân mình hay của những người khác. Nhưng ở nước ta, đây là kiểu thái độ phổ biến trước các hiện tượng xã hội. Mọi thứ xấu xa đổ hết cho chính sách, cơ chế, thể chế là xong ?
   Vì sao đạo đức xã hội xuống cấp ? Theo Tổng bí thư thì có phải “ Vì chủ trương, chính sách, biện pháp chưa phù hợp hay vì nhận thức, quán triệt, tổ chức thực hiện chưa tốt ” ?
    Nhưng xin thưa rằng : Đạo làm quan xưa kia, lấy dân làm gốc, coi dân như con cái. Đạo làm quan nay, coi dân là ông chủ, mình là công bộc. Do đó, không thể viện “đúng quy trình” mà quan có thể vô cảm trước nỗi đau của nhân dân, bàng quan trước những hậu quả nghiêm trọng do cái “đúng quy trình” gây ra. Nhưng thử hỏi cái quy trình đó từ đâu mà ra ? hay cũng do chính công chức, nghĩa là do chính con người viết ra, nên nó vẫn có thể sai sót, có thể không phù hợp với từng giai đoạn thực tế ?
    Và chỉ khi đã có một nhà nước pháp trị mới có thể mơ đến một nhà nước pháp quyền, một nhà nước mà ở đó, người dân có thể dễ dàng thực thi được quyền hạn hiến định của mình để bảo vệ quyền lợi, tài sản hợp pháp, tính mạng của mình. Đây mới là sự mong mỏi của người dân ./.
ĐKT
02.6.2014

Hoài Niệm : Chuyện kể về một người bạn đã mất

Hắn và tôi - tại nhà hắn !


     Tôi và người bạn ấy chỉ học chung có một năm, đó là lớp 10A của niên khóa 1978-1979, cuối năm học vì điều kiện gia đình bạn ấy có khó khăn, bạn ấy phải chuyển qua học trường Công nhân kỹ thuật cơ điện ( trường Cao đẳng nghề hiện nay). Sự xuất hiện và việc biến mất của bạn ấy cũng bình thường như bao câu chuyện khác trong cuộc sống hằng ngày của những đứa học trò lớp 10 chúng tôi, lứa tuổi mà các bậc cha mẹ thường gọi là “ăn chưa no, lo chưa tới ”. Có nhớ chăng đó là anh chàng lớp trưởng nhỏ con, có đôi chân vòng kiền và nụ cười luôn nở trên môi. Sau đó hình bóng của bạn đã lùi dần vào quên lãng trong tôi, hơn 30 năm chúng tôi không gặp nhau và hoàn toàn không có tin tức gì của nhau.
     Cho tới đầu năm 2011, sau khi các cựu học sinh lớp A + B đã tập hợp với nhau sinh hoạt lớp được 02 năm, chúng tôi vẫn chưa bắt được liên lạc với bạn ấy, sau nhiều nỗ lực tìm kiếm của bản thân tôi và của một số bạn, chúng tôi đã tìm ra bạn ấy. Bạn ấy vẫn sống tại Đăklăk – Xã Ea Na, huyện Krông Ana. Buổi họp lớp vào ngày 30/04/2011 tại làng Châu Sơn, có sự hiện diện lầu đầu của bạn ấy, toàn thể các bạn đã chào mừng và thăm hỏi bạn ấy một cách chí tình với tình cảm của những người thân lâu ngày gặp lại, trước tình cảm đó của mọi người - người lớp trưởng của chúng tôi đã khóc rất nhiều. Bạn ấy khóc vì tình bạn, bạn ấy nói “ thưa thầy em rất nghèo, nhưng nay em sẽ rất giàu. Em nghèo về mặt vật chất, nhưng nay em sẽ là người giàu nhất. Vì em có thầy và em có các bạn…”. Sau đó chúng tôi đã hòa đồng vui vẻ với nhau, trở lại là các cô cậu học trò nghịch ngợm như thưở nào. Và buổi sinh hoạt của chúng tôi đầy ắp những kỷ niệm, rồi cũng phải đến lúc chia tay. Trên đường về tôi cũng có một số thắc mắc về lời phát biểu của người bạn + người lớp trưởng ấy. 
