Ý nghĩa của Lễ giỗ trong văn hóa Huế.

Một lễ giỗ trọng tại Huế

     Trong những năm gần đây ở các tỉnh phía Bắc hàng năm có đến hàng ngàn lễ hội được tổ chức rất tốn kém, với mục đích mà người ta cho rằng đấy là phục hồi bản sắc văn hóa vùng miền, hay bản sắc văn hóa dân tộc. Điều đặc biệt là đa số các lễ hội này đều được tổ chức ở một khu văn hóa nào đó được quy định sẵn hay ở những khu Du lịch Sinh thái. Đây là cái mà nhà văn Nguyên Ngọc gọi là “Văn Hóa diễn”, tách ra khỏi đời sống thực của làng quê; còn cái hồn của các giá trị ấy không còn nữa!
   Lễ hội qua đi, chẳng để lại được gì trong lòng người dân địa phương và những người khách thập phương; có chăng là những ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp. Mang tiếng là lễ hội với bản sắc văn hóa địa phương, nhưng cái mà người ta thấy tất cả chỉ là sự bắt chước một cách thô kệch, với những hình nhân, những con rối với những màn nhảy múa hiện đại, qua tiếng nhạc, tiếng trống, quần áo lòe loẹt mà lễ hội nào cũng thấy na ná giống nhau. Thật tế đây chỉ là những màn kịch, chỉ là cái bề ngoài, nó xa rời thực tế cuộc sống và những thuần phong mỹ tục của người dân địa phương và tất cả chỉ là dịch vụ. Ngay cả tôn giáo cũng có nguy cơ biến thành dịch vụ “ buôn thần bán thánh ”(1).
   Nhưng may thay, vẫn còn cái để chúng ta hy vọng và tự hào, vẫn còn có những nơi mà nền văn hóa bản địa ở trạng thô sơ nguyên thủy (état brut) vẫn chưa bị thị trường hóa, đó là – xứ Huế. Đây là “ đại diện duy nhất, tiêu biểu nhất cho nền Văn hóa - Văn hiến Việt Nam thông qua hệ thống văn hóa vật thể, phi vật thể trên nền tảng xã hội mà Huế đang lưu giữ và tiếp tục phát triển ..." (2).
   Trong những làng quê thanh bình và hiền hòa của xứ Thuận Hóa xưa (nay là vùng đất thuộc Quảng Trị - Thừa Thiên), vẫn còn đó những phong tục tập quán, những lễ hội rất hay đang được người dân nơi đây gìn giữ trong từng gia đình, từng dòng Họ và từng làng quê.
   Với bài viết ngắn này, tôi không nhằm mục đích là rao giảng một triết lý sống hoặc nhân sinh quan của mình, chẳng qua chỉ là những bức xúc nhất thời qua những gì mắt thấy tai nghe về thời thế (4).
    Sau đây tôi xin giới thiệu với quý độc giả về một nét văn hóa cổ xưa vẫn đang được cộng đồng cư dân Thuận Hóa gìn giữ và phát huy rất tốt, kể từ khi vùng đất này trở về với nước Việt. Đó là tục lệ cúng giỗ của người Huế .

   Từ xa xưa, ông cha ta đã ý thức được vai trò của gia đình là rất quan trọng đối với sự phát triển của xã hội, và hiện nay gia đình càng được quan tâm hơn trong điều kiện đất nước hòa bình thống nhất. Văn hóa gia đình ở Huế luôn lấy những giá trị chuẩn mực như: đề cao văn hóa, lễ giáo, hiếu học, trọng tình nghĩa, sống nhân ái, tinh thần tự tôn, tự lực...làm cái gốc để hình thành và phát triển một gia đình thực thụ  . 
    Theo phong tục, để tưởng nhớ sâu sắc và lâu dài công ơn ông bà, cha mẹ (những người đã mất)…, hàng năm đúng vào ngày qua đời của ông bà, cha mẹ; người ta đều làm giỗ; đây là một tập quán rất trọng hậu trong tín ngưỡng của người Việt. Cổ nhân dạy rằng :

Sinh, sự chi di lễ
Tử, táng chi di lễ
Tế chi di lễ.