     Cho tới gần đây tôi mời hiểu hết được ý nghĩa lời phát biểu của bạn ấy. Thì ra tuổi thơ của bạn ấy đầy bất hạnh, gia đình phải đi kinh tế mới, mẹ mất sớm, bạn ấy là anh cả trong  gia đình năm anh em, phải lo quán xuyến việc nhà, dạy dỗ các em còn nhỏ để bố đi làm. Bố là chỗ dựa duy nhất của bạn ấy và các em, nhưng chỉ một thời gian ngắn sau bố bạn ấy lại đi bước nữa và người mẹ kế chỉ lớn hơn bạn ấy có mấy tuổi . Đó là một nỗi đau và mất mát quá lớn đối với bạn ấy. Bạn ấy kể với tôi rằng, khi được tin này bạn ấy thấy trời đất như sụp đổ và cảm thấy hụt hẫng không muốn sống, bạn ấy nói rằng mình sống được đến hôm nay là vì các em. Sau đó bạn ấy xin được vào làm công nhân ở nông trường cà phê EATUNG và vui trong công việc, kết thân với những người bạn mới. Sau khi các em lần lượt lấy chồng lấy vợ, và lo cho các em xong thì chỉ còn lại một mình, bạn ấy bắt đầu vùi đầu vào những cuộc hát hò thâu đêm, “ lấy rượu làm vui để quên đời” (nguyên văn lời của bạn ấy). Cách đây 10 năm một người bạn thân của bạn ấy xét thấy hoàn cảnh đã gả một đứa con gái lớn của mình cho bạn ấy. Tưởng rằng cuộc sống lang bạt, bất cần của người bạn của tôi sẽ chấm dứt khi đã yên bề gia thất. Nhưng không – sau khi đứa con đầu lòng ra đời được hai năm, người vợ trẻ ấy trong một dịp trở về Bắc thăm gia đình đã nhắn tin là không bao giờ trở lại. Người bạn của tôi lại phải gà trống nuôi con, cảm thấy cuộc đời quá bất công với mình và lại một lần nữa “mượn rượu giải sầu”, đỉnh điểm là cách đây khoảng ba năm bạn ấy là một dạng Chí Phèo của khu vực mà bạn ấy đang sống.
     Khi bắt được liên lạc với bạn ấy và nhất là sau cuộc họp lớp năm 2011, tôi và một số bạn trong Ban liên lạc lớp đã nhiều lần vào tận nhà bạn ấy để tìm hiểu gia cảnh, thăm viếng gia đình riêng của bố bạn ấy. Sau khi tìm hiểu và cũng qua nhiều lần tâm sự với bạn ấy chúng tôi được biết : Bạn ấy là người thiếu tình cảm, tình cảm ở đây là  tình thương yêu của cha mẹ, tình cảm bạn bè…( nguyên văn lời của bạn ấy). Và cũng qua tìm hiểu đã biết được bạn ấy cũng không nghèo về vật chất, ( bạn ấy có một số diện tích đất mặt tiền rất lớn, mà chỉ cần bán một mét chiều ngang là có giá trị vài chục triệu, và một héc ta cà phê cho người ta làm rẻ).
      Sau khi biết được sự thật và cũng là yêu cầu tha thiết của gia đình và các em của bạn ấy. Chúng tôi đã từng bước đánh thức bản năng con người của bạn ấy, với những cuộc tiếp xúc ngắn, bản thân tôi và các bạn đã nhẹ nhàng tâm sự với bạn ấy, bạn ấy đã biết lắng nghe và nhiệt tình tham gia mọi sinh hoạt của lớp, cũa trường . Mọi sinh hoạt của Hội khóa, các cuộc tham viếng thầy cô, thăm bạn ốm, thăm gia đình các bạn có tang gia, có tin mừng, bạn ấy đều có mặt, và sự nhiệt tình đó có lúc cũng hơi thái quá – nhưng với tư các là người trong cuộc, tôi cũng hiểu được tại sao như vậy ?  Một năm trở lại đây đã có một con người hoàn toàn khác trong bạn ấy, không còn là một Chí Phèo của làng quê. Bạn ấy bán một số đất rẫy, mua một chiếc xe mới ( trước đây đi xe dép cho nó ngầu đời ), sửa sang nhà cửa ( nhà Tình Thương xóm làng xây cho – xây cho Chí Phèo ở ấy mà…), mua sắm đồ đặt cho con, mua hàng loạt áo quần mới, lần đầu tiên sau nhiều năm biết đi giày và cuối cùng là tìm được một công việc để làm. Chuyện anh Chí Phèo đi xe mới, bỏ áo vô thùng, đi giày bóng, đeo kính đen là một chuyện lạ ở xã Ea Na, huyện Krông Ana. Đúng ngày mùng hai tết vừa rồi, bạn ấy chở con và đóng bộ tới chúc tết nhà tôi. Sau khi chúc tết và uống ly rượu đầu xuân với gia đình tôi, thấy tôi cứ tủm tỉm cười bạn ấy nói “ mày cứ chọc quê tao hoài …” tôi thấy mừng và chúc bạn năm mới nên có duyên mới, bạn ấy hứa sẽ thực hiện.
     Nhưng lời hứa với tôi bạn ấy đã không thực hiện được, bạn ấy đã bị tai nạn giao thông và qua đời vào lúc 05h00 ngày 10/2/2012. Khi bạn ấy bị tai nạn và sau khi mất, ban liên lạc Hội khóa, toàn thể các cựu học sinh lớp A và thầy chủ nhiệm đã đến thăm viếng chia buồn với gia đình đông đủ. Ở đây cho phép tôi không nêu tên bạn ấy là ai, theo truyền thống của dân tộc đối với người đã mất. Nhưng đa số các bạn đều biết bạn ấy tên là gì.
     Các bạn thân mến ! Có ai đó đã phung phí tình bạn, không coi trọng tình bạn, thì với người bạn của tôi, như nói trên đây thì tình bạn là cả một cái gì đó rất cao cả. Tình bạn đã đánh thức lương tâm của một con người và nó thay đổi cuộc sống của một con người. Với một số người lợi dụng tình bạn để đạt được mục đích gì đó, sau khi đạt được mục đích thì sẵn sàng gạt bỏ tình bạn một cách phủ phàng, nhưng với một số người thì tình bạn là một cái gì đó rất thiêng liêng cần phải nâng niu trân trọng và gìn giữ nó.
     Nhân dịp Ban biên tập mở chủ đề - Tình Bạn, tôi cũng xin đóng góp bài viết ngắn này, đây là một câu chuyện kể có thật về một người bạn cùng lớp. Nhưng đây cũng chỉ là đôi lời nôm na gọi là viết cho có, nên có điều gì sai sót mong các bạn bỏ qua cho.
                      Chúc các bạn sức khỏe và bình an.
                                                Ban mêngày bun, Ngày 10 tháng 05 năm 2012    
                                                                                              Đinh Khắc Thiện


(Bài viết này đã được đăng trên trang web – trunghocbmt7881.com.vn – ngày 10/5/2012)

Một số hình ảnh chúng tôi đã chụp hắn :


















Nền chính trị và kinh tế Việt Nam


Bức tranh kinh tế VN ngày càng ảm đạm


Hệ thống chính trị :
Mô hình chính trị của nhà nước Việt Nam hiện nay là mẫu hình chung cho các quốc gia xã hội chủ nghĩa khác. Đặc điểm bao trùm của thể chế chính trị của nhà nước này là chế độ một đảng lãnh đạo.
Khác với đa số các nhà nước hiện đại trên thế giới theo nguyên tắc tam quyền phân lập; trái lại hệ thống chính trị Việt Nam theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đảng Cộng sản lãnh đạo tối cao và toàn diện mọi mặt: chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa (điều 4 Hiến pháp). Theo nguyên tắc "Cơ quan quyền lực cao nhất" của nhà nước Việt Nam là quốc hội : có quyền lập pháp, cơ quan hành pháp và tư pháp là Hội đồng chính phủ do Thủ tướng đứng đầu. Chủ tịch nước là nguyên thủ quốc gia trên danh nghĩa, nhưng thực tế Tổng bí Thư Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản mới là nhân vật số một. Ở các cấp địa phương "cơ quan quyền lực cao nhất" là Hội đồng nhân dân địa phương do dân bầu.