                           Tạm dịch:  Sống phụng sự cho hợp lễ
Chết, tống táng cho hợp lễ
Cúng tế cho hợp lễ.
                                                                 (Sách Luận Ngữ)
   Bởi khi ông bà, cha mẹ “ra đi” thì sự tử cũng như sự sinh, phụng dưỡng người đã chết như người còn sống.
   Việc cúng giỗ người đã chết không phải là một tôn giáo, mà là một tập tục. Nhà nước qua các thời kỳ không hề ghi thành luật lệ, nhưng nó lại là một điển lệ trong phong tục. Phong tục nhiều khi ràng buộc hành vi của con người chắc chắn hơn luật pháp rất nhiều.
   Ngày giỗ là ngày kỷ niệm lúc lâm chung của người quá cố hàng năm; anh em, con cháu, bà con họ hàng thân thích tưởng nhớ đến người đã khuất, ôn lại cội nguồn. Nhận thức đúng ý nghĩa của ngày giỗ, con cháu thường tổ chức ra thăm mộ, thắp lên mộ phần những nén nhang tưởng niệm. Ngày giỗ cũng là dịp gia đình, thân tộc kiểm tra lại việc thực hiện di chúc của người quá cố. Nếu có việc gì chưa làm được thì nhắc nhở nhau làm cho tròn những điều ước vọng của người đã khuất. Đây là cách tốt nhất để tưởng nhớ và trả ơn ông bà, cha mẹ… đã có công sinh thành và nuôi dưỡng chúng ta.
   Việc cúng kỵ (lễ giỗ) cũng nói lên gia phong của mỗi gia đình. Sự tưởng niệm ngày mất (húy nhật) ấy được xem trọng hơn ngày sinh (sinh nhật). Ngoài ra, tùy theo điều kiện gia đình, còn có thể tổ chức cúng ông bà, cha mẹ… vào những Tết: Tết Nguyên đán, Nguyên tiêu, Đoan ngọ,… hoặc tổ chức các lễ khánh hỹ: mừng thọ.
   Từ thành phố cho đến thôn quê, trong mỗi gia đình người dân Huế đều cố gắng có được bàn thờ tổ tiên nằm nơi trang trọng nhất trong nhà. Sự thờ cúng này ngoài yếu tố tâm linh còn giáo dục sự hiếu nghĩa, biết ơn người sinh thành và sống có đạo đức, đối với thế hệ con cháu trong nhà.
   Cái lễ giáo trong văn hóa gia đình Huế thể hiện rõ nét nhất là trong những dịp lễ, tết, hiếu, hỉ. Trong các lễ giỗ con cháu phải tự sắp xếp để về dự ngày giỗ ông bà, cha mẹ…. đều có trách nhiệm rõ ràng trong những dịp này, thể hiện sự kính trên nhường dưới, động viên khích lệ những ai có tinh thần trách nhiệm lo việc hiếu sự trong gia đình, dòng tộc. Không phải tự nhiên mà trong dân gian ở Huế có câu: “ bỏ chạp mất Họ, bỏ giỗ mất anh em” là vậy ?
   Trong cái “gia phong, lễ giáo” được tạo ra trong mỗi gia đình ở Huế, là do phần lớn đều có gia quy, gia pháp, gia phong, gia đạo. Sự nghiêm khắc đến khắt khe này thực sự có tác dụng giáo dục con người ngay trong gia đình - sống có thứ bậc, có trách nhiệm, không tuỳ tiện. 
   Trong tập quán cổ truyền của người Huế về việc hiếu - hỷ, khi một người thân vừa mất đi, việc cúng giỗ được bắt đầu thực hiện, người ta còn phân ra các ngày giỗ như sau (3):
   Lễ ba ngày, bốn chín ngày, một trăm ngày, giỗ đầu (tiểu tường), giỗ hết(đại tường) và cuối cùng là lễ đàm tế. Theo cổ lể tất cả các ngày lễ kể trên đều là lễ trọng, không được bỏ qua một loại lễ nào, dù trong bất bất kỳ hoàn cảnh khó khăn nào.
  - Lễ ba ngày, được tính ba ngày sau khi chôn cất. Theo điển lệ, ngày giỗ này gọi là lễ tế ngu, gồm có sơ ngu , tái ngu và tam ngu. Ngu nghĩa là yên – tức là ba lần tế lễ cho yên hồn lạc phách ; sau khi chôn cất xong, rước linh vị về nhà làm lễ tế sơ ngu. Làm sơ ngu xong gặp ngày nhu, (tức là Ất, Kỷ, Tân, Quý) làm lễ tái ngu, nếu gặp ngày cương (tức là ngày Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm) phải làm lễ tam ngu. Lâu dần người ta giảm lược, nhập chung ba lễ làm một gọi là lễ tam ngu, hay còn gọi là lễ ba ngày, tục gọi là lễ mở cửa mả (3).
   - Lễ chung thất (tức 49 ngày), sau khi người thân mất đi là một mất mát lớn cho gia đình. Gia đình Việt Nam nhà nào cũng vậy, mỗi ngày có hai bữa cơm là giờ phút đầm ấm nhất. Trong nhà có người về muộn, mọi người cũng cố chờ về ăn cơm cùng lúc cho vui vẻ, đầm ấm. Con cháu cầm bát cơm lên, trước hết mời ông bà, cha mẹ; chờ ông bà, cha mẹ ăn rồi mới bắt đầu dám ăn. Nếu có khách, trước khi buông bát đũa đứng dậy còn phải xin phép và mời khách tiếp tục xơi cơm. Cuộc sống gia đình đang vui vẻ êm đẹp như vậy, vắng mặt trong bữa cơm còn nhắc nhở nhau, huống chi nay một người thân vĩnh viễn đi xa. Do đó, trước bữa ăn người thân dâng lên bàn thờ một bát cơm úp, một vài món ăn bình thường, nhà đang ăn gì thứ gì thì cúng thứ ấy; nếu không có thì bát cơm đĩa muối cũng xong. Thắp hương xong khấn vái, nếu có thì rót thêm chén rượu cuối cùng là chén nước.
   Thường nhật như vậy cho đến 49 ngày; sẽ làm một cái lễ , to nhỏ tùy theo hoàn cảnh gọi là lễ chung thất, cho vong hồn siêu thoát. Theo cổ lệ thì lúc này vong hồn người chết đã qua 7 lần phán xét (mỗi lần 7 ngày) ở cõi âm ty, và vong hồn đã siêu thoát. Gia đình lúc này chỉ còn nhớ thương, không nên lưu luyến quá vì vong hồn còn phải đi đầu thai kiếp khác (3).
   Nhưng cũng có địa phương và ở các gia đình có điều kiện người ta vẫn duy trì việc cúng cơm này cho đến 100 ngày mới làm lễ tốt khốc (nghĩa là thôi khóc). Theo giải thích của cổ lệ thì thời gian này âm hồn vẫn còn phảng phất lẩn quẩn trong nhà chưa đi xa, không thể để cho âm hồn đói khát được.
   - Giỗ đầu (tiểu tường)
   Tiểu tường có nghĩa là điềm lành nhỏ. Theo tập quán xưa cho rằng: người chết sau một năm thì hương hồn đã được yên vị nơi cữu tuyền (chín suối), hoặc đã đầu thai kiếp khác. Ở trần thế sự đau đớn của con cháu đã vơi đi nhiều phần. Khi người thân mất đi đúng tròn một năm, con cháu tụ tập để làm giỗ đầu. Dù bận rộn tới đâu người ta vẫn cố thu xếp mọi công việc để làm giỗ đầu cho thật chu đáo. Từ sau lễ này con cháu mới bỏ các hung phục (tang phục) như đồ sô gai, mũ, gậy…(3)
   Cũng theo cổ lệ, trước ngày giỗ chính thức, con cháu phải làm lễ “cáo giỗ”- hay còn gọi là lễ “tiên thường”. Lễ này ngoài việc là báo cáo cho người đã khuất việc cúng giỗ ngày hôm sau, thì chức năng chính của lễ này là kính cáo với Thổ công, Thần linh xin phép cho vong hồn được cúng giỗ về thụ hưởng. Đồng thời, cũng xin Thổ công cho phép các linh hồn gia tiên nội, ngoại về dự lễ giỗ. Tục này là nhằm giữ phép tắc với cõi âm, cũng bởi “Đất có Thổ công, sông có Hà bá” là vậy!  
  Tuy nhiên tục này thường chỉ áp dụng đối với những giỗ trọng; như giỗ ông bà, cha mẹ, vợ hoặc chồng (4).
   Cũng trong ngày “tiên thường”, con cháu ra phần mộ người thân để dọn dẹp, lau chùi, quét tước và sửa sang phần mộ chu đáo, sau đó thì khấn vái mời vong hồn người đã mất về gia đình hưởng giỗ. Cũng không được quên là phải khấn mời Thổ công và ông bà tổ tiên về dự lễ giỗ.
  Tục xưa quy định rằng : Trong lễ giỗ “tiểu tường”, gia chủ phải sắm đồ mã bằng giấy, biểu trưng những  đồ dùng hàng ngày của người đã mất ở thế giới bên kia cần đến như: quần áo, vàng, bạc, phương tiện…để đốt cho người chết.
    Hiện nay đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc đốt vàng mả - đa số cho rằng đây là một hủ tục cần bãi bỏ. Tôi không cổ súy hay khuyến khích mọi người đốt vàng mã, mà chỉ muốn tìm hiểu căn nguyên của tập tục này và những vấn đề có liên quan đến nó (4).
    Thực ra tục lệ đốt vàng mả bắt nguồn từ một một phong tục đầy tính nhân văn có từ thời cổ đại; khi chôn cất người chết người ta thường chôn theo những đồ vật thường dùng, gọi là đồ tùy táng (Có rất nhiều các dân tộc thiểu số tại Tây Nguyên như Ê Đê, Ra Lai, Ba Na …hiện vẫn đang giữ tục lệ chôn theo người chết đồ tùy táng). Có một số đồ vật quá lớn như nhà ở, trâu bò, ngựa xe…không thể chôn theo trong mộ được, người ta phải làm mô hình nhỏ lại để chôn theo, những thứ này gọi là đồ minh khí. Lâu dần về sau người ta mới làm bằng giấy thay cho tất cả các đồ tùy táng và đồ minh khí, người ta gọi chung là đồ mả.
   Có nghĩa là người ta thay thế tiền thật bằng tiền giấy giả, vàng bạc thật bằng vàng giấy, cái nhà thật bằng cái nhà giấy, con trâu con bò thật bằng con vật bằng giấy, cái xe thật bằng xe giấy… Và người ta giữ lại những đồ vật thật có giá trị gấp nhiều lần các mô hình bằng giấy đó cho người sống sử dụng - vậy thì tục lệ này là quá tốt, quá kinh tế và quá thực dụng tại sao ta phải lên án nó ?
   Thực ra vàng mã chỉ là biểu trưng ý niệm của con người mà thôi. Đây là một điển lệ trong phong tục, mà phong tục lại ràng buộc hành vi của con người chắc chắn hơn mọi thứ luật pháp. Các thể chế nhà nước qua các thời kỳ không hề có một văn bản nào khuyến khích hay cấm đoán tập tục này cả. Luật pháp dưới thể chế nhà nước hiện nay cũng nói rõ là “người dân có quyền làm những gì luật pháp không cấm”. Vậy thì tại sao ai đó có quyền lên án người khác khi họ đốt vàng mã cho người thân đã mất của họ ?
   Tuy biết rằng tục xưa là vậy, và “ xưa bày thì nay làm ”; nhưng ngày nay xã hội văn minh, con người có nhiều hiểu biết về khoa học hơn, bà con ta có đốt vàng mã cho người thân đã mất thì cũng nên làm nhẹ nhàng, tránh tốn kém và cũng chỉ là biểu trưng của ý niệm mà thôi.
   -  Giỗ hết (đại tường):
   Giỗ hết còn gọi là giỗ đoạn tang, lễ này tiến hành đúng hai năm kể từ ngày mất, đồng thời là giỗ lần thứ hai, được coi là chấm dứt (hết việc). Nhưng theo cổ lệ, phải hai hoặc ba tháng sau, người ta sẽ chọn một ngày tốt tiến hành một cuộc lễ Trừ phục (hay còn gọi là lễ đàm tế), người ta sẽ đem tất cả đồ tang phục ra đốt hết. Từ sau ngày này, những người để tang trong nhà được phép mặc lại thường phục như trước kia.
   Cũng trong lễ này, người ta rước linh vị vào bàn thờ chính, bỏ bàn thờ tang (thờ vong); nhưng trước đó người ta phải đốt linh vị cũ và thay thế bằng linh vị mới. Sau đó,  linh vị mới, bát hương, ảnh chân dung được thờ chung với bàn thờ chính của gia tiên.
  Thực tế là thời gian từ lễ “đại tường” tới lễ “đàm tế” là chỉ trong vòng 03 tháng trở lại, cộng với 02 năm trước, là hai mươi bảy tháng, nên dân gian xưa có câu vợ khóc chồng: “ ba năm hai mươi bảy tháng chàng ơi ! ”, cũng là từ thật tế này mà ra. Như vậy vợ để tang chồng cũng chỉ hai mươi bảy tháng, giống như con để tang cha mẹ (3), (4).
   - Giỗ kỵ nhật:
  Sau giỗ hết, người thân cứ lệ hàng năm đến ngày mất của người quá cố lại làm lễ giỗ thường gọi là kỵ nhật (hay cát kỵ). Nếu giỗ tiểu tường và giỗ đại tường là những lễ giỗ còn trong vòng tang, còn mang nặng những xót thương, tủi hận, bi ai thì ngày giỗ thường lại là ngày sum họp của gia đình và con cháu nội ngoại. Đây là dịp để mọi người trong gia đình, họ tộc gặp nhau, thăm viếng sức khỏe và cố kết cộng đồng, gia đình, dòng họ (3), (4).
  Tùy phong tục của từng địa phương, từng dân tộc, từng gia cảnh mà việc tổ chức ngày giỗ có khác nhau. Điều quan trọng là nhân ngày này, các thế hệ con cháu tưởng nhớ đến người đã khuất, thể hiện lòng thành với vong linh tổ tiên. Nếu như nén hương, chén nước, đĩa muối, lưng canh mà thành tâm thì cũng giữ được đạo hiếu và lòng biết ơn tổ tiên. Đấy cũng là nét đạo lý làm người trong truyền thống văn hóa Việt Nam.
   Chúng ta thường nghe câu “chết là hết”. Nhưng, chết chưa phải là đã hết khi người chết còn tồn tại trong tâm chí người sống. Sự ràng buộc vật chất duy nhất còn lại là bát nhang chén nước trên ban thờ, để khi nhớ thương thì thắp lên nén nhang rót đầy chén nước. Điều này cũng không làm phiền hà ai, vì thờ cúng vong linh cũng giống như đang đối với người đang sống, cũng là để thỏa nguyện tâm linh và “ lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ thương” mà thôi!
   