Quốc hội bầu ra  Thủ tướng và phê chuẩn thành phần Hội đồng Chính phủ là cơ quan chấp hành của nó, đảm nhiệm chức năng hành pháp ở trung ương. Tương tự, Hội đồng nhân dân địa phương bầu ra Uỷ ban nhân dân để đảm nhiệm chức năng hành pháp ở địa phương.
Quốc hội cũng bầu Chánh án Tòa án Tối cao đứng đầu cơ quan tư pháp trung ương là Toà án Tối cao. Hội đồng nhân dân địa phương bầu chánh án toà án các cấp địa phương.
Hiến pháp Việt Nan cũng quy định về các quyền cơ bản của công dân như quyền tự do ngôn luận, quyền tự do hội họp, tự do tín ngưỡng... như các nhà nước hiện đại khác trên thế giới.
Nhưng về thực chất đặc điểm nổi bật của hệ thống chính trị của Việt Nam hiện nay là sự bao trùm của Đảng Cộng sản lên hệ thống chính trị. Đảng Cộng sản  Việt Nam là cơ quan lãnh đạo theo hiến pháp quy định, không do dân bầu. Để bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, Việt Nam hiện áp dụng hệ thống nhân sự theo "Nomenclatura" nghĩa là hệ thống cơ cấu cán bộ theo sự chỉ định của Đảng: ở mỗi cấp chính quyền hành chính, hội đồng nhân dân hoặc tư pháp thì luôn song hành với đảng ủy (Parkom). Các đảng viên lãnh đạo đảng ủy (hay Parkom) luôn nắm các vị trí chi phối của các cơ quan này theo một tỷ lệ đảm bảo sự lãnh đạo: ứng cử viên vào các cơ quan này đều phải được sự đề cử của các đảng ủy (Parkom) . Các liên danh ứng cử của đảng viên và người ngoài đảng bao giờ cũng có một tỷ lệ áp đảo của đảng viên.
Đối với cơ quan hành pháp cũng vậy các chức vụ lãnh đạo của các cơ quan hành pháp là từ các đảng ủy (Parkom), thường thì các phó bí thư đảng ủy là chủ tịch các uỷ ban nhân dân (ủy ban hành chánh). Các hội đồng nhân dân và các Uỷ ban hành chính các cấp phải chấp hành các chỉ thị của cấp trên theo ngành dọc của mình và các chỉ thị, nghị quyết của Uỷ ban đảng đồng cấp của địa phương mình và thường các chỉ đạo này là nhất quán với nhau.
Ở cấp nhà nước cũng vậy: Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (thủ tướng), Chủ tịch Hội đồng nhà nước( Chủ tịch nước), Chủ tịch quốc hội thường là các Uỷ viên Bộ chính trị của Đảng. Các Bộ trưởng thường là Uỷ viên Bộ chính trị hoặc Trung ương Đảng. Khi họp Chính phủ hoặc Ủy ban thường vụ quốc hội thì thực tế là họp Bộ Chính trị mở rộng. Nhân sự các nhiệm kỳ của các cơ quan chính trị, nhà nước trùng với nhân sự của đại hội Đảng, khi một cá nhân thôi chức tại các đảng bộ (Parkom) thì họ cũng thôi nhiệm vụ tại Hội đồng nhân dân hoặc Uỷ ban hành chính (Ispolkom).
 Tại Việt Nam, hiện chỉ đạo của Đảng là trực tiếp: Đảng ủy có thể đưa ra các chỉ đạo thẳng đến các Hội đồng nhân dân và các Uỷ ban hành chính chứ không cần thiết phải biến các nghị quyết đảng đó thành các nghị định của các ngành này nữa.
Hệ thống chính trị hiện nay của nhà nước Việt Nam làm xã hội mang đặc tính tập trung quyền lực rất lớn của Đảng. Có lúc nào đó đặc tính này có thể mang lại tác dụng tốt nhưng đồng thời nó là nguyên nhân rất dễ dẫn đến các hiện tượng lạm dụng quyền lực của các cấp ủy đảng . Vì các cấp ủy đảng thực tế gần như không bị nhân dân kiểm soát, vì Đảng vừa làm ra pháp luật và vừa thi hành pháp luật, mà hệ quả là hiện tượng vi phạm các quyền tự do của công dân được hiến pháp quy định, cũng như các tiêu cực khác ví dụ tình trạng không quy được trách nhiệm cá nhân .