Lời kết:

   Những ngôi làng cổ ở Huế vẫn còn nguyên vẹn, những mái nhà rường của cha ông vẫn được trùng tu, bảo tồn bên cạnh nhưng ngôi nhà hiện đại cao tầng của con cháu. Nó như một vật chứng giáo dục sự biết ơn, “như cây có cội, nước có nguồn”, gìn giữ gia phong, lễ giáo và truyền thống tốt đẹp của gia đình. 
   Trong mỗi gia đình thì thực hiện “ông bà mẫu mực, con cháu hiếu thảo”. Lối sống trọng tình, trọng nghĩa là bản tính của con người Việt Nam nói chung và với người Huế lại càng sâu sắc hơn. Bởi vậy, trong các gia đình, các dòng Họ ở Huế càng không thể chấp nhận sự huênh hoang của đồng tiền, địa vị xã hội khi về trong gia đình, trong dòng Họ.
   Trong giai đoạn lịch sử đất nước hòa bình, hội nhập và phát triển, các giá trị văn hóa gia đình ở Huế cần có sự bảo tồn, cách tân, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Nhưng đồng thời phải biết tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và bổ sung các giá trị văn hóa mới làm cho gia đình, dòng Họ hoàn thiện hơn.
   Tuy hiện nay những chuẩn mực, giá trị văn hóa gia đình ở Huế mặc dù luôn được bảo tồn và phát triển, nhưng bên cạnh mặc trái của cơ chế thị trường, sẽ là nguyên nhân dẫn đến mai một. Trong giai đoạn này trách nhiệm của các nhà quản lý văn hóa là cực kỳ nặng nề; họ phải biết giữ gìn và phát huy các giá trị, chuẩn mực văn hóa gia đình ở Huế. 
   Làm được điều này chẳng những bảo tồn được những giá trị chuẩn mực văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ, như : trọng tình, có nghĩa, có trước, có sau, có trên, có dưới trong truyền thống của ông cha để lại, mà còn làm phong phú thêm lối sống mới, chống lại lối sống vô tình, vô nghĩa, bất chấp trước sau, trên dưới

ĐKT
12.07.2012




* Ghi chú:
(1) Những ai đã từng đến khu du lịch Bái Đính ở Ninh bình và khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương sẽ thấy rõ điều này.
(2) Kết luận tại buổi làm việc về "Bảo tồn Văn hóa và di sản Huế ", giữa Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế và Hội đồng Di sản Văn hóa quốc gia ( UNESCO - Việt Nam ) ngày 08 - 05 - 2007 tại tỉnh Thừa Thiên - Huế.
(3) Tư liệu này từ các tác phẩm :
Thọ mai Gia lễ - của tác giả Hồ Sĩ Dương,
Thanh thuận Gia lễ - của Lê Quý Đôn,
Chu Văn Công Gia lễ (của Trung hoa), ý kiến trong một số tác phẩm của Phan Kế Bính
(4) Tư liệu này dựa theo thật tế điền dã và tư liệu riêng của tác giả.