Đây là những mâu thuẫn của hệ thống chính trị này - gây những hệ quả xấu cho nền kinh tế và đời sống tâm lý, chính trị, xã hội của nhân dân.
Tâm lý dân chúng chán nản trở nên thờ ơ đối với các chính sách của Đảng và chính phủ. Hơn nữa hệ thống cán bộ của Đảng và nhà nước – bộ máy theo chỉ định , đang trở thành tầng lớp bất bình đẳng mới, ít chịu sự giám sát của nhân dân gây bất bình lớn trong xã hội tạo nên tham nhũng lạm dụng chức vị và làm suy thoái đạo đức xã hội.
Hệ thống kinh tế :
Mô hình hệ thống kinh tế Việt Nam hiện nay tuy có thay đổi ít nhiều nhưng về cơ bản vẫn là kinh tế nhà nước, là nền kinh tế phi cạnh tranh, không định hướng theo thị trường, chịu sự lãnh đạo của Đảng và tập trung hóa, kế hoạch hóa cao độ cả ở cấp vi mô và vĩ mô. Đây cũng là mô hình kinh tế chung của các Quốc gia xã hội chủ nghĩa trước đây. Đây thực sự là một rào cản cho nền kinh tế Việt Nam trong tiến trình hội nhập hiện nay ?
-  Nền kinh tế nhà nước tập trung: Tuy trong nền kinh tế Việt Nam hiện nay thành phần kinh tế tập thể trong nông nghiệp và các hợp tác xã đã bị hủy bỏ. Nhưng thành phần nhà nước với các nhà máy xí nghiệp, các tập đoàn lớn trong công nghiệp - dịch vụ và các nông trường quốc doanh trong nông lâm nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ áp đảo trong kinh tế. Thành phần kinh tế này hiện chiếm tỷ trọng lớn trong đầu tư và trong quản lý đất đai (trên 65%), đây là yếu tố chính khẳng định Việt Nam vẫn còn là nền kinh tế nhà nước, tập trung điển hình .
-  Đảng lãnh đạo toàn bộ nền kinh tế: Các định hướng dài hạn của nền kinh tế đất nước và địa phương được thông qua tại Đại hội Đảng các cấp và các cấp ủy Đảng chỉ đạo trực tiếp việc thi hành chính sách kinh tế và giải quyết các khúc mắc trong quá trình kinh tế.
-  Kế hoạch hóa cao độ: Đại hội Đảng xác định các nhiệm vụ ưu tiên của nền kinh tế và phác thảo ra các chỉ tiêu kinh tế quan trọng của một thời kỳ dài thường là 5 năm và định hướng dài 10 năm, đó là cơ sở để kế hoạch hóa.
Các cơ quan kế hoạch nhà nước (Gosplan) – lập ra kế hoạch cho các kế hoạch năm năm, đôi khi có kế hoạch bảy năm với các chỉ số kinh tế cụ thể cho thời hạn 5 năm và từng năm cụ thể. Các kế hoạch của cơ quan kế hoạch nhà nước sẽ được chuyển giao cho các Bộ kinh tế. Bộ sẽ lập kế hoạch chi tiết cho ngành mình và giao các chỉ tiêu kinh tế cho các doanh nghiệp dưới sự chủ quản của bộ. Các doanh nghiệp trên cơ sở kế hoạch được giao sẽ tính toán các nguồn lực và có thể đệ trình kế hoạch sản xuất lên các cơ quan chủ quản để đề nghị hiệu chỉnh. Một khi kế hoạch được thông qua đó sẽ là pháp lệnh nhà nước. Để đảm bảo tài chính cho các kế hoạch sản xuất các doanh nghiệp sẽ nhận được tiền theo kế hoạch từ Ngân hàng nhà nước (Gosbank) và nhận nhiên, nguyên vật liệu và các sản phẩm trung gian theo kế hoạch từ Cung ứng nhà nước (Gossnab). Việc lập kế hoạch được thực hiện rất chi tiết: thậm chí Gosplan quy định đến cả giá bán buôn và bán lẻ của các loại sản phẩm, như vậy sẽ rất phức tạp, Gosplan của nhà nước thực sự là một cơ quan ngang bộ với chức năng đặc biệt của chính phủ Việt Nam thường do một Uỷ viên Bộ chính trị - Phó Thủ tướng phụ trách kinh tế chỉ đạo với đội ngũ đông đảo các chuyên gia kinh tế, các nhà quản lý kế hoạch, nhưng việc lập kế hoạch chi tiết như vậy không thể nào sát được với thực tế cuộc sống kinh tế của đất nước, không thể tính được các yếu tố thị trường. Vì những lý do trên nên nền kinh tế của Việt Nam vẫn là một nền kinh tế phi cạnh tranh và không định hướng đến thị trường.
Hạn chế :
Những đặc điểm tập trung hóa, kế hoạch hóa cao độ dưới sự lãnh đạo của Đảng như vậy có tác dụng dễ dàng tập trung được nguồn lực quốc gia cho các mục tiêu trọng điểm ưu tiên của đất nước - nhất là trong thời chiến. Tập trung cho các dự án lớn, cho những ưu tiên của một quá trình Công nghiệp hóa hoặc hiện đại hóa nông thôn nào đó của đất nước sau này bất kể các căng thẳng của nền kinh tế trong nước và thế giới. Nhưng đồng thời nó thường không gắn liền với hiệu quả kinh tế nên thường gây lãng phí rất lớn: Kinh tế phát triển nhanh một lúc nào đó thường cũng chỉ nhờ khai thác rất lớn các nguồn tài nguyên thiên nhiên ; nhưng năng suất lao động tăng không tương xứng. Các chỉ tiêu phát triển tuy được duy trì cao nhưng mức sống của nhân dân ngày càng kém so với các nước tiên tiến.
Kinh tế có kế hoạch và tách xa thị trường nên nền kinh tế Việt Nam tránh được lạm phát, tránh được các khủng hoảng và các rủi ro của thị trường như trong các nền kinh tế tư bản chủ nghĩa, giá cả có khi được duy trì cố định trong vài chục năm. Nhưng nền kinh tế như vậy là sẽ rất nặng nề không linh hoạt: một doanh nghiệp không hoàn thành kế hoạch sẽ ảnh hưởng lây lan, do đó kế hoạch được coi như pháp lệnh nhà nước và có tính bắt buộc rất cao. Vì kế hoạch hóa mang nhiều tính mệnh lệnh quan liêu và không sát thị trường là một nguyên nhân chính làm hàng hóa Việt Nam có chất lượng và tính cạnh tranh ngày càng kém so với nước ngoài. Giá cả cố định trong một thời gian khá dài cộng với thu nhập tăng đều theo kế hoạch điều này là có lợi cho tầng lớp dân cư lớp dưới kém năng động thích được sống bao cấp, sức mua của người dân tăng cao, nhưng ngược lại sức mua tăng mà hàng hóa kém chất lượng không theo kịp yêu cầu của xã hội nên gây nên nạn khan hiếm hàng hóa có giá trị tạo "văn hóa xếp hàng" ở mọi nơi, gây bất bình trong dân chúng nhất là dân thành thị.
Lợi ích doanh nghiệp và người lao động phụ thuộc vào việc hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch được giao mà không có đối tượng cạnh tranh . Kết quả là một số loại hàng hóa thì thừa nhiều, một số khác thì lại thiếu gây mất cân đối trong nền kinh tế.
Việc không có cạnh tranh và sản xuất theo kế hoạch làm cho người lao động mất động lực quyền lợi kinh tế dẫn đến sự sa sút kỷ luật và lòng hăng hái, yêu lao động và nảy sinh bàng quan, vô trách nhiệm: Vào những năm chiến tranh, người lao động làm việc dưới ảnh hưởng của tinh thần yêu nước và kỷ luật sắt nên sự sa sút chưa được thể hiện rõ, nhưng về sau vì kém động lực kinh tế nên chiều hướng này là phổ biến trong tâm lý người lao động. Đồng thời cách trả lương lao động mang tính bình quân chủ nghĩa không khuyến khích tính năng động và làm bất mãn những người muốn làm giàu. Hình thức khoán sản phẩm trong các xí nghiệp công nghiệp ở phạm vi tổ đội lao động chỉ thành công hạn chế và không gây được động lực lớn cho người lao động.