                                                                                ---------------------------------------------

TRIỀU ĐINH MẤT NGÔI NHƯ THẾ NÀO ?

Đền Vua Đinh ở Hoa Lư - Ninh bình ngày nay


   Năm Mậu Thìn (968) Vạn Thắng Vương lên ngôi Hoàng Đế lấy hiệu là Tiên Hoàng đế, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, đóng đô ở Hoa Lư. Đinh Tiên Hoàng xây cung điện, chế triều nghi, định phẩm hàm quan văn, quan võ, phong cho Nguyễn Bặc là Đinh Quốc Công; Lê Hoàn làm Thập Đạo tướng quân (tổng chỉ huy quân đội) và phong cho con là Đinh Liễn là Nam Việt vương.
  Năm Nhâm Thân (972), Vua Đinh đã sai con là Đinh Liễn mang đồ vật sang triều cống nhà Tống. Để tránh một cuộc đụng độ không cần thiết với đế quốc phương Bắc này, nhằm tranh thủ được thời gian hòa bình càng dài càng tốt giúp nhân dân ổn định cuộc sống và xây dựng đất nước sau một thời gian dài chiến tranh loạn lạc.
   Sau đó Vua Tống sai sứ sang phong cho Tiên Hoàng làm Giao chỉ Quận vương và phong cho Nam Việt Vương Đinh Liễn làm Tĩnh Hải quân Tiết độ sứ An Nam đô hộ. Từ đó nước ta có lệ sang triều cống phương Bắc.
   Sau khi lo xong mặt ngoại giao, nhưng nhiều nơi trong nước lòng người vẫn chưa phục. Để răn đe kẻ phản loạn, Vua Đinh đã đặt ra nhiều luật lệ nghiêm khắc để giữ yên phép nước. Nhưng họa nội loạn lại bộc phát ngay trong hoàng tộc. Vua Tiên Hoàng phế con trưởng là Nam Việt Vương Đinh Liễn, cho con út là Hạng Lang làm Thái tử. Nam Việt Vương Đinh Liễn đã theo Tiên Hoàng đi trận mạc từ thuở hàn vi, lại không được kế vị, tức giận, đã sai người giết Hạng Lang đi.
  Năm Kỷ Mão (979) Đinh Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị tên Đỗ Thích giết chết. Nguyên Đỗ Thích vốn là một kẻ hầu cận của Vua, đêm nằm mơ thấy sao rơi vào mồm, tưởng là điềm báo được làm Vua, bèn định bụng sát hại minh chủ. Một hôm, hắn thấy vua Đinh say rượu nằm nghỉ trong cung bèn lẻn vào sát hại rồi tìm giết luôn cả Đinh Liễn.
   Triều thần đã tìm bắt được Đỗ Thích đem xử tội và tôn Vệ Vương Đinh Toàn lên làm Vua (lúc này mới 6 tuổi).
     Vua Đinh Tiên Hoàng có 5 bà Hoàng hậu : Đan Gia (mẹ của Đinh Liễn), Trinh Ninh (mẹ của Hạng Lang), Kiểu Quốc (mẹ của Đinh Tuệ), Cô Quốc (chỉ sinh con gái) và Ca Ông (mẹ của Đinh Toàn, ngày nay gọi là Dương Vân Nga).
   Nhưng cổ sử chỉ nhắc đến 3 người con trai là : Đinh Liễn, Đinh Toàn và Đinh Hạng Lang. Sau khi Đinh Liễn và Đinh Hạng Lang đã chết, thì mặc nhiên Đinh Toàn kế nghiệp ngôi vua. Vua còn nhỏ nên mọi quyền bính được giao cho mẹ là Ca Ông hay còn gọi là Dương Vân Nga làm nhiếp chính.
   Sử ngày nay viết rằng : Dương Vân Nga thay con cầm quyền trị nước, với cái thế các đại thần trong triều phân liệt, tranh chấp gay gắt, có nguy cơ nội chiến. Ngoài biên ải, nhà Tống nghe tin Tiên Hoàng mất muốn thừa thế sang lấy nước Đại Cồ Việt đã hội đại binh gần biên giới. Ở cái thế vận mệnh quốc gia ngàn cân treo sợi tóc, cần phải có một người có đủ tài thao lược và uy tín để gánh vác trọng trách này và người đó không ai khác là Thập đạo tướng quân Lê Hoàn người đang là tổng chỉ huy quân đội.
   Sử viết rằng : “Dương Vân Nga đã lấy chiếc long bào choàng lên vai Lê Hoàn trong tiếng reo hò dậy trời của ba quân tướng sĩ….và…hành động của Dương Vân Nga đã biểu hiện thái độ chính trị sáng suốt của một con người, thức thời, có tầm nhìn xa, trông rộng xứng đáng được coi là anh hùng “.
    Dưới góc nhìn của những nhà viết sử ngày nay thì hành động của Dương Vân Nga là vì đại cuộc, vì đất nước, vì dân tộc... Nhưng dưới góc nhìn của con cháu Nhà Đinh thì đây là một hành động phản bội .
   Tôi chỉ là một kẻ hậu sinh và không bao giờ dám làm cái việc “phán xét tổ tiên”; nhưng chúng ta – con cháu Nhà Đinh, có quyền biết đâu là sự thật của hành động này?  
    Ngày nay chúng ta học và đọc sử qua những bộ sách chính sử của các triều đại trước để lại; để biết được tổ tiên ngày trước lập quốc và bảo vệ đất nước như thế nào ? Chúng ta được dạy rằng học sử để yêu đất nước hơn, để biết những chân lý những truyền thống tốt đẹp của dân tộc và để gìn giữ, bảo vệ cho các thế hệ sau.  Nhưng như nhà sử học Dương Trung Quốc nói : Không phải cứ nói đến “chính sử do những sử gia tên tuổi biên soạn đã là chân lý tuyệt đối. Bởi trước hết, nó là sản phẩm của những cá thể hay triều đại, dù uyên thâm đến mấy thì cũng vẫn có thể có sai sót và nhiều khi xuất phát từ những lợi ích không thể gọi là tuyệt đối vì dân tộc mà căn bản là của giới cầm quyền.”.
    Có nghĩa là “chính sử” cũng có thể đúng và cũng có thể sai; cái sự đúng sai ở đây là tùy thuộc vào góc nhìn và kiến thức của mỗi chúng ta ?
   Sau một thời gian khá dài tìm kiếm qua sử sách của cả cổ sử Trung Hoa và Việt Nam; cùng một số bài viết, các luận văn của các học giả Trung Hoa đăng trên một số Tạp chí Quốc tế; nhất là gần đây tôi cũng đọc được một số ý kiến phản biện của Thiền sư – Giáo sư Lê Mạnh Thát về lịch sử thời Trung cổ của Việt Nam. Cá nhân tôi đã có một góc nhìn riêng về sự kiện lịch sử này :
    Trước hết khi vua Tiên Hoàng và Nam Việt Vương Đinh Liễn bị sát hại năm Kỷ Mão (979), Đinh Toàn lên ngôi hiệu là Phế Đế năm 980, khi nhà vua chỉ mới 6 tuổi. Các đại thần nhà Đinh như Đinh quốc công Nguyễn Bặc, Đinh Điền, Phạm Hạp sau đó đã phát hiện Lê Hoàn có hành vi tư thông với Dương Vân Nga để tiếm quyền thiếu đế. Các vị đại thần này đã cử binh mã đến đánh Lê Hoàn nhằm ngăn cản việc này. Nhưng Lê Hoàn với toàn bộ binh lực triều đình nắm trong tay và đã chuẩn bị sẳn đã nhân dịp này giết sạch các đại thần. Và khi không còn ai ngăn cản thì quyền lực của Vương Triều Nhà Đinh đương nhiên thuộc về Lê Hoàn.
   Đây thật sự là một cuộc đảo chánh không đổ máu lật đổ nhà Đinh của Lê Hoàn. Và chỉ năm sau ông lên làm vua - năm 980 (Canh Thìn), tiếp tục đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình ngày nay).
   Về hành động mà các nhà viết sử ngày nay cho rằng Dương Vân Nga đã lấy chiếc long bào choàng lên vai Lê Hoàn trong tiếng reo hò dậy trời của ba quân tướng sĩ…”. Theo tôi là có thể có và có thể không, vì hành động này (nếu có) đã không còn ý nghĩa chính trị gì khi thật tế quyền lực của triều Đinh đã nằm trong tay Lê Hoàn sau cuộc đảo chánh này. Triều đình Nhà Đinh mới thành lập và đang trong giai đoạn trứng nước của thời kỳ lập quốc, giới hoàng tộc chưa hình thành nên chưa thể là một cản trở trong việc tiếm quyền của Lê Hoàn được .
     Các nhà viết sử ngày nay đã hư cấu và đặt lên vai người phụ nữ trẻ mới 26 tuổi này quá nhiều trọng trách và quá nhiều thứ “tầm” (như tầm nhìn xa trông rộng, tầm phán quyết…); một cách có thể nói là quá đáng ? Những gì xảy ra sau đó như cổ sử đã ghi chép lại cho thấy nhận định trên là chính xác; vì khi Lê Hoàn lên ngôi vua thì Dương Vân Nga chỉ trở thành một bà vợ bình thường trong hậu cung nhiều bà vợ của Lê Hoàn và chìm dần vào quên lãng. Các bộ chính sử lớn được viết trong tất cả các triều đại quân chủ sau đó đã hoàn toàn không có một dòng nào nhắc đến nhân vật Dương Vân Nga.