Tất cả những điểm yếu của nền kinh tế Việt Nam ở những năm 1990 dội trực tiếp vào nông nghiệp - làm nền nông nghiệp Việt Nam ngày càng yếu kém, nông nghiệp và nông thôn không được tái đầu tư, khoảng cách thành thị – nông thôn ngày càng lớn, thanh niên nông thôn dồn hết vào thành phố, nông thôn suy thoái, sản xuất nông nghiệp sa sút nghiêm trọng. Đất nước xứ nhiệt đới với truyền thống trồng lúa bao đời, đất đai rộng lớn phì nhiêu mà không đảm bảo nhu cầu nông sản cho xã hội, khiến nhân dân phải đói, nhà nước phải nhập hàng triệu tấn lương thực để cứu đói .
Đến giữa những năm 1990 nông nghiệp đã là một vấn đề rất nghiêm trọng của xã hội Việt Nam. Đảng và chính phủ Việt Nam đã có những cố gắng đầu tư cho nông nghiệp trong những năm 1980 – 1990 bằng nhiều dự án thủy lợi, khai hoang và di dân lớn. Nhưng vì chưa đánh giá hết những nguyên nhân gốc rễ của vấn đề và cách tiếp cận cũng mang tính quan liêu mệnh lệnh nên chương trình nhiều tham vọng này cũng không thành công.
Bộc lộ :
Đến cuối những năm 1990 nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ hết những điểm yếu đang làm đất nước Việt Nam lạc hậu hơn nữa với các nước xung quanh :
- Một thời gian dài nền kinh tế dựa nhiều vào khai thác ồ ạt các nguồn tài nguyên thiên nhiên để bán dẫn đến tài nguyên cạn kiệt và ô nhiễm môi trường gia tăng. Kết quả là hàng hóa trong thị trường nội địa luôn khan hiếm, hàng hóa có giá trị không có, làm nảy nở đầu cơ, tích trữ và các loại kinh tế ngầm bất hợp pháp.
 - Việc tiếp tục lao vào lập kế hoạch và triển khai các dự án lớn rất tốn kém, được tuyên truyền rầm rộ mang tính phô trương nhưng sau này thực tế cho thấy hiệu quả kinh tế kém, nặng về ý nghĩa tuyên truyền hình thức.
- Cũng chính vì không có động lực kinh tế nên dù là đất đai rộng lớn, phì nhiêu mà sản xuất nông nghiệp sa sút không đáp ứng được nhu cầu xã hội, càng ngày vấn đề nông nghiệp càng trầm trọng, đến cuối những năm 90 của thế kỷ trước thì đã thật sự nóng bỏng.
- Trong quản lý kinh tế, nền sản xuất duy trì theo phương thức kế hoạch hóa  bao cấp đã không tạo được kích thích quyền lợi của người sản xuất nên kỷ luật lao động suy giảm, năng suất tăng kém.
-  Việc trả lương theo mức chỉ tiêu kế hoạch  kế hoạch hóa theo sản lượng thậm chí kéo lùi việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật: sản phẩm chế tạo ra càng tốn nhiều nguyên liệu thì càng nhanh hoàn thành và vượt chỉ tiêu kế hoạch sản lượng và càng có lợi cho người sản xuất, nên hàng hóa nhanh chóng thụt lùi về chất lượng, mẫu mã  tính cạnh tranh so với các nước khác và nền kinh tế không được khuyến khích chuyển sang phát triển theo chiều sâu.
Nền kinh tế Việt Nam đã bộc lộ hết những điểm yếu đang làm đất nước Việt Nam lạc hậu hơn nữa với các nước xung quanh, nhưng tiếc rằng những người đang chéo lái con tàu VN vẫn không nhận thấy. Họ vẫn đang mãi mê tìm kiếm một mô hình thích hợp, nhưng hình như họ vẫn chưa tìm ra. Vì nhiều chính sách vĩ mô vẫn thường xuyên thay đổi, và câu chuyện sửa sai vẫn diễn ra hàng ngày ./.

ĐKT
01.9.2012