    Trong dân gian vẫn có một số tư liệu viết về người phụ nữ này, nhưng không lấy gì làm đẹp đẽ cho lắm; ví dụ....Đại Nam Quốc sử diễn ca - một tác phẩm chữ Nôm cũng có đoạn:
"Nối sau Thiếu Đế thơ ngây ,
Lê Hoàn nhiếp chính từ rày dọc ngang
Tiếm xưng là Phó Quốc vương
Ra vào cùng ả họ Dương chung tình
Bặc, Điền vì nước liều mình
Trách sao Cự, Lạng tán thành mưu gian".
     Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, q.1, Kỷ nhà Đinh, tr.166 viết: " Vua nhân gian dâm trong cung mà lấy được nước, về luân thường, đạo vợ chồng có nhiều việc đáng thẹn". Theo tác phẩm: "Truyền thuyết Hoa Lư" của Sở Văn hoá - Thông tin Ninh Bình, 1996, tr.102, đã viết: " Hầu hết nội tộc họ Dương rời kinh đô Hoa Lư về Vân Lung và quyết định đổi họ Dương thành họ Giang để không công nhận Dương Vân Nga còn thuộc họ tộc nữa ".... là đã quá đủ để chúng ta có thể biết đâu là sự thật.
    Cho đến mấy trăm năm sau, thời Hậu Lê có chuyện: Tại Hoa Lư có đền thờ chung Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành và Dương Vân Nga. Khi tế tự đón rước nhân dân vẫn đặt tượng Đinh Tiên Hoàng, Dương Vân Nga, Lê Hoàn vào một cỗ kiệu chung. Nhưng khi An phủ sứ Lê Thúc Hiển nổi tiếng cương trực, phụng mệnh vua Lê về Hoa Lư làm quốc lễ, thấy vậy bèn sai buộc một dây vải trắng vào tay tượng Dương Vân Nga và đưa sang đền thờ Lê Hoàn.
   Dĩ nhiên tình hình nội bộ đang xáo trộn vì chuyện đổi ngôi vua của Đại Cồ Việt không thể qua mắt được nhà Tống của Trung Hoa vốn xem Đại Cồ Việt của chúng ta như là một nước phiên thuộc của họ. Tống Thái Tông (trị vì 976-997) sai sứ đem thư qua khuyến dụ và đe dọa trừng trị việc tiếm ngôi của Lê Hoàn. Lê Hoàn (trị vì 980-1005) vẫn khéo léo lấy danh nghĩa con của vua Đinh Tiên Hoàng là Vệ Vương Đinh Toàn, xin nhà Tống cho nối ngôi vua cha.  Tuy nhiên triều đình nhà Tống nắm rõ tình thế nước Nam, biết Lê Hoàn đã giành ngôi của Đinh Toàn, con của Đinh Tiên Hoàng, nên sai người đem một thư khác qua nói rằng “…Họ Đinh truyền nối được ba đời (ý chỉ Đinh Bộ Lĩnh, Đinh Liễn, Đinh Toàn), trẫm muốn cho Đinh Toàn làm thống súy, khanh (chỉ Lê Hoàn) thì làm phó.  Nếu Đinh Toàn không đáng tướng tài, hãy còn tính khí trẻ con thì nên cho ngay mẹ con và thân thuộc y sang đây…”
   Lê Hoàn biết không thể tiếp tục thương lượng, nên chỉ còn con đường duy nhất là chuẩn bị lực lượng để kháng Tống. Quân Tống sau đó đã chia làm hai đường thủy bộ tiến vào nước ta năm 981 (Tân Tỵ).  Đường bộ do Hầu Nhân Bảo cùng Tôn Toàn Hưng tiến theo ngả Lạng Sơn, còn đường thủy do Trần Khâm Tộ và Lưu Trừng từ mặt biển tiến vào bằng đường sông Bạch Đằng.
   Trên đường bộ, Hầu Nhân Bảo tiến đến Chi Lăng (Lạng Sơn), trúng phải kế trá hàng, lọt vào vùng phục kích của quân Việt, và bị bắt giết. Quân Việt phản công mạnh mẽ, quân Tống thiệt hại nặng, hai bộ tướng của Hầu Nhân Bảo là Quách Quân Biện và Triệu Phụng Huân bị bắt.  Sau trận Chi Lăng, các lực lượng thủy bộ của nhà Tống đều rút lui.
    Tuy chiến thắng, Lê Hoàn vẫn phải sai sứ, dưới danh nghĩa của vua Phế Đế (Đinh Toàn), sang nhà Tống năm 982 (Nhâm Ngọ) xin trả lại hai tướng đã bắt được, và xin triều cống. Nhà Tống chỉ phong cho Lê Hoàn làm Tiết độ sứ. 
    Mãi đến hơn 10 năm sau vào năm 993 (Quý Tỵ), Lê Hoàn mới sai sứ giả sang Trung Hoa trình bày với vua Tống rằng Đinh Toàn quyết định nhường ngôi cho mình. Tống Thái Tông biết việc Lê Hoàn nắm quyền đã lâu, nhưng không có cách gì khác hơn, nên sai sứ sang phong Lê Hoàn làm Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ Giao Chỉ Quận Vương (vua Giao Chỉ).
    Vậy theo sử Trung Hoa thời nhà Tống (960-1279), thì Lê Hoàn chỉ làm vua từ năm Quý Tỵ (993) tới khi mất là năm Ất Tỵ (1005); và từ năm 979 tới năm 992 trên danh nghĩa ông vẫn chỉ là một tôi thần của Vua Đinh Phế Đế (Đinh Toàn). Và triều Đinh tồn tại từ năm 968 cho tới năm 993(tức là 25 năm); chứ không phải chỉ 12 năm (968 – 980) như sử ngày nay viết lại ?
    Nhưng theo sử Việt thì “ Đinh Toàn (sinh năm 974) nhường ngôi lại cho Lê Hoàn năm 980, được mẹ là bà Dương Vân Nga (lúc này trở thành Hoàng hậu của triều Lê), và Lê Hoàn nuôi nấng cho đến lúc trưởng thành. Sau được phong tước vương gọi là Vệ Vương, ông hy sinh năm 1001(năm 27 tuổi) khi đang cùng vua Lê (Lê Hoàn) đánh dẹp giặc Man Cử Long”.
    Theo văn hóa Á đông, nhất là văn hóa và hệ tư tưởng của các dân tộc như Trung Hoa và Việt Nam thì khi một triều đại quân chủ mới lên ngôi, nắm quyền sinh sát thiên hạ trong tay, thì việc đầu tiên của triều mới là tìm mọi cách tiêu diệt sạch hoàng tộc và đại thần của triều cũ. Tục có câu “diệt cỏ phải diệt cho tận gốc”; dù cho các cuộc chuyển giao quyền lực này có diễn ra trong hòa bình, nhưng hầu như không bao giờ thoát khỏi quy luật khắc nghiệt này.
    Nhưng tại sao vua Đinh Phế Đế (Đinh Toàn) lại thoát khỏi quy luật này và sống tới năm 27 tuổi mới mất ?
    Trước đây nhiều năm, khi đọc đến đoạn sử liệu này của chính sử, tôi đã có thái độ hoài nghi và cho rằng các nhà sử học chép không đúng sự thật ? Nhưng không biết phải hiểu như thế nào cho đúng vì không tìm thấy tư liệu nào phản biện lại dữ liệu này của các nhà viết sử; gần đây tôi mới tìm thấy một số tư liệu trả lời cho câu hỏi này ? Tuy chỉ là một phần sự thật, nhưng đã có thể giúp bà con họ Đinh hiểu được một sự thật của lịch sử dòng Họ chúng ta .
    Như trình bày trên đây ! cuộc đảo chánh lật đổ Nhà Đinh của Lê Hoàn đã gặp sự phản đối quyết liệt của nhà Tống; để tránh một cuộc đối đầu trực tiếp với nhà Tống quá mạnh, dưới danh nghĩa bảo vệ Nhà Đinh. Lê Hoàn đã phải sử dụng hình tượng vua Đinh Phế Đế, tránh con mắt dòm ngó của các sứ thần nhà Tống. Nhiều năm sau khi tiếm ngôi Nhà Đinh (980), Lê Hoàn vẫn tự xưng là một tôi thần của Nhà Đinh; một quan đại thần trung liệt đang phò thiếu đế. Được nhà Tống xem như là cấp phó của Vua Đinh Phế Đế và chỉ được nhà Tống phong làm Tiết độ sứ. 
   Mãi tới 13 năm sau vào năm 993 (Quý Tỵ), sau nhiều cuộc tiếp xúc ngoại giao khéo léo Lê Hoàn mới được Tống Thái Tông sai sứ sang phong Lê Hoàn làm Tĩnh Hải Quân Tiết độ sứ Giao Chỉ Quận Vương (vua Giao Chỉ).
   Và như lịch sử đã ghi nhận với nhiều trường hợp tương tự; khi hình tượng của Vệ vương Đinh Toàn không còn giá trị lợi dụng và nhà Vua mới đã được “Thiên triều” phong vương, thì nhà vua cũ sẽ “phải” hy sinh khi đang làm làm nhiệm vụ - “ông hy sinh năm 1001(năm 27 tuổi) khi đang cùng vua Lê (Lê Hoàn) đánh dẹp giặc Man Cử Long” . Vâng sử ta viết rất hay, khi không làm buồn lòng ai cả ?
    Vậy trước sự thật lịch sử này, chúng ta phải hiểu như thế nào là “chính sử” cho đúng trong trường hợp này ?
ĐKT
12.01.2013

Tài liệu tham khảo
1. Hà Thiên Niên, “Lược thuật về thư tịch cổ Trung Quốc qua các thời đại viết về Việt Nam”, in trong “Học báo nhân học Đại học sư phạm Tây Nam”, Khoa học Xã hội nhân văn, số 11/2002, tr. 129-133.
2. Trương Tú Dân, “An Nam thư mục đề yếu”, Tập san Thư viện Bắc Kinh, số 1/1996.
3. Minh sử, quyển 321 “Liệt truyện” thứ 209, phần 2 “Ngoại quốc” – “An Nam”
4. Nghiêm Tòng Giản (đời Minh), “Thi vực châu tư lục”, quyển 5, “An Nam”.
5. Trịnh Tủng (đời Tống), “An Nam kỷ lược” ; “Tống sử”, quyển 488, Liệt truyện thứ 247.
6. Lý Tiên Căn (đời Thanh), “An Nam tạp ký”.
7. La Viết Quýnh, “Hàm Tân Lục” Nam Di Chí, quyển 6,
8. “ Đại Nam Nhất Thống Chí ” bộ dịch của Tụ Trai Nguyễn Tạo, Bộ Quốc gia giáo dục, Sài Gòn   
      ấn hành năm 1961.
9. Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, của Ngô Sỹ Liên, bản dịch của Viện Sử Học, xuất bản năm 1971- 1973
       ( 25 quyển).
10. Việt sử thông giám cương mục.
11. Đại Việt địa dư toàn biên.
12. Đại Việt sử lược, khuyết danh, gồm 03 quyển
13. Đại cương Lịch sử Việt Nam, NXB Giáo dục.
14. Việt Nam Sử Lược, của Trần Trọng Kim, nhà xuất bản Hà Nội ấn hành năm 1999.
15. Lịch sử Việt Nam tập 1, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội năm 1971.
16. Các Triều đại Việt Nam của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, NXB Thanh Niên, 2010.
17. Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam, của Hà Văn Thư – Trần Hồng Đức, nhà xuất bản Văn hóa
Thông tin , năm 2010.
18. Từ điển Nhân vật Lịch sử Việt Nam của Nguyễn Quỳnh Thắng – Nguyễn Bá Thế.
19. Sử ký Tư mã thiên, Phan Ngọc dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 1999.
20. Lịch sử Thế giới của Nguyễn Hiến Lê - Thiên Giang, NXB Văn hóa Thông tin, 1998.
21. Sử Trung Quốc của Nguyễn Hiến Lê, NXB Văn hóa Thông tin, 1996.
22. Trung Quốc sử lược của Phan Khoang, NXB Văn hòa – Thông tin, Hà Nội năm 2002.
23. Lịch sử văn minh Trung Quốc của Will Durant, Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Văn hóa Thông tin, 2004.
24. Sử Phật giáo thế giới, tập 1: Ấn Độ - Trung quốc ; tập 2: Phật Giáo Tích Lan,  Myanmar, Thái Lan, Laos, Campuchia của thiền sư Minh Đức Triều Tâm Ảnh.
25. Lịch sử Phật giáo Trung Quốc, của Viên Trí, NXB Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh.
26. Các bộ phái Phật giáo Tiểu thừa của André Bareau; Pháp Hiền dịch, NXB Tôn giáo, 2003.
27. Lịch sử Phật giáo Việt Nam , của GS. Lê Mạnh Thát, Tập I,II,III NXB Thuận Hóa, 1999-2001.
28. Việt Nam Văn hóa Sử cương của Đào Duy Anh, NXB Thành phố Hồ Chí Minh 1992.
29. Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 1+2+3 của Nguyễn Khắc Thuần, nhà xuất bản giáo dục, 1997. 

---------------------------------------------

CHUYỆN CỔ TÍCH GIỮA ĐỜI THƯỜNG !

Các đại diện họ Đinh các tỉnh chụp hình lư niệm


     Giữa những ngày nắng nóng của tiết trời miền Trung; tuy thời gian này ở đâu đó vẫn đang còn là ngày Xuân và của tiết Thanh minh. Tôi nhận được một cuộc điện thoại của Đinh Tấn Phước, anh báo cho tôi biết là đã nhận được lời mời của bà con Họ Đinh ở Quảng Nam – Đà Nẵng, mời tham dự cuộc gặp mặt của bà con Họ Đinh khu vực miền Trung lần thứ II vào ngày 26/04/2015, như dự kiến của chúng tôi trước đây. Tôi và anh đã thảo luận nhanh qua điện thoại một số công việc của buổi họp mặt sắp tới và thống nhất một số việc; mấy hôm sau anh gửi cho tôi một số thiệp mời để tôi mời một số đại biểu của khu vực Tây Nguyên về tham dự cuộc họp mặt. Với trách nhiệm của mình tôi đã tranh thủ về Đà Nẵng tham dự cuộc lễ.
    Buổi họp mặt được tổ chức kết hợp với Lễ kỷ niệm lần thứ 1047 năm ngày Vua Đinh Tiên Hoàng lên ngôi Hoàng đế và lễ Khánh thành cổng Tam quan Nhà thờ chung của các tộc họ Đinh Quảng Nam – Đà Nẵng tại thôn La châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Hầu hết BLL các tộc Họ Đinh của khu vực miền Trung đã cử đoàn đại biểu về tham dự cuộc lễ. Bà con sau 02 năm từ lần gặp mặt đầu tiên tại Huế nay gặp lại nhau tay bắt mặt mừng, nét mặt ai cũng rạng rỡ hân hoan và rất cảm động. Buổi lễ diễn ra sau đó tuy đơn giản nhưng trang nghiêm, bà con đã cùng thắp lên một nén tâm nhang trước bàn thờ đức Tiên Hoàng, cầu xin Ngài phù hộ cho con cháu của Ngài vững bước trên đường đời.
    Lần lượt quý vị quan khách, đại diện các đoàn đại biểu họ Đinh và đại diện một số bà con họ Đinh của các quận, huyện trong khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng lần lượt được mời lên phát biểu. Với những lời hay ý đẹp, với những tâm tư tình cảm được bà con và quan khách nói ra, nhưng tất cả đều dành những lời tốt đẹp nhất cho những việc làm của các vị tiền bối trong Hội Đồng Đinh Tộc Quảng Nam – Đà Nẵng qua các thời kỳ. Cuối cùng là một bữa cơm thân mật do chủ nhà mời; bà con họ Đinh đã cùng nâng ly uống với nhau một ly rượu mừng ngày hội ngộ. Buổi lễ kết thúc trong buổi trưa cùng ngày, bà con lưu luyến chia tay hẹn lần tới được gặp lại nhau !
   Thưa bà con trong toàn Bổn tộc ! hiện nay những phong tục tập quán, những lễ hội, những truyền thống văn hóa từ xa xưa của dân tộc, của các làng xã và của các Họ tộc đang được phục hồi rầm rộ. Những nét văn hóa tinh túy nhất trên “đất nước của các lễ hội ” này đang sống dậy, đang được phục hồi mạnh mẽ; những nhận thức sai lạc, những ý tường từng bị cho là hoài cổ đang chìm dần vào dĩ vãng.
    Vận mệnh của dân tộc Việt đang hướng tới những ngày tươi sáng trước thềm của thế kỷ 21, trong bối cảnh đó không mấy ai biết được những việc làm cao đẹp của một số các vị cao niên và một số bà con họ Đinh của các tộc họ Đinh tại khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng, trước đây và hiện nay ? Một việc làm mà tôi có thể gọi là “ Chuyện cổ tích giữa đời thường ! ”.
    Như chúng ta đều biết trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc chống lại hai đế quốc hùng mạnh là Pháp và Mỹ, khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng là một trong những chiến trường ác liệt nhất. Đây là nơi có số lượng bà mẹ Việt Nam Anh hùng nhiều nhất Việt Nam; trong suốt cuộc chiến, nhất là trong chiến tranh chống Mỹ đây là nơi đổ nát tang thương nhất, những cánh đồng lúa xanh mướt thẳng cánh cò bay tại Điện Bàn hiện nay, thời điểm đó chỉ là những cánh đồng hoang đầy rẫy bom mìn. Nhân dân Quảng Nam phải rời bỏ làng xóm bị buộc phải vào sống chen chúc trong những khu đô thị, những ấp chiến lược, nhất là tại thành phố Đà Nẵng. Những ai đến Đà Nẵng trong trong giai đoạn 1968 – 1974 mới biết sự thật này, Đà Nẵng giai đoạn này bị biến thành một trại lính, một khu gia binh, một trại tập trung khổng lồ.
    Nhưng trong những ngày ác liệt nhất với khói lửa và những mất mát của chiến tranh đó, vẫn có một số bà con họ Đinh ở đây ý thức được việc tìm về cội nguồn và kết gắn bà con trong cùng một dòng họ Đinh lại với nhau. Vào năm 1972 họ đã tìm cách liên lạc với một số bà con cùng dòng Họ tại khu vực, họ đã tìm kiếm và vận động các chi phái cùng nhau hợp lại và thành lập Hội Đồng Đinh Tộc Quảng Nam do ông Đinh Văn Vĩnh ( Hội An) là chánh Tộc biểu, ông Đinh Hoán (tức Cửu Lư) ở La Châu là trưởng Hội đồng trưởng lão. Các vị cao niên này đã tìm cách sao lục phổ hệ gia phả cùa các chi phái; truy nguyên nguồn gốc từng chi phái, tìm kiếm mối dây liên kết giữa các khi phái và hệ thống lại nhằm tìm kiếm các bậc tiền hiền cao đời nhất của họ Đinh vào lập nghiệp tại xứ Quảng. Tiếc rằng cũng do chiến tranh loạn lạc, ý nguyện này cùa các vị tiền bối vẫn chưa thực hiện được trọn vẹn.
    Sau khi hòa bình lập lại năm 1975, mọi người sau một thời gian dài ly tán đã quay về quê hương xây dựng lại làng xóm, xây dựng lại những gì đã mất. Sau khi ổn định cuộc sống, năm 1988 một số các vị cao niên có tâm huyết trong các chi phái họ Đinh tại Quảng Nam đã thành lập một Ban vận động để thành lập lại Hội Đồng Đinh Tộc Quảng Nam – Đà Nẵng.
    Ngày 15 tháng 7 năm Canh Ngọ (1990), tại nhà thờ Đinh tộc làng La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, Hội Đồng Đinh Tộc thống nhất Quảng Nam – Đà Nẵng đã được thành lập, do ông Đinh Thăng (họ Đinh La Châu) làm Chánh Tộc biểu, với nhiệm kỳ 5 năm (1990 – 1995). Kể từ đây các chi phái Họ Đinh cùa khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng đã có một tổ chức chung và sinh hoạt chung. Nhiệm kỳ thứ II (1996 – 2000) của Hội Đồng Đinh Tộc thống nhất Quảng Nam – Đà Nẵng đã quyết định tiến hành xây dựng một ngôi Nhà thờ chung của các Tộc Họ Đinh khu vực Quảng Nam - Đà Nẵng tại làng La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, ngày 12/9/1999 ngôi nhà thờ được khánh thành. Hội Đồng Đinh Tộc Quảng Nam – Đà Nẵng đã cử đoàn đại biểu ra cố đô Hoa Lư cung thỉnh tượng đức Vua Tiên Hoàng Đế về thờ tại ngôi Từ Đường đường này.
   Kể từ đây, ngôi từ đường này là nơi thờ tự và sinh hoạt chung của bà con các Tộc Họ Đinh khu vực  Quảng Nam – Đà Nẵng.
   Ngày 17/4/2008 (tức là ngày 10/3 năm Mậu Tý), Hội Đồng Đinh Tộc Quảng Nam – Đà Nẵng đã quyết định phụng lập 43 bài vị của các vị tiền hiền của các chi phái và cung thỉnh về Từ Đường an vị tại 3 gian hậu tẩm.
  Tiếc rằng cho đến nay vẫn chưa xác định được Ngài Hoàng sơ Thủy Tổ - vị tiền Khai Canh của các Tộc Họ Đinh của khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng là ai ? Các vị cao niên trong các nhiệm kỳ của Hội Đồng Đinh Tộc Quảng Nam – Đà Nẵng đành phải lập bài vị của các vị tiền hiền của tất cả các chi phái và cung thỉnh về Từ Đường để thờ tự. Nhưng việc này cũng “ với mục đích là quy tụ lòng người về một mối, có nghĩa vụ bình đẳng, chung tay góp phần xây dựng Đinh tộc Quảng Nam – Đà Nẵng mỗi ngày thêm đoàn kết, phát triển không phụ tâm ý của tiền nhân” (như lời phát biểu của ông Đinh Công Tống với chúng tôi trong cuộc gặp mặt vừa qua).
   Ngôi Từ Đường chung của các Tộc Họ Đinh Quảng Nam – Đà Nẵng ngày nay đã tọa lạc một cách vững chãi và bề thế trên một triền đồi với vị thế rất đẹp tại làng La Châu, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng. Quá trình đó các công trình phụ cũng lần lượt theo thời gian được xây dựng nên, đã tạo nên một quần thể kiến trúc thờ tự, một Tổ Đình uy nghiêm giữa những cánh đồng lúa xanh mướt ở một vùng ven ngoại thành của thành phố Đà Nẵng đầy sôi động.
   Đây là một ngôi Từ đường chung của các Tộc Họ Đinh của một tỉnh (thành) duy nhất trong cả nước cho tới nay, ngôi Từ đường được xây nên bằng công sức và tâm huyết của các vị tiền bối, bằng tiền tài vật lực của nhiều thế hệ bà con Họ Đinh Quảng Nam – Đà Nẵng ; để làm nơi thờ tự và sinh hoạt chung cho toàn thể bà con Họ Đinh trong khu vực Quảng Nam – Đà Nẵng. Đồng thời đây cũng là nơi duy nhất ở phía Nam thỉnh tượng Vua Đinh Tiên Hoàng từ cố đô Hoa Lư về thờ một cách chính thức, một việc làm mà ở nhiều nơi trong cả nước chưa làm được.
   Cũng trong cuộc hội ngộ vừa qua (26/04/2015), qua lời giới thiệu của Thường trực BLL họ Đinh miền Trung & Tây nguyên khi biết tôi là người nghiên cứu về lịch sử và văn hóa Họ tộc, các vị trong Hội Đồng Đinh Tộc Quảng Nam – Đà Nẵng có nhờ tôi một số việc, tôi vui vẻ nhận lời và hứa sẽ thực hiện. Các anh có tặng cho tôi một bài thơ ngắn theo thể “ thất ngôn, bát cú ” rất hay, bài thơ được in trên một tờ giấy khổ A4. Xin tặng lại cho bà con đọc để suy ngẫm và để kết thúc bài viết này :

                                  VẠN XUÂN TIẾP NỐI

                               Mười hai sứ loạn chẳng nhường ai,
                               Cứu vớt non sông cả dặm dài.
                               Tập trận cờ lau uy một thuở,
                               Xưng vương Vạn Thắng lực không phai.
                               Khởi đầu đế nghiệp lưu tiền sử,
                               Tiếp nối tông môn dẫn hậu lai.
                               Tổ đức nghìn thu luôn xán lạn,
                               Núi sông hưng vượng phát hiền tài.
                                                                        
                                                                        Tác giả :  Đinh Công Tôn
                                                                Tộc Đinh Công
                                                                Thanh Châu – Tân Phong
                                                                Duy Xuyên – Quảng Nam
                                                                                     
     Kỹ niệm một chuyến đi nhiều ý nghĩa!

Đà Nẵng, 28/04/2015
ĐKT 

Một số hình ảnh về cuộc gặp mặt.